Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuá trình bồi đắp và quân sự hóa phi pháp của TQ...

Quá trình bồi đắp và quân sự hóa phi pháp của TQ tại đá Vành Khăn

Đá Vành Khăn là một trong bảy bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép và liên tục tiến hành bồi đắp, quân sự hóa quy mô lớn thời gian qua; đã khiến dư luận các nước hết sức lo ngại và chỉ trích mạnh mẽ.

Các cơ sở quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo đá nhân tạo Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Hình dạng đá hơi tròn với đường kính khoảng 4 hải lý (7,4 km). Đa phần đá Vành Khăn chìm dưới nước. Vùng biển (phá) của đá Vành Khăn sâu từ 18,3 đến 29,2 m. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay. Đá Vành Khăn là 1 trong 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép và bồi đắp, quân sự hóa quy mô lớn, gồm Châu Viên, Xu Bi, Gạc Ma, Vành Khăn, Ga Ven, Tư Nghĩa, Chữ Thập với diện tích khoảng hơn 1.000 ha.

Bồi đắp, mở rộng quy mô lớn

Năm 2015, các diễn đàn quân sự của Trung Quốc đăng tải hình ảnh được cho là bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Theo bản đồ quy hoạch trái phép này, bãi Vành Khăn có tổng diện tích quy hoạch vào khoảng 9,53 km2 và tổng diện tích xây dựng khoảng 6,29 km2. Quy hoạch nhân khẩu tại Vành Khăn lên tới 70.000 người, trong đó lượng nhân khẩu thường trú vào khoảng 50.000 người, lượng nhân khẩu lưu động vào khoảng 20.000 người. Sau khi hoàn thành bồi lắp, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt các dự án trọng điểm như khu thương mại, sòng bạc, khu vui chơi, dự án du lịch… Sau khi hoàn thành quy hoạch bãi đá này sẽ là khu vực có vị trí quan trọng, vị trí quân sự chiến lược và đồng thời là trung tâm cảng biển. Trên thực tế, từ nhiều năm trước Trung Quốc đã bắt đầu huy động lực lượng lớn tàu thuyền, thiết bị ra đá Vành Khăn để tiến hành bồi đắp, mở rộng đá này. Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn.

Quân sự hóa ồ ạt đảo nhân tạo

Tháng 7/2016, ngay sau khi vừa hoàn thành đường băng dài 2.644m, rộng 55m, Trung Quốc cho máy bay thử nghiệm trên, ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Máy bay CE- 680 của trung tâm thử nghiệm bay thử của Hãng hàng không Trung Quốc được huy động để thực hiện chuyến bay này. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên 3 thực thể là đá Chữ Thập, Xu Bi và đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã triển khai trên các hòn đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, trong đó có đá Vành Khăn rất nhiều hệ thống tên lửa đất đối không SAM (bao gồm HQ-9 với tầm bắn lên tới 200km có thể là cả hệ thống S-400 của Nga) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Cùng với hệ thống tên lửa, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar trái phép trên đá Vành Khăn, nhằm tăng cường sự nguy hiểm cho mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc. Báo Philippine Daily Inquirer hôm 18/4/2018 đã công bố các hình ảnh chụp vào ngày 6/1/2018 cho thấy hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đường băng ở đá Vành Khăn. Tuy nhiên, không rõ đây có phải là lần đầu tiên các phi cơ quân sự đáp xuống Đá Vành Khăn hay không, cũng không rõ hai máy bay trên đã đáp xuống được bao lâu tính đến thời điểm chụp ảnh.

Còn theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, hôm 30/10/2018, Bắc Kinh đã khánh thành các trạm khí tượng tại 3 trong số các đảo đá trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định rằng các trạm khí tượng mới sẽ được sử dụng cho mục đích đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông. Hãng thông tấn nhà nước CCTV cho biết các trạm khí tượng này sẽ được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết, được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn. Theo đó, các trạm này sẽ theo dõi toàn bộ các biến động thời tiết trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho các tàu cá và tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận. Tuy nhiên,đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.

Bao biện của Trung Quốc

Quá trình Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông được các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giải thích bằng lời biện bạch đầy nghịch lý rằng, đây là cách để “tự vệ trước sức ép an ninh từ các nước khác ngoài khu vực”. Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN 2018 (ARF), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói về hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng lập luận “một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”.

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận các nước, vì thực tế mọi hoạt động quân sự, phá vỡ nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông đều là phi pháp và đi ngược lại với những cam kết của nước này trước đây và gây phức tạp tình hình.

Phản ứng của các nước và lập trường của Việt Nam

Hôm 23/3/2018, tàu khu trục USS Mustin đã tiến vào vùng nước trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết tàu USS Mustin đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải. Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ đã ít nhất 3 lần tiến hành FONOP trên Biển Đông. Lần gần nhất là vào tháng 8 khi khu trục hạm USS John S. McCain đi qua vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Philippines cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích, phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là hoạt động xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo, trong đó có các hoạt động trên đá Vành Khăn.

Trước những động thái của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ hết sức quan ngại và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC). “Với tư cách là quốc gia có chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Việt Nam nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán, theo đó mọi quốc gia đều có quyền được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới