Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHai mặt của dòng tiền TQ ở các nước đang phát triển

Hai mặt của dòng tiền TQ ở các nước đang phát triển

Hiện tượng Trung Quốc vung tiền đổ vào hạ tầng ở các nước đang phát triển trong hơn 2 thập niên qua được các chuyên gia quốc tế đánh giá có những tác động trái chiều, tích cực lẫn tiêu cực.

Một báo cáo mới đây của AidData – Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), nhận xét Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư hạ tầng kinh tế lớn của thế giới, đặc biệt sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình “Vành đai, con đường” để tạo nên hai tuyến giao thương quy mô đồ sộ trên bộ và trên biển.

Thống kê về phần hạ tầng mà các nhà thầu Trung Quốc đã và đang xây ở các nước đang phát triển cho thấy hết sức đa dạng, từ cầu, đường, bệnh viện cho đến đường sắt, sân bay, cảng biển…

Những năm gần đây, Bắc Kinh không giấu giếm, thậm chí thể hiện rõ tham vọng mở rộng giao thương và sức ảnh hưởng thông qua đầu tư và xây dựng hạ tầng ở các nước khác.

Chỉ trừ mục tiêu đó, mọi thứ khác về chiến lược phát triển của Trung Quốc – bao gồm chi tiêu, dự án, vị trí dự án – đều được xếp hạng là bí mật nhà nước.

Chính bức màn bí ẩn đó khiến giới quan sát phương Tây đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng hạn có ý kiến nói phần lớn dự án Trung Quốc ở châu Phi không ích lợi gì cho các nước chủ nhà, cụ thể là chi phí bỏ ra thì lớn nhưng sử dụng chẳng bao nhiêu.

Không trách được khi có những minh chứng thực tế: Một con đường ở Zambia do Trung Quốc xây tan nát trong mùa mưa năm 2009; một cây cầu ở Kenya bị sập trong lúc thi công năm 2017; một bệnh viện ở Angola phải di tản chỉ sau vài tháng khánh thành năm 2010 vì người ta sợ nó sập…

Các chuyên gia phát triển cho rằng thực tế trên đáng quan ngại, nhưng lãnh đạo vài nước nhận viện trợ/vốn vay vẫn thích bắt tay với Bắc Kinh, lý do đưa ra là “thủ tục” đơn giản, đỡ bị “hành”.

Trung Quốc không chỉ cấp vốn, họ còn đứng ra xây luôn, trong khi vay tiền của Ngân hàng Thế giới thì đủ thứ yêu cầu kèm theo, ví dụ họ yêu cầu tư nhân hóa dự án sau khi xây xong.

Trong báo cáo mới, AidData còn chỉ ra một lợi ích khác của đầu tư Trung Quốc, đó là “có thể” chúng hiệu quả hơn nhiều dự án phương Tây trong việc giảm bớt tình trạng bất bình đẳng ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân là nhóm nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa các dự án Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ở quốc gia nơi công trình được xây.

Bên cạnh đó, các hạ tầng kết nối như cầu, đường, đường sắt… cũng giúp san sẻ sự tăng trưởng cho các khu vực nông thôn tốt hơn các chương trình phát triển truyền thống của phương Tây.

AidData đi đến kết luận đó sau khi phân tích hơn 4.400 dự án Trung Quốc ở 138 quốc gia trong giai đoạn 2000-2014.

Nhưng giới nghiên cứu cũng thận trọng trước phát hiện mới, cho rằng còn nhiều khía cạnh khác phải xem xét.

“Quan trọng phải xác định được thu nhập người dân có tăng hay không, tiền đang được xài là tiền gì, chất lượng cuộc sống có được cải thiện không… Chỉ nhìn vào con số tăng trưởng là không đủ, vì chúng không kể được câu chuyện ở cấp độ vi mô, hoặc thay đổi được tương tác hằng ngày của chúng ta với nghèo đói” – luật sư Jacqueline Muna Musiitwa thường trú tại khu vực Đông Phi bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới