Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐàm luậnChủ trương, chính sách và hoạt động của các nước đồng minh...

Chủ trương, chính sách và hoạt động của các nước đồng minh của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2018

Trong năm 2018, các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Australia, Nhật Bản, Anh… đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông.

Australia tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Biển Đông

Trong năm 2018, Australia tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác, giao lưu với các nước liên quan nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cụ thể: (1) Australia (24/10) đang triển khai thêm nhiều tàu chiến đến Biển Đông và hoạt động tại các căn cứ quân sự trên khắp Thái Bình Dương trong bối cảnh Australia đang gồng mình trước việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh ở khu vực. Theo các số liệu được một Ủy ban trong Thượng viện Australia công bố, Hải quân Australia đã chậm rãi tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông trong vòng 5 năm qua. Tại buổi điều trần trước Thượng viện Australia, Chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Angus Campbell cho biết, việc con số tăng lên không chỉ phản ánh thực tế Australia đang hiện diện nhiều hơn ở khu vực mà còn cho thấy nước này “tham gia nhiều hơn với các đối tác trong khu vực tại một vùng biển trung chuyển đến 1/3 lượng vận tải thế giới và là tuyến đường tự nhiên giữa Australia và các đối tác thương mại lớn”. (2) Phát biểu bên lề Hội nghị của Viện các vấn đề quốc tế Australia tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (15/10) đã thể hiện lập trường thận trọng một cách rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhiều hơn ở vùng biển tranh chấp này. (3) Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Australia (10/10) đã thảo luận về khả năng hợp tác quân sự và an ninh trong khuôn khổ chiến lược của Tokyo về “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết, có thể Nhật Bản sẽ tham gia tuần tra trên biển cùng với Australia tại Biển Đông. (4) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (3/10) đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc (30/9) áp sát tàu chiến của Mỹ. Ông Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”, khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”. (5) Thủ tướng Australia Morrison (3/10) cho biết Australia sẽ đóng vai trò là “cái đầu lạnh” khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giữa một bên là Mỹ – đồng minh an ninh, và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trước đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (25/2) khẳng định sẽ tiếp tục cho phép Hải quân Australia tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông sau khi có sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Frances Adamson cho biết an ninh hàng hải, bao gồm cả tự do hàng hải, là “cần thiết để bảo đảm cho các tuyến đường thương mại mà Australia phụ thuộc vào”. Theo bà Adamson, cạnh tranh Trung – Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng Australia cũng thấy có cơ hội để hợp tác, bởi “quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong tương lai, và tình hình quan hệ đó sẽ tạo ra bức tranh chiến lược khu vực”. (6) 3 quân chủng hải, lục, không quân của Australia (2-19/10) đã tham gia vào cuộc tập trận an ninh quốc tế kéo dài hai tuần ở Biển Đông. Cụ thể, quân đội các nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh sẽ tham gia cuộc tập trận Bersama Lima 18 từ ngày. Tư lệnh quân đội Australia, Đội trưởng Nicholas Pratt, cho biết cuộc tập trận Bersama Lima bao gồm các nội dung huấn luyện thực địa, bắn đạn thật cũng như luyện tập chỉ huy để kiểm tra khả năng hoạt động của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân Australia. Cuộc tập trận này cũng sẽ tăng cường hiểu biết của các quốc gia đối tác về chiến thuật và quy trình triển khai hoạt động, chứng minh giá trị vô giá trong việc xây dựng khả năng tương tác giữa quân đội các nước trong khu vực và các tình huống huấn luyện thực tế liên quan. (7) Tại Đối thoại Chiến lược Ba bên tại Singapore, Ngoại trưởng Australia, Mỹ và Nhật Bản (4/8) đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, trong đó có vấn đề sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại trên các khu vực tranh chấp. Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị nêu rõ: “Các Bộ trưởng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương áp đặt, làm biến đổi nguyên trạng và gây gia tăng căng thẳng”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghi nhận những tiến triển về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng COC cần phù hợp với luật pháp quốc tế và các bên cần đẩy mạnh cam kết về chấm dứt các hành động làm leo thang tranh chấp. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2018, Australia, Mỹ và Nhật Bản (2/6) đã nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác nhằm đối phó với mọi nỗ lực đơn phương nhằm phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông, mà rõ ràng nhắm đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Các quan chức cũng nhất trí triển khai một chương trình hành động chiến lược về an ninh biển áp dụng cho cả ba nước. (8) Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles (24/7) cho biết Đảng Lao động ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải (FONOP) phù hợp với luật pháp quốc tế, và sẽ cân nhắc việc phối hợp với các nước khác.

Nhật Bản tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ở Biển Đông

Trong năm 2018, ngoài việc tăng cường hiện diện, tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. (1) Bộ Quốc phòng Nhật Bản (8-10/2018) đã đưa ba tàu khu trục (có tàu sân bay trực thăng Kaga) tới Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trước đó, Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (27/9) đã tham gia tập trận hải quân với tàu HMS Argyll của Anh tại Ấn Độ Dương khi chiếc tàu khu trục này đang tiến về phía Biển Đông và Đông Á. Theo ông Kenji Sakaguchi, Tư lệnh Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản, “sự hiện diện thường xuyên hơn của Hải quân Hoàng gia trong khu vực là cơ hội để hai hải quân tập luyện ăn khớp hơn trong tương lai”. (2) Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (25/6) cho biết Nhật Bản đã ký thoả thuận hỗ trợ Indonesia 2,5 tỉ yên (tương đương 23 triệu đô la Mỹ) nhằm phát triển các cảng và cơ sở nghề cá trên 6 đảo xa bờ của nước này, trong đó có đảo Natuna, trước tháng 1/2020. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản (7/3) đã quyết định tăng cường các chuyên gia quân sự tại các nước đối tác ở Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Theo truyền thông Nhật Bản nhận định, đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đưa các chuyên gia quân sự của mình tới các quốc gia Đông Nam Á và con số chuyên gia dự kiến cũng sẽ tăng từ một lên hai chuyên gia cho mỗi nước nói trên. Cũng theo Liberty Times, Nhật Bản đang chuẩn bị cung cấp cho quân đội Philippines 3 máy bay TC-90 mới nhằm giúp nước này theo dõi tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc ở gần lãnh thổ của mình. Trong bối cảnh khác, Cảnh sát biển Nhật Bản và Malaysia (29/1) tiến hành diễn tập chung về tìm kiếm cứu nạn tại một khu vực trên Biển Đông nằm gần bờ biển của Malaysia. (3) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (12/6) đã tuyên bố rằng Nhật Bản và Malaysia nhất trí duy trì quyền tự do hàng hải ở eo biển Malacca và Biển Đông cho tất cả các quốc gia. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cần phải là một khu vực tự do và cởi mở dựa trên thượng tôn phát luật và được đảm bảo là tuyến đường chung vì hoà bình và thịnh vượng của khu vực. Ông Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với tất cả những quốc gia nào ủng hộ khái niệm này với Malaysia. Tôi khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa hợp tác vì hoà bình và ổn định khu vực, trong đó có lĩnh vực an ninh biển”. (4) Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ (4/4) chia sẻ quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông. Quan chức 3 nước cũng trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực liên quan đến các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh biển và xây dựng nhận thức trên các lĩnh vực biển… Đồng thời, các bên đều nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng, hòa bình và toàn diện thông qua quan hệ đối tác với các nước ở khu vực.

Ấn Độ tích cực hợp tác song phương, đa phương ở Biển Đông

Trong năm 2018, Ấn Độ đã tích cực tăng cường hiện diện ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương ở Biển Đông. (1) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (3/3) tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như “tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, sự phát bền vững, hệ thống đầu tư và thương mại tự do, công bằng và cởi mở”; nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kêu gọi thực thi một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trước đó, tại “”Đối thoại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (27/2) được tổ chức bởi Hải quân Ấn Độ Dương và Trung tâm Nghiên cứu Quỹ Biển quốc gia (NMF), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định, tự do hàng hải ở các vùng biển được điều chỉnh bởi trật tự dựa trên luật lệ và không có siêu cường hay nhóm siêu cường nào có quyền thay đổi trật tự dựa trên luật lệ. (2) Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Ấn Độ – ASEAN, bà Pritee Saran phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (5/2) khẳng định đã đến lúc Ấn Độ cần khởi động quan hệ hợp tác quân sự với Philippines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh, hoà bình và an ninh khu vực là một trong những nội dung mấu chốt trong Kế hoạch Hành động Hợp tác Ấn Độ – ASEAN năm 2016 – 2020; đồng thời cho biết, Chính phủ Ấn Độ luôn xem an ninh biển ở khu vực đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và ASEAN, tái khẳng định lập trường của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được giải quyết hoà bình theo UNCLOS, không có bên nào được phép sử dụng vũ lực để yêu sách chủ quyền đối với các với các vùng biển quốc tế dành cho tất cả các quốc gia. (3) Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre (7/3) cho biết Hải quân, Cảnh sát biển cùng với các cơ quan khác của Ấn Độ đang triển khai tuần tra trên các vùng biển, các đảo và các vùng nước lân cận thông qua việc sử dụng tàu thuyền và máy bay nhằm phát hiện các hành động xâm nhập trên các tuyến đường biển, qua đó đối với các nguy cơ từ biển đang gia tăng đối với Ấn Độ.

Anh, Pháp tiếp nối theo Mỹ, tích cực can thiệp vào vấn đề Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực

Trong năm 2018, ngoài việc tăng cường tuần tra ở Biển Đông, Anh và Pháp cũng tích cực hợp tác với các nước trong vấn đề Biển Đông. (1) Đô đốc Philip Jones thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (22/10) cho biết ông sẽ đưa các tàu chiến của Anh đi qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, thể hiện sự ủng hộ các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc. (2) Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Chính phủ Pháp (9/2018) đã thảo luận với Australia về cách phối hợp triển khai hoạt động ở Biển Đông nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực được giữ vững. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục qua lại tại vùng biển này và khẳng định “quan điểm của Pháp rất rõ ràng, Trung Quốc phải tuân thủ các quy định quốc tế, song Pháp luôn sẵn sàng đối thoại”. Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (4/6) đã kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ kiên quyết phản đối việc đưa ra bất cứ yêu sách nào nhằm đòi hỏi chủ quyền trên thực tế đối với các cấu trúc ở khu vực này. Bà Parly cũng nhấn mạnh rằng bởi tầm quan trọng của tuyến đường biển huyết mạch đối với an ninh kinh tế của nhiều quốc gia, các bên sẽ không có quyền được phớt lờ luật pháp quốc tế. Bà cho biết Pháp không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực nhưng Pháp nhấn mạnh hai nguyên tắc của trật tự quốc tế dựa trên khu vực, đó là tranh chấp cần phải được giải quyết bằng các biện pháp pháp lý và đàm phán chứ không phải là áp đặt sự đã rồi, cùng với đó là cần phải bảo vệ tự do hàng hải. Bà Parly cũng cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần có tính ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời bày tỏ tin tưởng vào các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay. (3) Đại sứ Pháp tại Philippines Nicolas Galey (12/3) cho biết Philippines và Pháp mới đây đã đưa ra cam kết về việc cùng hợp tác nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, góp phần bảo vệ hoà bình ở Biển Đông; khẳng định “đây là một lĩnh vực hợp tác mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hai nước, nhất là vào thời điểm hai nước như Pháp và Philippines đang tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm bảo đảm an ninh khu vực” và “Pháp và Philippines cùng có chung quan tâm đối với an ninh biển và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển”, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường pháp lý của Philippines ở Biển Đông, khẳng định Pháp “có chung hướng tiếp cận” đối với tranh chấp ở khu vực này. Cùng ngày, Tàu Hải quân Pháp FNS Vendemiare (F734) đã tới cảng Manila nhằm khẳng định “cam kết quân sự của Pháp đối với an ninh ở Đông Nam Á”. (4) Trong diễn biến liên quan, Tàu chiến HMS Sutherland của Anh (9/3) đã cập cảng Sydney nhằm triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Tư lệnh Andrew Canale cho biết Australia đã sẵn sàng cho bất cứ khả năng nào, khẳng định hoạt động tự do hàng hải của Anh sẽ tuân thủ một cách đầy đủ luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, trả lời phỏng vấn với AFR trong chuyến thăm tới Australia, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh của EU Francois Rivasseau (2/4) đã nêu quan ngại về tranh chấp Biển Đông, cảnh báo có thể có những “làn sóng gây sốc” về kinh tế do tranh chấp Biển Đông gây ra, trước sẽ tác động tức thì đến khu vực và sau sẽ là tác động trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, ông Francois Rivasseau khẳng định không loại trừ khả năng hải quân các nước châu Âu có thể sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai do “các vùng biển ở Nam Á đóng vai trò rất quan trọng đối với châu Âu, nhìn từ góc độ kinh tế”, “EU có lợi ích trong việc đảm bảo cho khu vực ổn định”. Ông Francois Rivasseau nhấn mạnh Biển Đông là “di sản toàn cầu” và một Biển Đông hòa bình thuộc về lợi ích kinh tế của châu Âu nói riêng và lợi ích toàn cầu.

Trung Quốc bao biện cho hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông, liên tục chỉ trích các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối tuyên bố, hoạt động của phía Anh ở Biển Đông, khẳng định tình hình Biển Đông đang được cải thiện và ổn định, cả ASEAN và Trung Quốc đều có ý chí mạnh mẽ về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đang tiến hành các hành động cụ thể để đạt được điều đó; buộc tội “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông; khẳng định cái gọi là tự do hàng hải là không tồn tại, bất cứ bước đi nào nhằm ép buộc hay đe dọa người khác chấp nhận lời diễn giải đơn nhất về luật pháp quốc tế dưới danh nghĩa tự do hàng hải là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (25/9) đã đề nghị Anh cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, bày tỏ hy vọng Anh sẽ hiện thực hóa cam kết và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc tập trung chỉ trích hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông. Giáo sư Zhou Yongsheng thuộc Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích việc Nhật Bản sắp đưa các tàu chiến đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương, cáo buộc rằng việc Nhật Bản vẫn tiếp tục hiện diện ở Biển Đông xuất phát từ ba lý do: (i) Nhật Bản luôn “nhìn” Mỹ trong cách ứng xử của nước này với Trung Quốc; (ii) Chiến lược lâu dài của Nhật Bản là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông nhằm “kiềm chế” Trung Quốc; (iii) Nhật Bản cần gia tăng ảnh hưởng về quân sự ở khu vực để thúc đẩy vai trò của mình trong việc thúc đẩy chính sách hợp tác kinh tế của mình trong các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và “lấy lòng” các nước ASEAN bởi các nước này có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Ngoài ra, ông Yongsheng ngang nhiên khẳng định “sự hiện diện quân sự nước ngoài ở khu vực là không cần thiết”, “bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng bên ngoài dưới danh nghĩa tự do hàng hải đều là chiêu trò thiếu thiện chí nhằm làm phức tạp tình hình trên biển”.

Kết luận

Trong năm 2018, các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Australia, Nhật Bản, Anh… đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các giọng điệu cũ, nhằm chỉ trích, cáo buộc một cách vô căn cứ đối với các nước đồng minh của Mỹ khi hiện diện ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới