Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐàm luậnQuyền đánh cá của ngư dân các nước tại bãi cạn Scarborough:...

Quyền đánh cá của ngư dân các nước tại bãi cạn Scarborough: Từ khía cạnh luật quốc tế đến thực tiễn (Kỳ I)

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thực chất là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía Tây. Bãi cạn được tạo thành từ một chuỗi rạn san hô và đá có hình tam giác với chu vi 55 km và tổng diện tích (gồm cả vùng nước cạn) là 150 km2. Phá nước nông có diện tích 130 km2 và độ sâu 15 m. Trong bãi cạn, có một vài hòn đá, trong đó có hòn mà Trung Quốc gọi là Nam nham, cao từ 0,5 – 3 m; nhiều rạn đá ngầm chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. Gần cửa vào của phá nước có một phế tích của tháp sắt cao 8,3 m do Hải quân Philippines dựng lên vào năm 1965.

Trung Quốc huy động hàng chục tàu thuyền ráo riết bồi đắp bãi cạn Scaborough sau khi chiếm giữ bãi cạn này

Hiện nay, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham; Đài Loan và Trung Quốc xem bãi cạn này là một phần của quần đảo Trung Sa. Philippines thì cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1092 (UNCLOS) công nhận. Kể từ năm 1997, Philippines đòi chủ quyền đối với bãi cạn. Tháng 6 năm 2012, Trung Quốc đã chiếm thành công bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Philippines có chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham?

Philippines (22/1/2013) chính thức “Tuyên bố và Thông báo khởi kiện” Trung Quốc theo cơ chế Trọng tài Phụ lục VII của UNCLOS. Nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc xoay quanh một số vấn đề sau: (1) Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Trước hết, Philippines khẳng định các vùng biển của Trung Quốc trên Biển Đông, giống như của Philippines, không thể vượt quá những gì được cho phép trong UNCLOS. Yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền và quyền tài phán và về “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm bên trong “đường lưỡi bò” là trái với các quy định của UNCLOS và không có giá trị pháp lý vì các yêu sách này vượt quá các vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo quy định của UNCLOS. (2) Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài làm rõ quy chế pháp lý của một số thực thể ở Biển Đông . Theo Philippines, bãi Vành Khăn (Mischief Reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xu Bi (Subi Reef), Ga Ven (Gaven Reef) và Ken Nan (McKennan Reef) (bao gồm cả Tư Nghĩa (Hughes Reef)) là các bãi nửa nổi nửa chìm, nghĩa là nổi khi thủy triều xuống thấp và chìm khi thủy triều lên cao. Theo UNCLOS, các bãi nửa nổi nửa chìm không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Trong các bãi nửa nổi nửa chìm trên, Philippines đặc biệt yêu cầu Tòa Trọng tài xác định bãi Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines. Ngoài các bãi nửa nổi nửa chìm, Philippines còn yêu cầu Toà Trọng tài kết luận bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal), Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef) chỉ là đá vì “không có khả năng cho con người cư trú và không có đời sống kinh tế riêng”. Do đó, chúng chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà không được hưởng quy chế về EEZ và thềm lục địa. (3) Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông là bất hợp pháp. Cụ thể, Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào việc thụ hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của Philippines đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa Philippines. Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế khi không ngăn chặn được công dân và tàu bè nước này khai thác tài nguyên sinh vật trong vùng EEZ của Philippines. Việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Philippines tại Scarborough, cản trở ngư dân Philippines tìm kiếm sinh kế là bất hợp pháp. Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại Scarborough và Cỏ Mây. Việc Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng tại Vành Khăn đã: (a) Vi phạm các quy định của UNCLOS về các đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc trên biển; (b) Vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển mà UNCLOS quy định; (c) Là các hành vi bất hợp pháp nhằm tìm cách chiếm hữu các thực thể này, vi phạm UNCLOS. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS khi triển khai lực lượng tàu chấp pháp theo cách thức nguy hiểm, gây nguy cơ đâm va nghiêm trọng cho các tàu Philippines di chuyển quanh Scarborough. Từ khi Philippines bắt đầu vụ kiện vào tháng 1/2013 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều hành vi sai trái làm nghiêm trọng hóa và mở rộng tranh chấp, trong đó bao gồm: (a) Cản trở quyền qua lại trên biển của Philippines trong các vùng nước trong và tiếp liền với bãi Cỏ Mây; (b) Ngăn cản việc đảo quân và tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng quân tại bãi Cỏ Mây; (c) Gây nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của các binh lính Philippines đóng tại bãi Cỏ Mây. (4) Philippines yêu cầu Tòa kết luận Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp khác trong tương lai.

Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa trọng tài cho rằng: (i) Trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. (2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng; các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất; một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có. (3) Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines. (4) Nhà chức trách Trung Quốc nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này. (5) Việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.

Quyền đánh bắt cá truyền thống: Luật pháp quốc tế và UNCLOS

Quyền đánh bắt cá truyền thống hay quyền đánh bắt cá thủ công đã tồn tại và được công nhận trong luật pháp quốc tế. Tòa trọng tài trích dẫn chủ yếu phán quyết năm 1999 của Tòa trọng tài trong “Vụ phân định biển giữa Eritrea và Yemen” để định nghĩa thế nào là đánh bắt cá thủ công, truyền thống. Trong vụ việc đó, đánh bắt cá thủ công được định nghĩa là hoạt động đánh bắt cá sử dụng các tàu cá nhỏ và ngư cụ đơn giản, với quy mô nhỏ khác với đánh bắt cá công nghiệp. Ngư dân đánh bắt cá truyền thống có thể nâng cấp, cải tiến động cơ của các tàu cá nhỏ, thay đổi kỹ thuật hàng hải, thông tin liên lạc hoặc kỹ thuật đánh bắt. Nhưng nếu các cải tiến này khiến cho hoạt động đánh bắt cá vượt mức “thủ công”, trở thành đánh bắt cá quy mô công nghiệp quy mô lớn và có tính chất thương mại thì sẽ không được xem là đánh bắt cá thủ công, truyền thống.

Tòa trọng tài cho rằng quyền đánh bắt cá thủ công, truyền thống hình thành qua thực tiễn lâu dài, phổ biến của một cộng đồng. Đây là quyền tư (private right) thuộc về các ngư dân và một cộng đồng ngư dân đánh bắt cá truyền không, không phải là quyền của một quốc gia. Và vì vậy, các quyền này không bị ảnh hưởng bởi sử thay đổi về biên giới, lãnh thổ hay chủ quyền. Nói cách khác, do các quyền tư này không thuộc về quốc gia nên việc thay đổi biên giới, lãnh thổ hay chủ quyền của quốc gia cũng không có tác động đến các quyền này. Các quyền nay gắn liền với cá nhân và cộng đồng, và vẫn sẽ tồn tại cùng với sự tồn tại của cá nhân và cộng đồng có quyền đó.

Tuy nhiên, quyền đánh bắt cá thủ công, truyền thống có thể bị loại bỏ hoặc thay đổi nếu các quốc gia liên quan có thỏa thuận. Khi Công ước được thông qua và có hiệu lực, quyền đánh bắt cá truyền thống không còn được công nhận nếu trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế. Quyền đánh bắt cá truyền thống chỉ có thể tiếp tục tồn tại trong lãnh hải theo Điều 2(3) và trong vùng nước quần đảo theo Điều 51(1). Điều 2(3) quy định “chủ quyền đối với lãnh hải được thực thi theo quy định của Công ước này và các quy định khác của luật pháp quốc tế,” và quyền đánh bắt cá truyền thống được xem là nằm trong nhóm “các quy định khác của luật pháp quốc tế.” Điều 51(1) quy định “quốc gia quần đảo phải tôn trọng các thỏa thuận đang tồn tại với các quốc gia khác và phải công nhận quyền đánh bắt cá truyền thống và các hoạt động chính đánh khác của các quốc gia liền kề trong các khu vực nhất định của vùng nước quần đảo.”

RELATED ARTICLES

Tin mới