Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐằng sau sự phẳng lặng của tình hình và cục diện Biển...

Đằng sau sự phẳng lặng của tình hình và cục diện Biển Đông năm 2018

Tình hình và cục diện Biển Đông 10 tháng qua bề ngoài có vẻ như đang phẳng lặng, nhưng bên trong lại chứa đựng những cơn “sóng ngầm” dữ dội chỉ chờ dịp bùng phát…

Biển Đông từ đầu năm 2018 đến nay, chưa thấy nổi lên đợt “sóng lớn” nào liên quan đến tranh chấp giữa các nước có tuyên bố chủ quyền, nhất là tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ mấy cơn bão và siêu bão như Barijat, Mangkhutquét qua Philippines, Đài Loan làm cho những nước này điêu đứng vì thiên tai. Nghĩa là, trên Biển Đông, từ đầu năm đến nay hầu như không có hành động hạ đặt giàn khoan trái phép, không có vụ việc săn đuổi bắn chết ngư dân các nước đang đánh cá trên biển, thậm chí cũng không có “khẩu chiến” giữa các nước tại các hội nghị quốc tế trong và ngoài khu vực. Những tưởng đấy là sự bình yên mới được phục hồi do hệ quả tác động của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về luật biển (PCA) có trụ sở tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết hồi năm 2016 về vụ kiện của chính quyền Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông mà phần thắng nghiêng hẳn về phía Philippines, khiến Trung Quốc mặc dù giãy lên như “đỉa phải vôi” nhưng cũng buộc phải tìm cách xuống nước.

Nhưng không phải thế! Tình hình và cục diện Biển Đông 10 tháng qua bề ngoài có vẻ như đang phẳng lặng, nhưng bên trong lại chứa đựng những cơn “sóng ngầm” dữ dội chỉ chờ dịp bùng phát, khiến những người quan tâm đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông không thể yên lòng. Điều gì đang diễn ra ở Biển Đông vậy? Xin thưa như sau:

Đầu tiên, hãy nói về tham vọng và hành động của Trung Quốc, bên có tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ đối với Biển Đông thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” và cũng là bên thường xuyên “gây sự” với các nước, làm cho tình hình Biển Đông phức tạp, căng thẳng từ trước đến nay.

Sau thất bại cay đắng bởi phán quyết của PCA, Trung Quốc lại đang lặng lẽ triển khai một loạt bước đi và hành động mới nhằm “bảo vệ chủ quyền” và tiếp tục chuẩn bị cho tham vọng “độc quyền kiểm soát Biển Đông”. Đó là:

Về chính trị, Trung Quốc một mặt tiếp tục ra các tuyên bố, phát biểu với các nội dung phản đối, phủ nhận, bác bỏ các điều khoản phán quyết của PCA và khăng khăng bảo vệ cho lập trường cố hữu của mình, rằng “chủ quyền” mà Trung Quốc xác nhận theo “đường lưỡi bò” đã có từ thời xa xưa. Nay Trung Quốc không thể từ bỏ mà phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn. Để bênh vực cho lập trường đó, Trung Quốc đã huy động hàng trăm học giả, luật sư ở trong nước, đào bới, bóc tách kỹ càng từng luận điểm phán quyết của PCA, tìm chỗ yếu, chỗ sơ hở để “đấu lại”. Kết quả là tháng 4/2018 vừa rồi, họ cho ra đời và lưu hành một cuốn sách dày gần 500 trang để bác bỏ phán quyết của PCA, bênh vực cho cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế cho lập trường Biển Đông của mình, Trung Quốc cử nhiều đoàn học giả, nhà nghiên cứu tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, khu vực có liên quan đến Biển Đông để phát biểu tuyên truyền, bảo vệ lập trường. Những người này được chỉ đạo là không phát biểu theo kiểu cứng rắn, hăm dọa, nói lấy được mà phải tỏ ra mềm mỏng, lý lẽ, chân thành. Thậm chí, họ còn được “bật đèn xanh” phát biểu khác với những lập luận trước đây thường dễ bị các nước bắt bẻ, phản ứng để tỏ ra là “biết điều” như: Trung Quốc hiểu ra việc đóng cửa với bên ngoài là không phù hợp; việc đề nghị không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là việc làm đã trở nên lỗi thời; các nước không thể “làm ngơ” trước vai trò của các đối tác bên ngoài, vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến Trung Quốc, các nước Đông Nam Á mà còn liên quan đến các nước ngoài khu vực; cần phải có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và Trung Quốc đang nỗ lực cùng các nước ASEAN đàm phán để cho ra đời bộ quy tắc đó… Nhưng ở một phương diện khác, họ lại dùng mọi cách để âm thầm tác động, ngấm ngầm vận động một số nước ASEAN hoặc là ủng hộ lập trường của Trung Quốc, hoặc là chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” hay “hợp tác khai thác chung” với họ ở Biển Đông. Vì thế, mới có một vài nước trong ASEAN “hám lợi” từ Trung Quốc mà ậm ừ “đánh trống lảng” hay “phá ngang, bàn lùi” khi được hỏi ý kiến liên quan đến những vấn đề phải thể hiện chính kiến của ASEAN về Biển Đông. Đáng chú ý, gần đây giới học giả Trung Quốc đang nghiên cứu và chuẩn bị tung ra quan điểm mới về đường biên giới trên biển của mình. Đó là, trước đây có đường đứt khúc trên biển được vạch thành 10 đoạn trên bản đồ, sau bớt đi một đoạn còn 9 mà dân gian gọi là “đường 9 khúc”, “đường chữ U” hay “đường lưỡi bò” nhưng chẳng có tọa độ gì cả, nay sẽ thể hiện bằng một đường liền mạch cho thiên hạ hết chỗ vặn vẹo. Thật nực cười là sao Trung Quốc lại coi đường biên giới quốc gia của mình như trò trẻ con, nay kẻ thế này, mai lại vẽ thế khác và ở đây cũng phải vạch ra rằng, cái gọi là “đường 9 khúc” chẳng qua là Trung Quốc “đào mót” ý tưởng của đám tàn quân Tưởng Giới Thạch khi thua trận phải bỏ Trung Hoa lục địa chạy ra đảo Đài Loan mà thôi. Số là khi đó, Tưởng tướng quân giao cho tướng lĩnh của mình xây dựng phương án tác chiến phòng thủ bảo vệ Đài Loan khỏi sự tiến công của Trung Quốc. Các tướng lĩnh của Tưởng đã coi Biển Đông là một hướng tác chiến chiến lược sẽ phải đối phó với Trung Quốc từ hướng Nam, nên mới “vạch đại” trên bản đồ một khu vực tác chiến phòng thủ với 10 nét đứt đoạn chẳng có tọa độ gì cả. Thế mà Trung Quốc “tăm” được ý tưởng này, biến ngay nó thành “đường biên giới quốc gia trên biển”, bỏ đi một nét còn 9 nhưng vẫn không có tọa độ, nên giờ có lẽ phải sửa sai, tránh để thiên hạ soi mói. Nếu phía Đài Loan có “thiện ý” khai ra thì Trung Quốc chắc phải “chui đầu xuống đất”.

Về kinh tế, Trung Quốc tiếp tục cổ vũ và triển khai thực hiện sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển”, hối thúc các nước hưởng ứng theo quan điểm Trung Quốc đưa ra là “Cộng đồng chung vận mệnh”, thực hiện ý tưởng “hòa bình và hợp tác, cởi mở và bao trùm, học hỏi lẫn nhau cùng có lợi”. Theo đó, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cùng một vài ngân hàng khác của Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường bộ cao tốc, đường sắt, đường cáp quang, sân bay, bến cảng, nhà máy thủy điện, điện pin mặt trời… tại những nước nằm trên phạm vi “con đường tơ lụa” đi qua. Không ít nước xung quanh Biển Đông đã vỗ tay hoan nghênh, hưởng ứng và sẵn sàng đón nhận dòng vốn từ Trung Quốc chảy vào đất nước mình với hy vọng sẽ có cuộc “đổi đời”. Tiêu biểu nhất là Pakistan được hứa sẽ nhận tới 46 tỷ USD từ Trung quốc cho việc xây dựng các nhà máy điện, đường bộ, đường sắt để liên kết miền Tây Trung Quốc với cảng Gwa-đa nằm bên bờ Ấn Độ Dương. Tiếp theo là Lào được hứa nhận gần 7 tỷ USD cho xây dựng đường sắt Trung – Lào dài 418 km; Campuchia được đầu tư xây dựng cảng Sihanoukville; Thái Lan nhận đầu tư của Trung Quốc xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 15 tỷ USD; Malaysia được đầu tư 7,2 tỷ USD cho 9 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; Indonesia được cho vay 5 tỷ USD để thực hiện dự án đường sắt cao tốc Gia-cac-ta – Bang-dung… Thế rồi, các cảng Colombo ở Sri Lanka, Thilawa ở Myanmar cũng đang “xếp hàng” chờ nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc nhằm tranh thủ phát triển. Các nước trên thừa biết Trung Quốc chẳng cho không họ đồng nào đâu, nhưng rõ ràng là có tiền cho xây dựng, phát triển quốc gia thì mắc mớ gì mà không nhận, dù là tiền đi vay. Vì thế, Trung Quốc có “vỗ vai” họ nên hạ giọng một chút về vấn đề Biển Đông thì một vài nước cũng chấp nhận, vì “chả mất gì của nhà mình”, tội gì mà không “ngậm miệng ăn tiền”. Điều đó cho thấy chính sách “ngoại giao nhân dân tệ” của Trung Quốc đang phát huy tác dụng.

Về ngoại giao, ngoài chuyện dùng kinh tế đối ngoại, ngoại giao nhân dân để lôi kéo các nước, Trung Quốc cũng tỏ vẻ thúc đẩy đàm phán giải pháp giải quyết vấn đề Biển Đông với các nước có liên quan để thể hiện là “nước lớn có trách nhiệm”. Vì thế, COC đang được thai nghén nhưng nếu có ra đời cũng phải thuận theo Trung Quốc bởi những điều kiện tiên quyết do họ áp đặt. Đó là Bộ quy tắc ứng xử này chỉ trong phạm vi giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, không được liên quan đến bên thứ ba ngoài khu vực; không mang tính ràng buộc pháp lý; những điều khoản quy định trong Bộ quy tắc này chỉ mang tính khái quát chung chung chứ không nên cụ thể quá, khiến các bên khó thực hiện… Họ đang muốn rằng, cho dù COC có được ký kết thì chí ít nó cũng không làm thiệt hại cho lợi ích “cốt lõi” của Trung Quốc. Thế cho nên, mặc cho các nước mong muốn sớm có được Bộ quy tắc ứng xử làm khuôn khổ chuẩn mực cho hành động của các bên ở Biển Đông, góp phần vào gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực, nhưng Trung Quốc cứ đủng đỉnh, không đi đâu mà vội khi cục diện đang có lợi cho họ.

Về quân sự và trên thực địa, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc gia tăng nhiều hơn các năm trước hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông. Ngoài cuộc diễn tập quân sự lớn nhất trên Biển Đông hồi đầu năm với sự tham dự chỉ đạo của đích thân Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình, còn có hàng chục cuộc diễn tập quân sự khác với các quy mô khác nhau, tính chất khác nhau và với các tình huống giả định khác nhau nhằm sẵn sàng “bảo vệ chủ quyền thiêng liêng” của đất nước. Đáng quan tâm là trong các cuộc diễn tập đó, Trung Quốc bắt đầu đưa ra thử nghiệm cái gọi là “thiết lập vùng cấm bay tạm thời trên không” để ngăn chặn không cho các nước khác sử dụng không phận nhằm theo dõi hoạt động diễn tập của họ. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn ráo riết tiến hành “quân sự hóa” ở các đảo họ chiếm đóng và tôn tạo trái phép. Hàng loạt vũ khí và trang thiết bị tối tân được Trung Quốc đưa ra các đảo, bao gồm tên lửa phòng không tầm xa HQ-9B; tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B; máy bay tiêm kích J-11B, máy bay do thám không người lái và máy bay ném bom H-6K; ra-đa phát hiện mục tiêu trên không và trên biển; thiết bị tác chiến điện tử gây nhiễu sóng… Chưa kể hàng chục tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu hải cảnh thay nhau hoạt động thường xuyên trên các vùng biển mà họ cho là “có quyền kiểm soát”, bất chấp đó là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc quyền chủ quyền của các nước láng giềng, làm cho không gian sinh tồn và hoạt động của các nước này ngày càng bị thu hẹp.

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp tổng hợp gồm chính trị, ngoại giao, tuyên truyền, kinh tế, quân sự… nhưng không gây ồn ào quá mức để tiếp tục ý đồ một mình kiểm soát Biển Đông. Những biện pháp trên rất dễ khiến các nước mất tập trung, tưởng rằng Trung Quốc chỉ duy trì các hoạt động bình thường trên biển, không gây ra sự cố phức tạp gì. Thậm chí, việc lập vùng cấm bay tạm thời trên không cũng sẽ được lặp đi, lặp lại trở thành bình thường để đến lúc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chính thức ở Biển Đông thì không có gì là đột biến.

Tiếp theo, phải kể đến Mỹ và các nước ngoài khu vực. Từ đầu năm đến nay, Biển Đông lần đầu tiên chứng kiến các hoạt động quân sự nhộn nhịp của khá nhiều nước ngoài khu vực. Ngoài Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản đã từng hiện diện tàu quân sự thông qua các hoạt động thăm viếng, tuần tra hay diễn tập ra, năm nay còn có thêm cả tàu chiến của Anh, Pháp, Australia nữa, toàn là các “ông lớn” cả. Đương nhiên, trong số đó, Mỹ vẫn là “ông lớn” dẫn đầu vì đã không dưới 3 lần Mỹ đưa hàng không mẫu hạm vào Biển Đông hoạt động, bên cạnh đó là hoạt động bay tập thường xuyên của “pháo đài bay” B52, tuần tra FONOP của các chiến hạm nổi, chìm để thực hiện cái gọi là “bảo vệ tự do, an toàn hàng hải” và chống cướp biển. Trên phương diện ngoại giao, tuyên truyền, Mỹ và các nước trên, toàn đồng minh của Mỹ trừ Nga, đều giống nhau ở luận điểm coi Biển Đông là tuyến đường vận chuyển hàng hóa huyết mạch của thế giới, không ai được phép cản trở và họ, không ít thì nhiều đều có lợi ích ở đây. Thế là Biển Đông năm nay có thêm nhiều khách mới. Đáng chú ý, trong khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra theo kiểu “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau thì tổng thống Donald Trump đã úp mở đánh tiếng rằng, nếu Trung Quốc không nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến trên thì sẽ phải hứng chịu những đòn tiếp theo “nặng đô” hơn, không đâu xa mà ngay ở Biển Đông. Không biết Mỹ và đồng minh đang chuẩn bị “đòn” gì ở Biển Đông, nhưng rõ ràng có đến 5 – 6 “ông lớn” đến đây chắc không phải để dạo chơi ngắm cảnh mặt trời lặn trên Biển Đông.

Có thể nói, cục diện tranh chấp ở Biển Đông xưa nay chủ yếu là giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Đài Loan, người ta gọi là cục diện “5 nước 6 bên” vì Đài Loan không được coi là một quốc gia. Nhưng đến nay, cục diện ấy có lẽ đã không còn nữa mà nên gọi là cục diện “6 nước 7 bên” vì đã có thêm Mỹ và đồng minh. Trong cục diện ấy, người đóng vai trò chi phối chính lại là Mỹ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á có liên quan, dù là chủ nhân chính thống của khu vực, nhưng nếu không tỉnh táo và khôn khéo sẽ bị xếp ra rìa “cuộc chơi của các ông lớn”.  

Cuối cùng, mới là hoạt động của các nước trong khu vực tại Biển Đông. Các nước trên, do khả năng và tiềm lực có giới hạn, cũng không có tham vọng lãnh thổ quá mức luật pháp quốc tế cho phép, nên chủ yếu là tiến hành các hoạt động kinh tế như vận tải hàng hóa, đánh bắt hải sản, khai thác dầu khí, tài nguyên trên biển trong phạm vi thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời, các nước này tiến hành các hoạt động tuần tra, tự vệ để bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên các đảo, các vùng biển, các nhà giàn đã có từ lâu nay; cố gắng hợp tác với các nước có liên quan để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên tinh thần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế, không để xảy ra xung đột. Mặt khác, các nước ASEAN cũng đang nỗ lực, kiên trì đàm phán với Trung Quốc xây dựng COC với mong muốn có được một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, công bằng và có tính đến các bên có liên quan. Dù rằng con đường đi đến kết quả còn nhiều chông gai.

Lại có thể nói, nếu các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN không duy trì được sự đoàn kết thống nhất cao, không đồng tâm, hiệp lực với nhau để đủ khả năng và thực lực là một bên có trọng lượng trong giải quyết vấn đề Biển Đông, thì “sóng ngầm” trong cục diện và tình hình Biển Đông sẽ thừa dịp nổi lên, xu hướng sẽ gây bất lợi cho tất cả các nước trong khu vực, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông tất sẽ bị đe dọa. Hơn lúc nào hết, ASEAN phải thể hiện được tính cộng đồng, trách nhiệm cao, sự khôn khéo và vai trò trung tâm tại khu vực thì mới mong buộc các nước, các bên khác phải coi trọng và mới bảo đảm được lợi ích chính đáng của cả ASEAN và từng nước trong ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới