Tuesday, April 16, 2024
Trang chủBiển nóngVai trò của Liên hợp quốc trong giải quyết tranh chấp chủ...

Vai trò của Liên hợp quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp biển nói riêng được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau. Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hoà bình là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ).

LHQ là một tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1954 với mục đích chính nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trên thực tế, những tranh chấp quốc tế cũng có thể là một mối nguy hại đe dọa việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nhằm loại bỏ mối nguy hại trên, LHQ đã thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bao gồm những cơ quan sau: Đại hội đồng; Hội đồng bảo an; Tòa công lý quốc tế. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Tổng thư ký cũng đóng vai trò hòa giải tranh chấp giữa các bên, cụ thể:

Đại hội đồng LHQ:

Đại hội đồng có quyền thảo luận mọi vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế do bất cứ thành viên nào của LHQ, Hội đồng Bảo an hay một nước không phải thành viên của LHQ đưa ra trước trước Đại hội đồng theo điều 35 khoản 2 của Hiến chướng LHQ. Đại hội đồng có thể đưa ra kiến nghị về mọi vấn đề thuộc loại này với một hoặc nhiều nước hữu quan, hoặc với Hội đồng Bảo an, hoặc với cả các nước hữu quan và Hội đồng Bảo an. Nếu vấn đề này đỏi hỏi phải có hành động thì Đại hội đồng chuyển lại cho Hội đồng Bảo an, trước hay sau khi thảo luận. Tuy nhiên, Đại hội đồng không được đưa ra một kiến nghị nào đối với các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an đang xem xét trừ trường hợp Hội đồng Bảo an yêu cầu. Trên thực tế, những Nghị quyết và tuyên bố của Đại hội đồng đã bao trùm rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ các tranh chấp thuộc địa tới những cáo buộc về vi phạm nhân quyền và nhu cầu công lý trong các vấn đề kinh tế quốc tế. Đại hội đồng cũng đã khẳng định quyền giải quyết các đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế khi Hội đồng Bảo an không thể hoạt động do việc sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực

Đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, các nước trong tranh chấp có thể đưa tranh chấp ra Đại hội đồng để thảo luận. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới đều trung lập về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa nên Đại hội đồng khó có thể ra một nghị quyết có lợi cho chủ quyền Việt Nam. Thêm vào đó, Đại hội đồng không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp lãnh thổ, mà chỉ có cơ quan xét xử của Liên hợp quốc, tức Toà án Công lý Quốc tế, mới có thẩm quyền này. Vì thảo luận trước Đại hội đồng không có khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam và các nước ASEAN nên dùng thảo luận này để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho những mục tiêu giới hạn hơn nhưng cần thiết cho mình.

Hội đồng Bảo an LHQ:

Theo điều 24 Hiến chương LHQ, các quốc gia thành viên LHQ trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc duy trì và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Các quốc gia thành viên LHQ phải chấp nhận thực hiện theo những quyết định của Hội đồng Bảo an theo quy định tại Điều 25 của Hiến chương LHQ. Thẩm quyền của Hội đồng Bảo an trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế được quy định tập trung tại Chương VI và Chương VII Hiến chương LHQ. Theo đó, Hội đồng bảo an có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp mà tất cả các quốc gia là thành viên của LHQ hay không là thành viên của LHQ nhưng thừa nhận nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp theo quy định tại Hiến chương LHQ quốc lưu ý đến Hội đồng Bảo an.

Theo Chương VI của Hiến chương quy định trách nhiệm giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế của Hội đồng bảo an. Chương VI nhấn mạnh trước hết vai trò các bên tham gia tranh chấp. Hội đồng bảo an không có quyền cưỡng chế họ mà chỉ góp phần giải quyết tranh chấp với vai trò trung gian hòa giải theo yêu cầu của các bên tham gia hoặc đưa ra khuyến nghị nhằm giải quyết khủng hoảng. Cụ thể là: Hội đồng bảo an, trong trường hợp cần thiết, yêu cầu các bên đương sự giải quyết tranh chấp của họ bằng các biện pháp hoà bình được nêu ra tại Khoản 1 Điều 33 của Hiến chương. Hội đồng bảo an cũng có thẩm quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình thế có thể dẫn đến bất đồng hoặc gây ra tranh chấp, xác định xem tranh chấp ấy hoặc tình thế ấy nếu kéo dài có thể đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế không (Điều 34). Không những vậy, Hội đồng bảo an có thẩm quyền kiến nghị những thủ tục hoặc những phương thức giải quyết phù hợp (Khoản 1 Điều 36). Hội đồng bảo an có thể can thiệp, nếu muốn, vào bất kỳ giai đoạn nào của các cuộc tranh chấp mà nếu tiếp diễn có khả năng gây hại tới hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, khi đưa ra những khuyến nghị như vậy, Hội đồng bảo an cần phải chú trọng mọi thủ tục mà các các đương sự đã áp dụng để giải quyết các tranh chấp ấy. Đồng thời, Hội đồng bảo an cũng cần chú trọng đến một nguyên tắc chung là những tranh chấp pháp lý phải được các bên tranh chấp đưa lên Tòa án Công lý quốc tế. Cuối cùng, trong trường hợp các bên tranh chấp không thể giải quyết bằng các phương pháp nêu tại Điều 33 thì theo Điều 37, các bên này sẽ đưa vụ việc lên Hội đồng bảo an. Nếu Hội đồng bảo an nhận thấy việc kéo dài các vụ tranh chấp trên thực tế có thể đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế, Hội đồng bảo an sẽ quyết định có nên hành động theo Điều 36 hay không, hoặc kiến nghị các điều kiện giải quyết tranh chấp mà Hội đồng bảo an cho là phù hợp (Khoản 2 Điều 37).

Theo chương VII của Hiến chương, khi Hội đồng bảo an nhận thấy những vụ tranh chấp có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, theo Điều 39 Hội đồng bảo an sẽ kiến nghị, quyết định những biện pháp phù hợp với các Điều 41 và Điều 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Việc áp dụng các biện pháp tại Điều 41 và Điều 42 là nhằm chống lại hành vi đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế chứ không phải hành vi giải quyết tranh chấp. Các bên tranh chấp vẫn có toàn quyền giải quyết các tranh chấp theo đúng quy định của Luật quốc tế. Như vậy, thẩm quyền của Hội đồng bảo an là độc lập, riêng biệt, không cần phải đợi đơn đệ trình của các thành viên. Tuy nhiên theo quy định của Hiến chương, các quốc gia có thể lưu ý Hội đồng bảo an về những tranh chấp mà mình là đương sự. Theo quy định tại Điều 34 của Hiến chương, một quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc cũng có quyền này miễn là quốc gia đó đã thừa nhận trước đó những nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp như Hiến chương quy định. Tuy nhiên điều khoản này không nhằm mục đích gây ra sự chậm chễ và sự phụ thuộc của Hội đồng bảo an vào các kiến nghị hay lưu ý của các quốc gia có liên quan.

Trên thực tế, đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến 5 nước 6 bên, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong 5 nước thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, vì vậy, hầu như không có khả năng vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận, trao đổi tại Hội đồng Bảo an. Vì Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các nước đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an.

Tòa án công lý quốc tế:

Tòa án công lý quốc tế là cơ quan tư pháp chính của LHQ, thành lập và hoạt động theo Quy chế Tòa án quốc tế. Theo Điều 36(3) của Hiến chương thì những tranh chấp pháp lý cần được các bên đưa lên Tòa án công lý quốc tế. Điều 36(1) quy định Tòa có thẩm quyền xét xử tất cả vụ việc mà các bên đưa ra và tất cả các vấn đề được nêu riêng trong Hiến Chương LHQ hoặc trong các hiệp ước, công ước quốc tế hiện hành. Tòa giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể là các quốc gia, không phân biệt quốc gia đó có phải là thành viên Liên Hợp Quốc hay không (Điều 35 về Quy chế Tòa án quốc tế). Trong mọi trường hợp xảy ra tranh chấp, thẩm quyền của tòa được xác định trên cơ sở ý chí của chủ thể đang tranh chấp (các bên tranh chấp). Điều này có nghĩa Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu cả hai bên tranh chấp cùng đồng ý đưa vụ việc tranh chấp lên Tòa. Khi thẩm quyền của Tòa được xác lập thì thẩm quyền này là độc lập, dựa trên ý chí tự nguyện từ các bên hữu quan, mà không bị bất cứ sức ép chính trị hay kinh tế nào. Phán quyết của Tòa là bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Theo Điều 94 của Hiến chương, nếu một trong các bên tranh chấp không thi hành bản án thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an kiến nghị hoặc đưa ra các quyết định để phán quyết của Tòa được thực hiện.

Toà án Công lý Quốc tế đã phán quyết rất nhiều lần về phạm vi của các vùng biển thuộc về đảo. Điều này có nghĩa là Toà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và rất có thể Toà sẽ phán quyết một cách phù hợp với những phán quyết trước đây, vốn được cho là chuẩn mực của sự công bằng trong việc phân định biển. Do đó có ít rủi ro là phán quyết của Toà sẽ không công bằng. Đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã dù vũ lực để chiếm và đang chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa và dùng sức mạnh để củng cố cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với khu vực tranh chấp này. Vì vậy, các bên liên quan tranh chấp có thể thúc đẩy nghiên cứu về việc đưa tranh chấp Biển Đông ra Toà.

Ngoài việc phân xử tranh chấp, một quốc gia có thể yêu cầu Toà ra một ý kiến tư vấn (Advisory Opinion) mà không cần các nước khác trong tranh chấp đồng ý việc giải quyết này của Tòa. Ý kiến tư vấn của Toà không có tính ràng buộc nhưng là một tiếng nói mạnh mẽ. Việt Nam cũng như các bên liên quan tranh chấp có thể dùng phương tiện này để góp phần bảo vệ chủ quyền của mình, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tin tưởng là Toà sẽ ra ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam.

Vai trò của Tổng thư kí LHQ trong giải quyết tranh chấp quốc tế:

Tổng thư kí LHQ là viên chức cao cấp nhất của LHQ, do Đại hội đồng bổ nhiệm theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an. Tổng thư kí đứng đầu và điều hành hoạt động của Ban Thư kí Liên hợp quốc, hoạt động trong tất cả các cuộc họp của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Thác quản và thực hiện mọi chức năng khác do các cơ quan này giao cho. Theo Điều 99 của Hiến chương, Tổng thư kí có thể đề xuất với Hội đồng Bảo an bất kì vấn đề nào mà theo ý kiến của ông có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế. Như vậy, nếu một tranh chấp quốc tế mà theo ông có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế thì Tổng thư kí có thể lưu ý Hội đồng bảo an.

Trên thực tế, Tổng thư kí Liên hợp quốc có vai trò như một nhà hòa giải các tranh chấp quốc tế. Tổng thư kí sử dụng “good offices” (uy tín của mình và sức ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế mà ông đại diện) để gặp gỡ công khai hoặc riêng các nhà lãnh đạo trên thế giới nhằm ngăn chặn các tranh chấp quốc tế leo thang và lan rộng. Tổng thư kí cũng có thể cử các đại diện đặc biệt thực hiện sứ mệnh hòa giải tranh chấp quốc tế của mình. Việc lựa chọn các đại diện này rất hạn chế và có rất ít các sự hỗ trợ giúp họ trong việc thi hành sứ mệnh của mệnh. Họ chủ yếu phải dựa vào uy tín cá nhân và sức ép của công luận để hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trên thế giới rất tôn trọng và tin tưởng Tổng thư kí. Do đó, những nỗ lực nhằm hòa giải hoặc ngăn chặn tranh chấp quốc tế của Tổng thư kí rất được các nhà lãnh đạo trên thế giới coi trọng. Nhờ có “good offices” mà rất nhiều Tổng thư kí đã thành công trong vai trò là một “nhà hòa giải thế giới”.

Cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Việc giải quyết tranh chấp trên biển trong Luật quốc tế hiện đại chủ yếu dựa trên các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. UNCLOS vừa là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển, vừa là công cụ hữu hiệu để các quốc gia giải quyết các tranh chấp phát sinh từ biển. Vấn đề giải quyết tranh chấp về biển được quy định tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299 của UNCLOS và các bản phụ lục có liên quan, bao gồm các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục hoà giải (Phụ lục V); tổ chức, thẩm quyền, và thủ tục tố tụng của Toà án Quốc tế về Luật biển (Phụ lục VI); thẩm quyền, thủ tục và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, (Phụ lục VII); về việc giải quyết tranh chấp bằng toà án trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)…

Theo quy định của Công ước, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Thông thường thì “các bên đương sự nhanh chóng tiến hành trao đổi ý kiến để giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc các biện pháp hoà bình khác” như đàm phán hoặc hoà giải. Nếu các bên tranh chấp không nhất trí được với nhau về cách thức giải quyết hoặc cách thức đó không dẫn đến một giải pháp cho cuộc tranh chấp thì họ có nghĩa vụ tiến hành các cuộc trao đổi về quan điểm” mà thông thường bằng biện pháp hoà giải. Nếu vẫn bế tắc thì theo yêu cầu của một bên tranh chấp, họ buộc phải lựa chọn một trong bốn khả năng của thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc (các biện pháp mang tính xét xử và có tính bắt buộc): Toà án Công lý quốc tế; Toà án quốc tế về luật biển; Một toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; Một toà Trọng tài đặc biệt để giải  quyết các tranh chấp liên quan tới từng lĩnh vực riêng biệt như nghiên cứu khoa học biển, đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, giao thông biển…(Điều 287). Đây chính là những cơ quan theo quy định của Công ước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp biển, cụ thể:

Toà án Công lý quốc tế: Toà án Công lý quốc tế là cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc. Toà án có chức năng giải quyết hoà bình trên cơ sở luật quốc tế, các tranh chấp pháp lý quốc tế phát sinh giữa các quốc gia trong các quan hệ quốc tế. Toà án giúp Liên hợp quốc đạt được một trong những nhiệm vụ cơ bản của mình là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật quốc tế. Chỉ có các quốc gia mới có quyền kiện ra Toà để giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa họ. Các thành viên của LHQ là các quốc gia được quyền sử dụng cơ chế của Toà để giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa họ. Quốc gia không phải là thành viên LHQ cũng có thể yêu cầu Toà giúp đỡ với điều kiện trước đó họ phải chấp nhận Quy chế của Toà. Điều này chỉ đạt được khi quốc gia yêu cầu đáp ứng được các điều kiện do Đại hội đồng đặt ra trong từng trường hợp trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng Bảo an.

 Thành phần của Toà bao gồm các thẩm phán, các phụ thẩm và thư ký. Các thẩm phán được lựa chọn không căn cứ vào quốc tịch, trong số những nhân vật có phẩm chất đạo đức cao, đáp ứng các yêu cầu đề ra ở nước họ để chỉ định giữ chức vụ xét xử cao nhất, hoặc những luật gia có uy tín lớn trong lĩnh vực luật quốc tế, là những người hoạt động độc lập (Điều 2 Quy chế của Toà). Các thẩm phán phải được bầu, Toà gồm có 15 thẩm phán, trong đó không có hai người có cùng quốc tịch (Điều 3 Quy chế của Toà). Các thẩm phán có nhiệm kỳ 9 năm và có thể được bầu lại (riêng lần bầu cử đầu tiên có một phần ba số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm và một phần ba số thẩm phán có nhiệm kỳ 6 năm). Các thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an bầu ra, trong số những người có tên trong danh sách đề nghị của các Tiểu ban Dân tộc của Toà trọng tài thường trực (Điều 4 Quy chế của Toà). Bầu cử được tiến hành 3 năm một lần nhằm thay đổi một phần ba thành phần Toà với mục đích không ngừng nâng cao hiệu quả của Toà.

 Thành phần của một phiên toà xét xử thông thường gồm 15 thành viên (họp toàn thể) của Toà án, đôi khi là 9, 5 hoặc 3 thành viên. Điều này phụ thuộc vào chức năng của Toà có thể thành lập các toà đặc thù như: Toà rút gọn trình tự tố tụng; Toà đặc biệt; Toà rút gọn thành phần hay toà ad hoc đối với từng vụ việc.

 Thẩm quyền giải quyết tranh chấp là một trong những thẩm quyền chính của Toà. Điều 33, khoản 1 của Quy chế quy định: “Toà có thẩm quyền tiến hành xét tất cả các vụ việc mà các bên đưa ra cũng như tất cả các vấn đề được nêu riêng trong Hiến chương LHQ hoặc trong các hiệp ước, các công ước đang có hiệu lực”. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà được thiết lập theo các phương thức sau: (1) Chấp nhận thẩm quyền của Toà theo từng vụ việc. Trong mọi trường hợp, các quốc gia tranh chấp sẽ ký một hiệp ước, được gọi là thoả thuận thỉnh cầu, đề nghị Toà xem xét phân giải tranh chấp giữa họ. Trong thoả thuận này, các quốc gia nêu rõ đối tượng tranh chấp, các câu hỏi cần giải quyết, phạm vi thẩm quyền của Toà, phạm vi luật áp dụng. Từ những năm 1960 đến nay, các nước thường dùng hình thức thoả thuận thỉnh cầu để đưa các vụ tranh chấp có liên quan đến phân định thềm lục địa và biên giới ra trước Toà. (2) Chấp nhận trước thẩm quyền của Toà trong các điều ước quốc tế. Thẩm quyền bắt buộc của Toà có thể được xác lập hoặc thông qua các điều khoản đặc biệt trong các hiệp ước song phương và đa phương thừa nhận trước thẩm quyền của Toà. Thông thường, trong các hiệp ước và công ước song phương hoặc đa phương thường trù định điều khoản đặc biệt, trong đó các bên thoả thuận trước, khi có xảy ra tranh chấp trong việc giải thích và thực hiện điều ước quốc tế, một bên có thể đưa tranh chấp ra trước Toà. (3) Tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà. Theo cơ chế này, khi cả hai quốc gia tranh chấp đều có tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà và các tuyên bố này của họ đồng thời có cùng phạm vi hiệu lực đối với một tranh chấp như vậy thì có thể coi Toà có thẩm quyền xét xử tranh chấp đó. Cơ chế này cũng cho phép quốc gia có thể viện dẫn đến sự giúp đỡ của Toà để phân giải một tranh chấp với một quốc gia khác có cùng một lập trường đối với thẩm quyền của Toà. Các tuyên bố đơn phương hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia. Các quốc gia có toàn quyền tự do lựa chọn thời điểm, nội dung, điều kiện chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của Toà. Theo quy định của Quy chế của Toà, Quy chế của Toà là cơ sở để Toà xét xử. Trong quá trình xét xử Toà áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế thực định, trên cơ sở Điều 38 Quy chế Toà án.

Toà án quốc tế về Luật biển: Toà án quốc tế về Luật biển là cơ quan tài phán được thành lập trong khuôn khổ của UNCLOS. Số thành viên của Toà gồm 21 thành viên, được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về sự công bằng và liêm khiết, có năng lực nổi bật trong lĩnh vực luật biển. Việc lựa chọn thành phần của Toà được tiến hành trên các nguyên tắc: Thành phần của Toà phải bảo đảm có sự đại diện của các hệ thống pháp lý chủ yếu của thế giới và một sự phân chia công bằng về mặt địa lý; Mỗi quốc gia thành viên có quyền chỉ định nhiều nhất là hai người. Các thành viên của Toà sẽ được tuyển lựa trên danh sách đề cử, tuy nhiên trong thành phần của Toà không thể có quá một công dân của cùng một quốc gia; Các thành viên của Toà được bầu bằng bỏ phiếu kín, người trúng cử là những ứng cử viên đạt được số phiếu bầu cao nhất và phải được 2/3 số quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.

 Thẩm quyền Toà trọng tài được để ngỏ cho tất cả các quốc thành viên cũng như cho các thực thể không phải là quốc gia thành viên trong tất cả các trường hợp liên quan đến việc quản lý và khai thác Vùng-di sản chung của loài người-hay cho mọi tranh chấp được đưa ra theo mọi thoả thuận khác, giao cho Toà một thẩm quyền được tất cả các bên trong vụ tranh chấp chấp nhận… Theo quy định tại Điều 21 Quy chế của Toà án quốc tế về Luật biển, Toà có thẩm quyền: “Toà án có thẩm quyền đối với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra toà theo đúng Công ước, và đối với tất cả các trường hợp được trù  định trong mọi thoả thuận khác, giao thẩm quyền cho Toà”.

Toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước Luật Biển: Toà trọng tài được thành lập và hoạt động theo đúng Phụ lục VII của Công ước luật biển, là cơ quan tài phán quốc tế. Theo quy định tại Điều 1 Phụ lục VII (Trọng tài): “Với điều kiện phải tuân thủ Phần XV, bất kỳ bên nào trong một vụ tranh chấp đều có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài đã trù định trong phụ lục này bằng một thông báo viết gửi tới bên kia hoặc các bên kia trong vụ tranh chấp. Thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó”.

 Toà trọng tài thực hiện các chức năng của mình theo đúng phụ lục VII và các quy định khác của Công ước trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới luật biển. Bản án của Toà trọng tài có tính tối hậu và không được kháng cao, trừ khi các bên trong vụ tranh chấp đã có thoả thuận trước về một thủ tục kháng cáo. Tất cả các bên trong vụ tranh chấp khi được Toà trọng tài giải quyết vụ việc bằng bản án thì đều phải tuân theo.

 Toà trọng tài đặc biệt: Toà trọng tài đặc biệt được quy định tại Phụ lục VIII của UNCLOS. Toà trọng tài đặc biệt được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng biệt liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của công ước Luật biển liên quan đến: việc đánh bắt hải sản; việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; việc nghiên cứu khoa học biển hoặc hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhấn chìm… Toà trọng tài đặc biệt này có sự đóng góp đáng kể của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền chuyên môn trong từng lĩnh vực, như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình của Liên hợp quốc về môi trường (UNEF)… Khi có tranh chấp phát sinh, dựa trên danh sách các chuyên viên đã được lập, một hội đồng trọng tài đặc biệt sẽ được thành lập, gồm 05 thành viên. Mỗi bên tranh chấp có quyền lựa chọn hai chuyên viên tham gia hội đồng trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận cử ra.

Về một số giải pháp lâm thời

Trong khi chờ đợi những giải quyết thông qua các cơ chế của LHQ, các nước liên quan tranh chấp có thể sử dụng một giải pháp lâm thời để bảo vệ phần lớn chủ quyền, an ninh của mình. Giải pháp này có thể có các nguyên tắc sau: Không nước nào được khai thác hay khảo sát vùng biển thuộc về các đảo đang bị tranh chấp. Vùng biển này có thể được xác định bằng một Ý kiến Tư vấn của Toà. Bằng không, các nước trong tranh chấp có thể thoả thuận một phạm vi giữa 12 hải lý và 24 hải lý cho mỗi đảo. Mục đích của điều này là bảo lưu quyền lợi của nước có chủ quyền đối với đảo trong hiện trạng tranh chấp chưa được giải quyết; Ngoại trừ các vùng biển nêu trên, mỗi nước trong tranh chấp có đặc quyền khai thác các vùng biển và thềm lục địa cách lãnh thổ không bị tranh chấp của mình dưới 200 hải lý. Các nước khác không được phản đối việc khai thác này. Mục đích của điều này là bảo đảm quyền mỗi nước có đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo UNCLOS; Ngoại trừ các vùng biển trên, mỗi nước trong tranh chấp có đặc quyền khai thác thềm lục địa bên trong phạm vi được Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa công nhận. Các nước khác không được phản đối việc khai thác này. Mục đích của điều này là bảo đảm quyền mỗi nước có đối với thềm lục địa theo UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới