Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ cương quyết không để TQ lộng hành trên Biển Đông

Mỹ cương quyết không để TQ lộng hành trên Biển Đông

Trao đổi với giới truyền thông, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ (1/11) dự đoán những vụ chạm trán với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tiếp diễn, nhấn mạnh hạn chế tối đa tính toán sai lầm tránh dẫn đến các sự cố chiến lược.

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ

Mỹ tiếp tục gia tăng các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Đô đốc John Richardson cho biết: “Chúng ta nhìn thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng hoạt động một cách chiến lược. Không có gì bất ngờ trước sự gia tăng các hoạt động hàng hải trong khu vực, đặc biệt là những hoạt động của hải quân Trung Quốc”; đồng thời nhấn mạnh Hải quân Mỹ cũng duy trì sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển, nên sẽ “tiếp tục xảy ra các trường hợp hải quân 2 nước chạm trán”. Ông John Richardson cho rằng các bên cần tuân thủ đúng quy trình liên lạc giữa các lực lượng hải quân, duy trì tính chuyên nghiệp và tránh rủi ro trên biển, đảm bảo sự đi lại an toàn trên vùng biển quan trọng; tái khẳng định lập trường của Mỹ trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó ASEAN là tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực. Liên quan Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), ông Đô đốc John Richardson cho rằng việc đàm phám COC hiện nay có những diễn biến rất tích cực, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc duy trì các tuyến đường an toàn trên vùng biển quốc tế; nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh việc ASEAN cân nhắc cho các bên không ký kết tăng cường tham gia cùng với các nước thành viên COC, đồng thời đánh giá cao việc mở rộng giám sát không chỉ các hoạt động trên biển mà còn trên vùng trời Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi những tiến triển đối thoại và kỳ vọng về các bước tiến mới. Liên quan kế hoạch diễn tập chung trên biển Mỹ – ASEAN 2019, Đô đốc Richardson cho biết mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn lên ý tưởng và chưa có thông tin chi tiết, khẳng định Mỹ rất trông chờ cuộc diễn tập chung sắp tới, cho rằng đây là cơ hội để thể hiện sự toàn diện trong chính sách của ASEAN trong khu vực, sẵn sàng tiếp cận những đối tác không phải là quốc gia thành viên.

Trước đó, trong một cuộc họp báo tại Manila (Philippines), Đô đốc John Richardson (29/10) cho biết Mỹ sẽ tiếp tục chương trình tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh những hoạt động tuần tra như thế thể hiện lập trường của Mỹ chống lại những “tuyên bố chủ quyền biển phi pháp” trong khu vực.

Hoạt động của Mỹ ở Biển Đông là phù hợp các quy định luật pháp quốc tế

Các quan chức Hải quân đã cho biết việc Mỹ đưa tàu tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp là cần thiết để khẳng định lập trường của Mỹ rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp không thể được coi là lãnh thổ có chủ quyền với vùng lãnh hải xung quanh; đồng thời khẳng định luật pháp quốc tế cho phép tàu quân sự quyền “qua lại tự do” trong các vùng biển quốc tế mà không cần thông báo. Ngoài ra, Biển Đông là khu vực có liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ, vì vậy dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của Mỹ, việc Washington tiến hành các kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông là hợp pháp, cụ thể: (1) Mỹ tiến hành hoạt động trong vùng biển quốc tế nhằm thực thi quyền tự do biển cả, đây được xem là quyền đương nhiên của bất kỳ quốc gia nào. Ngoài ra, Biển Đông vốn tồn tại như một con đường giao thông huyết mạch, do đó, việc tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực là bảo vệ lợi ích chính đáng, hiển nhiên của Mỹ, cũng như các quốc gia khác có tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông. (2) Biển Đông không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ, nó còn là khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một số nước đồng minh của Mỹ (Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…). Nên việc tuần tra, kết hợp với các cuộc tập trận với các nước đồng minh là để củng cố mối quan hệ liên minh quân sự và thực hiện các cam kết, hiệp ước song phương với các nước đồng minh. Mỹ đã ký các Hiếp ước phòng thủ (30/8/1951) và Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA, 2014) với Philippines. Căn cứ vào hai Hiệp định này Mỹ hoàn toàn hợp pháp khi tiến hành hoạt động quân sự ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Philiipines tại Biển Đông. (3) Tính chất và mức độ tiến hành các hoạt động quân sự đều nằm trong khuôn khổ an toàn, an ninh biển không đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác. Dù cho Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông sẽ làm căng thẳng thêm tình hình và mang tính chất đối đầu với quốc gia này. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định từ một phía Trung Quốc và không có cơ sở xác đáng cho lập luận này. Do đó, hoạt động quân sự mà Mỹ đang tiến hành ở Biển Đông nằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế.

Mỹ tăng cường hiện diện và can dự ở Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ

Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên.

Tự do hàng hải là lợi ích then chốt và cũng là lợi ích kinh tế và an ninh quan trọng nhất đối với Mỹ. Biển Đông là tuyến đường thương mại quan trọng nhất và Mỹ coi tuyến đường này là vùng nước quốc tế cho phép tàu thuyền quân sự và thương mại tự do qua lại. Một phân tích của Mỹ nêu “Mối đe dọa đối với tự do hàng hải qua biển Đông sẽ phá vỡ nghiêm trọng đến kinh tế khu vực. Sự tăng trưởng của kinh tế và an ninh của Mỹ phụ thuộc vào việc duy trì tự do hàng hải với cả tàu buôn và tàu quân sự”. Mỹ luôn ủng hộ tự do hàng hải trên thế giới, bao gồm cả Biển Đông và có lợi ích tại các tuyến đường biển trong khu vực và do đó quan tâm đến việc giải quyết hòa bình tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng khác.

Không những vậy, Biển Đông được xác định là một trong 10 vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và là khu vực có tuyến đường giao thông quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như chống hải tặc và khủng bố, đặc biệt tại eo biển Malacca. Hiện Mỹ duy trì các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Philippines nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Philippines, từ đó củng cố lợi ích và khẳng định vị thế của Mỹ ở Biển Đông.

Biện pháp và cách thức Mỹ tăng cường hiện diện, can dự vào vấn đề Biển Đông

Để tăng cường hiện diện và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông, Mỹ đã sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau, cụ thể: (1) Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Từ năm 2009 đến năm 2018, Mỹ đã nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, chẳng hạn như cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển với nhiều nước: Brunei, Idonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Bên cạnh đó tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai với Philippines, đồng thời đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà lan, Peru…. (2) Mỹ tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. Mỹ đã có cam kết rõ ràng với Philippines trong việc ủng hộ Philppines nâng cao năng lực phòng vệ chủ quyền biển đảo, thông qua các biện pháp cụ thể như cung cấp các trang thiết bị, vật tư thỏa đáng để góp phần nâng cao lực lượng quân sự của Philippines, nhất là đối với lực lượng hải quân. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác trên biển với Việt Nam và nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết bảo vệ hòa bình, phồn vinh và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời ám chỉ rất rõ sự quan tâm của Mỹ đối với căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. (3) Mỹ cũng tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp liên quan. Mỹ cũng tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ để can thiệp vào tình hình Biển Đông. (4) Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh như Nhật Bản và Philippines để triển khai lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh khu vực và vị thế tại Biển Đông. Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về đảm bảo hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực như tiếp tục sử dụng hai căn cứ Clark và Subic ở Philippines; quyền sử dụng các công trình quân sự của Thái Lan; thực hiện giai đoạn một Hiệp định xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn cho quân đội Mỹ tại Singapore. Mỹ cũng khuyến khích các nước châu Á phát triển quan hệ an ninh đa phương. Để giải quyết với vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Philippines và ủng hộ nỗ lực xây lực cơ chế đa phương của ASEAN. (5) Mỹ ủng hộ và khuyến khích ASEAN hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì ổn định trong khu vực. Mỹ đã phát triển một cơ chế hợp tác chính thức giúp hài hòa cả hai bên dựa trên luật quốc tế. Mỹ cũng dự định bắt đầu tiến trình tiến tới gia nhập Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN, can dự vào tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. Trong những năm qua, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC) 2002. Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN – Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”. Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+,… Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á. (6) Mỹ vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc vừa tìm cách kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mỹ quan ngại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, ngân sách quân sự ngày càng tăng, các hoạt động kinh tế và quân sự để khẳng định chủ quyền trong khi phủ nhận chủ quyền của các nước khác. Nhưng đồng thời Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, hợp tác khai thác dầu khí để bảo vệ lợi ích kinh tế, chống hải tặc để bảo vệ an toàn hàng hải ở Biển Đông. Mỹ còn muốn tăng cường hợp tác hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì an ninh ở châu Á- Thái Bình Dương và Biển Đông.

Dự đoán một số biện pháp đối phó Trung Quốc của Mỹ trên Biển Đông

Trong những năm gần đây, Mỹ là một trong những nước thể hiện thái độ cứng rắn nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Sean R. Liedman thuộc Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới, Mỹ có thể sử dụng 3 kịch bản tiến hành để đối phó với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian tới: (1) Mỹ có thể “nhân nhượng” với Trung Quốc, mà trong đó Biển Đông không thực sự là vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ-Trung nhằm mặc cả những lợi ích song phương. Theo những người ủng hộ kịch bản này, Mỹ rất cần đến Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề quan trọng khác, như hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, chính sách tiền tệ quốc tế, hay quan hệ với Đài Loan… Mặt khác, Washington cũng phải dè chừng Biển Đông nóng lên có thể kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc. Về mặt quân sự, những người ủng hộ phương án này cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo phi pháp, không đáng sợ. Nếu xung đột bùng nổ, quân đội Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu hóa các đảo này nhanh chóng. Chiến lược của Mỹ trong trường hợp này sẽ là cảnh báo để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa tiếp theo, khuyến khích các cuộc đàm phán song phương để giải quyết bất đồng, hay hỗ trợ các cơ chế đa phương, bao hàm cả Trung Quốc và nhấn mạnh đến các hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề lớn khác. Điểm nổi bật của kịch bản này là “tránh mọi nguy cơ đối đầu trực tiếp”. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của cách tiếp cận này, theo tác giả là sẽ làm cho luật pháp quốc tế ngày càng trở nên thui chột. Trong mọi đàm phán song phương với các láng giềng, bao giờ Trung Quốc cũng đứng ở thế mạnh và đây là điều Bắc Kinh luôn muốn áp dụng. Kịch bản này chắc chắn sẽ đi liền với viễn cảnh Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh lấn tới mỗi khi có cơ hội. (2) Mỹ sẽ tìm cách duy trì nguyên trạng ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ sẽ công nhân chủ quyền của tất cả các quốc gia ven bờ, dựa trên kiểm soát thực tế hiện nay. Kịch bản này nhiều người coi là “các bên cùng thắng”, việc đi lại trên Biển Đông được thực thi theo luật pháp quốc tế. Các biện pháp thực thi kịch bản bao gồm, tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, trên biển và trên không. Cổ vũ sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… vào các hoạt động nói trên. Mọi hành động gây hấn mới của Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn bằng vũ lực. Thực thi đầy đủ Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines như đã cam kết. Bên cạnh các ưu điểm kể trên, theo tác giả kịch bản này có điểm bất lợi là rất có khả năng sẽ đi liền với việc kích thích hoạt động bồi đắp xây dựng tại tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông, trước ngày thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc thương thuyết để đạt được các thỏa thuận là không dễ dàng, và trong thời gian đó Trung Quốc có thể khai thác để giành nhiều lợi thế về chính trị. (3) Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự, ngăn cản Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Theo đó, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải trở lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp. Kịch bản này được đánh giá tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế và Mỹ hoàn toàn có khả năng thực thi giải pháp triệt để này mà không buộc phải dùng các biện pháp quân sự. Một trong các biện pháp được nêu ra để thực thi, là trừng phạt có trọng điểm nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm giữ bất hợp pháp.

Ngoài ra, cùng với việc tiếp tục thường xuyên các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, ngay bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo, đá Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt biện pháp pháp lý để gây áp lực với Bắc Kinh. Trong số đó, có việc tạo đồng thuận về ngoại giao quốc tế buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (12/7/2016); sử dụng lực lượng tuần duyên Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực hỗ trợ việc thực thi quyền của ngư dân theo phán quyết của Tòa Trọng tài; tiếp tục hỗ trợ hải quân và tuần duyên các đối tác ven Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới