Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnCác nước khu vực Nam Thái Bình Dương ngăn chặn ảnh hưởng...

Các nước khu vực Nam Thái Bình Dương ngăn chặn ảnh hưởng của TQ

Trong bài viết đăng trên CNN, nhà nghiên cứu John Lee nhận định: Gói đầu tư hạ tầng mà Australia công bố hồi tháng 11/2018 là biểu hiện của kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương.

Trong khi Ngoại trưởng Australia gặp người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,2 tỷ USD như một phần của kế hoạch “bước tiến đến Thái Bình Dương”.

Mặc dù các chính trị gia Australia không muốn thừa nhận kế hoạch này nhằm mục tiêu chống lại một quốc gia khác, nhà nghiên cứu John Lee cho rằng, kế hoạch lại được triển khai trong bối cảnh Australia ngày càng quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên phương diện ngoại giao, kinh tế và quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực được coi như “sân sau” của Australia.

Chính quyền Australia luôn khẳng định: Ưu tiên cao nhất trong chiến lược quốc phòng là bảo đảm không có thế lực thù địch nào có thể tiếp cận lục địa Australia từ Đông Nam Á hoặc Nam Thái Bình Dương. Hơn nữa, mặc dù không chính thức, từ lâu các đồng minh Mỹ và Nhật Bản đã có chính sách đảm bảo an ninh Đông Bắc Á, Mỹ với sự hỗ trợ của Australia ở khu vực Đông Nam Á, và riêng Australia nhận trách nhiệm tại khu vực Nam Thái Bình Dương.

Việc Trung Quốc đang tìm cách sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để đổi lấy các cảng Hanabata ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan cho các mục đích quân sự trong tương lai khiến Australia lo ngại về an ninh ở Nam Thái Bình Dương. Để chắc chắn, Australia đã viện trợ và tài trợ phát triển cho các quốc đảo ở khu vực này trong thời gian dài.

Khó khăn mà Australia đang gặp phải là nước này không thể vượt qua Trung Quốc về mặt kinh phí đầu tư trong thời gian ngắn. Australia cũng không được để cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương lợi dụng nguồn viện trợ từ cả nước này và Trung Quốc trong cùng một lúc. Thủ tướng Morrison muốn đảm bảo rằng các nền kinh tế nhỏ này sẽ chọn nguồn viện trợ của Australia, vốn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới và các tiêu chuẩn tài chính quốc tế khác. Các khoản vay này cũng không bị ràng buộc bởi các quy định không cần thiết, điều kiện hoàn trả phục vụ phát triển bền vững và không gây nguy hiểm cho khả năng thanh toán của các quốc đảo nhỏ.

Mặc dù các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương chỉ chiếm một diện tích nhỏ trong một đại dương rộng lớn, nhưng lại rất quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực – đặc biệt là Australia, New Zealand và Nhật Bản.

Các quốc gia này đều quan tâm đến việc đảm bảo rằng việc tiếp cận thương mại và quân sự trên khắp Thái Bình Dương hoàn toàn tự do và không bị cản trở; mở rộng các thể chế dân chủ và các tiêu chuẩn về tự do. Trong mấy năm nay, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động trên khắp Thái Bình Dương, gia tăng viện trợ và đầu tư vào khu vực này. Các quốc đảo Thái Bình Dương chắc chắn bị cám dỗ bởi nguồn tài chính dồi dào và việc Bắc Kinh sẵn sàng tham gia các dự án phát triển lớn với một số ít điều kiện.

Tất nhiên, các khoản đầu tư đáp ứng nhu cầu địa phương và hỗ trợ tăng trưởng địa phương nên được hoan nghênh. Nhưng trong quá nhiều trường hợp ở Nam Thái Bình Dương và các nơi khác, đầu tư của Trung Quốc không minh bạch một cách đáng lo ngại, làm suy yếu chủ quyền quốc gia, và bòn rút tài nguyên bất chấp lợi ích của cộng đồng địa phương.

Hơn nữa, ở Nam Thái Bình Dương, đầu tư của Trung Quốc thường dẫn tới sự xuống cấp về môi trường, tham nhũng và tội phạm, và làm gia tăng tình trạng căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả thủy sản.

Đáng tiếc là, phần lớn hoạt động đầu tư của Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh của họ bỏ mặc khu vực này. Trong thập kỷ qua, Australia, New Zealand và Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho Nam Thái Bình Dương và tập trung sự chú ý vào các nơi khác trên thế giới.

Australia nhận rõ một điều, nước này không thể ngăn chặn Trung Quốc khỏi khu vực Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên các nền kinh tế đang phát triển cần thấy rõ hệ lụy của các khoản vay từ Trung Quốc và cung cấp một giải pháp thay thế về cơ sở hạ tầng cho các quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới