Monday, September 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNăm 2018: Thế giới trước bước ngoặt lịch sử (Phần 1)

Năm 2018: Thế giới trước bước ngoặt lịch sử (Phần 1)

Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là cuộc chiến lâu dài và có ý nghĩa quyết định cục diện chính trị và kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, tương tự như sự cạnh tranh giữa các cường quốc đầu thế kỷ 20 đã từng dẫn tới 2 cuộc đại chiến thế giới. Nếu không dẫn tới Thế chiến III, thì cạnh tranh Mỹ-Trung cũng sẽ thay đổi căn bản thế giới, chí ít cũng tương tự như Chiến Tranh Lạnh.

Các nguyên thủ quốc gia tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I.

Ngày 11.11.2018, tại thủ đô Paris của nước Pháp, gần 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự sự kiện kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I (11.11.1918) trong bối cảnh cục diện chính trị-quân sự trên phạm vi toàn cầu đang trải qua những chuyển dịch rất lớn, được chi phối bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, trong đó nổi lên sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc với mức độ căng thẳng leo thang chưa thấy điểm dừng có thể chuyển thành Chiến Tranh Lạnh 2.0. Động thái này khiến giới phân tích liên tưởng tới sự tương đồng giữa tình hình thế giới năm 2018 với thời điểm cách đây gần 100 năm đã từng dẫn tới Thế Chiến I – Một cuộc chiến mà nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc vào một thời điểm có tính bước ngoặt lịch sử của nhân loại.   

Xung đột giữa các xu hướng xây dựng trật tự thế giới mới

Cục diện chính trị thế giới năm 2018 xoay quanh trục cạnh tranh giữa 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga theo đuổi chủ trương xây dựng trật tự thế giới theo 3 xu hướng khác nhau về bản chất.

Đối với Mỹ, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới mà trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò định đoạt mọi điều ước quốc tế theo điều kiện do Washington sắp đặt. Trong đó, những quốc gia như Nga, Trung Quốc hay Iran, không chấp nhận gia nhập trật tự đó sẽ bị Mỹ loại bỏ ra khỏi hệ thống này. Ông Trump còn kêu gọi các quốc gia trên thế giới “hãy trở nên dũng cảm, tự chủ, thông minh để từ bỏ trật tự thế giới hình hành sau Thế Chiến II và sống theo trật tự thế giới mới mà Mỹ đang xây dựng”.

Đối với Trung Quốc, sau khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và nhận thấy vị thế của Mỹ đang suy giảm, Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện đại chiến lược nhằm xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh”, thay thế “sự đồng thuận Washington” thông qua nhiều đại kế hoạch, trong đó đóng vai trò then chốt là sáng kiến “vành đai – con đường” (gọi tắt là BRI – Belt and Road Initiative) và kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2015” (“Made In China 2025”). Chính giới ở Mỹ và Phương Tây coi BRI và “Made In China 2025” là 2 trụ cột của “trật tự thế giới mới kiểu Trung Quốc”.

Còn đối với Nga, Tổng thống Vladimir Putin chủ trương xây dựng và phát triển một nước Nga hùng mạnh, có chủ quyền, được thế giới tôn trọng,  và sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều cần được tôn trọng và lắng nghe như nhau. Theo giới phân tích chính trị quốc tế, nước Nga xứng đáng với vai trò là quốc gia đi đầu xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ và công bằng. Vì thế, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đều coi Trung Quốc và Nga là “đối tác cạnh tranh toàn diện”.

Nước Mỹ đứng trước sự lựa chọn lịch sử

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng đưa ra nhận định, trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri Mỹ không đơn thuần là đi bỏ phiếu để lựa chọn một ứng cử viên nào đó mà là bỏ phiếu cho một trong hai sự lựa chọn có ý nghĩa lịch sử về con đường phát triển của Hoa Kỳ. Đó là đưa nước Mỹ đi tiếp con đường chủ nghĩa tư bản tài chính – ngân hàng hay là quay trở lại mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã từng đưa Mỹ chiếm lĩnh vị thế số 1 thế giới vào giữa thế kỷ 20.  

Mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng được hình thành từ Hiệp định Bretton-Woods vào năm 1944 dựa trên 3 trụ cột là đồng đô-la Mỹ (USD), Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới. Về sau có thêm 1 trụ cột nữa là Tổ chức thương mại thế giới. Kiểm soát 4 trụ cột này, Mỹ sẽ biến quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh thế giới lần thứ II thành quá trình “Mỹ hóa thế giới”. Mô hình này từng đưa Mỹ lâm vào hai cuộc đại khủng hoảng vào đầu những năm 1970 và năm 2008. Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ năm 2009, Tổng thống Barack Obama với khẩu hiệu “thay đổi nước Mỹ và thế giới” đã từng nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008 nhưng chưa thành công. Đại diện cho các thế lực tiếp tục đưa Mỹ phát triển theo mô hình này là ứng cử viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 được đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama ra sức ủng hộ và cổ súy.

Đại diện cho các thế lực chủ trương đưa Mỹ phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp là ứng cử viên Donald Trump với chủ trương “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) bằng sách lược “Sản xuất tại Mỹ” (Made In America), “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” (Buy American), “Công ty Mỹ tuyển dụng công nhân Mỹ” (Hire American) để đưa Mỹ trở thành cường quốc công nghiệp số 1 thế giới trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.   

Sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát ở Mỹ năm 2008 là “thời cơ lịch sử” để chấm dứt kỷ nguyên “im lặng chờ thời” và bắt đầu thể hiện vai trò và ảnh hưởng trên toàn cầu. Đại Hội Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa 19 xác định mục tiêu hướng tới là hiện đại hóa toàn diện vào năm 2035 và trở thành siêu cường quốc giàu có và hùng mạnh hàng đầu thế giới vào năm 2049 là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập CHND Trung Hoa. Hiện có hai thuyết lưu hành về vị thế của Trung Quốc so với Mỹ. Đó là thuyết Trung Quốc đã vượt Mỹ của Giáo sư Hồ An Cương – Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh và thuyết Trung Quốc chưa vượt Mỹ.

Theo thuyết Trung Quốc vượt Mỹ, năm 2010, Trung Quốc đứng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo và là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới. Năm 2014, Trung Quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc bắt đầu tiến vào trung tâm vũ đài thế giới và phát huy vị thế lãnh đạo toàn cầu. Trong khi đó, những người theo thuyết Trung Quốc chưa vượt Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc Miêu Vu, cho rằng còn lâu Trung Quốc mới đuổi kịp Mỹ. Trong khi giải thích kế hoạch “Made in China 2025” tại Hội nghị Ủy ban thường vụ chính trị hiệp thương, ông Miêu Vu đưa ra nhận định, trong lĩnh vực chế tạo, Trung Quốc chỉ mới đứng ở vị trí thứ 3, còn trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, Trung Quốc chỉ được xếp ở cấp 4 trong 5 cấp bậc của thế giới.

Tuy nhiên, dù theo thuyết nào thì một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đã chấm dứt kỷ nguyên “giấu mình chờ thời” và bắt đầu thể hiện chính sách chính trị cường quyền đối với thế giới – mà dấu hiệu đầu tiên là năm 2009, Bắc Kinh gửi tới Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm 90% diện tích Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc bắt đầu đưa ra yêu sách lãnh thổ với Ấn Độ và Nhật Bản.

Nước Nga bước sang kỷ nguyên mới

Hãng thông tấn Nga ITAR-TASS thực hiện đề án mang tên “15 năm cầm quyền của Putin” nhằm khẳng định nước Nga đã bước sang kỷ nguyên mới. Về chính trị, Nga đã xác định rõ con đường phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội và là quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới. Về quân sự, Nga hoàn thành công cuộc cải cách Các lực lượng vũ trang, tái lập cân bằng chiến lược với Mỹ với nhiều loại vũ khí độc nhất vô nhị đã từng được Tổng thống Putin chính thức công bố trong Thông điệp trước quốc hội liên bang Nga ngày 1.3.2018.

Ngoài ra, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí đứng vị trí số 2, sau Mỹ, và cũng là nhà xuất khẩu vũ khí có uy tín nhất thế giới. Trong đó, Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật-quân sự với 89 nước. Về kinh tế, vượt qua mọi biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây, Nga vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng và xây dựng được nền kinh tế độc lập, ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ-Trung

Đề án cho nước Mỹ trong thế kỷ mới công bố năm 1998 (Project for the New American Century) từng đưa ra dự báo, đến năm 2017 Trung Quốc sẽ trở thành nguy cơ lớn nhất đối với an ninh của Mỹ. Hiện nay dự báo đó đã trở thành hiện thực: Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Trong cương lĩnh tranh cử cuối năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố rằng ông không thể gọi Trung Quốc bằng một tên gọi nào khác là “kẻ thù của nước Mỹ”. Sau khi đắc cử tổng thống và cầm quyền gần 1 năm, ông Donald Trump phát động chiến dịch cạnh tranh với Trung Quốc với “đột phá khẩu” đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Trong bài phát biểu tại Viện Hudson ngày 4.10.2018 bàn về quan hệ Mỹ – Trung, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence  gọi cách hành xử của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và thế giới là “hung hăng”, ông coi Trung Quốc là quốc gia “xâm lược kinh tế” và đang dùng chiến thuật “ngoại giao bẫy nợ” khi thực hiện “vành đai – con đường” để đẩy các nước tham gia đề án này vào tình thế phải gán nợ bằng tài nguyên thiên nhiên hoặc chủ quyền quốc gia. Vì thế, bài phát biểu này của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence được giới phân tích đánh giá là sự khởi đầu Chiến Tranh Lạnh 2.0 nhằm vào Trung Quốc, có ý nghĩa tương tự như bài phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1946 khởi đầu Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Trong năm 2018, cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên nhiều chiến tuyến. Chiến tuyến thứ nhất là chiến tranh thương mại. Kim ngạch thương mại song phương trong 3 năm gần đây là khoảng 600 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, Mỹ luôn là bên thâm hụt trong cán cân thanh toán. Năm 2016, Mỹ thâm hụt 308 tỷ USD; năm 2017 thâm hụt 335 tỷ USD; quý 2 năm 2018 thâm hụt 185 tỷ USD. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu hơn 505 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 9,2% so với năm 2016. Trong khi đó, Mỹ chỉ xuất khẩu được 129 tỷ USD hàng sang Trung Quốc, tăng 4% so với năm 2016. Đáng chú ý là, xu hướng thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc không có xu hướng giảm và sẽ trở nên trầm trọng hơn sau khi Trung Quốc thực hiện thành công kế hoạch chiến lược “Made In China 2025”.  

Trong năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không ngừng leo thang. Trong đó, Mỹ liên tục đưa ra các gói áp thuế lên hàng hóa hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 9.2018, Mỹ áp thuế 10% đối với hơn 6.000 sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sau đó tuyên bố sẽ nâng mức thuế này lên tới 25%. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ áp thuế đối với khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 500 tỷ USD. Đáng chú ý là tháng 10.2018, Mỹ ký Hiệp định thương mại ba bên Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), trong đó có nội dung quy định các đối tác không được ký hiệp định tự do thương mại với các quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường” (ám chỉ Trung Quốc). Cơ thế chống Trung Quốc này sẽ được Mỹ áp dụng khi ký hiệp định thương mại song phương với các quốc gia khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2018 ở Argentina, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ đạt được sự thỏa hiệp, theo đó phía Mỹ đồng ý tạm thời hoãn 90 ngày kể từ 1.1.2019 sẽ chỉ tiếp tục duy trì mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá 200 tỷ USD mà chưa tăng lên mức 25% như đã tuyên bố trước đó. Đổi lại, Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa thuộc các ngành nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác của Mỹ và hoãn đánh thuế vào ô tô nhập khẩu từ Mỹ.  

Theo giới phân tích, thỏa thuận trì hoãn 90 ngày này chỉ là để thăm dò phản ứng của Trung Quốc, còn sự cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ là cuộc chiến lâu dài, toàn diện, giữa Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy với tham vọng xây dựng trật tự thế giới mới theo “sự đồng thuận Bắc Kinh” với Mỹ – một siêu cường duy nhất sau Chiến Tranh Lạnh đang nỗ lực duy trì trật tự thế giới đơn cực theo “sự đồng thuận Washington”. Để đối phó với chiến tranh thương mại từ Mỹ, Trung Quốc đang thực hiện sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử, chuyển từ chú trọng phát triển dựa vào xuất khẩu sang tập trung nhiều hơn cho phát triển thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu của hơn 1 tỷ dân, biến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất thế giới.

Chiến tuyến thứ hai là cạnh tranh giữa giữa “Made In China 2025” va “Made In America”. Thực chất, đây là cuộc cạnh tranh giành thị trường hàng hóa công nghệ cao trong cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ 21. Trung Quốc cho rằng, trong lịch sử họ từng là nước có ngành chế tạo đứng đầu thế giới. Từ năm 1850, ngành chế tạo của Trung Quốc mới bị sa sút nhanh chóng. Đến năm 2010, Trung Quốc lại trở thành nước có ngành chế tạo lớn nhất thế giới với hơn 200 loại sản phẩm công nghiệp có sản lượng và lượng xuất khẩu đứng đầu thế giới và khoảng 10 loại sản phẩm có lượng xuất khẩu chiếm trên 70% tổng sản lượng toàn thế giới.

Nhằm hiện thực hóa “Made In China 2025”, chính phủ Trung Quốc đầu tư 300 tỷ USD đề thực hiện 1.078 đề án cấp quốc gia, cấp kinh phí cho 557 tổ chức, 112 trường đại học, 225 tổ chức và cơ sở nghiên cứu và 220 công ty . Theo kế hoạch này, đến năm 2025 Trung Quốc sẽ trở thành “cường quốc chế tạo”. Sau đó, đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo hàng đầu thế giới như Đức và Nhật Bản. Thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc sẽ giành vị thế thống trị trên thị trường sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.

Một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, để hiện thực hóa kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc phải dựa vào việc mua và đánh cắp bí quyết công nghệ của Mỹ và các nước công nghiệp phát triển. Do đó, chính phủ Trung Quốc sử dụng nguồn lực nhà nước giúp các công ty Trung Quốc mua công nghệ và các ngành công nghiệp sản xuất chiến lược của nước ngoài, dùng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại.

Đây chính là nguyên nhân chính khiến Mỹ kích hoạt Đạo luật Điều tra 301 để đánh thuế các sản phẩm kỹ thuật Trung Quốc. Theo phía Mỹ, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong lần tham dự buổi điều trần của Quốc hội Mỹ về “Made in China 2025” cho rằng, nếu Trung Quốc cạnh tranh lành mạnh như những nước khác thì Mỹ không có lý do gì phải lo ngại. Nhưng họ đã bằng cách trợ cấp đầu tư 300 tỷ USD cho các công ty trong nước, hạn chế tiếp cận thị trường và dùng những thủ đoạn để buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, gây thiệt hại cho lợi ích của các quốc gia khác. Đây là điều Mỹ không thể chấp nhận.

Ngày 13.8.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổ phát súng đầu tiên” nhắm vào “Made In China 2025”. Đó là, phê chuẩn Luật ủy quyền quốc phòng năm 2019 nhằm ngăn chặn chiến lược “Made In China 2015” của Trung Quốc bằng nhiều biện pháp: (1) ngăn chặn hoạt động tình báo công nghiệp của Trung Quốc; (2) kiểm soát chặt các hợp đồng Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei (hai tổ chức kinh doanh công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tình báo công nghiệp); (3) cấm mọi cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE; (4) cấm mọi thực thể có quan hệ với chính phủ Mỹ giao dịch với hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc; (5) tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ; (6) gây sức ép buộc Trung Quốc phải chơi theo luật chơi của Mỹ trong chiến tranh thương mại; (7) hạn chế các hoạt động văn hóa và học thuật của Trung Quốc ở Mỹ; (8) sử dụng Đài Loan và Triều Tiên làm đối trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới