Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ là mối đe dọa đối với các cuộc bầu cử Mỹ

TQ là mối đe dọa đối với các cuộc bầu cử Mỹ

      Chiến tranh thương mại là thứ hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung? Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục làm gia tăng căng thẳng song phương bằng việc cáo buộc Trung Quốc can thiệp tiến trình bầu cử Mỹ. Phó Tổng thống Mike Pence cũng đưa ra những chỉ trích tương tự, lên án việc Trung Quốc lợi dụng “các cá nhân, tổ chức giả mạo và các phương tiện tuyên truyền để thay đổi quan điểm của Mỹ về chính sách Trung Quốc”.


Hầu hết các phân tích về tuyên bố của Chính quyền Trump đều xoay quanh việc liệu có đúng là Trung Quốc đã tìm cách tấn công tiến trình bầu cử của Mỹ như những gì Nga từng làm vào năm 2016 hay không? Giới chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, song lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cụ thể, và họ cũng dẫn chứng thực tế là các chuyên gia về an ninh mạng cũng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của tin tặc liên quan tới cuộc bầu cử giữa nhiệm ngày 6/11.

Tuy nhiên, việc bỏ qua mối đe dọa này là điều cực kỳ nguy hiểm bởi điều Trung Quốc làm thậm chí còn tinh vi hơn so với những gì Mỹ từng chứng kiến từ Nga cách đây 2 năm. Theo Tổng thống Trump, cuộc tấn công vẫn đang được tiến hành của Trung Quốc sẽ càng được đẩy mạnh hơn nữa khi Washington tiếp tục các bình luận và hành động hủy hoại lợi ích của quốc gia này. 

Một số chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh đã chủ đích nhằm vào các khu vực cử tri truyền thống của đảng Cộng hòa, nhất là những nơi phải hứng chịu hệ quả kinh tế từ việc Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa từ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền âm thầm của Bắc Kinh còn đáng lo ngại hơn nhiều. Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Xem xét Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung đã công bố một báo cáo lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền tinh vi và bí mật, song mục tiêu của nỗ lực này không phải là ở trong nước. Đảng Cộng sản truyền bá các tư tưởng tại Mỹ thông qua các quảng cáo đăng trên báo chí, thông qua các trường đại học, và các tài trợ trong lĩnh vực học thuật, cũng như các viện nghiên cứu chính sách với thành viên là các cá nhân được nhà nước hậu thuẫn. Trung Quốc đã triển khai những nỗ lực này từ nhiều năm trước song nhiều chuyên gia xác định rằng một hiện tượng mới diễn ra gần đây là có những khu vực, với những tờ báo địa phương cụ thể được “lựa chọn” là mục tiêu gia tăng chiến dịch này. 

Tuy nhiên, kiểu tấn công này không phải là mới. Nhiều quốc gia bên ngoài vẫn luôn tìm cách tác động đến cuộc bầu cử Mỹ. Vì vậy, tốt hơn cả là Mỹ nên chuẩn bị ứng phó trước các diễn biến này. Nhà phân tích Ken Doctor cho rằng các tờ báo nên cân nhắc việc thêm phần miêu tả cho một quảng cáo, nhất là khi quảng cáo đó có nguồn từ một quốc gia thù địch như Trung Quốc. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp Mỹ cũng cần đưa ra những luận điểm cụ thể để cảnh báo người lao động và người tiêu dùng về tác động chính trị đối với hoạt động của mình.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cần nỗ lực và đồng bộ trong việc đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc một cách quyết đoán và hiệu quả hơn. Tháng 9 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã và Kênh Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc phải đăng ký tư cách cơ quan nước ngoài, nhằm hạn chế các hoạt động thu thập thông tin của các đơn vị này tại Mỹ. Đây là một khởi đầu tốt, song Mỹ cần làm nhiều hơn để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các thực thể đại diện cho nước ngoài trên lãnh thổ của mình. 
Về mặt kinh tế, vẫn còn rất nhiều công việc phải làm để kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo quyền lực mềm trên toàn cầu của Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc, nhất là sau khi quốc gia này đẩy mạnh thực hiện kế hoạch khổng lồ nhằm đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới và ngành công nghiệp điện ảnh tại Mỹ. Mỹ cần giành lại quyền kiểm soát tại các thể chế văn hóa, hoặc ít nhất là bắt kịp các khoản đầu tư này của Trung Quốc như những gì họ đang thúc đẩy với việc thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD). 

Các công ty truyền thông xã hội cũng cần đảm bảo rằng cử tri Mỹ không chịu ảnh hưởng sai lệnh từ các thực thể nước ngoài tìm cách truyền bá thông tin giả mạo bằng cách chặn nội dung từ các nguồn khả nghi và đưa ra cảnh báo phù hợp. 
Người Mỹ không nên phủ nhận rằng có những kẻ thù thực sự đang tìm cách hủy hoại hệ thống bầu cử Mỹ và tác động đến các kết quả chính trị. Mỹ cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các diễn biến này bằng cách trang bị cho cử tri sự hiểu biết và giành lại tầm ảnh ảnh trên toàn cầu để hạn chế những mối đe dọa kinh tế và địa chính trị từ Trung Quốc. 

RELATED ARTICLES

Tin mới