Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTự do hàng hải ở Biển Đông: Quan điểm và thực trạng

Tự do hàng hải ở Biển Đông: Quan điểm và thực trạng

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế.

Tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông

Tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3.5 triệu km vuông, từ vĩ độ 3° đến 26° Bắc và từ kinh độ 100° đến 121° Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Camphuchia. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực, nó còn có ảnh hưởng lớn đối với châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ.

Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, băng cháy…). Biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Có 5 tuyến đường biển lớn nhất thế giới đi xuyên qua khu vực Biển Đông (tuyến từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Newzealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và Newzealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á). Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới (mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại đi qua đây, 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên) 45% lượng vận tải thương mại của thế giới đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới (cảng Singapore và Hồng Công) và có 4 eo biển quan trọng đối với nhiều nước (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).

Nằm ở trung tâm Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới, đáng chú ý: (1) Eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia và Malaysia), hàng hóa của các nước Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua đây. (2) Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược, có thể dùng để kiêm soát các tuyến hàng hải và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè…

Tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông ảnh hưởng đối với các nước

Về kinh tế: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực đang phát triển, có thị trường lớn; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… qua các nước châu Âu, châu Mỹ; nhập khẩu thiết bị kỹ thuật công nghệ cao từ các nước phát triển. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, các nước thường sử dụng đường biển vì nó có ưu điểm về kinh tế so với các loại hình vận chuyển khác.

Trong khu vực, một số nước có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển (Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc …), cụ thể: Nhật Bản hàng năm có khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối hàng hoá xuất khẩu đi qua khu vực Biển Đông; Trung Quốc có 29/39 tuyến đường biển, 60% hàng hóa xuất khẩu và 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông, năm 2010 thương mại biển TRUNG QUốC chiếm 9,87% GDP; xuất khẩu hàng hóa các nước Đông Nam Á chiếm 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40%. Vì vậy, những nước này đều tập trung phát triển ngành vận tải đường biển và quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải, đặc biệt là tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Đối với một số nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Australia…, thị trường xuất nhập khẩu của những nước này chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; hàng hóa vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Ấn Độ Dương đều phải qua khu vực Biển Đông. Vì vậy, nếu xảy ra xung đột ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy dọc theo đường mới hoặc vòng qua phía Nam Australia, khi đó cước phí vận tải tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước.

Về quân sự: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết; nạn cướp biển và khủng bố trong khu vực Biển Đông ở mức cao. Vì vậy, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa hình, chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Ngoài ra, tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông còn có ý nghĩa lớn về mặt quân sự đối với Mỹ và các nước đồng minh, vì: (1) Đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines, Singapore) đều có mối liên hệ mật thiết với Biển Đông; (2) Tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc; (3) Có tuyến đường ngắn nhất để Mỹ chuyển quân từ Hạm động Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông, Tây Á (từ Biển Đông chạy qua eo Malacca);(4) Đảm bảo an ninh hàng hải cho các tàu thương mại của Mỹ và các nước đồng minh.

Về chính trị: Biển Đônng còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.

Quan điểm của các nước về tự do hàng hải ở Biển Đông

Quan điểm của Mỹ: Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế. Tuy nhiên, trước những thái độ tự do lưu thông hàng hải của các nước trên thế giới. Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc (tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực…). Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ấn Độ: Ấn Độ luôn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, thời gian gần đâ, Ấn Độ và VN tăng cường hợp tác quân sự và khai thác dầu khí tại Biển Đông đã gặp phải sự phản đối của TRUNG QUốC. Phía Ấn Độ đã có thái độ cứng rắn và bày tỏ sự ủng hộ mạnh đối với tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Ấn Độ cho rằng thăm dò dầu khí là một lĩnh vực quan trọng trong tiến trình hợp tác với VN, Ấn Độ hợp tác với VN căn cứ trên luật lệ, công ước và chuẩn mực quốc tế, ủng hộ các nước sử dụng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền khu vực Biển Đông.

Australia: Quan điểm của Australia cũng như một số nước khác trong khu vực là cần tạo ra một cơ cấu để có thể kiểm soát và kiềm chế được các xung đột ở Biển Đông. Australia cũng như nhiều nước khác có quyền lợi gián tiếp liên quan đến những sự kiện tại Biển Đông, nhưng Australia phải chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc và Mỹ đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên rất khó để Australia can thiệp vào những xung đột nhỏ trên biển. Tuy nhiên, tại Hội nghị Tham vấn bộ trưởng 2011 (AUSMIN), Mỹ và Australia đã cùng ra thông cáo chung phản đối sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông; tái khẳng định tự do hàng hải, duy trì hòa bình- ổn định, tinh thần tôn trọng quốc tế và giao thương hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Australia cũng như với cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản: Nhật Bản là một quốc đảo, 45% hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển qua Biển Đông. Ngoài ra, tuy Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hiện Nhật Bản và Trung Quốc còn tranh chấp về chủ quyền đảo Điếu Ngư. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do thương mại hàng hải; phản đối các hành động gây hấn và các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhật Bản cho rằng, liên minh Mỹ – Nhật sẽ là nền tảng cho hoàn bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc: Với việc tuyên bố có chủ quyền đối với 80% Biển Đông; tăng cường sức mạnh và trang bị quân sự; có nhiều hoạt động “khiêu khích” các nước trong khu vực Biển Đông, va chạm tàu Philippines, cắm mốc và xây dựng các căn cứ đồn trú quân sự trên Biển Đông…) đã làm cho tranh chấp trên Biển Đông căng thẳng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn sử dụng “giọng điệu” tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời cho rằng các tuyến hàng hải trên vùng biển xung quanh Trung Quốc, cũng như các vùng biển lân cận, không bị cản trở; tàu bè tiếp tục được tự do đi lại trên các tuyến hàng hải này.

Philippines: Philippines là một trong 5 nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chính phủ Philippines luôn có thái độ cứng rắn và phản đối mạnh với các tuyên bố, hoạt động quân sự, khai thác dầu khí, đáng bắt cá của TRUNG QUốC. Tuy mới kết thúc chuyến thăm Trung Quốc nhằm giảm bớt những căng thẳng tại Biển Đông và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước, Tổng thống Benigno Aquino vẫn đưa ra lập trường cứng rắn về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời đặt ra mục tiêu tìm kiếm viện trợ quân sự từ Mỹ để củng cố vị thế trong khu vực; Philippines cho rằng một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản … có vai trò quan trọng đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực.

Singapore: Singapore không liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Trước đây Singapore thường thể hiện thái độ trung lập, không đưa ra những tuyên bố trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tự do hàng hải có ảnh hưởng trực tiếp đến Singapore, Bộ Ngoại giao Singapore đã ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông và thể hiện thái độ quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề làm ảnh hưởng tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quốc tế, trong đó có Biển Đông.

Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bruney: Đều lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; kêu gọi các nước thực hiện DOC và ký kết COC; có các hành động đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực; giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động tuyên bố chủ quyền theo đường “lưỡi bò”, thực hiện nghiêm túc các tuyên bố chung đã ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nước ASEAN không liên quan đến lợi ích trực tiếp đến khu vực Biển Đông như Myanmar, Lào, Camphuchia đều né tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông do tính toán lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Thời gian gần đây, cùng với việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng kinh tế chính trị đối với một số nước này, Myanmar đã ông khai ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và vấn đề tự do hàng hải.

Dư luận quốc tế và báo chí về tự do hàng hải

Nhận định của các chuyên gia, học giả: Một số chuyên gia, học giả trên thế giới như Nghị sĩ Rodolfo Biazon, Nghị sĩ Ben Evardone (Philippines); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta; Michael Vatikiotis, Chuyên gia An ninh tại Trung tâm đối thoại nhân văn Singapore; Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Tổng Cục Chính Trị và An Ninh của Ban Thư Ký ASEAN; Tiến sĩ Peter Dutton, Giáo sư thuộc Học Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc; Giáo sư Carl Thayer; Thượng Nghị Sĩ John McCain… đều đưa ra nhận định, an ninh khu vực Biển Đông ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của cả những nước không tranh chấp chủ quyền; mặc dù tồn tại bất đồng tại Biển Đông trong thời gian dài, nhưng khu vực này vẫn là vùng biển có giao thông vận chuyển hàng hải năng động trên thế giới; nguyên nhân chính chưa giải quyết được tranh chấp chủ quyền của các nước ở Biển Đông là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo đường “lưỡi bò” và tự do hàng không thể “sống chung” với đường “lưỡi bò” của Trung Quốc. Một số chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại các phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải đối với các nước.

Tình hình trên Biển Đông hiện nay cho thấy cần có Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông để tránh xảy ra xung đột giữa các nước; quyền lợi hợp pháp của các nước trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán; chấm dứt việc đe dọa về quân sự hoặc gây áp lực trong xác nhận chủ quyền; kêu gọi Trung Quốc và ASEAN hãy tôn trọng Tuyên bố DOC, hạn chế các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình ổn định tại Biển Đông.

Nhận định của báo chí: Một số Hãng thông tấn như New York Times, VOA, BBC, Inquirer (Philippnes), Daily Youmuri (Nhật Bản) đưa ra nhận định, “căng thẳng bùng lên” ở Biển Đông đã chứng tỏ Tuyên bố DOC không đạt hiệu quả. Các nước trong khu vực ngày càng bất bình với việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền, phát triển sức mạnh quân sự và có nhiều hoạt động “khiêu khích” các nước xung quanh. Tranh chấp chủ quyền trong khu vực vẫn chưa được giải quyết là do Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với từng nước thông qua đàm phán song phương, nhưng VN, Indonesia và Philippines muốn sử dụng giải pháp đa phương để giải quyết tranh chấp. Vì vậy, các nước ASEAN phải đoàn kết, thống nhất lập trường chung trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc; kêu gọi Bắc Kinh cần kiềm chế trên biển và cho rằng Trung Quốc đã phá vỡ cam kết DOC 2002.

Tuy nhiên, một số trang mạng Trung Quốc ( Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu, Nhật báo Nhân Dân…) liên tục chỉ trích và phê phán một số nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản đã can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động phục vụ kế hoạch “trở lại Đông Nam Á”, đưa ra một số cam kết hỗ trợ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, động cơ thực sự khiến Mỹ can dự vào Biển Đông là xuất phát từ lợi ích chiến lược của Mỹ.

Thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến theo triều hướng phức tạp hơn. Sự tranh giành lợi ích giữa các bên sẽ căng thẳng hơn do các nước đều có lợi ích đan xen tại đây. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ bành trướng và gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông thông qua việc khẳng định lợi ích “cốt lõi”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ quyền trong nước và quốc tế; tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đối với một số nước trong khu vực, tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và công tác nghiên cứu đại dương. Tuy nhiên, Mỹ cũng như các cường quốc trên thế giới sẽ không để yên cho các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Những nước này sẽ tích cực tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đồng thời có các biện pháp thiết thực ngăn chặn và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới