Công ty Trung Quốc đang chuẩn bị hợp đồng thuê lại cảng biển Haifa của Israel nhưng Tel Aviv đã buộc lòng từ chối.
Chính phủ Israel đã xem xét lại thỏa thuận đầu tư 2 tỉ USD với Trung Quốc về cảng Haifa – cảng lớn thứ ba của Israel.
South China Morning Post cho biết, diễn biến này xuất hiện sau khi giới chức an ninh Israel được nói là đã xem xét lại thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải Israel và Tập đoàn cảng biển quốc tế Thượng Hải (Shanghai International Port Group – SIPG) liên quan đến cảng Haifa.
SIPG đã cam kết rót 2 tỷ USD vào dự án và lên kế hoạch biến cảng này thành cảng biển lớn nhất ở Israel. Thỏa thuận với Chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý cảng Haifa trong 25 năm.
Trong khi đó tờ Jerusalem Post lại cho rằng, Chính phủ Israel đang chịu sức ép từ Washington vì Hải quân Mỹ đã đánh tiếng rằng các hoạt động của họ có thể thay đổi một khi SIPG kiểm soát cảng dân sự Haifa.
Haifa là thành phố cảng lớn nhất của Israel, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Israel.
Một khi thỏa thuận giữa công ty Trung Quốc với Israel được thực hiện từ năm 2021, giới chức tình báo và an ninh Mỹ không khỏi lo ngại.
Giới phân tích cho rằng, chính những cân nhắc về chính trị liên quan đến đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển lớn thứ ba của Israel là lý do đứng phía sau quyết định của Chính phủ nước này khi xem xét thỏa thuận mang lại cho Bắc Kinh phần lớn cổ phần trong cơ sở này.
Haifa không phải cảng duy nhất của Israel có dính đến tiền Trung Quốc. Một công ty con của China Habour Engineering thắng thầu 876 triệu USD xây một cảng ở thành phố Ashdod bên bờ biển Địa Trung Hải
Các công ty hàng hải tiên phong của Trung Quốc như Cosco Shipping Post, China Merchants Port Holdings đang nỗ lực giành lấy các cổ phần hoặc ký thỏa thuận xây dựng các nhà ga tại cảng biển ở nước ngoài.
Ông Oded Eran, cựu nhân viên ngoại giao Israel, nhận định ngày càng nhiều quốc gia lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và cách Bắc Kinh có thể dùng nó để đạt mục tiêu chính trị trong một số hoàn cảnh nhất định.
“Trường hợp của Israel, quan ngại chủ yếu là an ninh… cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, do đó cần phải bảo vệ tài sản quốc gia” – ông Eran bình luận.
Ehud Gonen, một chuyên gia về chính sách và chiến lược hàng hải tại Đại học Haifa của Israel, cho biết sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư của Trung Quốc vào Israel đã gây lo ngại.
Do phạm vi rất đáng kể của các khoản đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới, nhiều cuộc tranh luận công khai đã được tổ chức khắp trên thế giới nhằm đánh giá tác động và động cơ của các khoản đầu tư này.
Thương mại giữa Trung Quốc và Israel đã vượt 11 tỷ USD, con số lớn hơn 200 lần so với 25 năm trước. Trong giai đoạn 1992- 2017, thương mại Mỹ- Trung tăng trưởng gấp 20 lần, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ.
Nhưng chuyên gia Liu Naiya thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, thì cho rằng tính toán của Israel đằng sau cảng Haifa đơn thuần là chính trị.
“Lý do đằng sau là Mỹ muốn cản trở hợp tác giữa Trung Quốc và Israel. Đây luôn là cách Washington dùng để phá hợp tác quốc tế của Trung Quốc” – vị này chỉ trích.
Đây là phương pháp nhất quán của Washington trong việc kìm hãm các hoạt động quốc tế của Trung Quốc, ông Liu Liu nhận xét.
Giới quan sát đánh giá, động thái mới nhất từ Israel đã cho thấy Tel Aviv đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa Mỹ- Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và cả quân sự.