Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Kết cục được báo trước

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Kết cục được báo trước

Trung Quốc và Hoa Kỳ mở đầu năm 2019 bằng việc dập lửa cuộc chiến thương mại, với kết cục đã được hai vị nguyên thủ quốc gia thỏa thuận trước.

Trung Quốc sẽ hiện thực hóa cam kết với Mỹ

Bloomberg dẫn các nguồn tin quen thuộc với tình hình cho biết, vào hôm 07/01 tới, phái đoàn chính phủ Hoa Kỳ sẽ sang thăm Bắc Kinh để tiến hành đàm phán, nhằm hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch của hai bên tổ chức đàm phán thương mại vào tháng 1. Điều tương tự cũng được tuyên bố bởi người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ là ông Stephen Mnuchin.

Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Jerrish đứng đầu. Cấp đàm phán này không phải là cao nhất, điều đó có nghĩa là các bên hiện giờ chưa thực sự mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại đầy đủ định dạng, mà chỉ nhằm gỡ nút thắt trong vấn đề Mỹ dọa áp thuế nặng đối với các ngành hàng của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, cuộc gặp này chỉ nhằm bàn bạc để “cụ thể hóa những nhượng bộ mà trước đó Trung Quốc đã cam kết với Mỹ”.

Vào hôm 01/12/2018, sau bữa ăn tối tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tạm dừng cuộc chiến thương mại và bắt đầu quá trình tham vấn để hóa giải cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên.

Sau cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ Trung-Mỹ, người phát ngôn của Nhà Trắng là bà Sarah Sanders cho biết, sau khi bàn thảo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý không tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 1 tháng 1.

uyết định tạm ngưng áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc là không có gì khó hiểu khi bà Sanders tiết lộ rằng, thông qua buổi hội đàm giữa ông Trump và ông Tập, Trung Quốc đã đồng ý mua một số lượng “rất đáng kể” các mặt hàng nông nghiệp và hàng hóa khác từ Hoa Kỳ, để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai bên.

Với quyết định mới nhất này, mức thuế của Mỹ đánh vào các loại hàng hóa có khối lượng nhập khẩu trên 200 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc tạm thời vẫn sẽ giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào “thái độ của Trung Quốc”.

Washington cảnh báo rằng, nếu trong vòng 90 ngày tới (tức là đến tháng 2/2019) mà Mỹ không đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc về một số vấn đề thương mại thì thuế suất sẽ tăng lên theo mức dự kiến trước đó, tức là từ 10% tăng lên 25%.

Tuy nhiên, bà Sanders đã tiết lộ những dấu hiệu tích cực là, Trung Quốc đã đồng ý mua các mặt hàng nông sản, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ. Mặc dù chưa được thỏa thuận cụ thể về danh mục, nhưng chắc chắn là khối lượng rất đáng kể, đủ để giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc đã cam kết mua nông sản của nông dân Mỹ “ngay lập tức”.

Kết quả đàm phán sẽ có lợi cho Mỹ

Sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, ngay lập tức Bắc Kinh đã có những động thái nhượng bộ hết sức rõ ràng đối với Washington.

Vào ngày 14 tháng 12, Bắc Kinh tuyên bố rằng, từ ngày 1 tháng 1, họ sẽ đình chỉ việc thu thêm thuế quan đối với ô tô và phụ tùng thay thế được sản xuất tại Mỹ.

Hai bên cũng đã chuẩn bị những bản báo cáo về việc khởi động lại cơ chế mua-bán đậu nành và tự do hóa các quy tắc đầu tư của Mỹ vào thị trường Trung Quốc.

Hôm 22 tháng 12, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ “đã có những tiến bộ mới” trong các vấn đề về cán cân thương mại và sở hữu trí tuệ. Tiến độ đã được thực hiện thông qua tham vấn qua điện thoại của những vị đại diện chính thức của hai nước.

Trong bối cảnh hai bên có những động thái hết sức tích cực, các cuộc tham vấn Trung-Mỹ sắp tới có thể diễn ra theo chiều hướng khá tích cực, mặc dù cũng vẫn sẽ có những bất đồng không thể giải quyết.

Ông Alexandr Lamanov, chuyên gia từ Viện Viễn Đông cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng, hai bên có thể thỏa thuận về việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Về nguyên tắc, Trung Quốc đã sẵn sàng đồng ý về điều này sớm hơn, giống như đã sẵn sàng đàm phán về vấn đề này ngay bây giờ.

Ngoài ra, hai bên cũng có thể đàm phán tăng khả năng tăng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với các nhà sản xuất Mỹ, không chỉ hàng hóa, mà cả trong các ngành dịch vụ; ví dụ như tăng số lượng công ty bảo hiểm và ngân hàng Mỹ ở Trung Quốc, cùng với nhiều loại hình giải trí hơn.

Một điểm quan trọng là Washington có thể tìm thấy nhiều không gian hơn cho dầu tự nhiên và khí hóa lỏng của Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Điều này áp dụng tương tự cho đậu nành Mỹ.

 Nếu tất cả những gì hai bên làm việc đều có liên quan đến việc tăng mua sản phẩm của Mỹ, thì thỏa thuận có thể đạt được.

Đối với việc Trung Quốc từ bỏ tham vọng khoa học và công nghệ của mình dưới áp lực của Mỹ, thì điều này là không thể xảy ra. Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch hiện đại hóa khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters trích dẫn nguồn tin riêng của mình, đã thông tin rằng, Tổng thống Donald Trump có thể ban hành một nghị định vào tháng 1, trong đó ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Theo tin tức của cơ quan này, tên của các công ty Huawei và ZTE dường như không xuất hiện cụ thể trong văn bản nghị định, nhưng rất ít nhà quan sát không nghi ngờ rằng, tài liệu này được ban hành nhằm chống lại chính hai công ty nói trên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, Bắc Kinh sẽ quảng bá các sản phẩm công nghệ cao của mình ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là thiết bị của Huawei và ZTE.

Tuy nhiên, với lệnh cấm sắp được ban hành của Mỹ, chắc chắn là thị phần trong ngành viễn thông của Trung Quốc ở Mỹ và các nước châu Âu sẽ suy giảm nghiêm trọng, nước này chỉ có thể tìm kiếm được lợi ích trong thị trường viễn thông ở các nước kém phát triển hơn như ở châu Á, châu Phi…

RELATED ARTICLES

Tin mới