Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ sẽ đồn trú tại đảo Ba Bình để kiềm chế TQ...

Mỹ sẽ đồn trú tại đảo Ba Bình để kiềm chế TQ trên Biển Đông

South China Morning Post (5/11) đưa tin, giới chức quốc phòng Đài Loan cho biết chính quyền Đài Bắc đang xem xét việc cho tàu chiến Mỹ sử dụng đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Về thông tin Mỹ sẽ cử tàu chiến đồn trú trên đảo Ba Bình

Sau khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan, một số học giả Đài Loan kiến nghị Chính quyền Đài Bắc nên cho Mỹ thuê một phần đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nhằm gián tiếp giúp Đài Loan bảo vệ chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị phía Đài Loan bác bỏ do lo ngại vấp phải phản ứng cứng rắn từ phía Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan từng thẳng thừng bác bỏ đề nghị này, tuyên bố ông sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị như thế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee tuyên bố Đài Loan không có kế hoạch cho bất kỳ quốc gia nào thuê đảo Ba Bình, kể cả Mỹ, đồng thời đề nghị Trung Quốc “ngừng công kích Đài Loan chỉ vì một tin đồn vô căn cứ”. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Đài Loan (30/6) cho biết thông tin chính quyền Đài Loan đang xem xét cho Mỹ thuê đảo Ba Bình là tin giả, đồng thời kêu gọi truyền thông xác minh sự thật trước khi đưa tin, vì thông tin giả lan truyền có thể ảnh hưởng đến sự hiểu biết của công chúng về vấn đề này. Các chuyên gia quân sự cũng nhận đinh nếu Đài Loan cho quân đội Mỹ đóng quân ở Ba Bình thì Trung Quốc sẽ còn gây sức ép mạnh hơn lên Đài Loan.

Phản ứng của các bên liên quan:

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (29/6) cho rằng ý tưởng như vậy rất nguy hiểm, bởi người dân cả hai bờ eo biển đều phản đối mạnh mẽ bất kỳ động thái nào có hại cho dân tộc Trung Hoa.

Trước câu hỏi của Nghị sĩ Johnny Chiang của Quốc dân đảng về phản ứng của Đài Loan khi Mỹ yêu cầu Đài Bắc cho Hải quân Mỹ sử dụng đảo Ba Bình cho mục đích đảm bảo an ninh khu vực, Người đứng đầu lực lượng quốc phòng đảo Đài Loan Yan De-fa cho hay, đây là một giả thuyết và Đài Loan cũng có thể “cho phép” tàu chiến Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình để phục vụ cho các hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, nếu hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh, ổn định khu vực, Đài Loan sẽ xem xét lại.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trích dẫn các tin liên quan và cho rằng, động thái của nhóm nghiên cứu Đài Loan giống như một “quả bom”, nếu phát nổ chắc chắn sẽ khiến tình hình trên Biển Đông càng thêm căng thẳng; song việc xây dựng căn cứ trên đảo Ba Bình sẽ có lợi đối với Washington nếu Mỹ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trên thực tế, đảo Ba Bình là đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của phía Đài Loan tại Ba Bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần tuyên bố: “Mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ ở Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam cương quyết yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình.

Mỹ ít khả năng đồn trú trên đảo Ba Bình:

Vùng nước ở đảo Ba Bình tương đối nông, không thuận tiện cho tàu khu trục lớp Arleigh Burke hay tàu tuần dương lớp Ticonderoga của neo đậu tại Ba Bình. Trong khi đó, khu vực tàu chiến Mỹ neo đậu hiện nay đều có hệ thống cung cấp dầu, nước ngọt hoàn thiện và không cần phải dựa vào đảo Ba Bình, các dịch vụ y tế cho quân nhân, thủy thủ Mỹ cũng vậy. Ngoài ra, Trung Quốc đã bố trí tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm tại các căn cứ quân sự xây dựng (bất hợp pháp) ở Xu Bi, Vành Khăn… có tầm bắn bao trùm đảo Ba Bình, điều này sẽ làm giảm khả năng Mỹ đưa chiến hạm đến đây…

Về thông tin Đài Loan cho Mỹ thuê đảo Ba Bình chỉ là đề xuất của giới học giả, nhằm thể hiện quyết tâm chính trị của Mỹ trong việc duy trì thường trực lực lượng Hải quân của mình tại Biển Đông, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa. Nó nhằm tạo ra thế trận cân bằng sức mạnh với lực lượng quân sự của Trung Quốc đang hiện diện trên một số căn cứ quân sự của Trung Quốc tại một số thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo kể từ sau năm 1988.

Về chính sách biển đảo của Tổng thống Thái Anh Văn

Phát biểu sau khi chiến thắng bầu cử tại Đài Loan, Chủ tịch đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Các bên liên quan tranh chấp phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên thông qua đàm phán, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, bà Thái Anh Văn cũng khẳng định lập trường của DPP trong vấn đề Biển Đông không thay đổi, song cho biết, trước bầu cử DPP là đảng đối lập nên không có nhiều tài liệu chính thức về yêu sách “chủ quyền” lãnh thổ của Đài Loan ở Biển Đông.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Chính quyền của Thái Anh Văn đưa ra tuyên bố phản đối, trong đó nhấn mạnh: (1) Đài Loan có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, được hưởng tất cả các quyền gắn liền với các quần đảo đó và các vùng nước theo luật quốc tế cũng như luật biển; (2) Tòa Trọng tài đã không mời phía Đài Loan tham gia vào các tiến trình hay tham vấn quan điểm của Đài Loan nên các quyết định của Tòa, vốn vi phạm tới lợi ích của Đài Loan và làm suy yếu quyền lợi của Đài Loan, đặc biệt là các quyền liên quan đến địa vị pháp lý của Ba Bình, đều không ràng buộc pháp lý đối với Đài Loan; (3) Đài Loan chủ trương các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán đa phương và Đài Loan sẽ làm việc với tất cả các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng.

Tuy nhiên, sau đó Đài Loan đã thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: “giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát và tạm gác khác biệt để cùng phát triển”. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: “Đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải”.

Quan hệ Trung – Mỹ – Đài

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn đưa ra các phản ứng cứng rắn khi cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia tách của Bắc Kinh. Trong năm 2018, Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay ném bom, tàu chiến và cả tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Eo biển Đài Loan. Hành động này của Trung Quốc nhằm đe dọa và cảnh cáo Đài Loan, cũng như thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (17/10) bày tỏ mối quan ngại lớn về hành động của Mỹ; nhấn mạnh Trung Quốc phản đối tất cả các mối quan hệ quân sự và liên lạc giữa chính phủ Mỹ với Đài Loan; yêu cầu Mỹ cần chấm dứt tất cả hoạt động trao đổi chính thức và liên lạc quân sự với Đài Loan đồng thời có những biện pháp xử lý vấn đề Đài Loan một cách phù hợp. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trước thông tin trên, bộ phận dư luận Đài Loan cho rằng, đây là bước chuẩn bị để quân đội Mỹ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm hoặc đây là “giấy đảm bảo” của quân đội Mỹ đối với chính quyền bà Thái Anh Văn về vấn đề ly khai. Thậm chí, có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ biến Đài Loan thành Syria thứ hai sau những hành động tương tự. Tuy nhiên, bộ phận giới quan sát Trung Quốc cho rằng, đây là một dấu hiệu nguy hiểm khi Mỹ “lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học” để thử nghiệm “đánh bóng ra biên” và không loại trừ khả năng Nhà Trắng sẽ thực hiện các hành động tương tự trong tương lai.

Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan cho Mỹ thuê đảo Ba Bình

Thời gian gần đây, giới chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra nhiều nhận định, đánh giá cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đánh chiếm đảo Ba Bình đều Đài Bắc đi quá giới hạn ở Biển Đông: Tống Yên Huy, một nhà nghiên cứu Viện Khoa học châu Âu – Mỹ tại Đài Bắc cho biết, Bắc Kinh xem việc phát triển của Đài Loan trên đảo Ba Bình là một tài sản chiến lược dài hạn. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực đánh chiếm đảo Ba Bình. Trước đó, một số trang mạng của Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm đảo Ba Bình khi Đài Loan tuyên bố từ bỏ “chủ quyền” ở Biển Đông. Trong đó nổi lên một số dấu hiệu: (1) Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, tập trận đánh chiếm đảo và tuần tra, giám sát khu vực biển xung quanh đảo Ba Bình và Đài Loan. Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho biết, các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan và trên Biển Đông của Trung Quốc là “rất bất thường”. Không quân Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tuần tra thiết thực và lên kế hoạch kỹ càng gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo quân sự mới nhất, cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cuộc chiến với Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng từng thông báo đã phát hiện PLA ngoài việc triển khai tuần tra bằng máy bay ném bom và máy bay tiêm kích, còn triển khai máy bay trinh sát Tu-154 và máy bay vận tải Yun-8 (được lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin tình báo) thực hiện những chuyến bay dài gần Đài Loan. (2) Giới chức lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn, răn đe sẽ sử dụng tất cả các biện pháp (bao gồm việc sử dụng vũ lực) để thu hồi Đài Loan. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3) đe dọa Đài Loan sẽ đối mặt với “đòn trừng phạt lịch sử” nếu có ý định tuyên bố độc lập; nhấn mạnh “bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử”. (3) Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh (kinh tế, quân sự, ngoại giao) để cô lập Đài Loan; buộc các nước, tổ chức quốc tế không được thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan; phải ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và gọi Đài Loan là “Đài Bắc – Trung Quốc”. Tính riêng trong năm 2018, đã có 03 nước châu Phi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (El Salvador, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso). Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với 17 quốc gia, chủ yếu là các nước nhỏ, kém phát triển ở Trung Phi và Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thuộc People Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, từng cho rằng Trung Quốc không cần phải “trả tiền để cướp đồng minh của Đài Loan” và “thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là một xu hướng không thể cưỡng lại”. “Việc Đài Loan không có đồng minh chỉ còn là vấn đề thời gian”. (4) Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng các chiêu bài, thủ đoạn nhằm phá hoại ổn định nội bộ của Đài Loan và tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Đài Loan. Tờ Apple Daily (Đài Loan) mới đây đã tiết lộ bản danh sách gồm 87 sĩ quan quân đội Đài Loan được cho là tham gia đường dây làm gián điệp cho Trung Quốc. Trong số những quan chức Đài Loan làm gián điệp cho Trung Quốc có 02 quan chức cấp cao là cựu Tổng Tham mưu trưởng Hoắc Thủ Nghiệp và Tổng tham mưu trưởng sắp mãn nhiệm Lâm Trấn Di. Ngoài 02 quan chức cấp cao nói trên còn có 8 thượng tướng 3 sao, 18 trung tướng, 16 thiếu tướng, 25 thượng tá, 14 trung tá, 4 thiếu tá tham gia đường dây gián điệp của Bắc Kinh. Trước đó, Đài Loan cũng từng cho biết có ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Đài Bắc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, công nghiệp.

Đáng chú ý, giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc nhận định:(1) Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc Đại lục vì nó nằm ở vị trí trung tâm trong tuyến hàng hải tới Thái Bình Dương. Theo ông Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, “Đài Loan là trở ngại chính ngăn PLA tiếp cận Tây Thái Bình Dương vì nó là một phần của ‘chuỗi đảo đầu tiên’, kiểm soát Trung Quốc Đại luc”. (2) Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện ở Đài Loan và hỗ trợ Đài Bắc tuyên bố độc lập. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh đánh giá rằng việc “Trung Quốc tăng cường tập trung vào Đài Loan có lẽ được kích hoạt từ tình huống chính trị không ổn định gần đây trên hòn đảo này và có những dấu hiệu rõ hơn về việc Mỹ, Nhật Bản sẽ ủng hộ các nỗ lực tuyên bố độc lập chính thức của Đảng Dân chủ Tiến bộ trong nghị trình làm việc của Quốc hội Đài Loan. (3) Trung Quốc ngăn chặn Đài Loan tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, kiềm chế Đài Bắc tăng cường ảnh hưởng và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Việc Đài Loan xúc tiến tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế là điều Trung Quốc không muốn và chế độ Đài Bắc tuyên bố độc lập chính thức là “lằn ranh đỏ” đối với Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự quanh Đài Loan để răn đe và phòng ngừa, cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc dùng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng. Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.

Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới