Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 13/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 13/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 13/11/2018.

Tổng thống Duterte sẽ tái khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông

Ngày 13/11, Manila Bulletin đưa tin, theo tuyên bố của Phủ Tổng thống – Điện Malacañang, Tổng thống Philippines Duterte sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN khác tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore. Tại đây, dự kiến, Tổng thống Duterte sẽ tái khẳng định lập trường của Philippines về vấn đề Biển Đông. Theo Phủ Tổng thống, “Tổng thống sẽ nhắc lại lập trường nguyên tắc của Philippines về vấn đề Biển Đông, các vấn đề nội bộ và xuyên biên giới như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn bán người, buôn bán trái phép chất ma túy và vấn đề giảm thiểu, quản lý rủi ro thiên tai”. Cũng theo Điện Malacañang, Philippines đang dự kiến trao đổi quan điểm về việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như thảo luận về tình hình khu vực, thế giới có tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Trung Quốc tiếp tục thăm dò năng lượng ở Biển Đông

Ngày 12/11, China Daily đưa tin, Trung Quốc đã khởi động hoạt động phát triển và xây dựng giếng thăm dò nước sâu đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông – mỏ khí Lingshui 17-2, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và xây dựng mỏ khí của đất nước. Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, mỏ này có trữ lượng khoảng trên 100 tỷ m3 khí, nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 150km về phía Nam, có độ sâu trung bình là 1450m dưới mực nước biển.

ASEAN – Trung Quốc gặp để giải quyết tranh chấp Biển Đông

Theo hãng tin MSN của Philippines ngày 13/11, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị liên quan từ ngày 13-16/11 tại Singapore. Tại buổi họp báo trước chuyến đi của đoàn Philippines, Trợ lý Ngoại trưởng Junever Mahilum-West cho biết “Tôi không thể nói chi tiết các cuộc thảo luận. Nhưng chắc chắn sẽ có thảo luận về vấn đề Biển Đông”. Đặc biệt, vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc.

Philippines quá mềm mỏng hay đang thận trọng?

Ngày 12/11, tờ Sun Star Cebu đăng bài viết đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và đặt ra câu hỏi liệu Philippines quá mềm mỏng hay chỉ đang thận trọng? Gần đây, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines, bày tỏ nghi ngờ về biện hộ của Trung Quốc cho rằng các trạm khí tượng mới được vận hành trên các cấu trúc ở Biển Đông chỉ nhằm phục vụ dịch vụ công cộng cho các quốc gia trong khu vực. Nói chung, các nước đều có các căn cứ quân sự và các trạm khí tượng. Tuy nhiên, những diễn biến mới trên Biển Đông lại gợn lên lo lắng rằng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Bộ Quốc phòng nước này phải cẩn thận, vì những trạm khí tượng mới này có thể sử dụng cho mục đích quân sự, như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng từng đề cập. Trung Quốc thì luôn miệng rêu rao rằng các trạm khí tượng chủ yếu được sử dụng để bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông. Tuy vậy, vấn đề cần phải nhìn sâu hơn đó là khả năng các dữ liệu được thu thập bởi các trạm khí tượng này có thể được sử dụng vì các mục đích khác với những gì Trung Quốc tuyên bố. Hoặc đó có thể là cách Bắc Kinh che giấu mục đích quân sự của các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bất kể nguồn thông tin được kiểm chứng là gì, Chính phủ Philippines cũng phải cẩn thận. Jumel G. Estrañero, nhà phân tích quốc phòng của Philippines nhắc nhở nước này đang có các khoản vay từ Trung Quốc, và Bắc Kinh có thể dễ dàng cho nổ tung bong bóng mà có hoặc không có lợi cho cả hai bên. Các phương tiện truyền thông luôn cho rằng Trung Quốc phớt lờ phán quyết Tòa Trọng tài. Điều thú vị ở đây là Tổng thống Duterte cũng đã xếp phán quyết sang một bên để đổi lấy trợ cấp, viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc. Ông Estrañero cho rằng khi nào và đâu là thời điểm hoàn hảo để nói về phán quyết sẽ là quyết định của Tổng thống, nhưng các chuyên gia sẽ có hành động thích hợp nếu những báo cáo liên quan đến diễn biến trên Biển Đông là đúng và phù hợp với chỉ đạo của Tổng thống cũng như các quy tắc của luật quốc tế và nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới