Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnNăm 2019: những làn sóng xung đột mới khó lường

Năm 2019: những làn sóng xung đột mới khó lường

Tự điều chỉnh không phải là đặc quyền của các nước lớn. Không ít nước nhỏ cũng nhanh chóng thích nghi, thậm chí vượt lên kiến tạo quỹ đạo của riêng mình. Đó sẽ là vấn đề nổi bật trong năm 2019.

Năm 2018 đã kết thúc. Năm qua chính phủ Mỹ đã triển khai một loạt biện pháp cụ thể để tạo nên các “làn sóng lớn” ở mỗi khu vực.Ở châu Âu, Mỹ khéo léo ủng hộ “sự kiện Skripal” do Anh khởi tạo (cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh) để đẩy mâu thuẫn Nga – châu Âu lên đỉnh điểm nhằm duy trì vai trò tối thượng của NATO ở châu Âu. Mục tiêu của các “làn sóng lớn” là giảm ảnh hưởng của các sáng kiến “người châu Âu tự bảo đảm an ninh cho châu Âu” mà Pháp – Đức vận động cho thời kỳ hậu Brexit.

Còn ở châu Á, vấn đề biển Đông đưa Nhật – Ấn – Úc vào khối Đồng minh Tứ cường (Quad) cùng Mỹ, với sự hậu thuẫn từ cả Anh và Pháp. Washington cũng đã xem xét lại quan hệ song phương với các đồng minh chiến lược ở khu vực nhằm đạt lợi ích tối đa về thương mại cho phía Mỹ.

Ở Trung Đông, những rối loạn nội bộ khối đồng minh Ả Rập Sunni sau cuộc phong tỏa ngoại giao Qatar (nổ ra vào giữa năm 2017) vừa giúp Mỹ có thêm các hợp đồng lớn về việc mua bán vũ khí với Ả Rập Saudi, Qatar, vừa có lại mối quan hệ thân thiết với Israel. Mối quan hệ này bị gián đoạn từ cuối thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran (JCPOA) để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho Mỹ trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Ở Bắc Mỹ, Trump dùng bức tường biên giới với Mexico và lá bài thương mại để xét lại quan hệ với hai nước láng giềng Mexico, Canada. Kết quả là việc ký kết Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) vào cuối tháng 11-2018 để thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Nhằm ngăn chặn các con sóng lớn do chính phủ Mỹ tạo ra, cụ thể ở các lĩnh vực năng lượng, thương mại và quân sự, các trục quyền lực trên thế giới đã phát huy tối đa lợi thế của mình. Không những nhăn chặn được mà còn gây “ngược sóng” như Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đáng gờm của Mỹ.

Tận dụng việc Mỹ khuấy đảo thị trường cung dầu khí ở Trung Đông, Nga củng cố vị thế trong ván cờ năng lượng với châu Âu qua việc tích cực đẩy mạnh các dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” với Đức và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về thương mại, chính sách nâng cấp việc xét lại thâm hụt thương mại lên thành xung đột thương mại đã giúp ông Trump mở ra một loạt đàm phán song phương. Mỹ đã đạt được thỏa hiệp từ các đồng minh như Hàn Quốc, EU, các nước Bắc Mỹ… Đây được xem là bước đệm để Mỹ toàn tâm toàn ý gây sức ép lên Trung Quốc, đối thủ thương mại chiến lược của họ.

Xung đột thương mại Mỹ – Trung kéo dài cho tới nay đã tròn sáu tháng, với những thiệt hại lớn cho cả hai nước. Chính phủ Trung Quốc vừa phải đối đầu với Mỹ vừa tăng cường hợp tác với các nước khác.

Về quân sự, việc ông Trump đẩy mạnh hiện diện quân sự (cùng với các đồng minh) ở các điểm nóng khu vực chủ chốt có khả năng kiềm chế cả hai đối thủ chiến lược của Mỹ và châu Âu là Trung Quốc và Nga. Đối với Trung Quốc, quân đội Mỹ không chỉ tăng cường hiện diện ở tất cả điểm nóng như biển Đông, Hoa Đông mà còn kêu gọi sự tham gia tổng lực của các đồng minh, nhất là khối Quad và sự phối hợp của Anh – Pháp ở Thái Bình Dương. Còn với Nga, NATO vẫn là lực lượng đối trọng chủ yếu.

Trở lại vấn đề các quốc gia tự điều chỉnh chiến lược ngoại giao. Triều Tiên ở Đông Bắc Á từng bước phát huy “quyền lực thông minh” với sự phối hợp nhịp nhàng từ phía Hàn Quốc. Trục Triều – Hàn không chỉ lôi kéo các cường quốc khu vực vào tiến trình bình thường hóa quan hệ hai miền mà còn khiến Tổng thống Trump tham dự một sự kiện chưa từng có tiền lệ là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào tháng 6-2018.

Quyết định của ông Trump về việc cần có thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai vào đầu năm 2019 càng làm cho “điểm sáng Triều Tiên” đáng trông đợi.Còn phải kể đến những phản ứng linh hoạt của khối ASEAN. Tổ chức này đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Úc vào tháng 3-2018 và với Nga vào tháng 11-2018 nhằm gia tăng khả năng cân bằng – đối trọng ở Đông Nam Á trước tình hình căng thẳng Mỹ – Trung leo thang. Trong bối cảnh Trung Quốc đang “tự điều chỉnh” sau khi tạm đình chiến thương mại với Mỹ, việc gia tăng đối trọng với Bắc Kinh tại khu vực chính là chiến lược hiệu quả để kiềm chế họ trên biển Đông.

Rõ ràng, sự gắn kết giữa các trục trung gian như Nhật – Ấn ở châu Á, Pháp – Đức ở châu Âu và xu hướng đẩy nhanh chiến lược “phi USD hóa” giữa các nền kinh tế mới nổi (khối BRICS) và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (như OPEC) mà ngay cả nhiều đồng minh của Mỹ tham gia (như Nhật, Anh, Đức) sẽ góp phần hòa giải tích cực các “làn sóng kiến tạo xung đột”.

Dù vậy, việc Qatar rút khỏi OPEC, rồi sự khủng hoảng lan tràn ở các nước EU chủ chốt, Mỹ leo thang cạnh tranh đầu tư hạ tầng với Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Phi… là những sự kiện có thể tạo nên những làn sóng xung đột mới khó lường cho năm 2019. 

RELATED ARTICLES

Tin mới