Wednesday, September 11, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNiềm tự hào về động cơ tiêm kích của TQ sau màn...

Niềm tự hào về động cơ tiêm kích của TQ sau màn trình diễn ở Chu Hải

Chuyên gia Trung Quốc tự tin ngành chế tạo động cơ phản lực cho chiến đấu cơ nước này đang ngang tầm với các cường quốc như Mỹ, Nga.

Không quân Trung Quốc hôm 6/11 trình làng nguyên mẫu tiêm kích hạng nhẹ J-10B được lắp biến thể động cơ WS-10 sử dụng hệ thống đẩy vector (TVC) tại triển lãm hàng không Chu Hải 2018. Chiếc J-10B đã khiến nhiều khán giả ngạc nhiên khi thực hiện nhiều động tác cơ động phức tạp gắn liền với tên tuổi dòng tiêm kích Su-27 và Su-35S của Nga.

“Điều này cho thấy Trung Quốc đã nắm giữ công nghệ hàng không tiên tiến, vốn là lĩnh vực thế mạnh của các cường quốc hàng không Mỹ và Nga. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng chiến đấu cho các tiêm kích Trung Quốc”, People’s Daily viết trong bài xã luận hôm 12/11.

Thay vì dựa vào các phương pháp điều khiển khí động học thông thường, động cơ TVC có thể thay đổi hướng lực đẩy, cho phép tiêm kích nhào lộn ngay cả khi tốc độ bằng 0. Công nghệ này tăng đáng kể khả năng cơ động của tiêm kích, mang lại nhiều lợi thế trong không chiến, đặc biệt là những trận đánh tầm gần.

Công nghệ TVC xuất hiện từ cách đây gần 100 năm, ban đầu nhằm điều khiển hướng di chuyển cho khí cầu. Nó được áp dụng cho chiến đấu cơ lần đầu vào thập niên 1960 trên mẫu Harrier của Anh. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ giúp tiêm kích Harrier đạt khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, không tăng được sức cơ động trong chiến đấu.

TVC bắt đầu xuất hiện trên chiến đấu cơ Nga từ giữa thập niên 1990 và chỉ xuất hiện phổ biến trên máy bay phương Tây sau đó khoảng 10 năm với việc Mỹ biên chế tiêm kích tàng hình F-22.

Trung Quốc dường như đã nghiên cứu phát triển động cơ TVC cho tiêm kích nội địa trong gần 20 năm qua. Một nguyên mẫu từng xuất hiện từ năm 2003, nhưng không có nhiều thông tin cho đến giữa tháng 8/2018, khi hình ảnh trên một tạp chí quốc phòng Trung Quốc cho thấy tiêm kích J-10 trang bị động cơ WS-10 với cửa xả khí kiểu mới.

Màn biểu diễn của tiêm kích J-10B tại triển lãm Chu Hải tuần trước chính là động thái xác nhận quá trình phát triển động cơ TVC của Bắc Kinh đang gần hoàn tất. Chiếc J-10B chỉ thực hiện bài bay ngắn, nhưng liên tiếp phô diễn các động tác phức tạp như lượn vòng hẹp đứng, “Hổ mang bành Pugachev”, “lá vàng rơi” và xoay theo mặt phẳng ngang.

Tuyệt kỹ “Hổ mang bành” được đặt tên theo phi công thử nghiệm người Nga Viktor Pugachev, người từng gây tiếng vang khắp thế giới khi trình diễn động tác này tại triển lãm hàng không Le Bourget ở Paris, Pháp năm 1989. Trong khi đó, động tác xoay theo mặt phẳng ngang chỉ có thể thực hiện khi tiêm kích mang động cơ TVC, thường gặp trong các bài biểu diễn của máy bay Su-30SM và Su-35S Nga.

Màn trình diễn của tiêm kích J-10B khiến nhiều người xem trầm trồ vỗ tay, được đánh giá là sự kiện nổi bật nhất trong 6 ngày triển lãm.

Yang Wei, phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc và tổng công trình sư dự án J-10B, cho biết màn biểu diễn là thành quả chung của nhiều tổ chức, cho thấy Bắc Kinh đã gia nhập danh sách những cường quốc làm chủ được công nghệ TVC.

Wang Haifeng, kỹ sư trưởng trong dự án TVC cho tiêm kích J-10B, thừa nhận các nhà thiết kế Trung Quốc đã gặp nhiều thử thách và phải áp dụng nhiều giải pháp đột phá trên chiếc máy bay thử nghiệm.

Chiếc J-10B biểu diễn tuyệt kỹ Hổ mang bành hôm 6/11. Ảnh: Airliners.

Chiếc J-10B biểu diễn tuyệt kỹ Hổ mang bành hôm 6/11. Ảnh: Airliners.

“Sự xuất hiện của chiếc J-10B tại Chu Hải không chỉ thể hiện công nghệ TVC của Trung Quốc đã hoàn thiện và ổn định, mà còn cho thấy các nhà sản xuất đã phát triển được hệ thống kiểm soát bay tiên tiến, yếu tố đặc biệt quan trọng với những động tác cơ động phức tạp”, nhà phân tích quân sự Gao Zhou tại Thượng Hải nhận định.

Gao khẳng định hệ thống TVC của tiêm kích J-10B là phức tạp và hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng các kỹ sư cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm và liên tục chỉnh sửa trước khi động cơ này có thể vận hành trên chiến đấu cơ J-20.

Quan chức Trung Quốc từng ám chỉ một số tiêm kích tàng hình J-20 đã được trang bị động cơ TVC. Tuy nhiên, phi đội J-20 biểu diễn tại Chu Hải vẫn sử dụng động cơ AL-31F do Nga sản xuất, thay vì mẫu WS-10B hoặc WS-15 nội địa của Bắc Kinh.

Nguồn tin giấu tên cho biết mẫu WS-15 vẫn không đạt độ ổn định trong các thử nghiệm kéo dài hàng trăm giờ như yêu cầu. Điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình sản xuất hàng loạt động cơ WS-15, khiến Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung cấp mẫu AL-31F từ Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới