Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐàm luậnChủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông...

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trong năm 2018 (Kỳ II)

Trong năm 2018, Mỹ đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những tuyên bố, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đều được triển khai dựa trên chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó: Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải, ngoại giao pháp lý, hỗ trợ an ninh trên biển và hỗ trợ các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.

Mỹ nhiều lần điều máy bay ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông

Ngày 19/11, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ Andersen ở Guam và tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông. Sứ mệnh mới nhất này nhất quán với luật pháp quốc tế cũng như cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Không quân Mỹ (16/10) cũng điều hai chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.

Mỹ (23/9 và 27/9) liên tiếp điều 04 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52H Stratofortress qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. Trong tháng 8/2018, Mỹ đã 04 lần điều máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52H Stratofortress (mỗi lần 02 máy bay) bay qua Biển Đông và Hoa Đông. Cụ thể: Ngày 1/8, hai chiếc B-52H thuộc phi đội ném bom viễn chinh 96 đã tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông. Theo Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF), mục đích của hoạt động này là tăng cường sự sẵn sàng của Mỹ để phục vụ như một “lực lượng ngăn chặn đáng tin cậy và duy trì sự hiện diện trong khu vực”. Ngày 22/8, một máy bay B-52H khác đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam tham gia nhiệm vụ tuần tra trên biển Hoa Đông. Ngày 27/8, hai chiếc B-52H khác đã thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ngày 30/8, 2 chiếc B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông. Trong tháng 6/2018, Mỹ đã đưa hai máy bay ném bom B-52 tới gần các khu vực tranh chấp của quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, triển khai “nhiệm vụ huấn luyện thường kỳ” và “nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng của quân đội Mỹ”.

Ngày 19/5/2018, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông, máy bay P8-A Poseidon, loại máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm tối tân nhất của Mỹ đã bị hải quân Trung Quốc đưa ra cảnh cáo 8 lần. P8-A Poseidon lúc đó đang bay thấp xuống trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đang xây dựng và bồi đắp một số đảo. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép một số phóng viên của CNN đi cùng chuyến bay do thám này và đã ghi lại những hành động của Trung Quốc. Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell cho biết sự đối đầu này cho thấy hoàn toàn có thể gây ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ công khai video cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và cho nghe những âm thanh thách thức máy bay Mỹ. Lúc đó, chiếc P8-A Poseidon đang bay ở độ cao 4,5 km (mức thấp nhất).

Được biết, B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 – 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.

Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực

Cùng với những hoạt động trên thực địa và tuyên bố ngoại giao, Mỹ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh thân thiết trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Philippines để tìm cách kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Hải quân Mỹ (4/6) cử tàu USNS Millinnocket, một trong những tàu tốc độ cao của Hải quân Mỹ thăm Philippines và cùng tham gia huấn luyện song phương với Đội tàu an ninh chống khủng bố Thái Bình Dương và thuỷ quân Philippines. Trước đó, Mỹ (13/3) cử nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson khởi động các cuộc diễn tập chung với Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản (MSDF), trong đó có tàu khu trục sân bay Ise, một trong những tàu lớn nhất của Nhật Bản hiện nay.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ từng nhiều lần khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nước bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Những hoạt động phối hợp chung này là một phần của các cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực tương tác giữa Mỹ và các đồng minh lâu năm. Theo Chuẩn Đô đốc John Fuller, Chỉ huy Nhóm tàu USS Carl Vinson cho hay “quan hệ hợp tác mạnh mẽ trên biển sẽ duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã có trong hơn 70 năm nay”, khẳng định “Hợp tác với một đối tác có quan hệ gần gũi sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực”.

Việc Mỹ tuần tra ở Biển Đông hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Các quan chức Hải quân đã cho biết việc Mỹ đưa tàu tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp là cần thiết để khẳng định lập trường của Mỹ rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp không thể được coi là lãnh thổ có chủ quyền với vùng lãnh hải xung quanh; đồng thời khẳng định luật pháp quốc tế cho phép tàu quân sự quyền “qua lại tự do” trong các vùng biển quốc tế mà không cần thông báo.

Xét từ khía cạnh luật quốc tế, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông là phù hợp các quy định luật pháp quốc tế:

Thứ nhất, Mỹ tiến hành hoạt động trong vùng biển quốc tế nhằm thực thi quyền tự do biển cả, đây được xem là quyền đương nhiên của bất kỳ quốc gia nào.

Thứ hai, việc tuần tra, kết hợp với các cuộc tập trận với các nước đồng minh là để củng cố mối quan hệ liên minh quân sự. Mỹ đã ký các Hiếp ước phòng thủ (30/8/1951) và Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA, 2014) với Philippines. Căn cứ vào hai Hiệp định này Mỹ hoàn toàn hợp pháp khi tiến hành hoạt động quân sự ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Philiipines tại Biển Đông.

Thứ ba, tính chất và mức độ tiến hành các hoạt động quân sự đều nằm trong khuôn khổ an toàn, an ninh biển không đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác. Dù cho Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông sẽ làm căng thẳng thêm tình hình và mang tính chất đối đầu với quốc gia này. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định từ một phía Trung Quốc và không có cơ sở xác đáng cho lập luận này. Do đó, hoạt động quân sự mà Mỹ đang tiến hành ở Biển Đông nằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế.

Thứ tư, Biển Đông vốn tồn tại như một con đường giao thông huyết mạch, do đó, việc tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực là bảo vệ lợi ích chính đáng, hiển nhiên của Mỹ, cũng như các quốc gia khác có tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.

Thứ năm, vì có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, nên cả Mỹ có thể hỗ trợ hợp tác với các quốc gia trong tranh chấp để trở thành bên trung lập giúp thúc đẩy quá trình giải quyết các tranh chấp một cách công bằng và hòa bình.

Dư luận quốc tế về việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Nhìn chung, dư luận đa phần (trừ Trung Quốc) đều hoan nghênh quyết định và hành động của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng hành động này là cần thiết do những bất ổn tại khu vực này. Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ từng nhấn mạnh theo luật pháp quốc tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại các vùng biển trên và hiện là thời điểm để chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo nhiều nước cũng từng đưa ra các tuyên bố ủng hộ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, nhất là việc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo phi pháp của TQ ở Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Australia hoan nghênh động thái trên của hải quân Mỹ, cho rằng tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, trong đó có vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế; đồng thời tái khẳng định Australia có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển quan trọng này. Văn phòng Nội các Nhật Bản nhiều lần tuyên bố những dự án tôn tạo lớn và xây dựng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng từng khẳng định lập trường của Hàn Quốc là cần giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tận dụng các diễn đàn quốc tế để kêu gọi các bên liên quan không tiến hành thêm bất kỳ hành động nào gây phương hại đến môi trường an ninh và hòa bình ở khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, giới truyền thông và chuyên gia, học giả Trung Quốc tìm cách chỉ trích, bôi xấu hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu (22/10) đăng bài viết buộc tội Mỹ ở Biển Đông, cho rằng tình hình Biển Đông gần đây dường như đang chứng kiến sự đối lập phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, các bước đi quân sự thường xuyên của Mỹ đã đẩy Biển Đông đến bên bờ đối đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Trump đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và sự hiểu biết về những thách thức và mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực đã thay đổi. Mỹ coi các hoạt động thực thi pháp luật, phát triển các đảo, triển khai thiết bị quân sự và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang tiến hành là thách thức đối với sự kiểm soát của Washington ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thời báo Hoàn Cầu cũng ngang nhiên khẳng định, đối với Trung Quốc, “Biển Đông có nghĩa là chủ quyền, an ninh và phát triển, Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển và bảo đảm các hành lang an toàn cho nhập khẩu năng lượng và vận chuyển hàng hóa”. Đối mặt với một nước Mỹ hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xét trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó, bao gồm cả việc gia tăng triển khai quân sự ở khu vực. Nếu Mỹ cứ khăng khăng cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các cố gắng để thách thức vị thế của Washington như một siêu cường duy nhất và cạnh tranh quyền lực trong hệ thống quốc tế, thì quan điểm sai lầm này sẽ gây ra “một cuộc chiến không thể tránh khỏi” giữa hai nước tại vùng biển này.

Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cũng vu cáo cho rằng việc Mỹ thổi phồng vụ tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc áp sát tàu chiến Mỹ (30/9) là cách làm đổi trắng thay đen vì phía Mỹ không nhắc đến chi tiết vị trí xảy ra vụ việc là trong phạm vi 12 hải lý “lãnh thổ của Trung Quốc”, cách bờ biển gần nhất của Mỹ đến 7.500 hải lý; cho rằng, trong những năm gần đây, Mỹ đã sử dụng nhiều mánh khóe trong vấn đề Biển Đông, nhưng có thể chia thành 3 loại: phô trương sức mạnh và tạo căng thẳng dưới vỏ bọc “hoạt động tự do hàng hải”; thêu dệt tin đồn và đánh lừa thế giới bằng sức mạnh thống trị của mình để xoay chuyển dư luận quốc tế; chọc ngoáy vào các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và tạo áp lực buộc các bên lựa chọn phe phái; nhấn mạnh từ tháng 5/2017 đến nay, ít nhất 11 tàu chiến của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý các đảo “của Trung Quốc” nhằm bảo đảm tự do qua lại ở Biển Đông; tuy nhiên, từ lâu nay, có khoảng 100.000 tàu đã đi qua Biển Đông mà không gặp phải vấn đề gì về tự do qua lại; Mỹ không phải một bên ký kết mà lại lấy danh nghĩa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để biện minh. Bên cạnh đó, theo bài viết, Mỹ cho rằng quân sự hóa không phải là việc Washington triển khai các tàu chiến và máy bay ném bom đến Biển Đông, mà là việc Trung Quốc xây dựng hợp pháp các căn cứ quốc phòng trên chính lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước thực tế Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hòa bình trên lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cũng buộc tội Mỹ đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để điều khiển các nước trong khu vực chống đối lẫn nhau, ví dụ như Mỹ đã can thiệp vào các cuộc bầu cử và các vấn đề nội bộ của một số nước Đông Nam Á, và quyết định của Mỹ có can thiệp hay không phụ thuộc vào quan điểm đối với Trung Quốc và lập trường về vấn đề Biển Đông của nước đó.

Đáng chú ý, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh; nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phần lớn tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn khuyến khích các nước đồng minh như Anh, Australia, Pháp, Nhật làm điều tương tự. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây rõ ràng là nhằm duy trì ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới