Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrạm ăngten khổng lồ của TQ có mục đích gì?

Trạm ăngten khổng lồ của TQ có mục đích gì?

Trung Quốc là một nước đang mạnh lên về kinh tế, do đó việc tăng cường năng lực an ninh quốc phòng là đương nhiên

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh – ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, không chỉ có trạm ăngten thực nghiệm khổng lồ trên khu đất có diện tích rộng gần gấp 5 lần thành phố New York mới được hoàn tất, Trung Quốc còn nghiên cứu và xây dựng nhiều dự án ăngten nhằm thu – phát tín hiệu từ vệ tinh khác.

Theo ông Khoa, mục đích của các dự án đều được phía Trung Quốc công bố sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự kết hợp, vừa phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, vừa để phát triển kinh tế, bảo vệ tổ quốc.

Vì thế, có thông tin dự án có thể phát ra những bước sóng radio tần số thấp có thể truyền đến tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển, khó bị gây nhiễu và giảm rủi ro bị phát hiện so với trường hợp tàu phải trồi lên để bắt tín hiệu cũng là bình thường.

“Quốc gia nào cũng vậy, phát triển khoa học luôn phải kết hợp với mục đích phát triển kinh tế và quốc phòng. Hơn nữa, Trung Quốc là một nước đang mạnh lên về kinh tế, thì việc tăng cường năng lực bảo vệ an ninh quốc phòng là đương nhiên”, ông Khoa nói.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Khoa, trước mắt, dự án được xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc và mục đích trước hết của dự án là phục vụ yêu cầu phát triển cũng như lợi ích của quốc gia này trước hết.

Trong quân sự, hoạt động tình báo chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng, bao gồm tất cả các không gian: vũ trụ, trên không, trên bộ và trên biển.

Để tiến hành hoạt động tình báo, người ta sẽ sử dụng rộng rãi các lực lượng và phương tiện bố trí trên vũ trụ, trên không, trên biển và trên bộ bằng các phương tiện tình báo khoa học, hiện đại như sử dụng các vệ tinh tình báo…

Việc áp dụng rộng rãi những thành tựu khoa học – công nghệ về thông tin hiện đại nhất, trên cơ sở các hệ thống tự động hóa thiết kế, các mạng máy tính có khả năng xử lý cao có liên quan đến khả năng phòng thủ của mỗi nước.

Bình luận thêm về việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng những vấn đề liên quan tới  Trung Quốc luôn nhận được nhiều sự quan tâm.

Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả các nước láng giềng khác như Malaysia, Philippine, Nhật Bản… khi điều kiện kinh tế càng phát triển thì thường rất chú trọng tới đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ.

Đặc biệt là Trung Quốc, sau hàng loạt những thành công trong phát triển kinh tế, nước này cũng có những công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, công nghệ vệ tinh nhằm mục đích nghiên cứu khoa học nhưng đồng thời cũng vì mục đích bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

Theo ông Hòa, Trung Quốc từng có trạm giám sát quan trắc không gian có anten parabon đường kính tới 35 mét, nặng 450 tấn, chiều cao bằng tòa nhà 16 tầng xây dựng tại Argentina, được sử dụng trong chương trình thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc nhưng lại được cảnh báo có mục đích thu thập thông tin tình báo. Đây là chuyện không lạ đối với một quốc gia lớn mạnh như Trung Quốc.

Những dự án nghiên cứu của nước này bao giờ cũng luôn có mục đích dân sự và quân sự kết hợp. Vì thế, Việt Nam cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là.

“Tôi tin Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ ngoại giao luôn có những giám sát chặt chẽ, chủ động, phòng ngừa kể cả trong trường hợp dự án có mục đích quân sự, thu thập thông tin tình báo… Với sự chủ động của các cơ quan chức năng, khi đã biết rõ mục đích của dự án này, chúng ta sẽ có biện pháp ngăn chặn các nguy cơ, mục đích của dự án đối với chiến lược phát triển, bảo vệ an ninh quốc phòng”, ông Hòa tin tưởng.

Về nguy cơ dự án có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là gây nguy cơ bị ung thư bởi các sự tác động của các tầng sóng của hệ thống ăngten này thì Việt Nam cũng cần phải theo dõi sát những đánh giá, nghiên cứu của các tổ chức y tế uy tín trên thế giới để kịp thời nắm bắt thông tin.

“Vì dự án được xây dựng trên lãnh thổ của Trung Quốc, nếu có những cảnh báo về nguy cơ gây ung thư thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nước này trước.

Việt Nam là quốc gia láng giềng, nhưng với vị trí đặt dự án cách Việt Nam khá xa như vậy liệu có bị ảnh hưởng gì không thì cần phải theo dõi, đánh giá rất thận trọng, tránh để rơi vào tình thế bị động, xảy ra rồi mới tìm cách ứng phó”, ông Hòa nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới