Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngThái Lan sẽ thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền trên...

Thái Lan sẽ thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong năm giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN?

Thái Lan tuy không liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Bangkok có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. Trên cương vị Chủ tịch luân phiến ASEAN, Thái Lan sẽ có những đóng góp quan trọng trong vấn đề Biển Đông.

Quan điểm của Thái Lan đối với tranh chấp Biển Đông

Từ trước tới nay, chính sách đối ngoại của Thái Lan nổi tiếng với chính sách “cây tre”, tức là “gió cuốn chiều nào theo chiều đấy”. Điều này phản ánh khả năng của Thái Lan lựa chọn những hướng có lợi cho lợi ích quốc gia của mình. Về mặt lịch sử, chính sách đối ngoại này đã giúp Thái Lan duy trì chủ quyền và độc lập trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực ở thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực hiện nay sau khi Trung Quốc nổi lên, Thái Lan đã vấp phải nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại “cây tre” của mình. Chính trị trong nước kể từ năm 2006 cũng đã làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách Thái Lan trước các vấn đề quốc tế. Bangkok đã không thể vừa thực hiện vai trò lãnh đạo khu vực, vừa duy trì một sự cân bằng tốt giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau cuộc đảo chính năm 2014, việc giành được sự công nhận quốc tế và tính hợp pháp đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với chính quyền quân sự Thái Lan, nhưng nước này đã phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ và sự ủng hộ suy giảm từ các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ cuộc đảo chính này, chính quyền quân sự Thái Lai dường như đã tìm thấy một vùng đệm để cải thiện sức ép chính trị từ phương Tây.

Trong vấn đề Biển Đông, Thái Lan không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên, Bangkok giữ quan điểm trung lập trong về vấn đề Biển Đông, ủng hộ các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp, thông qua thương lượng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trước đây, Thái Lan không muốn tham gia quá sâu vào vấn đề Biển Đông một phần là do quan hệ đối tác khá chặt chẽ về kinh tế lẫn quân sự với Trung Quốc, phần nữa là nước này vừa trải qua một giai đoạn nhiều biến động về chính trị cũng như phải đối phó bất ổn tại miền Nam. Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đe doạ phá vỡ quan hệ hợp tác này nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khiến Thái Lan phải có nhiều động thái tích cực, can dự sâu hơn vào vấn đề này.

Một số yếu tố tác động Thái Lan trong vấn đề Biển Đông:

Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc: Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, chính sách đối ngoại của Thái Lan đã tiến gần hơn về phía Bắc Kinh, bất chấp mối quan hệ lâu dài với Mỹ. Trong khi đó,Trung Quốc cũng rất muốn lôi kéo Thái Lan ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, quan hệ giữa hai nước đang có những tiến triển vượt bậc. Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana (8/2018) cho biết Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận cho hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc tới làm việc, lập nhà xưởng tại Thái Lan. Các bản ghi nhớ hợp tác gần đây giữa 2 nước bao phủ nhiều lĩnh vực hoạt động như kinh tế điện tử, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ thế hệ thứ 5 và công nghệ ôtô, hứa hẹn biến Hành lang Kinh tế phía Đông của nước này trở thành trung tâm công nghiệp thế hệ mới. Thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng Trung Quốc cung cấp, Bangkok kỳ vọng kết nối vùng Đông Bắc nghèo khó với các đặc khu kinh tế ở Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Thái Lan cũng muốn có thể thu hút vốn từ Trung Quốc đối với dự án đường sắt dài 1.500 km nối Bangkok với Côn Minh. Giai đoạn đầu tiên của dự án này, dài 252,5 km từ Bangkok tới Nakhon Ratchasima, đã khởi công từ tháng 12/2017. Toàn bộ tuyến đường sắt từ thủ đô Thái Lan tới thành phố miền Nam Trung Quốc dự kiến hoàn thành năm 2023, giảm thời gian di chuyển từ Bangkok tới Côn Minh xuống chỉ còn 13-14 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, ông Uttama tuyên bố mời gọi nhà đầu tư Trung Quốc không có nghĩa Thái Lan sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Thái Lan, sau Nhật Bản và Singapore. Trong năm 2017, tổng đầu tư từ Trung Quốc vào Thái Lan đạt 838 triệu USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bangkok, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 73,7 tỷ USD trong năm 2017.

Quan hệ đồng minh Mỹ – Thái Lan:Trong số 5 đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan rõ ràng đang bị gạt ra ngoài chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trước đây, cả Mỹ và Thái Lan đều nhận thấy Thái Lan là một “quân cờ tiềm năng” trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, các diễn biến chính trị tại Thái Lan và phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng ở Thái Lan đã tác động lớn đến quan hệ song phương. Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn. Đối với Mỹ, hợp tác quân sự – nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này – là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này. Vào năm 2019, Thái Lan cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về phía Mỹ, Tổng thống Trump nên tổ chức một Hội nghị Mỹ-ASEAN, có thể tại Mar-a-Lago, nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN ngang tầm với các mối quan hệ lớn của Mỹ tại Đông Bắc Á và tạo thêm động lực cho năm Thái Lan làm Chủ tịch. Tham vọng của Mỹ đối với mối quan hệ song phương này cần vượt trên cả mục tiêu đưa quan hệ Mỹ-Thái trở lại mức “bình thường”. Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh lâu đời nhất ở châu Á này để giúp định hình tương lai của cấu trúc khu vực và thúc đẩy ổn định, thịnh vượng. Đầu tư vào những ưu tiên của chính Thái Lan là điểm khởi đầu phù hợp với Mỹ.

Không những vậy, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn thúc đẩy các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và ngăn chặn, kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Vì vậy, Mỹ rất cần Thái Lan ủng hộ các chủ trương, chính sách và hành động của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông khi đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Tình hình chính trị nội bộ không ổn định: Thái Lan là một trong số ít các nước ASEAN có nền chính trị không ổn định và tình hình xung đột sắc tột, tôn giáo, chính trị diễn ra căng thẳng. Chính vì vậy, chính quyền Thái Lan luôn đặt trọng tâm vào vấn đề đối nội, giải quyết khó khăn, thách thức trong nước hơn là tham gia vào các điểm nóng trên thế giới. Do đó, vấn đề Biển Đông ít nhiều sẽ chịu tác động, ảnh hưởng từ chính sách này của Thái Lan.

Thái Lan luôn tích cực thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông:

Quan chức Thái Lan nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan tâm của Bangkok đối với vấn đề Biển Đông: (1) Trong giai đoạn Thái Lan (8/2012 – 8/2015) giữ vai trò điều phối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết COC sẽ góp phần thúc đẩy lòng tin giữa ASEAN – Trung Quốc và ngăn chặn bất kỳ sự cố đáng tiếc nào xảy ra trên Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh Thái Lan sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. (2) Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr (23/5/2013) cho rằng Bangkok rất quan ngại những căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông và muốn tham gia tìm hướng giải quyết; nhấn mạnh trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Thái Lan sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp trên tinh thần hòa bình và tôn trọng luật quốc tế. (3) Phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (3/6/2016) đã kêu gọi ASEAN cần phát huy vai trò trong việc tạo sự cân bằng về an ninh trong khu vực; hối thúc các bên chọn hợp tác thay vì đối đầu đồng thời cho rằng tất cả các bên cần tham gia hoạt động chung, mang tính xây dựng… để những tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản. Đặc biệt, theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN cần thống nhất trong vấn đề Biển Đông vì hoà bình và ổn định ở vùng biển này, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do đi lại trên biển và trên không, ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đồng thời, ông Prayuth Chan-ocha cho rằng việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra môi trường có lợi cho việc giải quyết vấn đề và Thái Lan ủng hộ việc sớm hoàn tất COC. () Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan (7/6/2016) đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường hành động phi pháp ở Biển Đông, tự do đi lại trên Biển Đông; hai bên cũng nhất trí cho rằng, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết hòa bình theo phương thức lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng. (4) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (21/3/2017) nhấn mạnh cần thực thi hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, cũng như hoàn thiện khuôn khổ của COC trong năm 2017. Hai bên cũng nhất trí duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. (5) Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (5/10/2017) nhấn mạnh tầm quan trọng của một Biển Đông hòa bình và ổn định, tuyến đường biển huyết mạch đối với thương mại toàn cầu, cũng như tự do hàng hải và đường không; tái khẳng định cam kết nỗ lực đạt được một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có việc tuân thủ hoàn toàn các thủ tục pháp lý và ngoại giao, căn cứ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); bày tỏ sự đồng tình trong việc duy trì cách tiếp cận mang tính hợp tác, hướng tới mục tiêu đảm bảo một Biển Đông hòa bình, ổn định và bền vững.

Thái Lan cũng tích cực tham gia tập trận với các nước ở Biển Đông. (1) Hải quân Mỹ, Singapore và Thái Lan (15/05/2017) tổ chức diễn tập chung tại Biển Đông.Phía Mỹ cử tầu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett (DDG-104) và tầu chiến đấu ven biển USS Coronado (LCS 4); Singapore cử chiến hạm RSS Intrepid (FFS 69) và Thái Lan cử chiến hạm HTMS Naresuan (FFG 421) tham gia tập trận. (2) Hải quân Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia (20-29/10) tổ chức tập trận chung ở eo biển Malacca, nhằm “duy trì hòa bình” ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ điều ba tàu khu trục, ba vận tải cơ Il-76, hai trực thăng cùng 692 binh sĩ đến tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Thái Lan và Malaysia tại vùng biển ngoài khơi cảng Dickson và cảng Klang của Malaysia.Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận ba bên này là một cách để Trung Quốc và các nước ASEAN chứng tỏ rằng họ có thể hợp tác trong các vấn đề an ninh quốc phòng ít nhạy cảm. Trong khi đó, đối với Malaysia và Thái Lan, đây là cách chứng tỏ việc xây dựng lòng tin với Trung Quốc và là thông điệp khẳng định họ không đứng về bên nào trong mâu thuẫn giữa các cường quốc tại Biển Đông. Mục đích của họ là thể hiện quyết tâm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Còn Trung Quốc dĩ nhiên sẽ xem đây là cái cớ để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.

Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thái Lan sẽ thúc đẩy vấn đề Biển Đông

Thái Lan sẽ tích cực đóng vai trò trung gian, cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên một số điểm cơ bản như: giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN và DOC, sớm thúc đẩy xây dựng COC…

Thái Lan cũng muốn thông qua vấn đề Biển Đông để nâng cao vai trò vị trí của Bangkok trong ASEAN. Hơn nữa, do những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là nguy cơ đe doạ hoà bình ổn định của khu vực, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và vai trò của Thái Lan nên là một thành viên trong cộng đồng ASEAN, Thái Lan sẽ không thể thờ ơ trước những căng thẳng ngày một leo thang ở Biển Đông. Tuy nhiên, một mặt do có quan hệ đối tác khá chặt chẽ về kinh tế lẫn quân sự với Trung Quốc, mặt khác do biến động về chính trị cũng như phải đối phó bất ổn tại miền Nam và tác động, ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ nên Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong vấn đề Biển Đông khi giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới