Monday, September 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTranh chấp Biển Đông: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Tranh chấp Biển Đông: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Nalanda Roy, một giáo sư về Khoa học Chính trị ở Đại học Armstrong tại Savannah, bang Georgia, đã soạn một cuốn sách về lịch sử tranh chấp Biển Đông. Roy đã đưa được nhiều thông tin vào một cuốn sách mỏng tới mức cuốn sách tạo ra cảm giác căng cứng. Cách tác giả trình bày dữ liệu tạo ấn tượng mạnh cho độc giả, hay ít nhất là với người viết bài điểm sách này. Roy có nhắc qua những sự kiện như chiến dịch bồi đắp và gia cố Đá Vành Khăn của Trung Quốc, cung cấp những chi tiết căn bản nhất. Và rồi cứ thế bà ấy điểm qua hết sự kiện này đến sự kiện khác. Cách viết này đã làm sáng tỏ nhiều điều về tình hình chính trị và chiến lược ở Đông Nam Á.

Cách tiếp cận vấn đề của Roy tạo nên nhiều ấn tượng cho độc giả. Ấn tượng đầu tiên là Đông Nam Á là một nơi bận rộn. Có lẽ người dân Đông Nam Á sẽ không lạ gì với điều này, nhưng những sự kiện trong nước và quốc tế thường làm độc giả phương Tây không nhận ra được tầm quan trọng của Đông Nam Á. Trừ một số sự kiện lớn như việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo, các bình luận gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hoặc chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ, thì các diễn biến khác ở Biển Đông thường không được thế giới biết đến nhiều. Biển Đông chỉ xuất hiện trên trang nhất nếu có một sự kiện gì đó đủ lớn. Qua công trình này, Roy giúp độc giả không phản ứng thái quá hoặc ít quá với những sự kiện gần đây.

Thứ hai, các tranh chấp đối với các đảo, bãi san hô, đá và các vùng biển và vùng trời lân cận đã diễn ra từ lâu ở Đông Nam Á. Như Alastair Ian Johnston chỉ ra trên tạp chí International Security (An ninh Quốc tế) vài năm trước, việc sử dụng cụm từ “new assertiveness” (sự hung hăng mới) – một từ thường được dùng để miêu tả hành vi của Trung Quốc một thập niên qua trong những sự kiện như tại bãi cạn Scarborough hoặc Đá Chữ Thập – là một cách nói thổi phồng sự thay đổi hành vi của Trung Quốc so với quá khứ. Từ nhiều năm trước, Bắc Kinh đã thường tận dụng thời cơ có lợi để củng cố các yêu sách lãnh hải của họ. Ví dụ, năm 1974, Hải quân Trung Quốc đã đánh nhau với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa. Trung Quốc đã căn thời điểm rất hợp lí: chính quyền Sài Gòn sắp bị Bắc Việt hủy diệt, trong khi một Hoa Kỳ mệt mỏi với chiến tranh không muốn dây vào một cuộc chiến mới ở Đông Nam Á. Vì vậy, Roy cho rằng những vụ  đụng độ gần đây nằm trong một mẫu hình hành vi lâu đời của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc liên quan tới gần như tất cả các vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Chương “Các xung đột ở Biển Đông” (trang 33-58) có nhấn mạnh điểm này qua bố cục sắp xếp của chương. Mỗi mục trong chương điểm qua một vụ tranh chấp song phương. Tất cả các mục này đều có Trung Quốc, ví dụ như: “Indonesia và Trung Quốc” hoặc “Philippines và Trung Quốc”. Đó một phần là vì tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và các vùng biển và không phận xung quanh. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là việc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giúp các nước thành viên giải quyết tranh chấp của họ trên tinh thần hữu nghị. Roy ca ngợi vai trò của ASEAN trong việc đảm bảo ổn định khu vực.

Thứ tư, Roy nhận định rằng không có giải pháp dễ dàng nào cho các tranh chấp này. Bà có lồng vào các khuyến nghị của mình, nhưng không nhấn mạnh chúng. Ví dụ, hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc đặt ra “những câu hỏi quan trọng” về ý định của giới lãnh đạo [Trung Quốc] (trang 51). Sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế tuyên Philippines thắng kiện, “các bên tranh chấp cần kiềm chế để tránh các hoạt động làm gián đoạn hòa bình và ổn định khu vực” (trang 51). Trung Quốc và Hoa Kỳ “nên đảm bảo tôn trọng quyền của nhau” để tránh các đụng độ như sự kiện máy bay EP-3 hồi năm 2001 (trang 49). Có thể thấy rất khó để đưa ra được những khuyến nghị khả thi.

Một điểm tôi không hài lòng với nghiên cứu của Roy là nó đánh giá thấp các vấn đề phi vật chất trong ngoại giao và chiến lược Biển Đông. Tổng hợp của Roy khiến người đọc có cảm giác tranh chấp Biển Đông chỉ là về vấn đề lãnh thổ và tài nguyên khoáng sản dưới biển – hay nói cách khác là những khía cạnh có thể đo lường được. Không thể phủ nhận vai trò của lãnh thổ và tài nguyên trong tranh chấp. Thậm chí, có lẽ đó chính là những yếu tố quan trọng nhất với các bên tranh chấp. Tuy nhiên, các nhà triết học và sử học sẽ nhắc nhở chúng ta rằng những yếu tố phi vật chất cũng thúc đẩy quyết định của các quốc gia và cá nhân. Thucydides cho rằng “sự sợ hãi, danh dự và lợi ích” nằm trong số những động lực quan trọng nhất trong số này.

Roy phân tích các vấn đề như lãnh thổ và tài nguyên nhiều nhưng không nói nhiều về những hiềm khích trong quá khứ vốn tô thêm màu sắc cho các tranh chấp về lãnh thổ, hoặc về trữ lượng dầu mỏ và khí gas ở đáy biển. Một ví dụ về những yếu tố này là việc Trung Quốc muốn quên đi “bách niên quốc sỉ” dưới tay các cường quốc thực dân. Việt Nam và Trung Quốc cũng từng có nhiều cuộc đối đầu trong quá khứ.

Sẽ khó để phân biệt đâu là tranh chấp lãnh thổ tài nguyên, đâu là những sự thù địch hay ngờ vực xưa cũ vốn tạo ra bối cảnh chính trị khu vực đầy xúc cảm này. Nhưng các quốc gia Đông Nam Á phải tìm ra lời giải cho vấn đề đó. Nếu không, “con đường đến hòa bình” mà Nalanda Roy mong muốn khó mà đạt được.

RELATED ARTICLES

Tin mới