Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPháp muốn lập đội quân châu Âu thoát Mỹ

Pháp muốn lập đội quân châu Âu thoát Mỹ

Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu tự có quân đội riêng để tự chống lại đe dọa từ Nga chứ không phụ thuộc vào Mỹ.

Hệ quả của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lương hạt nhân Tầm trung (INF) tiếp tục được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trong chương trình được phát trực tiếp trên Đài phát thanh Europe 1.

Tổng thống Pháp theo đó đã nhấn mạnh rằng, việc thành lập một lực lượng quân sự chung của các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên cần thiết hơn khi nào hết, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước INF thời Chiến tranh Lạnh.

“Khi tôi thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vài tuần trước rằng Washington sẽ rút khỏi một hiệp ước giải trừ quan trọng, được ký sau một cuộc khủng hoảng tên lửa sâu sắc ở châu Âu vào giữa những năm 1980, tôi sẽ nhắc nhở cho bạn biết, rõ ràng châu Âu và an ninh của châu Âu đang trở thành nạn nhân chính” – ông Macron tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh ông không muốn làm phức tạp vấn đề hơn khi tuyên bố như vậy nhưng thực tế cho thấy, thế giới càng bất ổn hơn và người châu Âu phải làm gì đó. 

“Chúng ta đang sống trong thế giới mà các xu hướng nguy hiểm lại xuất hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một châu Âu mạnh hơn” – Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

“Chúng ta sẽ không bảo vệ được người dân Châu Âu trừ khi chúng ta quyết định có một quân đội Châu Âu thực sự” – Tổng thống Pháp khẳng định.

Ý định xây dựng đội quân châu Âu được ông Macron đưa ra ngay trước bối cảnh các nước châu Âu đang kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Bên cạnh việc xây dựng đội quân của riêng châu Âu, Tổng thống Macron không phủ nhận rằng, mối đe dọa của Nga là có tồn tại.

Đối mặt với một “nước Nga nằm ở biên giới của chúng ta và đã chỉ ra rằng họ có thể là một mối đe doạ”, ông Macron lập luận: “Chúng ta cần một Châu Âu tự vệ tốt hơn chứ không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, theo một cách có chủ quyền hơn”.

“Chúng ta phải bảo vệ chính mình đối với Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ” – ông nói.

Tổng thống Pháp là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên công khai thừa nhận quyết định rút khỏi thỏa thuận lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hại cho an ninh châu Âu.

Động thái của ông Trump cũng làm dấy lên những làn sóng chỉ trích ở Đức. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải suy nghĩ lại chiến lược kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí để bảo tồn hòa bình.

Phap muon lap doi quan chau Au thoat My
Ông Trump đã đánh đồng minh EU một cách trực tiếp và cả gián tiếp.

Ngoại trưởng Đức cho rằng, mối quan hệ song phương giữa Đức và Mỹ cần phải được định nghĩa lại. Trong nhiều thập kỷ trước đây, mối quan hệ này được các lãnh đạo cũng như giới học giả hai nước coi là “đồng minh thân thiết không thể xoay chuyển”, nhưng theo ông Maas, mối quan hệ giữa Đức và Mỹ ngày nay cần phải biến thành “đối tác”.

Ông Heiko Maas sử dụng cụm từ “đối tác cân bằng”, vì cho rằng điều này cho phép nước Đức tạo ra một sự đối trọng cần thiết “trong các trường hợp mà nước Mỹ vượt qua lằn ranh đỏ” hoặc “tại những nơi mà nước Mỹ rút lui”.

Để thực thi chiến lược mới này, theo ông Maas, nước Đức cần sự đoàn kết và ủng hộ của toàn bộ châu Âu, với tầm nhìn biến “Liên minh châu Âu thành một trụ cột của trật tự thế giới”.

Có thể thấy rõ, chính sách tấn công đồng minh của ông Trump một cách rõ ràng.

Việc ban bố biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, áp đặt trừng phạt Iran và từ chối miễn trừ của châu Âu trong thương mại dầu mỏ cũng như trực tiếp tấn công vào châu Âu bằng chiêu bài thuế quan, Mỹ đã cho thấy một cách rõ ràng nhất mục tiêu mà họ muốn nhắm đến là sự tận tụy hơn nữa từ cách nước đồng minh châu Âu.

Ông Trump có thể đã nắm trong tay con bài quyền lực để sẵn sàng tấn công EU cả trực tiếp và gián tiếp mà không lo ngại sứt mẻ tình đồng minh.

Nhưng những phản ứng một cách công khai nhất từ châu Âu đang cho thấy họ không sẵn sàng làm con tốt thí nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới