Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngTriển khai vũ khí laser tại Biển Đông: Bước đi nguy hiểm...

Triển khai vũ khí laser tại Biển Đông: Bước đi nguy hiểm của TQ

Thời báo Hoàn cầu hôm 11/11 đưa tin, hệ thống vũ khí laser mới LW-30 của Trung Quốc có thể phát hiện máy bay không người lái, ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch, có thể được triển khai trên khu vực Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.

Vũ khí laser là vũ khí sử dụng tia laser công suất cao để bắn chính xác các mục tiêu tầm xa hoặc để bảo vệ tên lửa. Ưu điểm nổi bật của nó là thời gian phản ứng ngắn, có thể ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao thấp khi phát hiện bất ngờ. Khi sử dụng laser để chặn nhiều mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi mục tiêu, có khả năng ứng biến linh hoạt với nhiều mục tiêu. Điểm bất lợi của vũ khí laser là chúng không thể phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, khó dùng khi sương mù nhiều, tuyết rơi dày, mưa lớn.

Về lý thuyết, vũ khí laser có thể triển khai dưới 3 dạng, gồm: (1) Gắn vũ khí laser vào vệ tinh nhân tạo, có thể tấn công các tên lửa liên lục địa đang trong giai đoạn đầu cất cánh (trong vòng tám phút sau khi cất cánh), hoặc tấn công các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. (2) Lắp đặt trên mặt đất, có thể bắn hạ các máy bay hoặc vệ tinh; lắp đặt trên tàu để bắn tên lửa và máy bay không người lái tấn công đến. (3) Gắn trên máy bay để tấn công máy bay hoặc tên lửa của đối phương.

Các loại vũ khí laser chiến thuật mới TQ 

Guard-I là hệ thống vũ khí laser công suất thấp có thể triển khai trên xe kéo hoặc trên mặt đất. Nó bắn đi tia laser có công suất 10 kW, có thể bao phủ khu vực rộng 12 km2. Hệ thống vũ khí laser này có thể bắn hạ hơn 30 loại phương tiện bay cỡ nhỏ, với tỷ lệ thành công tới 100% trong các thử nghiệm. Theo giới quan sát, Guard-I có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở cự ly 2 km, độ cao 500 m, trong thời gian 5 giây. Hệ thống được phát triển bởi Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc vì mục đích an ninh xung quanh các sự kiện lớn tại đô thị. Được biết một hệ thống có công suất mạnh hơn đang được Trung Quốc phát triển để trang bị cho tàu chiến.

 Silent Hunter là hệ thống  được sử dụng để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào năm 2016. Hệ thống bắn ra tia laser có công suất từ 30-100 kW, phạm vi 4 km. Theo nhà phát triển China Poly Technologies, tia laser bắn ra từ hệ thống có thể cắt tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, hay xuyên thủng 5 tấm thép dày 2 mm đặt cạnh nhau ở cự ly 800 m. Silent Hunter được giới thiệu công khai lần đầu tại triển lãm hàng không Nam Phi năm 2016.

 Guorong-I là hệ thống vũ khí laser được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái. Hệ thống gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang-điện tử và tia laser năng lượng cao có thể bắn hạ UAV chỉ vài giây từ khoảng cách hàng trăm mét. Hệ thống này được phát triển bởi Công ty công nghệ Guorong, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

 Light Shield là hệ thống phòng thủ laser lắp trên các phương tiện cơ giới. Nó được thiết kế để phá hỏng hệ thống cảm biến quang-điện trên máy bay hoặc tên lửa. Hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Hệ thống gồm cảm biến phát hiện, nhận dạng mục tiêu và máy phát laser để làm hỏng hoặc phá hủy cảm biến. Nó đã được lắp đặt trên một số xe bọc thép của quân đội Trung Quốc và được công bố tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Ngoài ra, theo Tạp chí “Cơ giới Nhân dân” (Popular Mechanics) của Mỹ, quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai sử dụng vũ khí laser khác, bao gồm vũ khí laser làm lòa mắt BBQ-905, súng laser WJG-2002 và vũ khí laser làm lòa mắt PY132A.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Các chuyên gia cho rằng các hệ thống chống máy bay không người lái của Mỹ hiện vẫn tiên tiến hơn nhiều so với Trung Quốc. Chúng có tầm bắn lớn hơn, với nhiều loại công nghệ cảm biến, được phát triển bởi nhiều công ty hơn. Mỹ hiện có hơn 60 hệ thống chống UAV hoặc các sản phẩm sử dụng radar, sóng radio, phát hiện và theo dõi điện tử – âm thanh, để ngăn chặn hay thậm chí tiêu diệt thiết bị bay của đối phương. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thiết bị bay không người lái, các hệ thống của Mỹ có thể can thiệp vào kết nối thông tin liên lạc của đối phương hoặc phá hủy UAV bằng laser hoặc đạn. Mới đây, Lockheed Martin cho ra mắt hệ thống phòng thủ chống UAE sử dụng vi sóng năng lượng cao. Đây là loại vũ khí laser có thể được lắp trên máy bay chiến đấu, vì vậy có khả năng tấn công hiệu quả hơn các loại thiết bị cầm tay hoặc gắn trên mặt đất. Quân đội Mỹ cho biết đã lên kế hoạch mua thiết bị này từ Lockheed Martin.

Các vụ việc từng do vũ khí laser của TQ gây ra

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển nhiều mẫu vũ khí laser từ công suất thấp đến cao, có thể bắn hạ máy bay không người lái, phá hủy cảm biến hay gây mù mắt. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 2 phi công Mỹ đã bị tổn thương mắt do tia laser chiếu từ căn cứ hải quân Trung Quốc ở Djibouti. Các quan chức Mỹ đã khiếu nại ngoại giao đến Bắc Kinh và yêu cầu điều tra. Công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Nước này đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao.

Hồi tháng 5/2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ xác nhận, tại khu vực biển phía Đông Trung Quốc (Biển Hoa Đông), các phi công quân đội Mỹ từng bị Trung Quốc tấn công bằng vũ khí laser có khả năng gây mù mắt, số lần tấn công đã lên đến hơn 20 lần, lần đầu tiên xảy ra vào tháng 9/2017. Cơ quan truyền thông Mỹ nhận định, chính quyền Trung Quốc đã huấn luyện ngư dân Trung Quốc làm “dân quân biển” và họ đã sử dụng vũ khí laser để tấn công quân đội Mỹ; quân đội Trung Quốc đang gia tăng việc sử dụng vũ khí laser gây mù mắt. Mới đây trang mạng “Tuần san Hàng không và Công nghệ Vũ trụ” (Aviation Week & Space Technology) của Mỹ đưa tin ở khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc có hơn 20 lần tấn công laser nhắm vào phi công Mỹ, loại laser này có thể làm các phi công bị mù lòa, hoặc gây thảm kịch rơi máy bay chết người. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, trong số vụ tấn công bằng laser này có khi đến từ trên đất liền của Trung Quốc và có khi đến từ một số tàu đánh cá.

Truyền thông Mỹ đã có nhận định rằng Trung Quốc đào tạo ngư dân sử dụng vũ khí laser của họ và cung cấp các khoản trợ cấp để các “trinh sát biển” này làm “tai mắt của quân đội Trung Quốc”, xâm nhập vào vùng biển tranh chấp, đối đầu với các tàu đánh cá và quân cảnh vệ bờ biển của các nước khác. Lần này, các phi công quân đội Mỹ đã bị tấn công bởi tia laser, nhiều khả năng hành vi do chính những ngư dân này gây ra. Theo phân tích, các cuộc tấn công này nằm dưới chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, vì các ngư dân bình thường không có radar giám sát, không thể phân biệt chính xác liệu một chiếc máy bay qua là máy bay dân sự hay quân sự của Mỹ. 

Về khả năng TQ có thể triển khai vũ khí laser ở Biển Đông

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng vũ khí laser mới của nước này rất phù hợp với các nhiệm vụ ở Tây Tạng và Biển Đông. Theo Thời báo Hoàn cầu đưa tin hôm 11/11, hệ thống vũ khí laser mới LW-30 có thể phát hiện máy bay không người lái (UAV), ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch. Hệ thống này có thể được triển khai trên khu vực cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.

Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) ngày 6/11 lần đầu công bố tổ hợp vũ khí laser LW-30 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông. Tổ hợp này bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ. CASIC cho biết LW-30 được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các UAV, các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km. LW-30 có thể hoạt động độc lập hoặc được tích hợp vào các hệ thống vũ khí phòng không truyền thống của quân đội Trung Quốc. Vũ khí laser và các hệ thống chống máy bay không người lái hiện được Bắc Kinh chú trọng phát triển nhằm bắt kịp với công nghệ UAV của Mỹ, cũng như gia tăng năng lực tình báo và khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc.

Cùng với các loại vũ khí laser, Trung Quốc được cho là đã phát triển các loại thiết bị khác có thể hỗ trợ vũ khí laser như hệ thống rađa, tác chiến điện tử… Theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng hồi tháng 6/2018 cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km. Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “hố đen” trong bầu khí quyển. Theo Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía Nam, chẳng hạn như Singapore.

Các nước phản đối hành động của TQ

Bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc trên Biển Đông đều là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và nguyên tắc không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trên biển. Những hành động này gây phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Mỹ đã từng đưa đơn khiếu nại chính thức đối với Trung Quốc về việc nước này sử dụng vũ khí laser, nhưng chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc. Trung Quốc đã ký “Nghị định thư Liên hiệp quốc về Vũ khí laser”, cấm sử dụng vũ khí laser gây mù lòa trong chiến tranh. Hiệp ước có hiệu lực vào ngày 30/7/1998, đến tháng 12/2014 đã có 104 quốc gia cam kết.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng bất kỳ thiết bị quân sự, dân sự nào trên các cấu trúc xây dựng tại đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

RELATED ARTICLES

Tin mới