Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngLiệu năm 2021 ASEAN và TQ có hoàn tất COC

Liệu năm 2021 ASEAN và TQ có hoàn tất COC

Phát biểu tại Singapore trước lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13/11) cho biết Trung Quốc muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông trong vòng 3 năm nữa, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông; cho rằng COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác liên quan, đồng thời cam đoan nước này không tìm kiếm “quyền bá chủ hoặc bành trướng”.

Truyền thông quốc tế nhận định, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề cập đến nghị trình rõ ràng hơn nhằm tiến tới hoàn tất COC. Tuy nhiên, dù Thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng cam đoan Trung Quốc không tìm kiếm quyền bá chủ hoặc bành trướng ở Biển Đông, nhưng giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc thời gian qua gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nước trong khu vực. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ John Bolton (13/11) cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến COC giữa Trung Quốc – ASEAN cũng không nên kèm điều khoản giới hạn quyền tiếp cận vùng biển này; đồng thời lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã tìm cách kéo dài đàm phán qua nhiều năm để xây dựng các tiền đồn quân sự khắp Biển Đông.

Tiến triển trong việc đàm phán COC

Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Đây được coi là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, vẫn chưa có nhiều tiến triển rõ rệt liên quan đến đàm phán COC. Nhiều nước ASEAN vẫn bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng quân sự hóa, các hoạt động đơn phương trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng vũ trang tại đây. Quá trình đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc kéo dài nhiều năm, trong đó Bắc Kinh bị cho là đã cố tình trì hoãn việc đàm phán vì muốn đối thoại với từng thành viên ASEAN nhằm tránh ảnh hưởng tổng lực của cả khối.

Tiến triển khả quan nhất trong việc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về COC có lẽ là việc Trung Quốc và ASEAN (8/2018) đã nhất trí về văn bản duy nhất để tiếp tục các đàm phán kéo dài về COC. Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN của Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí xây dựng “một văn kiện duy nhất” để đàm phán COC, đồng thời lưu ý rằng trước đó tất cả các bên tham gia đều đã đưa vào văn bản các ý kiến của mình về vấn đề đàm phán. Tuy nhiên, theo ông Suriya Chindawongse tiến trình đàm phán sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết quả cuối cùng và COC không phải là phương thức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà vấn đề này sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cũng cho biết, do vẫn chưa có COC, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất; nhấn mạnh Trung Quốc cũng mong muốn rằng các nước ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Khê Liên cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng ký kết COC

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (6/8) đã kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy và nhanh chóng thông qua COC ở Biển Đông nhằm duy trì ổn định trên biển và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là duy trì “tính trung lập, toàn diện và cởi mở”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng khẳng định Dự thảo duy nhất về nội dung đàm phán COC được đạt được nhất trí bởi Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc “sẽ là một văn kiện sống và tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán COC”. Xác nhận rằng các bên cũng đã nhất trí về “các phương thức then chốt” cho các cuộc đàm phán trong tương lai, ông cho rằng việc các bên nhất trí về Dự thảo duy nhất này không có nghĩa rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, hay các yêu sách lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông đã được giải quyết vì COC “không nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ”. Ông Balakrishnan cũng lưu ý rằng, sẽ là quá sớm để đặt ra thời hạn cho các cuộc đàm phán về COC bởi còn liên quan tới tình hình đang diễn biến nhanh chóng; và sẽ là tốt hơn nếu các bên “đảm bảo tính linh hoạt để các cuộc đàm phán không đi vào bế tắc”.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng việc Bắc Kinh xây dựng trái phép và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại; nhấn mạnh tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự; đồng thời nhận định COC hiệu quả hơn DOC trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu này. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (30/7) cho rằng các cuộc đàm phán về COC có thể được kết thúc trong năm nay hoặc năm tới. Trước đó, ông Saifuddin Abdullah cho biết Malaysia hy vọng COC phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này.

Trong khi đó, Australia, Mỹ, Nga, Ấn Độ,New Zealand và Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế; quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương áp đặt, làm biến đổi nguyên trạng và gây gia tăng căng thẳng trong khu vực; cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, và sớm đạt được COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc.

Tuy được các bên tích cực thảo luận, trao đổi quan điểm, nhưng một COC hữu hiệu còn là điều xa vời đối với ASEAN và Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. Chuyên gia an ninh biển Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình tương đối ổn định để âm thầm củng cố năng lực kiểm soát ở Biển Đông. “Bắc Kinh có lẽ cũng nhận ra rằng hòa bình hiện nay, so với căng thẳng dâng cao hồi năm ngoái, có thể là tạm thời hoặc ngắn ngủi, nên nước này sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực”, ông Collin Koh cho biết.

Thứ hai, bản thân Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc tích cực tuyên truyền, đầy mạnh hoạt động đàm phán, trao đổi với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông nói chung và thảo luận DOC, COC nói riêng chỉ là hành động đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc, góp phần xoa dịu và trấn an các nước ASEAN về cam kết “thực hiện nghiêm DOC” của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hành động này nhằm phản bác lại phần nào phán quyết của Tòa Trọng Tài (7/2016) về vấn đề Biển Đông.

Thứ ba, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán COC, song không đạt được kết quả khả quan, cụ thể nào cũng là bước tính toán của Bắc Kinh trong việc “câu giờ” để củng cố sức mạnh trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán về COC mang tính ràng buộc pháp lý đã được thực hiện kể từ giữa những năm 1990, song đạt được rất ít tiến triển, kể cả khi DOC được thông qua từ năm 2002.

Thứ tư, Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”.

Thứ năm, quá trình đàm phán, ký kết COC còn cần rất nhiều thời gian, vì: (1) Việc đàm phán COC trong nhiều năm bị trì hoãn là do Trung Quốc không muốn bị ràng buộc, vấp phải khó khăn trong quá trình thực hiện yêu sách chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. (2) “Văn bản khung COC” chứa một số mục tiêu và nguyên tắc chung, nhưng chưa có chi tiết cụ thể, và có nhiều điểm là sự lặp lại của DOC, trong đó có mục tiêu ngăn chặn sự cố và giải quyết tranh chấp trên biển; nguyên tắc đàm phán COC dựa trên cơ sở Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS); và 5 nguyên tắc sống chung hòa bình. (3) Trung Quốc đã lưu ý các nước ASEAN không nên chờ đợi quá cao về COC và chỉ nên coi COC là một thành phần của DOC.

Thứ sáu, COC chỉ giới hạn với các bên đàm phán là Trung Quốc và ASEAN trong khi vấn đề Biển Đông đã trở thành điểm nóng mang tính chất toàn cầu và nó liên quan trực tiếp lợi ích, an ninh của nhiều nước trên thế giới, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Canada…

COC chưa chắc giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho rằng COC có thể sẽ bất lợi cho những nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Các nước ASEAN cần phải tính đến những nguy cơ có thể xảy ra khi ký kết các điều khoản hiện đang được thương lượng tại COC. Hiện các nước như Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines hiện nay đều có vùng đặc quyền kinh tế riêng (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý tương đương 370 km từ đất liền ra tới Biển Đông và đều có chủ quyền trên vùng biển này . Điều này đồng nghĩa với việc họ có quyền khai thác, đánh bắt và đặc biệt là quyền thăm dò và khai thác khí đốt tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố về bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” thì một phần vùng biển chủ quyền của các nước này lại nằm bên trong khu vực mà Trung Quốc cho là “thuộc lãnh hải của mình’. Và thực tế là Trung Quốc đã đe doạ việc Philippines khai thác dầu tại Bãi Cỏ Rong cũng như mới đây ép buộc Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí tại khu vực Bãi Tư chính, vốn những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và Việt Nam. Vì vậy, nếu như không vô hiệu hóa được “đường lưỡi bò” phi pháp, mà đã vội vàng ký kết một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì nếu tiếp tục thực hiện hoạt động khai thác tại khu vực này, Việt Nam sẽ là nước chính thức vi phạm. Cụ thể, nếu như Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) lựa chọn được nhà thầu khai thác 9 lô nhiên liêu hoá thạch mà họ đã xác định được và mặc dù là những lô nhiên liệu này nằm trong EEZ của Việt Nam nhưng Trung quốc lại cho rằng chúng nằm trọn trong “đường lưỡi bò” thì khi đó, việc Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại đây sẽ là vi phạm luật pháp quốc tế theo tuyên bố của Trung Quốc. Điều này cũng tương tự như việc Trung Quốc phản đối Indonesia đổi tên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc của quần đảo Natuna là biển Natuna hay việc Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Philippines nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và buộc tội các nước này khai thác trái phép trong vùng biển của Trung Quốc.

Ngoài việc sẽ dùng “công cụ pháp lý” được ký kết trong COC để chống lại các nước ASEAN thì với việc trở nên ngày càng mạnh hơn về sức mạnh quân sự và an ninh hàng hải, Trung Quốc sẽ càng có cớ để gây áp lực cũng như có quyền can thiệp quân sự đối với các quốc gia Đông Nam Á, một khi các nước này tiến hành những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm vùng biển của mình.

Lee Ying-hui, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình An ninh biển, Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết, Trung Quốc cũng tận dụng việc các bên tranh chấp trong ASEAN không đưa ra phản đối công khai để đẩy mạnh các yêu sách của mình ở khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều hoạt động gây hấn “mềm mỏng” ở Biển Đông trong thời gian tới, các quốc gia ASEAN cần lưu ý tới khả năng này trong bối cảnh các bên đang tiếp tục triển khai các cuộc đàm phán về COC.

Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là Trung Quốc liên tục có các hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan ở Biển Đông khiến việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu, mang tính ràng buộc pháp lý còn gặp nhiều bế tắc. Việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra tuyên bố trên cho thấy Bắc Kinh đang có sự điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm khi nào ký kết COC và nội dung COC có đủ ràng buộc về pháp lý giúp ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông hay không còn là một câu hỏi lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới