Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của Biển Đông đối với khu vực và thế giới

Vai trò của Biển Đông đối với khu vực và thế giới

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Malacca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với các nước Đông Nam Á và trên thế giới

Đối với các nước Đông Nam Á, Biển Đông ở vị trí trung tâm của khu vực. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có lợi ích hoặc được hưởng lợi ích do vị trí địa chính trị đặc biệt của Biển Đông mang lại. Trong số 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á, có đến 8 nước là các quốc gia ven Biển Đông bao gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia. Ba quốc gia còn lại là Myanmar, Lào và Đông Timor, mặc dù không phải là quốc gia ven Biển Đông, nhưng được hưởng nhiều lợi ích từ vị trí địa chính trị quan trọng của Biển Đông. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 300 triệu dân ở các nước xung quanh… Tuy nhiên, cùng với âm mưu độc chiếm Biển Đông và sự hiện đại hóa lực lượng Hải quân của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình ổn định phát triển ở khu vực.

Trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền vẫn diễn biến căng thẳng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, thực sự là một trong những thách thức lớn đối với tất cả các nước trong khu vực. Nếu vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, hoặc nổ ra xung đột sẽ tác động lớn đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như lợi ích của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông luôn là một trong những nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN và của ASEAN với các đối tác. Các nước ASEAN đều mong muốn thông qua quan hệ song phương và đa phương với các nước lớn để cân bằng quyền lực với Trung Quốc, giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng con đường hòa bình, tạo dựng môi trường hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực.

Đối với thế giới, Biển Đông là một trong những khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trên thế giới, là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng, an ninh biển của nhiều nước, nhất là các cường quốc hải dương, các quốc gia có tiềm lực kinh tế, quốc phòng phụ thuộc vào biển. 

Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là về kinh tế và thương mại.

Biển Đông là vùng biển giàu có về nguồn lợi thủy sản, là một trong những ngư trường lớn nhất thế giới với lượng hải sản đánh bắt, chiếm khoảng 10% của thế giới, là nơi dự trữ lượng dầu mỏ ước tính bằng 80% lượng dầu mỏ và khí đốt của Ả Rập Saudi, là con đường vận tải ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là nơi có 5/10 tuyến giao thông hàng hải lớn nhất thế giới, cùng eo biển Malacca nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới với gần 50% lượng hàng hóa thương mại vận chuyển bằng đường biển phải đi qua khu vực này và 55% hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước Đông Nam Á, 45% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhật Bản và 26% hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước công nghiệp mới được vận chuyển qua Biển Đông. 

Biển Đông được coi là “nút thắt” sống còn của châu Á, nơi có các tuyến đường huyết mạch của thế giới. Kiểm soát được Biển Đông sẽ giúp các cường quốc giành ưu thế Hải quân tại Tây Thái Bình Dương. Kiểm soát được Biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập vai trò quốc gia đối với cả một khu vực rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu quân sự, trên Biển Đông có hai khu vực trọng yếu là eo Malacca và khu vực quần đảo Trường Sa. Hầu hết các tuyến đường không, đường biển qua Biển Đông đều phải đi qua hai khu vực này. Nếu giành quyền kiểm soát được một trong hai khu vực này sẽ trực tiếp khống chế được toàn bộ khu vực từ eo biển Malacca đến Nhật Bản, khống chế được nhiều tuyến giao thông đường không, đường biển từ Singapore sang Hồng Công, từ Quảng Đông đến Malila, thậm chí từ châu Phi sang châu Á, từ Đông Á sang Nam Á. Do vậy, đối với các nước lớn, giành quyền kiểm soát Biển Đông sẽ giúp họ thực hiện tham vọng cường quốc hải dương, cường quốc thế giới. Và đó cũng chính là một trong những lý do gần đây Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, mở rộng các đảo ở Trường Sa bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế và tìm cách hợp tác với Thái Lan xây dựng kênh đào Kra để “đề phòng” Mỹ và đồng minh phong tỏa các tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương về Trung Quốc qua eo Malacca…

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với các cường quốc trên thế giới

Đối với Mỹ, Biển Đông có vai trò quan trọng về kinh tế – chính trị và quân sự. Nhiều lần các quan chức lãnh đạo Mỹ đã khẳng định, Mỹ có lợi ích ở Biển Đông, nhất là vấn đề về an ninh hàng hải. An toàn hàng hải và tự do giao thông là quyền lợi chiến lược trọng yếu của Mỹ. Biển Đông được coi là một mắt xích hết sức quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng mạnh dạn, thẳng thắn, công khai tuyên bố có lợi ích ở Biển Đông và không chấp nhận sự áp đặt của bất kỳ quốc gia nào đối với vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định “Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ không đặc biệt đứng về phía một quốc gia nào. Chúng tôi ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách công bằng và hòa bình, vì tự do hàng hải. Ngày nay, những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi hoạt động của Trung Quốc”.

Đối với Nhật Bản, Biển Đông là cánh cửa của con đường vận chuyển dầu lửa quan trọng từ Trung Đông về Nhật Bản. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường vận tải trên biển qua Biển Đông là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Việc độc quyền kiểm soát Biển Đông của bất kỳ một quốc gia nào đều là mối lo ngại đối với Nhật Bản. Việc Nhật Bản thông qua Hiệp ước về an ninh với Mỹ là nhằm dựa vào Mỹ để bảo vệ con đường vận tải chiến lược của họ trên Biển Đông. Những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến vấn đề an ninh an toàn hàng hải tại khu vực này, thậm chí còn cung cấp trang thiết bị quân sự, công nghệ quốc phòng, tàu tuần tra cho một số nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc và cân nhắc khả năng tham gia các cuộc tuần tra trên không với Mỹ ở Biển Đông để đối phó với những hành động ngày càng gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.

Đối với Nga, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. Mặc dù tình hình kinh tế, chính trị của Nga trong những năm gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chiến lược của Nga đối với khu vực này vẫn được xác định nhất quán. Từ các nhà lãnh đạo chính trị đến các nhà khoa học đều thừa nhận rằng, Biển Đông ngày càng có vị trí quan trọng và triển vọng lớn, nước Nga cần tăng cường hợp tác và xác lập vị trí của mình. Chủ trương của Nga là duy trì và mở rộng quan hệ về kinh tế, quân sự, ngoại giao đối với tất cả các nước trong khu vực Biển Đông và phối hợp với các nước khác để góp phần giải quyết tranh chấp ở khu vực này, nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Nga ở khu vực, thậm chí năm 2016 còn tuyên bố sẵn sàng tập trận ở Biển Đông với các nước đối tác của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với Trung Quốc, Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển và cường quốc thế giới. Muốn vậy, Trung Quốc cần phải mở rộng không gian sinh tồn. Tuy nhiên, nếu mở rộng lên phía Bắc, Trung Quốc phải đối mặt với vùng khí hậu khắc nghiệt, đối mặt với Nga, một siêu cường về quân sự; phát triển sang phía Tây và Tây Nam, là vùng rừng núi hiểm trở, không thuận tiện cho việc giao thương; hướng sang phía Đông là Nhật Bản, Đài Loan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không thuận tiện cho quá trình lưu thông thương mại đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở phía Nam là các quốc gia nhỏ, không có mối quan hệ bền chặt với các siêu cường trên thế giới nhưng lại có một vùng biển “màu mỡ”, đầy tiềm năng, do đó chỉ có phát triển xuống phía Nam, giành quyền kiểm soát Biển Đông, sẽ mở rộng được “không gian sinh tồn”, vì vậy Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng Hải quân hùng mạnh. Không những vậy, nếu giành được quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ giành được nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng và dồi dào, đặc biệt là dầu khí ở vùng biển này. Đối với Trung Quốc, đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá để đáp ứng “cơn khát” năng lượng của mình. Ngoài ra, giành được quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng nhất thế giới, kiểm soát được tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á, kiểm soát được con đường vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu kiểm soát được Biển Đông, làm chủ được các tuyến đường thương mại trên Biển Đông, Trung Quốc vừa có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn vận chuyển dầu của mình từ Trung Đông, Bắc Phi về, mà còn áp đặt được ý chí chính trị của mình đối với các nước trong và ngoài khu vực có các hoạt động giao thương, vận chuyển liên quan đến các tuyến hàng hải trên Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc, làm thất bại chiến lược “xoay trục” châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đồng thời tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước ASEAN. Cuối cùng, nếu Trung Quốc khống chế, làm chủ được Biển Đông sẽ là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Bắc Kinh thực hiện được tham vọng nước lớn, hiện thực hóa giấc mơ Đại Trung Hoa. Ngược lại, nếu mất quyền kiểm soát Biển Đông, bị phong tỏa các tuyến giao thông huyết mạch qua Biển Đông, nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc bị gián đoạn, nền kinh tế, xã hội của Trung Quốc sẽ bị tác động nghiêm trọng. Chính vì vậy, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã, đang nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông bằng nhiều biện pháp. Trên biển, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm hiện thực hóa tham vọng chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự đặt ra. Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc luôn kêu gọi các nước có liên quan giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi DOC và các cam kết quốc tế. Trên phương diện thông tin, truyền thông quốc tế, thực tế Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp quảng bá chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông… Trung Quốc đã không ngừng hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là Hải quân. Với học thuyết “phòng thủ tích cực từ ngoài khơi”, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, tăng cường huấn luyện, rèn luyện để lực lượng Hải quân có khả vươn ra biển lớn, đáp ứng những đòi hỏi phát triển “cường quốc biển” của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, xét về an ninh, quốc phòng, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Việt Nam giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu… Như vậy, cứ 100 km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ trung bình của thế giới (600 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Không một nơi nào trên lục địa của Việt Nam lại cách xa bờ biển hơn 500 km. Ngoài ra, Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông và hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa. Biển Đông không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa.

Vùng biển Việt Nam là một trong những vùng biển có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, nhất là dầu và khí đốt. Tại vùng biển Việt Nam đã xác định được nhiều bể trầm tích dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt là khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn với lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ mét khối. Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện hàng chục mỏ dầu khí có trữ lượng khai thác công nghiệp, trong đó đã đưa vào khai thác gần chục mỏ, hàng năm cung cấp hàng triệu tấn dầu và hàng tỉ mét khối khí góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh.

Vùng biển Việt Nam có một nguồn tài nguyên sinh vật biển hết sức phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại hải sản như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…. Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao. Theo số liệu của Bộ Thủy sản năm 2003, trữ lượng hải sản của vùng biển Việt Nam vào khoảng 3 – 4 triệu tấn, cho phép khai thác từ 1,6 – 1,7 triệu tấn/năm, trong đó cá đáy chiếm 856.000 tấn, cá nổi 694.000 tấn và cá nổi đại dương khoảng 120.000 tấn… Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam còn có khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, 1.647 loài giáp xác, 700 loài giun biển, 350 loài động vật da gai, 150 loài hải miên, 300 loài san hô… với nhiều loài động vật quý hiếm như bò biển (Dugon), cá voi sừng hàm, cá voi có răng… Về kinh tế, Biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm… trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá. Không những vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.

Đối với các nước có tranh chấp chủ quyền khác trên Biển Đông (Philippines, Brunei, Malaysia), Biển Đông không những mang lại cho họ những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, thương mại mà còn có vai trò to lớn về mặt quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, chủ quyền, lợi ích của các quốc gia này không giống nhau. Với Philipines, Biển Đông có vị trí địa chiến lược quan trọng, nhằm bảo vệ phần phía Tây của Philippines trước các mối xâm lăng từ ngoại bang. Với Malaysia cũng vậy, toàn bộ phần phía Bắc và Tây Bắc của Malaysia được Biển Đông che trở. Do vậy, vai trò của Biển Đông đối với Philippines và Malaysia là hết sức to lớn không chỉ về mặt kinh tế thương mại mà còn bảo vệ họ trước các cuộc xâm lăng từ ngoại bang. Còn đối với Brunei, một quốc gia ven Biển Đông có diện tích nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng có lượng dầu mỏ xuất khẩu lớn thứ 3 khu vực, với doanh thu dầu khí đóng góp trên 70% GDP, chiếm 90% chi tiêu của chính phủ thì giá trị to lớn mà Biển Đông đem đến là không thể tính toán được.

RELATED ARTICLES

Tin mới