Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngTập trận ở Biển Đông năm 2018: Sự bùng nổ về số...

Tập trận ở Biển Đông năm 2018: Sự bùng nổ về số lượng và mức độ các cuộc tập trận

Trong năm 2018, các nước có lợi ích, liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng như các nước lớn trên thế giới đều tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, đẩy mạnh các cuộc tập trận, tuần tra ở Biển Đông. Dựa trên số liệu thống kế cho thấy, năm 2018 là năm của tàu chiến và máy bay chiến đấu nổ súng tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.

Trung Quốc gia tăng các hoạt động tập trận phi pháp ở Biển Đông

Trong năm qua, Trung Quốc đã triển khai nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó có nhiều cuộc tập trận huy động một lượng lớn phương tiện vũ khí cũng như quân nhân tham gia tập trận. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc tập trận của Trung Quốc đều diễn ra ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép), cụ thể: (1) Từ ngày 02-26/2, Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Cùng thời gian này, Trung Quốc (22/2) đã triển khai 04 tàu hải cảnh và 02 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 01 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ khi đang trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam và Philippines. (2) Không quân Trung Quốc (26/3) điều máy bay cường kích H-6K, tiêm kích Su-30 và Su-35 cùng nhiều máy bay khác đã tiến hành tập trận và tuần tra trên Biển Đông, nhằm thể hiện khả năng “sẵn sàng chiến đấu”. Cùng ngày, tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc cùng hơn 40 tàu chiến khác (26/3) đã tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn để phô diễn sức mạnh ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Trước đó, Hải quân Trung Quốc (21/3) điều tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tuần tra, tập trận ở khu vực gần Đài Loan. Tàu sân bay Liêu Ninh (1/2018) cũng đã hai lần tập trận ở Biển Đông. Theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã huy động một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến, các đơn vị xe tăng lội nước ZTD-05 cùng các loại xe bọc thép và lực lượng bộ binh khác tham gia cuộc tập trận trên. (2) Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam cho biết Hải quân Trung Quốc (11-13/4) tiến hành tập trận ở 7 điểm thuộc Biển Đông tại các tọa độ 18-15.30N 109-44.72E, 18-15.30N 110-09.10E, 17-37.00N 110-09.10E, 17-37.00N 108-55.92E, 18-13.00N 108-55.92E, 18-13.00N109-24.73E và 18-11.30N 109-28.80E. Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc (24/3 – 05/4) tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam. Trong đó, ngày 26/3, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam để tiến hành tập trận. Tại buổi họp báo hôm 29/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã xác nhận Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch hàng năm nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội nước này, song từ chối bình luận về các thông tin liên quan sự tham gia của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc (01/4) đưa tin không quân Trung Quốc (27/3) đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc huy động hơn 10.000 binh sỹ hải quân, 76 máy bay chiến đấu và hạm đội gồm 48 tàu và tàu ngầm tham gia vào cuộc diễn tập. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc này nằm trong “hoạt động huấn luyện thường xuyên” và các hoạt động tập trận sẽ tiếp tục. (3) Cục Hải sự tỉnh Hải Nam Trung Quốc (3/4) thông báo cấm các hoạt động hàng hải tại khu vực rộng khoảng 27 km2gần cảng Á Long, Tam Á từ ngày 04/4 đến ngày 12/4 để tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Dư luận cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đáp trả sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và các nước ở Biển Đông, cũng như việc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam. Cùng thời gian nay, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tập trận trong khu vực rộng khoảng 950 km2 tại cảng Quỳnh Hải, phía Đông đảo Hải Nam. (4) Cục Hải sự Trung Quốc (10/4) thông báo Hải quân nước này tiến hành tập trận ở 7 điểm khác nhau trên Biển Đông, tại khu vực rộng khoảng 8.500 km2 phía Nam đảo Hải Nam từ ngày 11/4-13/4, trong đó đã triển khai khoảng 60 tàu cá dân binh và 10 tàu chấp pháp để bảo vệ vòng ngoài cho các cuộc tập trận này. (5) Cục Hải sự Trung Quốc (13/4) thông báo quân đội nước này tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan từ 8h00-24h00 ngày 18/4. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và triển khai một số hoạt động trên thực địa như xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu không người lái quy mô lớn, hoàn hành lắp đặt trung tâm thông tin liên lạc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. (6) Trung Quốc (9-15/5) tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. (6) Quân đội Trung Quốc(15/6) đã tiến hành các cuộc tập trận chống máy bay tại Biển Đông, bao gồm bắn vào mục tiêu giả không người lái, sau khi 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ hoạt động ở khu vực. Các lực lượng Trung Quốc nhắm vào 3 phương tiện bay không người lái bay theo đội hình “với chiều cao và hướng khác nhau” như là một phần của nỗ lực cải thiện khả năng chiến đấu của lực lượng không quân Trung Quốc. (7) Đài truyền hình Trung Quốc CCTV (29/9) cho biết, Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thuộc biên chế hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật nhằm “kiểm tra khả năng tấn công, xâm nhập và ra đòn chính xác của các phi công trên biển” tại khu vực không được tiết lộ trên Biển Đông. (8) Hải quân Trung Quốc (20-28/10) đã phối hợp cùng hải quân Thái Lan, Malaysia tập trận chung “Hòa bình và Tình bạn” ở eo biển Malacca. Tổng cộng 3 tàu khu trục và khinh hạm, 2 trực thăng, 3 máy bay vận tải Il-76 và 692 quân nhân Trung Quốc được điều động tham gia các hoạt động diễn tập, huấn luyện trên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận nhằm tái khẳng định ý chí chung của 3 nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông, thắt chặt các hoạt động trao đổi và hợp tác thực tiễn, thúc đẩy khả năng phối hợp ứng phó trước các mối đe dọa an ninh. (9) Không quân Trung Quốc (12/2018) đã điều máy bay chiến đấu Su-35 tham gia tuần tra, tập trận ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó, Không quân Trung Quốc (7/2) cũng đã điều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trong khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, Lực lượng Cảnh sát biển Đài Loan (21-23/11) tiến hành tập trận bắn đạn thật phi pháp tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trang tin Taiwannews cho biết cuộc tập trận nhằm “duy trì an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Đài Loan, cũng như thực hiện huấn luyện thường kỳ”. Trước đó, Đài Loan (8/2018) đã đưa pháo ra đảo Ba Bình để tập trận bắn đạn thật. Đài Loan (23-25/5) cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cuộc Việt Nam.

Mỹ tiếp tục là nước đi đầu trong việc ngăn chặn những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Năm qua, ngoài việc đẩy mạnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Mỹ cũng tích cực tập trận song phương, đa phương với các nước đồng minh ở Biển Đông, nhằm ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực: (1) Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Phil Sawyer cho biết, hai tàu sân bay Mỹ gồm USS Ronald Reagan và USS John C Stennis (13/11) đã tham gia các cuộc tập trận hỗn hợp cùng các tàu hỗ trợ tại vùng biển Philippines. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có chuyến công du châu Á, tham dự các hội nghị khu vực nhằm khẳng định lại các cam kết của Mỹ với khu vực, trong đó có cam kết an ninh. (2) Binh lính Mỹ và các lực lượng vũ trang Philippines (8-18/10) đã bắt đầu cuộc tập trận chung ở vịnh Subic, phía Tây Bắc Philippines, nhằm củng cố quan hệ quốc phòng. Tập trận lần này sẽ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, phản ứng trong tình huống có thảm họa và sẵn sàng cứu viện, an ninh hàng hải và phát triển cộng đồng. Tham gia cuộc tập trận, Mỹ đã cử tàu sân bay USS Bonhomme Richard chuyên chở trực thăng được hộ tống bởi hai tàu khu trục nhỏ. (3) Các chiến hạm Mỹ trong nhóm Tác chiến Đổ bộ USS Wasp (2/10) tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông. Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ nhấn mạnh cuộc diễn tập được thực hiện nhằm nâng cao khả năng phòng thủ khi lực lượng Mỹ và đồng minh bị đe dọa trên Biển Đông. (4) Thủy quân lục chiến Mỹ (9/2018) đã tiến hành cuộc tập trận bảo vệ tàu trên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp ở Biển Đông. Theo đó, Thủy quân lục chiến Mỹ thử nghiệm cho xe chiến đấu hạng nhẹ (LAV) khai hỏa từ boong tàu đổ bộ nhằm đối phó với những tàu cỡ nhỏ tìm cách tiếp cận. Ngoài ra, đội bắn tỉa, súng máy, tên lửa chống tăng cũng tham gia cuộc tập trận. Giới lãnh đạo thủy quân lục chiến cho biết việc kết hợp những vũ khí nói trên cho tàu hải quân cỡ lớn nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trước những mối đe dọa trên biển. (5) Hải quân Mỹ và Philippines (9/7) tiến hành tập trận quân sự “Sama Sama” (Chung sức) thường niên ở Biển Đông. Tham gia cuộc tập trận có tàu vận tải siêu tốc của Mỹ USNS Millinocket, tàu lặn và cứu hộ USNS Salvor hợp cùng tàu chiến hải quân Philippines là BRP Ramon Alcaraz và tàu BRP Tarlac. Hải quân Mỹ cho biết, các thủy thủ Mỹ và Philippines đang thực hiện các cuộc tập trận trên không, lặn và tìm kiếm và cứu nạn trên biển. (6) Hải quân Mỹ và Philippines (28/6-9/7) tiến hành tập trận chung “Cooperation Afloat Readiness and Training (CARAT)” tại vùng biển thuộc tỉnh Palawan, với sự tham gia của 800 binh sĩ Mỹ và 450 binh sĩ Philippines cùng tàu khu trục của Mỹ USS Chung-Hoon và tàu USS Howard. Theo Manila, đây được coi là hoạt động diễn tập quân sự thường niên nhằm thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó giữa hai nước. (7) Mỹ và Philippines (6-11/6) tiến hành tập trận “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT) tại Vịnh Subic – cảng vịnh chiến lược ở miền Bắc Philippines. Chuẩn Đô đốc Charles Williams, chỉ huy đơn vị Đặc nhiệm số 73 của Mỹ cho biết, cuộc diễn lần này cho phép Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các lực lượng đối tác của Philippines. (8) Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines (9/5) tiến hành tập trận “Balikatan” thường niên ở khu vực cách bãi cạn Scarborough 180 km. Trung tướng Emmanuel Salamat, người chỉ đạo cuộc tập trận Balikatan bên phía Philippines cho biết mục tiêu là để bảo vệ khu vực “bị đe dọa” trước “quân địch”. Trước đó, 5.000 binh sĩ Philippines và 3.000 quân nhân Mỹ (7/5) cũng tham gia cuộc tập trận chống khủng bố. (9) Hải quân Mỹ (13/3) đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson tới tập trận chung với tàu khu trục chở trực thăng Ise của Lực lượng phòng vệ biển của Nhật tại Biển Đông. Theo đó, cùng với khu trục hạm tên lửa USS Wayne Meyer, tàu Carl Vinson phối hợp với khu trục hạm chở trực thăng Ise của Nhật Bản diễn tập nhằm tăng cường khả năng phối hợp trên biển giữa hai nước.

Các nước đồng minh của Mỹ cũng gia tăng hoạt động tập trận ở Biển Đông

Cùng với Mỹ thực hiện các sứ mệnh bảo vệ hòa bình, ổn định và sự thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp… đều tăng cường các hoạt động tập trận trong khu vực:

Nhật Bản:(1) Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (10/2018) đã cử tàu khu trục Kaga và một số tàu chiến khác tham gia tập chung với hải quân các nước ở xung quanh Biển Đông và Ấn Độ Dương. (2) Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (17/9) đã cử tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản lần đầu tiên đã tham gia diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông. Cục Phòng vệ Nhật cho biết, cuộc diễn tập này không nhằm vào bất cứ quốc gia đặc biệt nào, nhưng giới phân tích cho rằng, động thái này của họ rõ ràng nhằm phát đi thông điệp tới Trung Quốc. (3) Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius) và Đội tàu hộ tống tấn công số 4 do tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (31/8) đã tiến hành tập trận tại Biển Đông. Cuộc tập trận này là một phần trong chuyến đi hiếm hoi của tàu Kaga cùng hai tàu khu trục mang tên lửa Nhật Bản là Inazuma và Suzutsuki tới Biển Đông. Các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Mỹ đã triển khai tập trận theo đội hình, tham gia diễn tập cung cấp hậu cần trên biển, trao đổi thông tin liên lạc hải quân và tiến hành các hoạt động phối hợp. Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda, chỉ huy đội tàu Nhật Bản, cho biết việc triển khai tàu sân bay trực thăng Kaga và các tàu khu trục tập trận tại Biển Đông nhằm nâng cao hợp tác với các lực lượng hải quân đối tác, đồng thời góp phần “tăng cường hòa bình và ổn định” trong khu vực. Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết việc triển khai đội tàu tham gia tập trận cùng Mỹ phù hợp với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và có nhiều động thái đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi lý tại các vùng biển tranh chấp như Biển Đông, biển Hoa Đông.

Canada:Hộ tống hạm chống ngầm Canada HMCS Calgary (10/2018) đã tham gia tập trận chống tàu ngầm cùng hải quân Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Theo Reuters, quyết định của Canada về việc triển khai chiến hạm đến tham gia các cuộc tập trận hải quân ở châu Á được đưa ra sau khi nhiều quốc gia khác, trong đó có Anh và Pháp, đã tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để đối phó với nguy cơ Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để không chế quyền tự do qua lại trên biển.

Pháp:Tàu sân bay trực thăng Dixmude và một tàu khu trục của Pháp (5/2018) đã tham gia tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và tập trận gần khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Australia: Hải quân Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh tập trận chung tại Biển Đông (2-19/10) tiến hành tập trận “BERSAMA LIMA 18” ở Biển Đông, cuộc tập trận bao gồm diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết về chiến thuật và quy trình hoạt động của các nước tham gia tập trận. Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong lần tập trận này, Australia điều 9 chiến đấu cơ, máy bay săn tàu ngầm và tiếp nhiên liệu, 2 tàu hải quân và một trung đội lục quân.

Các nước Đông Nam Á cũng liên tục tập trận ở Biển Đông

Cùng với nhịp độ sôi động ở Biển Đông, các nước ASEAN cũng gia tăng các hoạt động tập trận ở Biển Đông.

ASEAN – Trung Quốc:Từ ngày 22-28/10, hải quân các nước ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận trên Biển Đông. Theo China News Service, cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến, 3 trực thăng và hơn 1.200 quân nhân. Trong số này, Trung Quốc điều động 3 tàu chiến, Singapore cử một tàu hộ vệ, Brunei có 1 tàu tuần tra, Thái Lan điều 1 tàu hộ vệ, Philippines cử một tàu hậu cần, Việt Nam cũng cử 1 tàu tàu hộ vệ tham gia. Các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar cử quan sát viên tới theo dõi cuộc tập trận.

Philippines:Hải quân Philippines (16-25/7) và Hải quân Hoàng gia Australia đã bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển Sulu, nhằm tăng cường huấn luyện, phối hợp hành động và hợp tác giữa Hải quân Philippines và Hải quân Hoàng gia Australia trong công tác đối phó hoạt động khủng bố và bắt cóc trong khu vực. Cuộc tập trận này diễn ra ở khu vực ngoài khơi đảo Coron, phía Bắc Palawan và khu vực ngoài khơi đảo Balabac, phía Nam Palawan đều nằm trong vùng Biển Sulu. Ngoài ra, trong năm 2018, Philippines còn phối hợp với Mỹ tiến hành hơn 200 cuộc tập trận lớn, nhỏ khác, trong đó nhiều cuộc tập trận diễn ra ở khu vực Biển Đông.

Brunei:Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Nga Nikolai Voskresensky (23/11) cho biết Nhóm tác chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga, bao gồm tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu khu trục Đô đốc Panteleyev và tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma đã tới thăm và tiến hành tập trận với các tàu chiến Brunei trên Biển Đông nhằm huấn luyện tìm kiếm cứu hộ hải quân, diễn tập chiến thuật chung và huấn luyện liên lạc.

Singapore:(1)Hai tàu chiến của Singapore (06/4) đã tham gia cuộc tập trận phối hợp vận động đội hình với Hải Quân Mỹ tại khu vực Nam Biển Đông. Theo đó, tàu chiến RSS Suprême thuộc lớp hộ tống hạm Formidable và tàu hộ vệ tên lửa RSS Valiant đã phối hợp tập trận với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sampson và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill của Mỹ. Hải quân Singapore cho biết cuộc tập trận còn bao gồm các bài tập như khai hỏa tấn công mục tiêu là một cái bong bóng, tập phòng không và đổ bộ trực thăng. (2) Hải quân Singapore (3/2018) cũng tiến hành tập trận phối hợp vận động đội hình với tàu chiến Hải Quân Hoàng Gia Australia tại khu vực gần eo biển Malacca.

Indonesia:Hải quân Indonesia (4-9/5) đã tiến hành tập trận “Komodo 2018” với chủ đề “Hợp tác ứng phó với thảm họa tự nhiên và hỗ trợ nhân đạo”, tại khu vực đảo Lombok và đảo Nusa Penida, Tây Nusa Tenggara, Indonesia. Đây là cuộc diễn tập Hải quân đa phương do Hải quân Indonesia tổ chức 2 năm một lần bắt đầu từ năm 2014 nhằm mục đích tăng cường tình hữu nghị, xây dựng lòng tin và nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa hải quân các nước trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải. Đến nay, 36 nước đã xác nhận tham gia cuộc diễn tập, trong đó 18 nước cử tàu hoặc máy bay với tổng số 50 tàu mặt nước, 15 máy bay tuần thám biển và 14 trực thăng các loại, trong đó có 33 tàu, 12 máy bay tuần thám biển và 6 trực thăng của hải quân Indonesia.

Trung Quốc liên tục chỉ trích các nước tăng cường tập trận ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối tuyên bố, hoạt động của phía Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia… ở Biển Đông, khẳng định tình hình Biển Đông đang được cải thiện và ổn định, cả ASEAN và Trung Quốc đều có ý chí mạnh mẽ về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đang tiến hành các hành động cụ thể để đạt được điều đó; buộc tội “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông. Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (25/9) đã đề nghị Anh cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, bày tỏ hy vọng Anh sẽ hiện thực hóa cam kết và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Phản ứng của Việt Nam

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định việc Trung Quốc và Đài Loan liên tục tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không, gây căng thẳng phức tạp tình hình ở Biển Đông; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đổi hành động này của Trung Quốc và Đài Loan, yêu cầu không tiến hành các hoạt động tương tự.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt Nam cung tuyên bố ủng hộ hoạt động của các nước ở Biển Đông, song nhấn mạnh hành động của các nước liên quan cần phục vụ mục đích hòa bình, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới