Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững tranh cãi về đập thủy điện lớn nhất Campuchia

Những tranh cãi về đập thủy điện lớn nhất Campuchia

Đập Hạ Sesan 2 mang lại cho Campuchia 30 triệu USD mỗi năm, nhưng có thể gây hậu quả lớn về môi trường, sinh kế ở hạ lưu sông Mekong.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm qua chủ trì lễ khánh thành đập thủy điện Hạ Sesan 2 ở tỉnh đông bắc Stung Treng, AFP đưa tin. Với công suất 400 megawatt, Hạ Sesan 2 trở thành đập lớn nhất trong số 7 đập thủy điện đã được xây dựng tại Campuchia.

Dự án xây đập Hạ Sesan 2 được chính phủ Campuchia thông qua từ tháng 1/2011, quá trình xây dựng được tiến hành từ năm 2012 trên sông Sesan, một phụ lưu lớn của sông Mekong ở huyện Sesan, tỉnh Stung Treng. Đập được xây dựng trên diện tích 36.000 ha với độ cao 80 mét, trong đó 75 mét để trữ nước và 5 mét dự phòng.

Đây là dự án có tổng giá trị đầu tư 816 triệu USD, trong đó Công ty Năng lượng Quốc tế Hydrolancang của Trung Quốc năm 51% cổ phần, Tập đoàn Hoàng gia Campuchia năm 39% cổ phần và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm 10% cổ phần, theo Bangkok Post.

Tuy nhiên, từ năm 2014, khi đập Hạ Sesan 2 đang chuẩn bị xây dựng, một nhóm 15 tổ chức xã hội dân sự và luật sư ở Campuchia và Đông Nam Á đã gửi thư tới chính phủ Trung Quốc và các nhà thầu có liên quan để cảnh báo về những tác động môi trường, xã hội của dự án, đặc biệt là những hậu quả xuyên biên giới đối với các khu vực ở hạ lưu sông Mekong.

Trong thư, Meach Mean, điều phối viên Mạng lưới Bảo vệ Sông ngòi 3S (3SPN) cho rằng việc xây đập Hạ Sesan 2 mà không có các biện pháp phù hợp để xác định, khắc phục những thiệt hại do dự án gây ra ở Campuchia cũng như ở Việt Nam, Lào, Thái Lan có thể gây rủi ro với uy tín của các công ty liên quan cũng như hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái và cộng đồng dân cư, thậm chí có thể đe dọa an ninh khu vực.

Sông Sesan và Srepok vốn có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động di cư và sinh đẻ của các loài cá, nên đập Hạ Sesan 2 có thể làm giảm gần 10% sinh khối của các loài cá ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Tình trạng này có thể đẩy nhiều cộng đồng sinh sống dọc bờ sông Mekong, vốn dựa vào nguồn cá ở đây để mưu sinh, có thể rơi vào đói nghèo.

Ngoài ra, 3SPN còn cho rằng dự án Hạ Sesan 2 cùng các đập thủy điện khác ở Campuchia sẽ làm thay đổi đáng kể dòng chảy và lượng phù sa ở hạ nguồn sông Mekong, đe dọa đến sản lượng nông nghiệp và hệ sinh thái khu vực hạ lưu.

“Tác động của thủy điện Hạ Sesan 2 đối với đa dạng sinh học, an ninh lương thực, sinh kế và nông nghiệp không chỉ diễn ra ở Campuchia mà còn gây ra với toàn bộ khu vực hạ lưu sông Mekong”, Ame Trandem, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nhận định.

Một báo cáo do Liên minh Sông ngòi Campuchia (RCC) công bố năm 2009 cho rằng công tác tự vấn của dự án Hạ Sesan 2 có nhiều vấn đề trong quá trình đánh giá tiền khả thi, khi không xem xét một cách đầy đủ các hậu quả tiêu cực về môi trường, xã hội và nhu cầu của các cộng đồng cư dân sống ở thượng lưu, hạ lưu con đập. Theo đó, đơn vị tư vấn dự án xây đập đã không cung cấp đầy đủ các thông tin về hậu quả tiềm tàng của công trình đối với các cộng đồng cư dân có thể bị ảnh hưởng.

Báo cáo này dự đoán hơn 38.000 dân ở 86 ngôi làng “sẽ không còn được tiếp cận với phần lớn nguồn tài nguyên cá” sau khi đập Hạ Sesan 2 hoàn thành, 78.000 người khác cũng bị ảnh hưởng tương tự nhưng ở mức độ ít hơn.

3SPN cũng dẫn lời nhiều người dân Campuchia tham gia vào quá trình tham vấn xây đập cho biết họ không được cung cấp đủ thông tin hay có cơ hội bày tỏ nỗi lo ngại của mình trước các nhà thầu và nhà chức trách Campuchia về hậu quả của dự án. “Vẫn còn sự thiếu minh bạch về hậu quả của con đập cũng như kế hoạch tái định cư, trong khi người dân không được tham vấn một cách có ý nghĩa hay tham gia vào quá trình ra quyết định”, Maureen Harris, điều phối viên pháp lý khu vực sông Mekong của tổ chức EarthRights International, cho biết.

Liên Hợp Quốc nhiều lần bày tỏ lo ngại về Hạ Sesan 2 và một số nhà khoa học từng kêu gọi dừng dự án vì lo ngại nguồn cung thực phẩm của khu vực bị đe dọa. Campuchia cũng bị chỉ trích vì cho phép các công ty đầu tư phá hàng trăm nghìn hecta rừng, bao gồm rừng trong các khu bảo tồn, để xây dựng đồn điền cao su, mía và các đập thủy điện. Các nhóm quyền lợi cho biết người dân phải di dời thường không được bồi thường thỏa đáng hoặc di dời cưỡng chế.

Trong lễ khánh thành hôm qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định những người dân bị ảnh hưởng trong dự án đều đã được tái định cư và bồi thường, đồng thời chỉ trích những người “gây khó dễ sau khi bị nước ngoài kích động”. Ông khẳng định đập Hạ Sesan 2 sẽ giúp người dân Campuchia được sử dụng điện với giá rẻ hơn.

Nhưng với Neang, người phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số Phnong sống ở Stung Treng, gia đình cô đã bị chia cắt bởi dự án thủy điện khổng lồ này. Sau nhiều lần bị chính quyền thuyết phục, gây sức ép, nhiều họ hàng và cả chồng của Neang đã đồng ý chuyển tới khu tái định cư do chính phủ xây dựng ở cách làng cũ khoảng 20 km. Nhưng Neang cùng ba đứa con quyết tâm bám trụ để “giữ đất hương hỏa”, theo SCMP.

Đến gần ngày đập Hạ Sesan 2 hoàn thành, trường học và ngôi chùa ở làng Kbal Romeas bị đóng cửa, con đường duy nhất dẫn vào làng cũng bị phá, nhưng Neang cùng hơn 200 thành viên của 58 hộ gia đình người Phnong vẫn không rời khỏi nhà, cho đến khi cửa tích nước của đập được đóng vào tháng 10 năm ngoái. Nước dâng lên nhanh chóng và tràn vào nhà của họ.

Đập thủy điện Hạ Sesan 2 có chiều cao 80 m. Ảnh: PhnomPenh Post.

Đập thủy điện Hạ Sesan 2 có chiều cao 80 m. Ảnh: PhnomPenh Post.

Neang cùng những người trong làng phải chạy đến gò đất cao hơn cách đó vài km. “Dù gặp nhiều khó khăn hơn, chúng tôi vẫn sẽ ở đây”, cô khẳng định. “Tôi không muốn đánh mất bản sắc tổ tiên để lại”.

Broch Rithy, 23 tuổi, cùng vợ và đứa con nhỏ cũng bám trụ trên một gò đất cao như Neang. “Cuộc sống ở khu tái định cư rất khổ vì không có nước sạch”, anh cho biết. “Tôi không thể bỏ lại văn hóa dân tộc mình, không thể rời bỏ phần mộ bố mẹ, tổ tiên”.

Nhưng với chính phủ Campuchia, đập Hạ Sesan 2 sẽ mang lại gần 30 triệu USD tiền thuế mỗi năm, và họ sẽ được tiếp quản quyền vận hành con đập sau 40 năm. Một báo cáo được chính phủ nước này thực hiện hồi năm ngoái ước tính Campuchia có thể tạo ra tới 10.000 megawatt từ thủy điện và các dự án mới sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới