Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngNhật và Nga bắt tay ngăn sức mạnh TQ?

Nhật và Nga bắt tay ngăn sức mạnh TQ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang nỗ lực khép lại tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ sau Thế chiến thứ hai trong bối cảnh hai nước cùng muốn chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong nhiều sự kiện quốc tế dồn dập cuối năm 2018, có một chiến dịch ngoại giao diễn ra ở Đông Bắc Á ít ồn ào nhưng dự báo có tầm ảnh hưởng lớn: Nga và Nhật tìm cách ký hiệp ước hòa bình. Sau đây là bài phân tích của chuyên gia HIROYUKI AKITA trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật:

Các chuyên gia nhận định đã đến lúc Tokyo và Matxcơva vượt qua mối bất hòa “lãnh thổ” kéo dài hàng chục năm qua để tiến tới bình thường hóa quan hệ. Bước đi này sẽ làm thay đổi cán cân địa chính trị châu Á theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hạ quyết tâm chấm dứt tranh chấp và ký hiệp ước hòa bình với Nga trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, các cố vấn thân cận của ông cho biết. 

“Đây không phải là theo đuổi danh vọng hay công lao, nó thuộc về cảm giác trách nhiệm” – một người mô tả tình thế hiện tại.

Chiến lược của ông Abe là lấy lại đảo Habomai và Shikotan trước, sau đó tiếp tục thương lượng hai đảo Etorofu và Kinashiri. 

Tuy nhiên, điều này gần như đồng nghĩa Tokyo phải từ bỏ chủ trương đòi lại toàn bộ Lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril), và nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Thủ tướng Nhật.

Về phía Nga, ông Putin cũng ở vào thế khó, nhượng đảo cho Nhật – dù chỉ 2 đảo nhỏ, sẽ vấp phải chỉ trích từ dư luận. 

Hôm 17-12-2018, Ngoại trưởng Sergey Lavrov ra điều kiện là Nhật phải công nhận kết quả của Thế chiến thứ hai (tức công nhận chủ quyền của Nga với 4 đảo tranh chấp), trước khi hai nước có thể bắt đầu thương lượng.

Nga rất muốn tháo nút thắt cuối cùng trong quan hệ với Nhật giữa lúc năng lực quân sự và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng. Về lâu dài, mở rộng quan hệ kinh tế với Nhật còn giúp Matxcơva giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nếu ông Abe từ bỏ được mục tiêu đòi lại cả 4 đảo để theo đuổi quan hệ với Nga, ông Putin sẽ rất thuận lợi vì Matxcơva có thể dàn xếp vụ này với tối thiểu nhượng bộ. 

Hai đảo Habomai và Shikotan chỉ tương đương 7% diện tích 4 đảo tranh chấp cộng lại, do đó chính quyền Nga sẽ dễ thuyết phục công chúng hơn.

Ngoài ra, đây còn lại dịp để Nga đặt thêm điều kiện. Trong chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng 10-2018, ông Nikolai Patrushev – cố vấn của Tổng thống Putin, đã yêu cầu Tokyo phải hứa không cho quân đội Mỹ đồn trú trên hai đảo Habomai và Shikotan nếu chúng được trả lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đưa ra yêu sách tương tự với Tổng tham mưu trưởng Katsutoshi Kawano khi phái đoàn Lực lượng Phòng vệ Nhật công du đến Nga sau đó.

Nhật và Nga bắt tay ngăn sức mạnh Trung Quốc? - Ảnh 2.

Trong cuộc hội đàm ngày 14-11-2018, Thủ tướng Abe (trái) và Tổng thống Putin đồng ý thúc đẩy một hiệp ước hòa bình dựa trên tuyên bố chung năm 1956 giữa Liên Xô và Nhật – Ảnh: REUTERS

Theo các nguồn tin ngoại giao và an ninh Nhật, Thủ tướng Abe có 2 lý do để chốt sớm thỏa thuận bất chấp đòi hỏi của người Nga. 

Thứ nhất, ông cho rằng thời gian càng trôi qua, Nhật càng bất lợi. Bốn hòn đảo đã ở trong tay Nga hơn 70 năm, nhiều người dọn đến đó sống và Matxcơva đã cho xây nhiều hạ tầng dân sự lẫn quân sự.

Ông Abe nhận định thời gian trôi qua, người Nga càng có ít lý do để trả lại đảo, dù chỉ 1 chứ đừng nói 2. Nói cách khác, ông muốn “cắt lỗ” ngay bây giờ!

Lý do thứ hai là tiềm năng hợp tác chiến lược với Nga. Matxcơva thừa hiểu Trung Quốc đã trở nên mạnh và có sức ảnh hưởng hơn, dù không công khai nói ra. 

Một khi tranh chấp lãnh thổ giải quyết xong, Nhật và Nga có thể thắt chặt quan hệ đối ngoại và an ninh, đủ sức hóa giải bất cứ đe dọa tiềm tàng nào từ Trung Quốc.

“Tôi tin rằng Thủ tướng Abe cùng chia sẻ mối quan tâm này, rằng hiện trạng quan hệ bây giờ là không bình thường. Cả Nhật và Nga cùng muốn sửa chữa quan hệ, không chỉ vì chúng ta muốn thứ gì đó từ Nhật ở góc độ kinh tế” – ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo thường niên ở Matxcơva tuần trước.

Nhìn chung, nếu tranh chấp lãnh thổ Nga – Nhật có bước đột phá, bức tranh địa chính trị châu Á sẽ thay đổi đáng kể. 

Trong năm 2019, các động thái của hai nước sẽ được quốc tế theo dõi sát khi các cuộc thương lượng chính thức bắt đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới