Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngThêm bằng chứng cho thấy mức độ hung hãn của tàu TQ...

Thêm bằng chứng cho thấy mức độ hung hãn của tàu TQ ở Biển Đông

Các tài liệu nội bộ trong đó có cả phim ghi hình vừa được Bộ Quốc phòng Anh công khai hôm 4/11 đã cho thấy mức độ ngày càng hung hãn, bất chấp nguy hiểm của tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông khi cố ngăn cản hoạt động tuần tra hàng hải của một tàu chiến Mỹ hôm 30/9.

Tàu Lan Châu của TQ áp sát tàu USS Decatur của Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm hôm 30/9. Nguồn: Bộ Quốc phòng Anh.

Sự hung hãn, bất chấp nguy hiểm của TQ ở Biển Đông

Ngày 4/11, Bộ Quốc phòng Anh đã cho công bố công khai các tài liệu nội bộ, trong đó có cả các thước phim ghi hình chưa từng được công khai về vụ tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc áp sát, cắt mặt tàu khu trục USS Decatur Mỹ trên Biển Đông hôm 30/9 vừa qua. Những tài liệu của Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tàu chiến Trung Quốc không chỉ áp sát mà còn đe dọa, sẵn sàng đam va cả tàu chiến của Mỹ.

Vụ việc diễn ra khi tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ khi đó tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải được Mỹ thường xuyên thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu USS Decatur đã gặp phản ứng bất ngờ từ phía Trung Quốc, khi tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C áp sát ở khoảng cách 41 m và suýt gây va chạm. Trong đoạn phim ghi hình sắc nét, một thủy thủ Mỹ nói rằng chiến hạm Trung Quốc đang áp sát mạn trái USS Decatur ở khoảng cách 41 m và tìm cách buộc tàu Mỹ chuyển hướng. Dường như các miếng đệm sườn tàu cũng được thủy thủ Trung Quốc triển khai để sẵn sàng cho một cú va chạm mạnh với tàu chiến Mỹ.

Trước đó, khu trục hạm Trung Quốc cũng phát đi thông điệp cứng rắn. “Các bạn đang đi theo lộ trình nguy hiểm. Nếu không đổi hướng, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả”. “Chúng tôi đang đi qua vô hại”, tàu chiến Mỹ đáp lại. Quan chức Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định khu trục hạm Trung Quốc đã “cơ động” không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Hôm 1/11, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson dự báo những vụ chạm trán giữa tàu chiến Mỹ với tàu chiến TQ trên Biển Đông sẽ tiếp diễn và cho rằng các bên cần tuân thủ đúng quy trình liên lạc giữa các lực lượng hải quân, duy trì tính chuyên nghiệp và tránh rủi ro trên biển, đảm bảo sự đi lại an toàn trên vùng biển quan trọng. Đô đốc Richardson cũng tái khẳng định lập trường duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, trong đó ASEAN là tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của khu vực.

Ý kiến của giới chuyên gia

Giới chuyên gia đánh giá động thái của Trung Quốc dường như là quyết định có chủ đích để tăng cường mức độ phản đối, thay vì chỉ là hành động bột phát của chỉ huy tàu Lan Châu. Đây là lần đầu tên chúng ta thấy Trung Quốc đe dọa trực tiếp tàu chiến Mỹ bằng những lời lẽ như vậy. Trước đây, họ chỉ nói rằng bạn đang đi vào vùng biển của Trung Quốc, hãy tránh xa. Việc cảnh báo chịu hậu quả dường như mang ý gia tăng mức độ đe dọa. Bredan Taylor, Phó Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia nhấn mạnh “một sự cố đâm va có thể leo thang thành khủng hoảng lớn, như vụ trinh sát cơ Mỹ va chạm với tiêm kích Trung Quốc gần đảo Hải Nam năm 2001”.

Trung Quốc và Mỹ đã suýt xảy ra xung đột do các vụ va chạm máy bay, khi máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ va chạm với một máy bay đánh chặn J-8 của Trung Quốc vào năm 2001, hai bên đã mất nhiều tuần cho việc buộc tội lẫn nhau và đàm phán trước khi phi hành đoàn P-3 được trở về Mỹ, và chiếc máy bay được trả lại. Các chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc quyết định tiến tới và tuyên bố thiết lập trái phép một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, vấn đề còn có thể trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn. Mỹ đã tỏ thái độ phớt lờ ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Một tuyên bố khác ở Biển Đông gần như chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng tương tự từ phía Mỹ, các máy bay và tàu thuyền Mỹ và Trung Quốc sẽ chạm trán nhau thường xuyên và lúc này xung đột hoàn toàn có thể xảy ra.

Báo chí dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne hôm 3/10 nhận định các báo cáo về lần chạm trán giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ hôm 30/9 là “rất đáng quan ngại”, cho rằng phía Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật nguy hiểm trong vụ việc trên. Australia đã liên tiếp bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Bộ trưởng Christopher kêu gọi tất cả những bên tranh chấp kiềm chế, không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc thì bao biện rằng những hành động này cho thấy sự sẵn sàng của Trung Quốc trong trường hợp leo thang xung đột với Mỹ. Mỹ liên tục thách thức lợi ích của Trung Quốc bằng việc đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Qua vụ việc áp sát tàu chiến tàu Lan Châu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đối đầu, tuy nhiên nhấn mạnh các động thái của hai bên chỉ nhằm phô trương sức mạnh, khó có khả năng xảy ra xung đột trực diện.

Lập trường của Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động xây dựng, cải tạo, quân sự hóa tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam cũng hoan nghênh mọi nỗ lực duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. “Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới