Monday, September 16, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ nhắc Nga về 'cái gai' TQ

Mỹ nhắc Nga về ‘cái gai’ TQ

Tờ báo Mỹ cho rằng Nga là cường quốc yếu hơn và sẽ không chấp nhận làm đối tác “dưới cơ” trong bất kỳ liên minh chính thức nào với Trung Quốc.

Sự thông cảm của người Mỹ

Tờ The Hill của Mỹ mới đây có bài phân tích về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, trong đó bày tỏ rõ lo ngại về mối liên minh giữa hai cường quốc này có thể thách thức Mỹ.

Theo The Hill, Trung Quốc và Nga có thể không xây dựng một liên minh thể chế giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng hai bên đã hình thành một “liên minh” chống lại các lợi ích của phương Tây.

Mặc dù vậy, tờ báo Mỹ nhấn mạnh rằng, Nga và Trung Quốc không thể hình thành một liên minh lâu dài và bền vững, đơn giản vì giữa hai nước có quá nhiều trở ngại: Lịch sử thù hận và xung đột biên giới từ năm 1680, một cuộc chiến tranh nhỏ năm 1929, các vụ xung đột biên giới năm 1969 mà gần như dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện.

Ngoài ra, The Hill cho rằng Nga và Trung Quốc còn cạnh tranh ảnh hưởng ở các quốc gia Trung Á, trong đó Nga là cường quốc yếu hơn, coi đây là cái gai và sẽ không bao giờ chấp nhận làm đối tác “dưới cơ” trong bất kỳ một liên minh chính thức nào với Trung Quốc.

Dù khó có thể trở thành đồng minh giống như Mỹ và Anh hay các quốc gia thành viên của NATO, nhưng tờ báo Mỹ cho rằng Nga và Trung Quốc vẫn có thể hình thành một thỏa thuận mang lại lợi ích cho nhau. Cơ sở cho nhận định này chính là kinh nghiệm lịch sử hình thành của chính NATO. Đây vốn là một khối quân sự bao gồm những cựu thù kể từ Thế chiến I và II.

Nga và Trung Quốc hiện có nhiều lợi ích chung trong cuộc đối đầu với phương Tây và theo The Hill, điều đó đủ để hai nước vượt qua sự bất tín trong lịch sử.

Điều quan trọng nhất được tờ báo Mỹ nêu ra là Nga và Trung Quốc không đặt ra nguy cơ hiện hữu nào cho nhau, tức là Nga không quan tâm đến việc thay đổi Trung Quốc theo hệ thống chính phủ của mình và Trung Quốc cũng vậy. Bất kỳ cạnh tranh nào giữa hai quốc gia này về cơ bản đều có sự liên quan đến cạnh tranh quyền lực kiểm soát đất đai và nguồn tài nguyên.

Trong khi đó, phương Tây tích cực ủng hộ hệ thống mà họ gọi là “dân chủ” của chính mình, coi đó là một hình thức chính phủ “thượng đẳng” và đã dành 3/4 thế kỷ để truyền bá tư tưởng này trên khắp thế giới.

Thứ hai là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ. Nga và Trung Quốc có chung một đường biên giới đất liền rộng lớn nhưng vùng biên giới đó lại nằm ở vùng biên cương xa xôi của hai nước.

My nhac Nga ve 'cai gai' Trung Quoc
Lãnh đạo Nga và Trung Quốc luôn thể hiện mối quan hệ gần gũi đặc biệt

Ngược lại, cả Trung Quốc và Nga đều nằm trong phạm vi dễ dàng bị các lực lượng Mỹ tấn công. Ở châu Âu, các xe tăng của Mỹ đặt tại các quốc gia Baltic chỉ cách Moscow khoảng 385 dặm. Ở Thái Bình Dương, căn cứ của Hạm đội 7 của Mỹ được đặt tại Nhật Bản, ngoài hàng nghìn binh sĩ Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc. Những tài sản quân sự này nằm trong phạm vi tấn công lý tưởng bờ biển, trung tâm kinh tế và nơi sinh sống đông đúc của Trung Quốc.

Đáng chú ý, tờ The Hill nêu lên một sự “tương đồng” của Nga và Trung Quốc là, hai nước trước đây đều là những đế quốc nhung coi mình là nạn nhân của các cường quốc phương Tây vì bị làm mất thể diện quốc gia. Tờ báo Mỹ cho rằng nếu xét đến điều này, việc Trung Quốc và Nga mong muốn hợp tác với nhau là điều có thể hiểu được.

Tình thân Nga-Trung

Luận về mục đích Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác, tờ báo Mỹ nhận định hai nước không hướng tới sự thống trị toàn cầu tuyệt đối trước Mỹ mà chỉ để làm đối trọng quyền bá chủ toàn cầu và giảm bớt phạm vi ảnh hưởng của Mỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh cho mình.

The Hill tự tin khẳng định, không quốc gia nào có lợi từ việc Mỹ rút khỏi hoàn toàn vũ đài thế giới, nhưng Nga và Trung Quốc có nhiều thứ để giành được nếu có thể thách thức sự ưu việt của Mỹ.

Theo đó, có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc và Nga đang nhìn thấy những lợi ích khi làm việc cùng nhau. Quân đội hai nước thường xuyên tổ chức tập trận quân sự chung, đáng chú ý nhất là cuộc tập trận Vostok 2018 với sự tham gia của 3.500 binh sĩ Trung Quốc.

Dù đầu tư kinh tế còn chậm chạp nhưng thời gian gần đây Trung Quốc và Nga đã đánh tín hiệu mong muốn thúc đẩy kinh tế ở khu vực biên giới chung của hai nước. Tháng 9/2018, Ủy ban Cố vấn Kinh doanh Nga-Trung đã thông báo một mục tiêu đầy tham vọng về các dự án phát triển và đầu tư trị giá 100 triệu USD.

Theo giới phân tích, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc hiện đang bổ sung hiệu quả cho nhau: Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất còn Nga là nước xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu đầu vào hàng đầu thế giới.

 
Binh sĩ Trung Quốc và Mông Cổ tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga

Trung Quốc thiếu đất trồng trọt để nuôi sống dân số khổng lồ, trong khi Nga, với tiềm năng đất đai bao la, đang trở thành cường quốc xuất khẩu ngũ cốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại riêng lẻ lớn nhất của Nga, nếu không tính Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Nga đã “soán ngôi” Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2015.

Quan hệ hợp tác song phương này có vai trò đặc biệt khi đầu tư của Trung Quốc và “cơn khát” năng lượng của nước này đã tạo điều kiện cho Nga chống chọi lại được sức ép kinh tế của phương Tây. Một đường ống dẫn khí đốt mới, mang tên Sức mạnh Siberia, có thể đưa 38 tỷ m3 khí/năm đến miền Bắc Trung Quốc từ tháng 12/2019. Bên cạnh đó, hai bên đang đàm phán xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt khác kết nối Trung Quốc với các mỏ khí đốt tại Siberia.

Các dự án này là cách để Moscow giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường năng lượng châu Âu, vốn đang “quay lưng” với Nga, và cũng giúp Trung Quốc vượt qua tác động từ các biện pháp hạn chế của Mỹ.

ự liên kết giữa sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc với dự án Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) của Nga đang giúp đơn giản hóa và tự do hóa đầu tư-thương mại giữa hai bên. Theo số liệu thống kê hải quan của Nga, kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt 87 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước đó.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt 77,2 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến hết năm nay, thương mại Nga – Trung sẽ tăng trưởng kỷ lục và đạt 100 tỷ USD trong năm 2018.

Lo sợ trước tình thân Nga-Trung, Mỹ và phương Tây tìm mọi cách ly gián?

Trong chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đặt một mục tiêu mới cao hơn trong thương mại song phương khi nói rằng kim ngạch 200 tỷ USD là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai gần.

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Nga và Trung Quốc cũng có sự hợp tác chặt chẽ về quân sự. Nga đã và đang tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc các mẫu vũ khí tối tân như tên lửa phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-35 bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hai nước cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung cả trên bộ, trên không và trên biển.

The Hill cho rằng khi sự thù địch của Mỹ và phương Tây đối với Nga và Trung Quốc gia tăng, nó sẽ tiếp tục đẩy hai nước Nga và Trung Quốc xích lại và hợp tác gần gũi hơn.

Thời gian qua, giới phân tích và ngay cả các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đã bày tỏ mối quan ngại tương tự phân tích của The Hill. Người Mỹ mới đây thậm chí lên tiếng cảnh báo nguy cơ thất bại trong cuộc chiến tranh với Nga-Trung.

RELATED ARTICLES

Tin mới