Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngCông trình dân sự phi pháp trên Biển Đông không cấu thành...

Công trình dân sự phi pháp trên Biển Đông không cấu thành nên chủ quyền trên biển

Thời báo Học tập của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc (21/11) cho rằng sự can dự quân sự chưa từng có từ các thế lực bên ngoài khu vực là thách thức lớn nhất đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông; đồng thời nhận định Trung Quốc cần hạn chế xây dựng các công trình mang tính chất quân sự trên Biển Đông (trạm radar, nhà chứa máy bay, kho tên lửa…) do gây lo ngại cho các nước trong khu vực và bị Mỹ cùng đồng minh chỉ trích, triển khai các tàu chiến dưới danh nghĩa “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực để đối phó. Thay vào đó, Trung Quốc nên tập trung vào các công trình mang tính dân sự nhiều hơn như xây dựng hải đăng, các sân bay dân sự, các trung tâm tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, nghiên cứu khí tượng hay dự báo thời tiết. Những công trình dân sự không chỉ giúp các nước giảm bớt sự nghi ngờ trước Bắc Kinh mà còn đóng góp cho hòa bình và an ninh trên Biển Đông.

Trung Quốc đã xây dựng bao nhiêu công trình dân sự phi pháp trên Biển Đông

Trung Quốc đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống liên lạc giữa đảo với đất liền. Công ty điện thoại di động Hải Nam thuộc Tập đoàn viễn thông di động China Mobile (7/9/2015), tuyên bố đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G tại đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhờ dịch vụ này, sóng điện thoại di động 4G được bao phủ 07 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 23/7/2018, Cục quản lý Bưu chính tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố chính thức khai trương dịch vụ chuyển phát nhanh tới “thành phố Tam Sa” qua đường hàng không và dự kiến sẽ nâng tần suất vận chuyển hàng hóa đến đảo Phú Lâm từ 01 chuyến bay/tuần lên ít nhất 01 chuyến bay/ngày.

Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng và đưa vào sử dụng các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật. Trung Quốc (30/7/2018) khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp “Ty Nam” lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khai trương và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim Ngân Long trên đảo Phú Lâm.

Bắc Kinh vận hành trái phép mạng lưới điện cỡ nhỏ phục vụ mục đích dân sự và quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm nhằm cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo ở Biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, mạng lưới điện phi pháp này tăng khả năng cung cấp điện trên đảo, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam với các đảo ở Biển Đông.

Trung Quốc đưa vào sử dụng phi pháp một số sân bay trên Biển Đông. Từ năm 2016, Trung Quốc đã kheo khoang nước này sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự đến và đi từ đảo Phú Lâm. Hãng Reuters dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết, những chuyến bay sẽ đến cái gọi là thành phố Tam Sa (mà Bắc Kinh đơn phương lập ra trái phép) trên đảo Phú Lâm và máy bay cỡ lớn như Boeing 737 có sức chứa đến 200 người có thể được dùng. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển của TQ đã đóng tại “Tam Sa” để phục vụ cho thông tin liên lạc cơ động tại đây. Người phụ trách “Tam Sa” ngụy biện rằng, sân bay ở đây và một ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ thúc đẩy dịch vụ hàng không trong khu vực. Để đưa sân bay, tàu thuyền đi vào hoạt động dễ dàng, Bắc Kinh đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm, có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi khác.

Trung Quốc đã xây dựng và vận hành khoảng 5 ngọn hải đăng trên các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông. “Chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (21/10/2015) ngang ngược tuyên bố việc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Hải Sâm và đảo Duy Mộng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hoàn thành thuận lợi và bắt đầu đưa vào sử dụng. Báo chí và quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng, hải đăng là cột mốc hàng hải cố định, “có thể hướng dẫn tàu thuyền di chuyển hoặc tránh những khu vực nguy hiểm, thuận tiện lưu thông hàng hải và phục vụ cho nhu cầu của ngư dân trên các đảo”. Cũng trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục xây trái phép thêm 2 ngọn hải đăng nữa trên đá Châu Viên, đá Gạc Ma. Tháng 7/2016, Trung Quốc thông báo đag xây dựng ngọn hải đăng thứ 5 trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và sẽ sớm đưa nó vào hoạt động. Theo China Daily, 5 ngọn hải đăng lớn và đa năng này có chiều cao từ 50 đến 55 m, được trang bị các thiết bị đèn xoay lớn, đèn hải đăng rọi xa được 22 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng các ngọn hải đăng trên đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi lấp trên đá Subi, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đá Subi, Trung Quốc khánh thành ngọn hải đăng xây dựng trái phép trên đá này từ tháng 4/2016. Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc động thổ vào tháng 10/2015. Hải đăng hình trụ tròn, làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài sơn màu trắng với viền màu xanh da trời ở giữa, phần chân gồm hai tầng hình bát giác. Ngọn hải đăng cao 55 m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ bao biện là “phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị” cho tàu thuyền qua lại.

Bắc Kinh cũng ngang nhiên xây dựng, đưa vào sử dụng “Đồn giam giữ và Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa”. Trung Quốc (25/7/2015) tiến hành xây dựng trái phép công trình Đồn giam giữ và Trung tâm phòng ngự liên hợp cho “thành phố Tam Sa”. Công trình Đồn giam giữ được xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 1.498 m2, sau khi xây dựng xong có thể tạm giam cùng lúc 56 người. Chính quyền Tam Sa ngang nhiên nói rằng sẽ sử dụng Đồn giam giữ này để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Giới chức “thành phố Tam Sa” loan tin Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho “thành phố Tam Sa” tại các vùng biển, nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, ngày 23/7/2015, Trung tâm bảo đảm hàng hải Nam Hải thuộc Bộ giao thông vận tải Trung Quốc cho biết đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng ha cọc tiêu dẫn hướng tạm thời tại cầu tàu tổng hợp đảo Phú Lâm.

Bắc Kinh cũng tích cực triển khai các xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ ngư dân, binh lính đồn trú trái phép trên Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động phi pháp nhằm “cải thiện đời sống” và phục vụ việc giám sát trong khu vực, cụ thể: Xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim, mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…

Đáng chú ý, tại 7 đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng hàng nghìn công trình phục vụ các mục đích dân sự và quân sự. Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng các trạm khí tượng thủy văn phi pháp tại Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo thông báo của CMA, các trạm khí tượng thủy văn trên là “một cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng quan sát khí tượng thủy văn trên biển ở vùng Biển Đông, nhất là giúp dự báo sớm những hiện tượng thời tiết”. Trong khi đó, Bộ Môi Trường Trung Quốc thông báo là công trình xây dựng trạm quan sát khí quyển “ Nam Sa” ( Trường Sa ) đã hoàn tất. Trạm này được trang bị các công cụ để đo các loại khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính trong khu vực. Các trạm quan sát khí tượng sẽ cung cấp những “thông tin kịp thời và đáng tin cậy” về chất lượng không khí cho toàn bộ các quốc gia ven Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã xây cho xây trái phép các hệ thống cơ sở vật chất tương tự nhau bao gồm khu vực đường băng, khu vực kho bãi và hệ thống cầu cảng, bệnh viện… trên các đảo nhân tạo này. Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc cho xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tại đá Su Bi, Trung Quốc hiện đã xây dựng trên đá Su Bi các công trình gồm có: kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự và có khả năng Trung Quốc sẽ xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay của Trung Quốc. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã cải tạo đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lên đến 5,66 km2, biến đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo, bồi đắp đá Châu Viên lên tới khoảng 0,31 km2; đá Gạc Ma lên tới khoảng 0,11 km2; đá Tư Nghĩa lên tới khoảng 0,081 km2; đá Ga Ven lên tới khoảng 0,14 km2.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai nhiều kế hoạch phi pháp khác để tăng cường khả năng “quản lý và giám sát” ở Biển Đông, cụ thể: Bắc Kinh liên tục phóng nhiều hệ thống vệ tinh giám sát biển, triển khai lắp đặt hệ thống cảm biến dưới nước, lắp đặt hệ thống quan sát dưới đáy biển, xây dựng hệ thống quan trắc hải dương và xây dựng các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài thì những kế hoạch trên của Trung Quốc đều phục vụ các mục đích giám sát, bảo vệ môi trường biển và dự đoán, cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Song trên thực tế, đằng sau những kế hoạch trên là âm mưu nắm quyền kiểm soát trên Biển Đông, nó sẽ giúp Bắc Kinh giám sát hoạt động tàu thuyền, máy bay, thậm chí là tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông. Việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống giám sát trên Biển Đông (trên bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy biển) của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế. Không những vậy, Trung Quốc còn khai trương trái phép Văn phòng Tân Hoa xã tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Giới chức cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Trưởng Đại diện Tân hoa xã tại Phú Lâm đã kéo biển khai trương văn phòng hãng thông tấn này tại Phú Lâm để tăng cường đưa tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, đánh dấu sự tăng cường hoạt động truyền thông về các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, núp danh cái gọi là “thành phố Tam Sa”, động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phá vỡ mọi nguyên tắc và thông lệ luật pháp quốc tế.

Hoạt động xây dựng công trình dân sự trên Biển Đông của Trung Quốc không tạo ra “chủ quyền” cho Bắc Kinh

Chính giới, chuyên gia và học giả Trung Quốc muốn Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình dân sự ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm từng bước khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc đối với vùng biển này. Tuy nhiên, từ khía cạnh luật quốc tế hay thực tiễn lịch sử cho thấy, tất cả các hành động trên của Trung Quốc không tạo cho nước này cơ sở để khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Vì:

Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Cho đến thế kỷ XVII, 2 quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là các đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã tổ chức “Đội Hoàng Sa” hàng năm ra Hoàng Sa thu lượm hải vật, đánh bắt hải sản, đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên đảo, đến nửa đầu thế kỷ XVIII, tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” ra Trường Sa làm nhiệm vụ như “Đội Hoàng Sa”. Liên tục từ đó, Việt Nam đã có nhiều hoạt động củng cố chủ quyền trên 2 quần đảo như: Năm 1925 duy trì tuần tra trên đảo, đưa quân đội trú đóng; năm 1933 – 1938, thành lập đơn vị hành chính, đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện; lên tiếng phản đối các nước nêu yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa; năm 1951, khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị San Francisco mà không gặp phải ý kiến phản đối nào; năm 1956 quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và năm 1961, chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên về tỉnh Quảng Nam quản lý; năm 1977 tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 1982 thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; năm 1994 tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, năm 2003, ban hành Luật Biên giới quốc gia, tháng 4 năm 2007 thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa. Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa… Việt Nam đã nhiều lần công bố Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu hòa bình, quản lý liên tục, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ hai, Trung Quốc xây dựng các công trình dân sự hay cải tạo phi pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là Điều 60 và 80 của UNCLOS. Điều 60 và 80 quy định quốc gia ven biển có quyền độc quyền trong việc cấp phép, xây dựng, vận hành và sử dụng các đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc nhân tạo trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Từ cuối năm 2013 Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo ở quy mô lớn chưa từng thấy trên 07 thực thể ở quần đảo Trường Sa (đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Đá Xu Bi và Vành Khăn), với tổng diện tích mở rộng khoảng 12.8 triệu m2 trong vòng ba năm. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2013 đã vi phạm hàng loạt các nghĩa vụ theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể: Vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo các Điều 192, Điều 194(1), Điều 194(2), Điều 197, Điều 123, và Điều 206; Vi phạm quyền tài phán của Việt Nam liên quan đến xây dựng đảo nhân đạo theo các Điều 60 và Điều 80.

Thứ ba, Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc:Không chỉ là thành viên mà Trung Quốc còn là 1 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vậy mà Trung Quốc đã không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Thứ tư, Trung Quốc vi phạm UNCLOS: Trung Quốc là một thành viên ký UNCLOS, tuy nhiên, Trung Quốc không những không thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn ngang nhiên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước. Trung Quốc cũng đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ; vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng các công trình dân sự ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định Điều 87 UNCLOS, liên quan việc “tôn trọng hợp lý”.Việc hưởng quyền xây dựng đảo nhân tạo của một số quốc gia không nên ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác cũng như cả cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các điều khoản liên quan của UNCLOS, nó chỉ ra rằng khi một quốc gia ven biển thiết lập vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo, cần đảm bảo rằng khu vực này liên quan một cách hợp lý đến bản chất và chức năng của hòn đảo nhân tạo ấy, và cũng cần phải đưa ra thông báo về phạm vi của vùng an toàn. Hơn nữa, “đảo, các thiết lập và cấu trúc nhân tạo cùng với các vùng an toàn bao quanh chúng có thể không được thiết lập nếu chúng ảnh hưởng đến việc sử dụng các tuyến đường biển đã được công nhận thiết yếu đối với đường biển quốc tế”. 

Thứ năm, Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC):Trung Quốc đã ký kết DOC với các nước ASEAN năm 2002, tuy nhiên những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đi ngược lại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 DOC, theo đó, “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực; Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS”.

Ngoài ra, hoạt động xây dựng các công trình dân sự của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ký kết trong các chuyến thăm cấp cao như: Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11-15/10/2011); Tuyên bố chung về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (19-21/6/2013); Tuyên bố chung trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (13-15/10/2013); Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-10/4/2015); Thông cáo chung sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (12-15/1/2017) và Tuyên bố chung liên quan chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12-13/11/2017). Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm nhận thức chung về việc: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Quan điểm của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông

Trước các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương. Với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải thực hiện bằng các phương thức khác, như: trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế tài phán quốc tế. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ DOC và khuyến khích các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Kết luận:

Trong những năm qua, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc liên tục xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình dân sự trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc là muốn tránh bị cộng đồng quốc tế phản đối, từng bước củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo, đá ở Biển Đông (bao gồm cả các đảo nhân tạo đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tìm cách tạo dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và quan trọng nhất, kế hoạch trên của Trung Quốc cũng nhằm củng cố cơ sở pháp lý để khẳng định “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, hành động trên của Trung Quốc chỉ khiến cộng đồng quốc tế phản cảm và quan ngại, đồng thời những hành động đó đều vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế hiện hành, nên nó không tạo nên chủ quyền cho Bắc Kinh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới