Saturday, April 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTập Cận Bình củng cố quyền lực, tích cực xử lý quan...

Tập Cận Bình củng cố quyền lực, tích cực xử lý quan tham, duy trì các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, song kinh tế TQ đang có dấu hiệu suy giảm

Trong năm 2018, tình hình chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa xã hội Trung Quốc có nhiều diễn biến mới. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn duy trì tình hình ổn định, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “đả hổ, diệt ruồi”. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ kinh tế với Mỹ và việc Bắc Kinh tiếp tục duy trì chính sách phiến diện, độc đoán, phi lý liên quan Biển Đông khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai chính sách đối ngoại và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tình hình chính trị Trung Quốc

Kỳ họp thứ nhất Chính hiệp Trung Quốc khóa 13:

Từ ngày 3-15/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, diễn ra lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc khóa 13 với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Trình bày báo cáo công tác của Ban Thường vụ Ủy ban toàn quốc khóa 12 Chính hiệp Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh nêu rõ, 5 năm qua, Chính hiệp khóa 12 đã quán triệt toàn diện tinh thần các Đại hội 18 và 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, kiên trì hai chủ đề lớn là đoàn kết và dân chủ, hoàn thiện bố cục hiệp thương nghị chính, tăng cường chức năng giám sát dân chủ, mở rộng công tác đoàn kết, thúc đẩy sự nghiệp hiệp thương chính trị nhân dân phát triển trong kế thừa, đổi mới trong phát triển, đóng góp quan trọng vào các mặt công tác của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Chính hiệp Trung Quốc đã quán triệt tư tưởng phát triển lấy người dân làm trung tâm, đóng góp ý kiến để bảo đảm và cải thiện đời sống người dân; thúc đẩy xây dựng hiệp thương dân chủ; tăng cường và cải tiến công tác giám sát dân chủ; phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức mặt trận thống nhất, thu hút nguồn lực và góp phần tạo đồng thuận rộng rãi trong xã hội. Về phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, Chính hiệp sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng toàn diện xã hội khá giả, mở ra chặng đường mới xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại; phát huy vai trò chính hiệp nhân dân như một phương thức hiệp thương quan trọng; tập hợp rộng rãi các nguồn lực, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 Trung Quốc:

Từ ngày 5-20/3, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 khai mạc kỳ họp thứ nhất, với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu. Tại kỳ họp, Quốc hội Trung Quốc đã bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao;xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với cương vị Chủ tịch nước; thông qua kế hoạch cải cải tổ mạnh mẽ bộ máy chính phủ theo hướng tinh giản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; hợp nhất chức năng của nhiều cơ quan để giảm thiểu tình trạng chồng chéo; thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, khẳng định vai trò dẫn dắt của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, cũng chính là một bảo đảm nền tảng pháp lý cho việc thực hiện chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới trong đời sống chính trị – xã hội của Trung Quốc; thông qua Báo cáo công tác Chính phủ, dự thảo Luật Giám sát, các nghị quyết về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, tình hình thực hiện Dự toán năm 2017 và Dự toán năm 2018. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa mới, có ý nghĩa rất quan trọng, pháp luật hóa đường lối phát triển đất nước được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra tại Đại hội 19 (10/2017). Tại kỳ họp, Quốc hội Trung Quốc cũng thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bầu ra ban lãnh đạo các cơ quan Nhà nước khóa mới, thành lập Ủy ban Giám sát Nhà nước, phê chuẩn Phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện quy mô lớn nhằm củng cố bộ máy chính phủ hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Theo kế hoạch này, Quốc vụ viện sẽ bao gồm 26 bộ và ủy ban. Các bộ mới được thành lập theo kế hoạch gồm Bộ Tài nguyên, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh và Bộ Tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, sẽ có một số cơ quan hành chính mới dưới quyền chỉ đạo của Quốc vụ viện gồm Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế và Cơ quan Nhập cư quốc gia.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc năm 2018:

Từ ngày 19 -21/12, đã diễn ra Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc (CEWC-2018). Hội nghị CEWC-2018 chủ yếu tập trung thảo luận về các biện pháp bình ổn kinh tế trong nước và đề ra mục tiêu hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2019. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí cắt giảm thuế và phí trên quy mô lớn hơn, tăng cường phát hành trái phiếu địa phương và đảm bảo sự cân bằng giữa thắt chặt tiền tệ và nới lỏng để đảm bảo thanh khoản hợp lý, trong bối cảnh Bắc Kinh hứa sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để giải quyết những khó khăn tài chính mà các công ty tư nhân và nhỏ phải đối mặt.

Trung Quốc kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa:

Ngày 18/12, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Trung Quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổng kết quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc trong 40 năm qua, nhấn mạnh Trung Quốc đã giải phónh tư tưởng, thực sự cầu thị, dám thử nghiệm, dám cải cách, tạo ra một thế giới mới; kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại, tìm kiếm sự thật, kiên trì không thay đổi địa vị chỉ đạo của chủ nghĩa Mác; kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, liên tục giải phóng và phát triển sức sản xuất của xã hội; kiên trì con đường phát triển chính trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, liên tục thúc đẩy cải cách thể chế chính trị đi vào chiều sâu, phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể chế lãnh đạo của đảng và nhà nước ngày càng hoàn thiện, việc thúc đẩy tiến trình quản lý nhà nước theo pháp luật đi vào chiều sâu toàn diện; kiên trì phát triển văn hóa tiên tiến chủ nghĩa xã hội, tăng cường xây dựng nền văn minh tinh thần chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng và thực hiện quan niệm giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội, kế thừa và phát huy nền văn hóa truyền thống ưu tú Trung Hoa; kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh; kiên trì bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, kiên trì thúc đẩy xây dựng văn minh sinh thái, nhanh chóng hình thành hệ thống chế độ văn minh sinh thái; kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội, không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, thúc đẩy quân đội nhân dân thực hiện tái cấu trúc mang tính cách mạng, trang thiết bị vũ kí có được sự đột phá mang tính lịch sử; kiên trì thúc đẩy sự nghiệp lớn thống nhất hòa bình tổ quốc, thực hiện phương châm cơ bản “Một nước hai chế độ”, lần lượt phục hồi việc thực thi chủ quyền đối với Hồng Công, Ma Cao; kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, luôn đi theo con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chiến lược mở cửa cùng thắng, kiên định bảo vệ quy tắc trong quan hệ quốc tế, bảo vệ chính nghãi công bằng quốc tế; kiên trì tăng cường và cải thiện sự lãnh đạo của đảng, tích cực ứng phó với các thách thức rủi ro mà đảng đang phải đối mặt trong điều kiện cầm quyền và cải cách mở cửa trong thời gian dài.

Trung Quốc lần đầu tổ chức Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc: Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải (5-10/11) tổ chức Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018) tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Hội chợ được tổ chức thường niên và sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, nhằm mục tiêu mở cửa thị trường ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng như quá trình toàn cầu hóa; có hơn 100 quốc gia tham gia trưng bày và hơn 150.000 khách hàng thương mại đến từ Trung Quốc và các nước trên thế giới tới giao dịch.

Tình hình an ninh, quốc phòng Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng: Bộ Quốc phòng Trung Quốc (5/3) tuyên bố ngân sách quốc phòng năm 2018 đạt mức hơn 1,1 nghìn tỷ NDT (174,5 tỷ USD). Ngân sách quốc phòng năm 2018 đánh dấu mức tăng 8,1% so với 7% của năm 2017 (151 tỷ USD). Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua. Trung Quốc biện minh rằng chi tiêu quốc phòng của nước này ít hơn 1,5% GDP. Tuy vậy, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của nước này trong điều kiện tuyệt đối là khá cao. Trong những năm qua, Bắc Kinh đang giảm quy mô quân số và đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. Tại Đại hội 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ xây dựng quân đội nước này thành lực lượng chiến đấu “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc CCDI đã bắt giữ và kỷ luật 648.000 quan chức cấp xã, hầu hết các tội danh đều liên quan tới các vụ tham nhũng quy mô nhỏ. Trong năm 2018, Trung Quốc đã xử lý hơn 40 bộ lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trở lên phạm tội tham nhũng. Trong đó, 27 người đã bị đưa ra xét xử trước tòa. Trong số những người bị xử lý có Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh; 4 người là nguyên Ủy viên trung ương gồm Vương Tam Vận (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, giáo dục, y tế Quốc hội, chưa tuyên án), Hạng Tuấn Ba (Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Giám sát quản lý Bảo hiểm Trung Quốc, chưa tuyên án), Tô Thụ Lâm (Phó Bí thư, Tỉnh trưởng Phúc Kiến, 16 năm tù), Tôn Hoài Sơn (Ủy viên Thường vụ Chính Hiệp, Chủ nhiệm Văn phòng công tác Hongkong – Macao – Đài Loan và Hoa kiều, 14 năm tù); 3 người là nguyên Ủy viên dự khuyết trung ương, gồm Lý Vân Phong (Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng thường trực Giang Tô, 12 năm tù), Mạc Kiến Thành (đảng ủy viên Bộ Tài chính, Tổ trưởng Kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, chưa tuyên án), Dương Sùng Dũng (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc, chưa tuyên án).

Trong số những “Hổ” đã ngã ngựa nhưng chưa bị khai trừ đảng và xử lý về chính quyền hoặc chưa bị ra tòa còn có 4 nguyên Ủy viên trung ương là Dương Tinh (nguyên Bí thư trung ương, Tổng thư ký Quốc Vụ viện), Phòng Phong Huy (Thượng tướng, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy), Trương Dương (Thượng tướng, nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy, đã tự tử) và Nur Bekri (hay Nỗ Nhĩ. Bạch Khắc Lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, nguyên Chủ tịch Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã bắt giữ, xét xử nhiều quan chức cấp bộ như Trương Thiếu Xuân (nguyên Phó Bí thư, Thứ trưởng Bộ Tài chính), Lý Gia (Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, nguyên Bí thư thành ủy Chu Hải, 13 năm tù), Trương Kiệt Huy (nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc), Trần Thụ Long (nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng thường trực An Huy); Ngụy Dân Châu (nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiểm Tây), Chu Xuân Vũ (nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy), Lư Ân Quang (nguyên đảng ủy viên, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư pháp).

Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục bắt giữ nhiều “hổ” mới như Trần Chất Phong (nguyên Phó Thị trưởng Thiên Tân), Lưu Quân (đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Chính Hiệp Quảng Tây), Vương Thiết (Phó bí thư Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam), Vương Hiểu Lâm (đảng ủy viên Cục phó Cục Năng lượng quốc gia), Tăng Chí Quyền (Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Mặt trận tỉnh ủy Quảng Đông), Cận Tuy Đông (Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hà Nam), Lý Sĩ Tường (Phó chủ tịch Chính Hiệp thành phố Bắc Kinh), Mạnh Hoằng Vĩ (Thứ trưởng Bộ Công an), Hình Vân (nguyên Phó chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông), Tiền Dẫn An (Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây), Liêu Thụy Lâm (Phó tỉnh trưởng Giang Tô), Bồ Ba (Phó tỉnh trưởng Quý Châu), Ngải Văn Lễ (Phó chủ tịch Chính Hiệp Giang Tây), Bạch Hướng Quần (Phó chủ tịch Khu Nội Mông)…

Trung Quốc thử nghiệm nhiều loại trang thiết bị khí tài quan trọng

Trong năm 2018, Trung Quốc đã hạ thủy và đang chạy thử nghiệm lần thứ 3 đối với tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông, đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong DF-5C, Đông Phong DF-16 và máy bay J-20. Các loại vũ khí này giúp Trung Quốc tăng năng lực tiến hành phong tỏa và  ngăn chặn tiếp cận.

Trung Quốc bắt Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hoành Vĩ: Bộ Công an Trung Quốc (8/10) chính thức thông báo bắt cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì tình nghi hối lộ. Theo Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hoành Vĩ bị tình nghi vi phạm pháp luật.

Hoạt động đối ngoại của Trung Quốc

Trong năm 2018, hoạt động đối ngoại của Trung Quốc gặt hái được nhiều thành tích quan trọng: Tổ chức thành công Diễn đàn châu Á Bác Ngao (4/2018) tập trung tổng kết kinh nghiệm 40 năm cải cách mở cửa và thảo luận về triển vọng thúc đẩy cải cách mở cửa của Trung Quốc trong thời đại mới; Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (6/2018) nhằm phát huy “Tinh thần Thượng Hải” tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng văn minh đa dạng, thúc đẩy sự phát triển chung, đồng thời hướng đến hành trình phát triển mới sau khi tổ chức này kết nạp thêm thành viên; Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi (9/2018) nhằm tạo động lực mới cho quan hệ đối tác toàn diện song phương; Hội chợ Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường.

Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng kề cận: Đứng trước các xu hướng tiêu cực như Mỹ khơi mào về cuộc chiến thương mại, Trung Quốc kiên định theo đuổi phương thúc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, các cuộc thảo luận về vấn đề thương mại giữa hai nước đều mang tính xây dựng, đã ngăn chặn hiệu quả mâu thuẫn kinh tế thương mại, thúc đẩy các bên quay lại bàn đàm phán và hiệp thương để giải quyết vấn đề. Quan hệ Trung – Nga duy trì ở mức hoạt động cao trong năm nay. Lãnh đạo hai nước nhiều lần gặp gỡ và thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao để cải thiện và thúc đẩy quan hệ song phương. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – ASEAN tiến vào thời kỳ chín muồi, các cuộc tham vấn về COC có nhiều tiến triển. Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tình hình kinh tế Trung Quốc

Tăng trưởng kinh tế: Theo số liệu thống kê của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc (19/10) cho biết, tăng trưởng của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 9, chỉ là 6,5%, thấp hơn dự báo của Bắc Kinh. Trước đó, đơn vị này cũng cho biết trong tháng 07/2018, mức tăng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tương đương với tăng trưởng 6% năm. Bằng mức tăng trưởng công nghiệp tháng 06/2018. Trong khi các nhà phân tích độc lập được Hãng tin Reuters phỏng vấn, dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình sẽ là 6,3%. Doanh số bán lẻ trong tháng Bảy tăng 8,8%. Trong khi các nhà phân tích đã dự đoán tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ là 9,1%, sau mức tăng 9% trong tháng Sáu. Đầu tư vào tài sản cố định trong giai đoạn các tháng từ 01 đến 07/2018 tăng 5,5%, so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là tốc độ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định là thấp nhất, kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1999. Trong khi theo dự báo, tốc độ tăng trưởng đầu tư phải là 6%, như trong các tháng từ 01 đến 06/2018. Tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố của Trung Quốc trong tháng Bẩy đã tăng lên 5,1%, từ mức 4,8% trong tháng Sáu. Mặt khác, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân có những biểu hiện tích cực. Trong tháng Bẩy, tăng trưởng đầu tư của khu vực này là 8,8%, so với tăng trưởng 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2018. Hiện nay, đầu tư tư nhân chiếm khoảng 60% tổng đầu tư ở Trung Quốc. Tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong bảy tháng đầu năm 2018 đã giảm xuống còn 5,7%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2014. Trong các tháng 01 đến 06/2018, tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là 7,3%.

Theo các chuyên gia Tập đoàn Tele Trade, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn. Nhưng đồng thời họ cảnh báo rằng, đối với kinh tế Trung Quốc, các mối đe dọa từ bên ngoài đã tăng lên. Điều này dẫn đến rủi ro tổng thể là tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi. Trong năm nay IMF dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6%. So với mức tăng trưởng GDP là 6,9% trong năm 2017. Bình luận về những số liệu này, bà Anastasia Ignatenko chuyên viên phân tích hàng đầu của Tập đoàn TeleTrade cho biết: “Cả ba chỉ số (doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư) ở Trung Quốc đều thấp hơn so với dự báo tháng Bẩy. Và nếu sản xuất công nghiệp còn duy trì được ở mức 6% của tháng Sáu. Thì doanh số bán lẻ và đầu tư giảm so với tháng trước: từ 9% xuống 8,8% và từ 6% xuống 5,5% tương ứng. Trong khi đó ở Trung Quốc, tỷ lệ tăng đầu tư vào tài cố định đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm”.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT): Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (11/2018) đã giảm 0,11% giá trị đồng NDT so với USD, khiến đồng tiền nước này tiệm cận mức 7 NDT đổi được 1 USD. Trong ngày 30/11, 6,94 NDT đổi được 1 USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, đồng NDT đã mất tới gần 6,5% giá trị so với đồng USD. Có thể nói, đây là thời điểm đồng tiền Trung Quốc “yếu” nhất kể từ giữa năm 2008. Theo nhiều nhà phân tích, mức giảm này khá cao, nếu tiếp tục giảm trên ngưỡng đó thì sẽ gây ra nhiều biến động cho kinh tế Trung Quốc và các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Nếu đây là cách để Trung Quốc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng thì Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi những biến động tỷ giá của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Căng thẳng Trung – Mỹ về kinh tế: Mỹ đến nay đã áp thuế nhập khẩu lên 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, nhằm gây sức ép buộc nước này thay đổi các chính sách thương mại mà Mỹ cho là bất công. Để trả đũa, Trung Quốc cũng áp thuế tương tự lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Mỹ – Donald Trump và Chủ tịch – Trung Quốc Tập Cận Bình, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa ra thông báo cho biết thời điểm Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 2/3/2019 (trước đây ấn định là ngày 1/1/2019).

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xâm chiếm Biển Đông

Trong năm 2018, về cơ bản Trung Quốc vẫn duy trì chủ trương, chính sách và hoạt động trên thực địa ở Biển Đông giống như các năm khác, song Bắc Kinh cũng có một số điều chỉnh mang tính “hòa dịu” và ít khiêu khích hơn so với các năm trước.

Về chủ trương, chính sách: Trung Quốc điều chỉnh theo hướng kiềm chế và nhượng bộ có lựa chọn đối với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, phản ứng “chừng mực” trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc lại đặc biệt cứng rắn với các hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông để không tỏ ra bị yếu thế, mất kiểm soát tình hình. Với ASEAN, Trung Quốc đang thể hiện một thái độ mềm mỏng, tăng cường thúc đẩy hợp tác với nhiều ẩn ý chính trị. Một mặt, Trung Quốc khẳng định cam kết đưa quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới trong chương trình nghị sự năm 2018 và thúc đẩy hoàn thành việc nâng cấp khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc tích cực quảng bá cho kết nối khu vực qua khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, đẩy mạnh các đàm phán về đầu tư hạ tầng, đường sắt cao tốc và cảng biển với một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, chủ động thúc đẩy đàm phán COC. Với Nga, Trung Quốc tìm cách kéo Nga can dự vào các vấn đề an ninh và chính trị tại Đông Á, trong đó có Biển Đông, để tăng “thế” của mình.

Cùng với các hoạt động chính trị, ngoại giao nhằm “thăm dò”, xác lập khuôn khổ quan hệ nước lớn và mở rộng ảnh hưởng với láng giềng, Trung Quốc đồng thời đẩy nhanh việc củng cố yêu sách và kiểm soát theo cách thức tiếp cận mới, giảm mức độ nổi cộm của các vụ việc có yếu tố quân sự. Do đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động thực địa theo nhiều hướng, chú trọng kết hợp giữa quân và dân sự, nhấn mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật. Trung Quốc muốn tránh sự chú ý của bên ngoài về những thay đổi hiện trạng do các hoạt động đang tiến hành, nhưng đồng thời duy trì cơ sở để tuyên truyền về năng lực kiểm soát tình hình, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tại các sự kiện chính trị đối nội lớn trong năm. Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng phi pháp tại 7 đảo đá nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Trong lĩnh vực dân sự, Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch, quản lý biển, tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, nhấn mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật biển có tính đột phá với lý do là hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho an toàn hàng hải khu vực.

Trong lĩnh vực tuyên truyền, Trung Quốc chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc.

Trong lĩnh vực quân sự hóa ở Biển Đông,Trung Quốc đã tập trung mọi nguồn lực tiến hành quân sự hóa phi pháp quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tính riêng trong năm 2018, Trung Quốc đã triển khai một loạt trang thiết bị, khí tài quân sự ra Biển Đông như điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi; triển khai phi pháp tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập; kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Xu Bi; điều máy bay ném bom chiến lược tầm ra H-6K ra Phú Lâm…

Trong lĩnh vực tập trận, tuần tra trên biển: Trong năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành hàng ngàn cuộc tập trận lớn, nhỏ ở Biển Đông. Trong đó có một số cuộc tập trận quan trọng: Hải quân Trung Quốc (4-12/4) đã điều tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tham gia tập trận bắn đạn thật tại khu vực rộng khoảng 27 km2gần cảng Á Long, Tam Á. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Không những tích cực tổ chức tập trận, Trung Quốc nhiều lần điều tàu chiến, máy bay áp sát, ngăn cản hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông. Trong đó, hải quân Trung Quốc (30/9) điều tuần dương hạm Luyang áp sát, chạy cắt mặt tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur khi di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma ở Biển Đông.

Tình hình dân số Trung Quốc

Tính đến ngày 21/12/2018, dân số hiện tại của Trung Quốc là 1.417.427.056 người. Dân số Trung Quốc hiện chiếm 18,47% dân số thế giới. Trung Quốc đang đứng đầu trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Trung Quốc là 151 người/km2; 59,10% dân số sống Trung Quốc ở thành thị; độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là 37 tuổi; tuổi thọ (cả hai giới tính) ở Trung Quốc là 76,5 tuổi; có 1.097.869.599 người Trung Quốc (96,36% dân số) có thể đọc và viết.

Tình hình văn hóa, xã hội

Trung Quốc xây trại giam người dân tộc thiểu số Hồi giáo Uighur: Đài BBC (24/10/2018) tố cáo Trung đang xây dựng một mạng lưới trại tập trung khổng lồ ở sa mạc để giam giữ người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương. Các cơ sở này dành riêng cho các dân tộc thiểu số Hồi giáo Uighur, nhiều người trong số họ không nói tiếng Trung Quốc. Theo số liệu tính toán của BBC, khu vực trại giam ở Dabancheng, Tân Cương có thể nhốt ít nhất 11.000 tù nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc trên và biện minh cho chính sách dân tộc, tôn giáo của Bắc Kinh.

Trung Quốc tiếp tục các hoạt động đàn áp tôn giáo: Bộ Ngoại giao Mỹ (29/5) công bố Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế thường niên 2017, theo đó Trung Quốc tiếp tục được liệt kê là “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”, vẫn tiếp tục mở rộng đàn áp, chuyển hóa các nhóm tín ngưỡng từ Hồi giáo, Công giáo, Phật giáo, tới Đạo giáo và Pháp Luân Công. Bản phúc trình thường niên về Tự do tôn giáo Quốc tế năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Đảng Cộng sản Trung Quốc gán mác tà giáo cho Pháp Luân Công, Cơ đốc giáo cùng một số nhóm tôn giáo khác và những người tín ngưỡng tôn giáo này có nguy cơ cao bị bức hại như bị bắt giam, tra tấn hay thậm chí kết án tù chung thân; đồng thời cho biết Trung Quốc còn duy trì một tổ chức nằm ngoài pháp luật, do trực tiếp đảng kiểm soát nhằm tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công cùng một số nhóm tôn giáo khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới