Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 14/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 14/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 14/11/2018.

Bắc Kinh hy vọng kết thúc đàm phán COC trong 3 năm

Ngày 13/11, Reuters đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu Bắc Kinh hy vọng quá trình tham vấn với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong 3 năm, đóng góp cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông Lý cũng cho rằng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được lợi từ tiến trình này, từ đó thúc đẩy thương mại tự do và phục vụ lợi ích của các bên khác.

Cố vấn an ninh Mỹ cảnh báo Trung Quốc chống lại tự do qua lại ở Biển Đông

Theo The Wall Street Journal ngày 13/11, phát biểu với báo giới tại Singapore, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton cho rằng Mỹ cần phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp ở Biển Đông nếu thỏa thuận đó hạn chế việc các tàu thuyền quốc tế qua lại tự do, đồng thời nhấn mạnh các tàu hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua vùng biển này. Phát biểu của ông Bolton được coi như lời cảnh báo đối với lãnh đạo các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị tham dự Hội nghị cấp cao tại Singapore trong tuần này, đặc biệt là đối với Philippines – nước đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc về thăm dò chung nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp này.

Tại các cuộc họp về COC trong năm nay, Trung Quốc luôn cố đòi quyền phủ quyết về việc các nước Đông Nam Á chủ trì diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực tại các vùng biển tranh chấp. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ tiềm ẩn hạn chế sự can dự của quân đội Mỹ với các nước như Thái Lan, Việt Nam, Philippines. Các nhà phân tích an ninh cho rằng các nước Đông Nam Á có thể sẽ không chấp nhận đề xuất nào của Trung Quốc mà ngăn cản họ tập trận chung với Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thúc giục các nước láng giềng chỉ hợp tác phát triển tài nguyên của khu vực với các nước cùng khu vực. Ông Bolton cho rằng, về nguyên tắc, Mỹ hoan nghênh các cuộc đàm phán, tuy nhiên, “kết quả phải được các nước đàm phán cùng chấp nhận, và phải mang tính chấp nhận được đối với tất cả các quốc gia có quyền về biển hợp pháp, quyền qua lại trên biển và tất cả các quyền phù hợp khác mà Mỹ không muốn bị xâm phạm”. Quân đội Mỹ đã tiến hành các hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc Ông Bolton cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động này và tăng chi tiêu quân sự, nâng cấp độ can dự với các nước khác trong khu vực để tái củng cố vị thế của mình.

Philippines cam kết sớm hoàn thành COC

Ngày 14/11, Inquirer đưa tin, phát biểu tại buổi ăn tối làm việc sau phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Tổng thống Philippines Duterte trấn an các nhà lãnh đạo Đông Nam Á rằng Philippines tiếp tục “cam kết” sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tự kiềm chế tại vùng biển tranh chấp. Tổng thống Duterte cho biết Philippines đã sẵn sàng làm nhiệm vụ của mình là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc từ nay đến năm 2021, “Philippines cam kết làm việc với tất cả các bên liên quan để có đàm phán thực chất và sớm kết thúc một Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả”. Đồng thời, ông Duterte cũng tái khẳng định Manila sẽ “thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Điều này bao gồm cả việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện tự kiềm chế, tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Phó Tổng thống Mỹ thách thức Trung Quốc

Ngày 14/11, Business Insider đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã công du quanh các nước Châu Á với một thông điệp dành cho Trung Quốc, đó là “Mỹ sẽ không bị bắt nạt”. Cụ thể, Phó Tổng thống Mỹ đã bay từ Nhật Bản sang Singapore, qua phạm vi 50 dặm từ các tiền đồn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ông Pence mô tả chuyến bay này như là một hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Thực tế, với khoảng cách như vậy, đây không phải là hoạt động FONOP chính thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến FONOP thường xuyên trên trên thế giới, chủ yếu là nhằm đưa ra dấu hiệu Mỹ không công nhận yêu sách lãnh thổ của một nước nào đó, ý định của ông Pence đã nhắm trúng đích là chống lại Trung Quốc. Ông Pence cũng nhắc lại bài phát biểu của mình vào tháng trước rằng “Mỹ sẽ không bị bắt nạt. Mỹ sẽ không quỳ gối. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải”, đồng thời, nói thêm rằng, nếu Trung Quốc từ chối tham gia cuộc chơi, vậy thì “Mỹ có mặt ở đây là để ở lại”.

RELATED ARTICLES

Tin mới