Saturday, April 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ - Thái Lan: Mối quan hệ đang ngày càng được củng...

TQ – Thái Lan: Mối quan hệ đang ngày càng được củng cố

Trong những năm gần đây, quan hệ Thái Lan – Trung Quốc càng phát triển hơn nữa do cả hai đều ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai bên. Đặc biệt, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bất kể là khi giới dân sự hay quân sự cầm quyền ở Thái Lan.

Ngày 15/7 là kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Thái Lan. Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ninh Phú Khôi nhận định, trong 40 năm kể từ khi Trung Quốc và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước từng trải qua các cuộc thử thách đã có bước tiến lớn về các mặt chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục và du lịch, sự giao lưu và hiểu biết giữa nhân dân hai nước cũng được tăng cường hơn nữa; nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị với Thái Lan, khẳng định hợp tác kinh tế thương mại hai bên vẫn còn không gian phát triển rất lớn, hợp tác xây dựng dự án đường sắt tiếp tục thu hút sự quan tâm cao của hai nước; cho rằng Trung Quốc và Thái Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kết nối, đó là nền tảng của tình hữu nghị hai nước và là sự biểu hiện có tầm nhìn xa đối với xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, không những có thể khiến Thái Lan trở thành đầu mối khu vực quan trọng hơn, mà còn sẽ phát huy hiệu ứng thí điểm tổng hợp tốt hơn nhằm thúc đẩy xây dựng chương trình kết nối khu vực cũng như mạng lưới đường sắt liên châu Á.

Quan hệ quốc phòng -an ninh

Quan hệ quốc phòng – an ninh của Thái Lan và Trung Quốc từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay là một quá trình chuyển đổi “từ thù thành bạn”. Dù Thái Lan vẫn lấy Mỹ làm trụ cột nhưng quan hệ quốc phòng, an ninh của Thái Lan và Trung Quốc đã có những bước phát triển mới.Hợp tác quân sự của Thái Lan với Trung Quốc được đánh giá là rộng rãi và bao quát so với các nước ASEAN khác và quan hệ đó được đặc trưng bởi rất nhiều dấu ấn “đầu tiên”. Cùng với tập trận chung, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Thái Lan và Trung Quốc còn hợp tác trong việc mua bán vũ khí. Chính quyền quân sự Thái Lan (1/2017) thông qua ngân sách 13,8 tỷ baht (380 triệu đôla) để mua một tàu ngầm của Trung Quốc sau khi đã tạm ngưng kế hoạch này vào năm ngoái. Được biết, kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc đã bị đình chỉ vào năm 2016 do bị công luận chỉ trích và do tranh cãi về việc Thái Lan có thật sự cần một tàu ngầm hay không. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy đóng tàu ở Vũ Hán bắt đầu quy trình đặt ky và cắt thép đóng mới tàu ngầm cho Thái Lan. Theo đó, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ký hợp đồng mua một tàu ngầm điện-diesel S26T, phiên bản của Type-039B, lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc. Hợp đồng trị giá 13,5 tỷ baht (khoảng 411 triệu USD) được ký kết vào tháng 5/2017, giao hàng dự kiến vào năm 2023. Sau khi hoàn thành, S26T có lượng choán nước 2.600 tấn khi lặn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ và có thời gian hoạt động liên tục khoảng 20 ngày trên biển. S26T được trang bị những công nghệ định vị thủy âm mới nhất của Trung Quốc. Tàu ngầm này có thể mang theo 16 ngư lôi và tên lửa cùng 30 thủy lôi. Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng đã ra lệnh mua 49 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 của Trung Quốc để thay thế cho xe tăng M41 do Mỹ sản xuất. Lô hàng đầu tiên gồm 28 chiếc đã được giao hàng trong năm 2017, phần còn lại sẽ được bàn giao trong năm 2018.

Không những vậy, Thái Lan và Trung Quốc cũng hợp tác với nhau rất chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Cả Thái Lan và Trung Quốc đều phải đối mặt với những hiểm họa như dịch bệnh, thiên tai, nạn buôn người, buôn bán trái phép ma túy, hủy hoại môi trường…

Quan hệ thương mại – đầu tư

Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác song phương thương mại và đầu tư là nền tảng trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc và hai lĩnh vực này tiếp tục phát triển, mở rộng một cách nhanh chóng. Dưới tác động tích cực của sự phát triển quan hệ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng và khả năng bổ sung cho nhau giữa kinh tế Thái Lan với Trung Quốc, quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Thương mại hai nước đi từ con số rất nhỏ, chỉ ở mức dưới 25 triệu USD năm 1975. Tới năm 2003, tổng giá trị thương mại song phương đạt 11,7 tỉ USD, tới năm 2013 là 65,6 tỉ USD, năm 2014 đạt 72,6 tỉ USD (đã tăng 3.000 lần sau 39 năm) và năm 2015 lên tới 75,46 tỉ USD. Năm 2011, tổng thương mại song phương đạt 57,98 tỉ USD và chiếm 12,7% tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Thái Lan. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan chỉ sau Nhật Bản.

Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan ngày càng nhiều. Qua các hình thức đầu tư, giá trị đầu tư của hai phía, có thể thấy rằng đầu tư của Trung Quốc tại Thái Lan đã gia tăng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1975, giá trị càng được tăng lên từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan nhằm tìm kiếm thị trường cũng như nguồn nhân lực, các nguyên liệu thô để phục vụ cho sản xuất. Thái Lan có những điều kiện thuận lợi về vị trí địa chiến lược, không có tranh chấp về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan có các chính sách ưu tiên Trung Quốc trong thu hút đầu tư… nên việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại nước này là điều dễ hiểu. Đó cũng là một nguồn lực rất tốt cho Thái Lan để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước.

Đáng chú ý, Nội các Thái Lan (11/7/2017) đã thông qua việc xây dựng giai đoạn một của dự án đường sắt cao tốc kết nối vùng công nghiệp ven biển miền đông Thái Lan với phía Nam Trung Quốc thông qua Lào. Theo Reuters, giai đoạn một của dự án đường sắt có tổng vốn đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD này, bao gồm 6 nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc kéo dài 250km nối thủ đô Bangkok với tỉnh Nakorn Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan. Các giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng tuyến đường đến tỉnh Nong Khai, sát với biên giới Lào để kết nối với tuyến đường sắt Viêng-Chăn (Lào) – Côn Minh (Trung Quốc) đang được xây dựng. Dự án này là một phần của kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là Sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm kết nối châu Âu, châu Á và Đông Nam Á.

Quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, du lịch và giáo dục

Có thể nói, một lĩnh vực hợp tác vô cùng ý nghĩa giữa Thái Lan và Trung Quốc là sự giao lưu, trao đổi văn hóa giữa người dân hai nước. Mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và xã hội đã đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, trở thành nền tảng cho quan hệ Thái Lan và Trung Quốc.

Ngành du lịch là một ngành chính của nền kinh tế Thái Lan và đã thu hút được lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 2013. Trung Quốc luôn là một trong số những quốc gia có số lượng lớn khách du lịch tới Thái Lan với mật độ trung bình là hơn 1 triệu người/năm. Ngược lại, nhiều khách du lịch Thái Lan cũng đã tới thăm Trung Quốc, khoảng 700.000 năm 2014 đến 1 triệu trong năm 2015. Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã ra quyết định mở làn đường riêng dành cho du khách Trung Quốc tại 5 sân bay lớn của Thái Lan. Đây được coi là một nỗ lực phục hồi ngành du lịch nước này sau thảm họa lật tàu du lịch tại Phuket khiến gần 50 người thiệt mạng hồi tháng 7 vừa qua. Chính phủ Thái Lan cho biết, sân bay Suvarnahumi sẽ có 18 làn đường đặc biệt dành cho du khách Trung Quốc và sân bay Don Mueang 21 làn, 8 làn tại sân bay Chiang Mai, 18 làn ở Phuket và 10 làn tại Hat Yai. Phó Cục trưởng Cục Di trú và Cục cảnh sát du lịch Thái Lan Pol Maj Gen Surachate Hakparn, nhấn mạnh du khách Trung Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nền du lịch của Thái Lan. Năm ngoái, Thái Lan đã đón tiếp hơn 10 triệu lượt khách Trung Quốc. Ngoài các làn đường nhập cảnh đặc biệt cho những người có hộ chiếu Trung Quốc, chính phủ Thái Lan cũng đang xem xét cung cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần cho họ. Điều này sẽ thuận tiện hơn đối với những du khách thường xuyên tới Thái Lan, thay vì việc phải xin visa trong mỗi chuyến du lịch.

Hợp tác và trao đổi giáo dục đã trở thành một trong những hoạt động hợp tác tích cực nhất và giữ vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng và dẫn dắt cho sự phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Thái Lan – Trung Quốc. Từ năm 2004, Trung Quốc bắt đầu thiết lập các viện Khổng Tử trên toàn cầu. Tháng 12/2015, số viện Khổng Tử trên toàn thế giới là 500 cơ sở với 1.000 lớp học ở 134 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 1,9 triệu người theo học. Năm 2015, ở Thái Lan có 12 viện Khổng Tử và 11 lớp học Khổng Tử. Ngoài ra, quan hệ trao đổi văn hóa giữa hai nước còn thể hiện phong phú qua nhiều lĩnh vực khác như triển lãm sách, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, giáo dục, thể thao, tôn giáo…Mỗi năm hai nước có trung bình khoảng 400 chương trình trao đổi văn hóa lẫn nhau

Một số vấn đề trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc

Trong những năm qua, tuy quan hệ Thái Lan – Trung Quốc phát triển sâu rộng, thu hút được nhiều chủ thể chính trị, xã hội ở cả hai nước tham gia vào, quan hệ song phương cũng đạt nhiều kết quả thực chất và thiết thực, mang lại nhiều thành quả cụ thể. Nhưng trong quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng còn tồn tại một số vấn đề: (1) Thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra ngay khi hai nước chuyển trọng tâm hợp tác từ chính trị-an ninh sang đối tác kinh tế. (2) Xuất hiện mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Thái Lan. Trong trật tự thế giới mới đang hình thành, Thái Lan nhìn chung vẫn coi trọng vai trò của Trung Quốc nhưng mức độ quan hệ lại chia thành hai xu thế. Một bộ phận trong giới lãnh đạo Thái Lan coi Trung Quốc là “đồng minh” trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác trong giới lãnh đạo Thái Lan vẫn nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực nói chung và Thái Lan nói riêng, do đó Thái Lan cần phải cảnh giác, giữ khoảng cách nhất định trong quan hệ với Trung Quốc. (3) Nhân tố Mỹ tác động nhất định đến quan hệ Trung – Thái. Trong số 5 đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan rõ ràng đang bị gạt ra ngoài chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trước đây, cả Mỹ và Thái Lan đều nhận thấy Thái Lan là một “”quân cờ tiềm năng” trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, trong hơn 40 năm qua, quan hệ đồng minh này đã phải vật lộn để tìm ra một hướng đi rõ ràng. Các diễn biến chính trị tại Thái Lan và phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng ở Thái Lan làm dấy lên nghi ngờ liệu quan hệ đồng minh này có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không. Sự tồn tại lâu dài của mối quan hệ đối tác Mỹ-Thái Lan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong viễn cảnh chính sách đối ngoại của cả hai nước và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn. Đối với Mỹ, hợp tác quân sự – nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này – là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này. Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ và Thái Lan khó có thể tương đồng về mục đích bởi hai nước không có kẻ thù chung – hay thậm chí là một đối thủ chiến lược chung. Trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và phát hiện ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đang mong chờ sự hiện diện của Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thì Thái Lan lại đứng ngoài cuộc bởi nước này cảm thấy thoải mái với sự phát triển và ý đồ của Trung Quốc, cho dù Thái Lan là 1 trong 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tác động của quan hệ Thái Lan – Trung Quốc

Quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc đã có ảnh hưởng quan trọng đối với mỗi nước, trong đó đa phần là những tác động tích cực tới tình hình chính trị và kinh tế. Thái Lan và Trung Quốc đã tận dụng được mối quan hệ này để phục vụ cho những lợi ích quốc gia của mình.

Đối với Thái Lan, quan hệ sâu sắc với Trung Quốc giúp nâng cao vị thế và uy tín chính trị của Thái Lan; tác động tích cực của mối quan hệ với Trung Quốc đã cung cấp nguồn lực cho Thái Lan phát triển kinh tế; việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học, công nghệ, giao lưu văn hóa nhân dân, giáo dục đã giúp Thái Lan nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường năng lực khoa học công nghệ của nước này. Tuy nhiên, quan hệ Thái Lan – Trung Quốc cũng mang đến những tác động tiêu cực đối với Thái Lan. Về kinh tế, bên cạnh vấn đề thâm hụt thương mại, hợp tác đầu tư với Trung Quốc cũng khiến cho môi trường của Thái Lan bị tàn phá; Tác động tiêu cực nữa chính là vấn nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền Thái Lan khá phát triển một phần do hợp tác đầu tư với Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, quan hệ với Thái Lan đã giúp Trung Quốc tiếp cận được nguồn tài nguyên phong phú vốn là những nguồn tài nguyên Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn; quan hệ tốt đẹp với Thái Lan đã giúp Trung Quốc quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của họ; quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Hoàng gia Thái Lan là một đảm bảo quan trọng cho sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ, không đứt đoạn của họ ở Vương quốc này; quan hệ gần gũi với Thái Lan đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Hoa, vốn đã hội nhập sâu vào đời sống cư dân bản địa, càng có cơ hội thuận lợi hơn nữa để làm ăn, sinh sống ở Thái Lan; việc Thái Lan thường đi đầu trong thực hiện các sáng kiến hợp tác do Trung Quốc đưa ra và được ASEAN chấp nhận (ACFTA, hợp tác an ninh phi truyền thống, đối thoại quốc phòng…) đã giúp Trung Quốc triển khai chính sách đối ngoại mới với khu vực Đông Nam Á thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quan hệ với Thái Lan cũng khiến nước này gặp một số vấn đề cả ở Thái Lan lẫn trong khu vực và thế giới: việc Trung Quốc nhanh chóng bắt tay với các Chính phủ quân sự Thái Lan sau đảo chính được xem như là sự khuyến khích chế độ độc tài, đi ngược lại khuynh hướng dân chủ đang phát triển rộng rãi trên thế giới hiện nay; Việc Trung Quốc sẵn sàng bỏ rơi “những người bạn thân” khi họ gặp vấn đề trong nước đã khiến các nhà lãnh đạocác nước Đông Nam Á không thể “hết lòng” với Trung Quốc; Lập trường của Thái Lan về vấn đề biển Đông cũng tác động tiêu cực tới tham vọng của Trung Quốc ở vùng biển này

Không những vậy, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Thái Lan – Trung Quốc có tác động tích cực đến việc góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc cũng ảnh hưởng khá tích cực đến quan hệ của Thái Lan với các nước ASEAN khác trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề của khu vực như chống khủng bố, chống buôn bán ma túy, tăng cường viện trợ và ủng hộ các hoạt động trợ giúp nhân đạo trong khu vực, các vấn đề an ninh phi truyền thống… Tuy nhiên, Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc phát triển cũng gây ra những tác động tiêu cực đến Đông Nam Á khi mà các nước lớn khác cũng đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này nhằm cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc. Đối với Mỹ, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Thái Lan ngày càng gia tăng trong thời gian qua đã khiến cho tính chất phụ thuộc của Thái Lan vào Mỹ đã giảm đi. Điều này đã ít nhiều tác động tới chính sách “xoay trục” của Mỹ đối với châu Á. Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc cũng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN phát triển, song đồng thời cũng khiến Mỹ phải gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Đối với Việt Nam, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Thái Lan do vậy, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ bị tác động bởi quan hệ song phương Thái Lan – Trung Quốc. Trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, việc Thái Lan không hùa theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, bất kể có phải là chủ ý của Chính phủ Thái Lan hay không, đã là một sự ủng hộ về tinh thần cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Trong lĩnh vực thương mại, cả Thái Lan và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam thể hiện qua những bước phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng. Tuy nhiên, thách thức đáng lo ngại nhất là hàng nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng nông sản của các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Thái Lan.

Kết luận:

Trong những năm gần đây, quan hệ Thái Lan – Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thực chất, đóng góp vào an ninh và phát triển của cả hai bên. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng cho thấy một số tồn tại, nhất là trong lĩnh vực thâm hụt kéo dài của Thái Lan trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, sự nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau từ cả hai bên.

RELATED ARTICLES

Tin mới