Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTranh cãi thỏa thuận nghề cá Madagascar - TQ

Tranh cãi thỏa thuận nghề cá Madagascar – TQ

Trung Quốc bỏ ra khoản đầu tư 2,7 tỉ USD để đưa 330 tàu cá đến đánh bắt ở Madagascar, gây làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng ngư dân địa phương.

Theo tờ Asia Times, tính đến nay đã có gần 17.000 người tại Madagascar ký vào thư kiến nghị yêu cầu chính phủ cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên biển và làm rõ chi tiết hợp đồng về nghề cá ký kết với Trung Quốc. Thỏa thuận này do Tổng thống Hery Rajaonarimampianina và một số quan chức thân cận “âm thầm” ký với một liên danh công ty Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 9 và chỉ công bố sau khi xong xuôi. Đại diện phía Madagascar là Cơ quan Vì phát triển kinh tế và xúc tiến doanh nghiệp (AMDP), còn đối tác Trung Quốc là liên danh 7 công ty Trung Quốc được gọi chung là Công ty TNHH đầu tư phát triển Taihe Century.
Thông cáo do AMDP đưa ra cho hay thỏa thuận kéo dài 10 năm, bắt đầu “trước khi hết năm 2018”, sẽ cho phép Taihe Century đưa 330 tàu cá đến khai thác ở vùng biển Madagascar để đổi lại khoản đầu tư 2,7 tỉ USD (gần 63.000 tỉ đồng) vào các dự án cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ quản lý nghề cá, sản xuất tơ lụa… Thông cáo còn tuyên bố hợp đồng này “sẽ mang lại 10.000 việc làm cho người dân Madagascar”. Tuy nhiên, nhiều tổ chức dân sự tại Madagascar và quốc tế đã lên tiếng lo ngại về hệ quả của thỏa thuận cũng như chỉ ra nhiều điểm mập mờ. Theo chuyên trang về môi trường Mongabay (trụ sở tại California, Mỹ), phần lớn quan chức trong chính phủ Madagascar và quốc hội không hề được tham vấn trước khi Tổng thống Rajaonarimampianina ký kết thỏa thuận. Các đối tác đầu tư phát triển chính của Madagascar như Ngân hàng Thế giới (WB) hay EU cũng không được thông báo.
Hơn nữa, hợp đồng không thông qua đấu thầu và không hề có báo cáo đánh giá về hiệu quả cũng như tác động đối với môi trường. Đích thân Bộ trưởng Ngư nghiệp Augustin Andriamananoro đã lên tiếng phản đối và cho biết chỉ hay tin qua báo chí. “Nếu không cẩn trọng thì vùng biển của chúng ta sẽ bị khai thác cạn kiệt. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Madagascar đang bị đe dọa. Ngư dân đang sốc và lo ngại”, ông nói trên Đài TV Plus Madagascar. Nghề cá là sinh kế chính của phần lớn người dân vùng ven biển Madagascar và theo ước tính của các tổ chức môi trường, thỏa thuận nói trên có thể đe dọa cuộc sống của 250.000 người khi phải cạnh tranh với tàu cá lớn từ nước ngoài. “Điều gì sẽ xảy ra cho ngư dân khi phải đối diện với 330 tàu? Họ sẽ sống như thế nào, sẽ đi đâu về đâu?”, ông Hermany Emoantra, Chủ tịch Mạng lưới các hiệp hội quản lý biển địa phương Madagascar (MIHARI), bày tỏ lo ngại.
 
Trước sức ép từ nhiều phía, AMDP đã lên tiếng tuyên bố thỏa thuận vẫn chưa bắt đầu thực thi và từng dự án sẽ được “đánh giá kỹ càng”. Tuy nhiên, giám đốc cơ quan này là Hugues Ratsiferana nhấn mạnh sẽ không công bố thêm chi tiết vì đây là “giao kèo giữa 2 tổ chức tư nhân”, dù AMDP do chính Tổng thống Rajaonarimampianina thành lập vào tháng 9.2016, theo Asia Times.
Mặt khác, Madagascar chắc chắn sẽ có tổng thống mới sau khi ông Rajaonarimampianina thất bại trong vòng 1 cuộc bầu cử hồi tháng 11 với vòng 2 dự kiến diễn ra vào ngày 19.12 giữa 2 ứng viên Andry Rajoelina và Marc Ravalomanana. Đã có nhiều ý kiến kêu gọi người thắng cử tiến hành điều tra, thậm chí hủy bỏ thỏa thuận, dù cả 2 ông Rajoelina và Ravalomanana đều chưa đưa ra tuyên bố nào.
RELATED ARTICLES

Tin mới