Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay điện thoại Mỹ sau...

Người dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay điện thoại Mỹ sau vụ bắt giữ sếp Huawei

Sau vụ việc Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, nhiều người Trung Quốc đã kêu gọi sử dụng điện thoại của hãng viễn thông lớn nhất quốc gia tỷ dân này, đồng thời tẩy chay điện thoại của Mỹ.

Ngày 1/12, Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính”.

Vụ việc không những khiến chính phủ Trung Quốc “nóng mặt” mà còn châm ngòi giận dữ của một bộ phận người dùng Trung Quốc, những người coi Huawei là một trong những niềm tự hào quốc gia.

Tuần trước, người tiêu dùng Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm của một hãng áo Canada khiến doanh số của hãng sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí hãng này còn phải tạm dừng kế hoạch mở thêm cửa hàng mới do phong trào tẩy chay đã lan rộng khắp trên mạng xã hội Weibo.

Không những thế, người Trung Quốc bắt đầu thể hiện tinh thần ủng hộ với Huawei bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Công viên núi Thần Nông, tỉnh Hà Nam, một điểm giải trí thu hút khách du lịch đã tuyên bố họ sẽ giảm 9,4 USD (65 Nhân dân tệ) tiền vé cho bất cứ ai mang theo điện thoại của Huawei.

“Sử dụng điện thoại Huawei, chụp những bức ảnh với ngọn núi. Chúng tôi mong muốn bạn bè trên khắp thế giới sẽ ủng hộ cho sự thành công của Huawei”, thông báo của công viên viết.

Ngoài ra, một công ty sản xuất màn hình LED tên là Menpad ở Thiên Tân thông báo rằng họ có chính sách ưu đãi cho bất cứ nhân viên nào mua điện thoại Huawei. Công ty này tuyên bố sẽ có hình phạt thích đáng cho ai mua điện thoại iPhone của hãng Apple (Mỹ).

Tại một quán bar ở Bắc Kinh, bất cứ ai mang điện thoại Huawei tới đều được giảm giá 20% hóa đơn.

Tuy hành động trên có mục đích thể hiện sự ủng hộ với hãng viễn thông Trung Quốc, nhưng nhiều ý kiến chỉ trích rằng điều này có thể được coi là phân biệt đối xử trong kinh doanh khi họ có những ưu đãi riêng với người dùng Huawei.

Bà Mạnh, 46 tuổi, bị nghi là đã sử dụng một công ty con của Huawei tên là Skycom nhằm lách qua lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran từ năm 2009 tới 2014. Phía công tố Mỹ cho rằng bà đã cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho các ngân hàng về quan hệ thật sự giữa 2 công ty. Bà Mạnh đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm.

Theo BBC, Mỹ đã bắt đầu điều tra bà Mạnh và Huawei từ năm 2016. Họ tin rằng Huawei đã dùng Skycom để chuyển các thiết bị do Mỹ sản xuất tới Iran trong những thương vụ giao dịch hàng trăm triệu USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới