Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐàm luậnChủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông...

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2018 (Kỳ I)

Trong năm 2018, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó: Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Các tuyên bố chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2018

Về ngoại giao: The Economic Times đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump (10/10) đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm Obama bất lực trong vấn đề Biển Đông vì đã không ngăn chặn được Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng quân sự tại khu vực. Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, Phó Tổng thống Mike Pence (4/10) cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và có yêu cầu về lợi ích quốc gia của Mỹ. Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (15/6) cho rằng việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Về quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (3/6) có phát biểu lên án hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định cam kết của Mỹ về sự hiện diện ở khu vực. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đối với hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông, cho rằng việc nước này đưa các thiết bị quân sự và tên lửa hiện đại là “một động thái phô trương sức mạnh quân sự rõ ràng”, “hành động bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp liên quan đến việc sử dụng quân đội nhằm đe doạ và cưỡng ép dù các phát biểu của Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho biết các hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn trái ngược với những giá trị “cởi mở”mà chiến lược của Mỹ đang thúc đẩy và đặt ra nghi vấn đối với cái gọi là “những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Robert Manning (9/7) khẳng định việc Mỹ đưa hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình đi qua vùng biển quốc tế trên khu vực eo biển Đài Loan “là hành động được phép về mặt pháp lý”; đồng thời tái khẳng định quyền của tàu Mỹ khi “bay, qua lại và hoạt động” trong khu vực. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (13/10) cảnh báo Chính phủ Trung Quốc về việc đối đầu ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông với các tàu chiến Mỹ đi lại tại các vùng biển quốc tế, lưu ý rằng các quy định của Hải quân cho phép có sự phản ứng với các hành động gây hấn. Liên quan đến vụ tiếp cận nguy hiểm với tàu USS Decatur vừa qua, ông Bolton cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả. Cố vấn an ninh quốc gia Bolton tuyên bố “Chúng tôi sẽ không tha thứ cho các đe dọa đối với các thành viên lực lượng Mỹ. Chúng tôi kiên quyết giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở. Đây là điều mà người Trung Quốc cần phải hiểu. Hành vi của họ đã mang tính khiêu khích đã quá lâu rồi”. Ông Bolton cũng gợi ý các quốc gia khu vực như Philippines, Nhật Bản và các nước khác cần xây dựng và quân sự hóa chính các đảo của mình để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Phát biểu trước chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (16/10) khẳng định Mỹ tiếp tục lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông, cho biết Mỹ đang tìm kiếm một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự công bằng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, tức là tôn trọng các quy tắc quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ; khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển và vùng trời quốc tế. Phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (20/10) nhắc lại lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp trên biển để ngăn ngừa việc một cường quốc thống trị biển một mình. Ông James Mattis cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “cho tàu thuyền đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia yêu cầu”, đồng thời làm rõ rằng Mỹ “không thể chấp nhận việc quân sự hóa ở Biển Đông hay bất kỳ sự cưỡng ép nào ở khu vực này”. Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ (29/10), cho biết hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông và các cuộc tuần tra như vậy sẽ làm nổi rõlập trường của Mỹ chống lại “yêu sách biển bất hợp pháp”. Bộ Quốc phòng Mỹ (9/11) lần đầu tiên kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp trên quần đảo Trường Sa, đồng thời tái khẳng định rằng tất cả các quốc gia nên tránh giải quyết tranh chấp bằng sự cưỡng ép hay hăm dọa. Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (INDOPACOM) Mỹ, ngày 17/11 đã tới dự Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada và có bài phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay. Theo ông Davidson, bằng cách biến các đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo kiên cố, kết hợp cùng các tên lửa đất đối không (SAM) nhằm tiêu diệt máy bay, Trung Quốc đã biến “cái gọi là vạn lý trường thành cát cách đây 3 năm thành vạn lý trường thành SAM quy mô lớn” như hiện nay.

Về luật pháp: Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (24/5) công bố Báo cáo: “Tranh chấp về biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế liên quan đến Trung Quốc: những vấn đề đối với Quốc hội Mỹ”, trong đó cho biết, ngoài những hành động củng cố các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm kiểm soát khu vực, ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nơi khác; đồng thời nhấn mạnh: (i) Mỹ ủng hộ nguyên tắc rằng các tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết một cách hoà bình, không cưỡng ép, đe doạ hay sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) Mỹ ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải và việc sử dụng hải phận, không phận phù hợp với luật quốc tế, đảm bảo cho tất cả các quốc gia, phản đối các yêu sách làm tổn hại đến các quyền, tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển thuộc về mọi quốc gia; (iii) Khẳng định Mỹ không có lập trường nào đối với các yêu sách đối kháng chủ quyền trên các cấu trúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…

Thượng viện Mỹ cũng ra dự luật về chi tiêu cho hoạt động quân sự trong đó đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không có mặt trong cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ đứng đầu. Thượng viện Mỹ cho biết, trước khi Trung Quốc có thể được phép tham gia vào các RIMPAC trong tương lai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần phải xác minh rằng Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông, đồng thời di dời khí tài quân sự ra khỏi các vùng biển tranh chấp và đưa ra chương trình hành động 4 năm nhằm ổn định tình hình khu vực. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc liên tục triển khai các khí tài quân sự tới Biển Đông, trong đó có việc đưa các thiết bị điện tử và tên lửa đất đối không tới Trường Sa, thậm chí còn đưa máy bay ném bom chiến lược trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) không phù hợp với mục đích của RIMPAC.

Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngày 06/01/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tới Tây Thái Bình Dương. Trong hành trình của mình, nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã thăm hữu nghị Việt Nam. Chuyến thăm được thực hiện theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Mỹ và Việt Nam đã được nêu trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ 2 nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực. Trước đó, tháng 12/2017, Mỹ cũng đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough). Bãi cạn Scarborough là một đảo san hô gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Nhiều thập kỷ qua, bãi cạn Scarborough là “vườn địa đàng” đối với ngư dân Philippines. Không chỉ là một ngư trường dồi dào, vùng đầm phá ở bãi cạn giúp các ngư dân tránh những cơn bão dữ trên Thái Bình Dương. Năm 2012, Trung Quốc dùng sức mạnh để chiếm đóng bất hợp pháp bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh cử tàu tuần duyên canh gác nghiêm ngặt ở Scarborough, vừa chặn các tàu cá Philippines, vừa tạo điều kiện để ngư dân Trung Quốc khai thác tài nguyên. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”.

Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)…

Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông. Đây được coi là một trong những tuần dương hạm mạnh nhất thế giới với sự công thủ toàn diện. Tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ có chiều dài 173m; rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng. Theo Reuters, việc các tàu chiến Mỹ áp sát các đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm phản đối Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại ở khu vực mang ý nghĩa chiến lược này. Với Mỹ, các hoạt động tuần tra hàng hải tự do cũng là biện pháp nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan chỉ trích việc “Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực”. Điều này đã khiến Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia (RIMPAC) 2018. Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng gọi hành động của Mỹ là “bất hợp pháp” khi đưa chiến hạm áp sát các đảo Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Đây là lần thứ 3 các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện diện ở khu vực này kể từ tháng 2/2018. Việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm nguyên tử tới Biển Đông tuần tra diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có chuyến thăm Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ an ninh – quốc phòng giữa hai nước, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tháng 11/2017, tàu sân bay USS Ronald Regan cũng đã thăm vịnh Manila và lần quay lại này nằm trong sứ mạng của Washington muốn tái cam kết với các nước ở khu vực. Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan, Thiếu tướng Marc Dalton, nói với các phóng viên tháp tùng trên tàu rằng cuộc thăm viếng khu vực của mẫu hạm chứng minh sự cam kết gắn bó của Mỹ với khu vực. “Những nước nào quan ngại về các cam kết của Mỹ có thể theo dõi sự hiện diện liên tục của nhóm tác chiến tàu sân bay, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, như là sự bảo đảm. Lực lượng hải quân chúng tôi đã hoạt động trên biển Thái Bình Dương 7 thập niên qua và đó là sự hiện diện kéo dài, cũng như sứ mạng vẫn còn kéo dài sẽ không thay đổi”, ông Marc Dalton cho biết.

Ngày 6/7/2018, Mỹ cử hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) “hoạt động quá cảnh thường kỳ” qua khu vực eo biển có chiều rộng 110 dặm nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Ngày 30/9, Hải quân Mỹ (30/9) đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Theo quan chức trên, lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mỗi ngày, bao gồm khu vực Biển Đông. Tất cả các nhiệm vụ được Mỹ vạch ra đều phù hợp với luật pháp quốc tế và cho thấy rõ quan điểm của Mỹ rằng máy bay và tàu thuyền Mỹ sẽ tự do di chuyển và hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Ngoài ra, nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền sai trái, không tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định.

Ngày 29/11, Hải quân Mỹ thông báo tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới