Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ có vai trò gì trong sự kiện TQ đánh chiếm Hoàng...

Mỹ có vai trò gì trong sự kiện TQ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 45 năm?

Cách đây 45 năm, tháng 01 năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên đưa quân xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước Việt Nam vẫn đang còn chia cắt, miền Nam Việt Nam vẫn đang còn chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống và chính quyền này cũng vẫn đang là đồng minh thân cận của Mỹ. Hoàng Sa khi đó đang thuộc quyền quản lý của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cớ sao khi một đồng minh thân thiết với Mỹ như vậy bị Trung Quốc cộng sản xâm lăng một phần lãnh thổ mà phải một thân, một mình tiến hành trận hải chiến Hoàng Sa, để rồi kết cục quần đảo này bị rơi vào tay Trung Quốc. Lần lại sách sử để xem xét, chiêm nghiệm thêm những bài học về bạn bè, đồng minh, có lẽ cũng là điều cần thiết.

Hải chiến Hoàng Sa 1974 khai hỏa

Sách sử có chép rằng:

Ngày 11/01/1974, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố lên án chính quyền VNCH “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, cho rằng “tất cả các quần đảo ở Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ Trung Quốc”.

Ngày 12/01/1974, chính quyền VNCH ra tuyên bố bác bỏ lập trường phi lý của Trung Quốc, khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng đồng thời phát hiện Trung Quốc điều quân tiếp cận các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa là Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và cắm cờ lên các đảo trên.

Ngày 15/01/1974, Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân hùng hậu, bao gồm cả nhiều tàu cá vũ trang tiến đến Hoàng Sa.

Ngày 16/01/1974, chính quyền VNCH họp báo tố cáo âm mưu và hành động của Trung Quốc xâm chiếm các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc.

Ngày 17/01/1974, chính quyền VNCH điều tàu chiến và lực lượng hải quân ra bảo vệ các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng. Nhưng vấp phải lực lượng hải quân Trung Quốc tại đây.

Ngày 19/01/1974, Phó đô đốc hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại hạ lệnh nổ súng, trận chiến chống quân Trung Quốc xâm lược nổ ra khốc liệt trong bối cảnh tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Sau hơn một giờ đọ súng, phía Trung Quốc bị chìm 2 tàu, 2 tàu khác bị bắn cháy nhưng lực lượng vẫn đông hơn. Phía VNCH bị chìm tàu Nhật Tảo, các tàu khác đều bị thương, 74 người tử trận trong đó có cả Hạm trưởng Ngụy Văn Thà. Phía Trung Quốc chiếm giữ các đảo ở Hoàng Sa. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao chính quyền VNCH họp báo tố cáo Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau sự kiện trên, ngày 20/01/1974, Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền VNCH Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình tới ông Graham Martin, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và yêu cầu Mỹ cho biết có dành cho VNCH sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước thân hữu và đồng minh, cũng như với tư cách là một quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris năm 1973 về chiến tranh Việt Nam hay không. Nhưng không nhận được câu trả lời từ phía Mỹ.

Ngày 21/01/1974, chính quyền VNCH gửi công hàm cho các thành viên ký kết Hiệp định Paris đề nghị các thành viên lên án và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày 22/01/1974, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết thư gửi Tổng thống Mỹ Nixon thông báo về sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anthus Hammer trả lời: Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Thế là Mỹ khoanh tay ngồi nhìn, để mặc đồng minh thân cận bao năm nay của mình đứng ngồi không yên khi mất đi một phần chủ quyền lãnh thổ. Phải chăng Mỹ thiển cận, vô can khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang có triển vọng kết thúc bằng việc thực thi Hiệp định Paris, Mỹ không muốn “dính” vào nữa.

Lại phải lần tìm sách sử xem có đúng thế không.

Còn nhớ, năm 1972, diễn ra sự kiện được coi là“bước ngoặt trong lịch sử thế giới”, đó là Mỹ – Trung ra “Thông cáo chung Thượng Hải”, tuyên bố hai bên bình thường hóa quan hệ với nhau. Bản thông cáo trên được đưa ra ngay trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon từ ngày 21/02 đến ngày 28/02/1972, theo lời mời của chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đương nhiên, bản thông cáo không đề cập gì nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, càng không nói gì về quan hệ giữa Mỹ với VNCH hay quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng đằng sau hoạt động ngoại giao con thoi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger và những cuộc tiếp xúc kín giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai với Tổng thống Nixon, không phải không có câu chuyện liên quan đến Việt Nam mà mãi sau này, chính Kissinger hay Nixon tiết lộ ra trong hồi ký của mình. Đó là, khi đến Bắc Kinh, tiếp xúc với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Nixon nói: “Giả sử tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo của Bắc Việt Nam và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngừng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó”. Rõ ràng, Tổng thống Mỹ đã chuyển tới Trung Quốc một thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc nhận ngay ra rằng, Mỹ đã tính tới khả năng rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Lợi ích và vị thế của Trung Quốc trong câu chuyện này ở đâu? Một khi Mỹ rút, Trung Quốc sẽ hành động như thế nào để đạt được lợi ích tối đa? Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa từng nằm trong vòng ngắm từ lâu nay của Trung Quốc dường như đã có lời giải.

Không lâu sau chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ cam kết rút quân ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Những điều Trung Quốc nhận thấy đang diễn ra nhãn tiền, thời cơ đang đến.

Nhưng liệu Mỹ có nói thật không, hay khi Trung Quốc hành động, Mỹ sẽ lại can dự thì hỏng chuyện. Để cho chắc, năm 1973, Trung Quốc cử đoàn quân sự cấp cao thăm Mỹ. Trong các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ, đáng chú ý nhất là cuộc tiếp xúc giữa trưởng đoàn quân sự Trung Quốc với một quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, một con người có bộ óc cực kỳ thông thái nhưng cũng khét tiếng diều hâu và chống cộng, sau này trở thành Cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Jimmy Carter. Trưởng đoàn Trung Quốc thăm dò vị quan chức này về việc Trung Quốc sẽ hành động ở Hoàng Sa thì Mỹ có ý kiến gì, phản ứng ra sao. Vị quan chức trên im lặng không nói gì. Trưởng đoàn Trung Quốc gặng hỏi lần nữa, ông ta vẫn im lặng. Trưởng đoàn Trung Quốc vui mừng ra về vì hiểu rằng “im lặng là đồng ý”.

Sau cuộc tiếp xúc trên, tổng thống Mỹ hỏi vị quan chức an ninh quốc gia rằng, “sao người ta hỏi về vấn đề Hoàng Sa, ông lại im lặng không nói gì?”. Quan chức trên đáp: “Thưa ngài, tôi biết chắc Trung Quốc sẽ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Cứ để cho họ đánh. Làm như vậy, chúng ta sẽ nhét được cục xương gà vào cổ họng hai thằng cộng sản này. Ba mươi năm sau, chúng nó sẽ nuốt không trôi mà khạc cũng không ra. Ngài tin tôi đi!”

Thế là trận hải chiến Hoàng Sa đã diễn ra như sách sử đã chép ở trên. Bóng dáng người Mỹ mất tăm trong câu chuyện này.

Và đúng là đến nay, 45 năm rồi chứ không phải 30 năm, vấn đề Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa, rộng hơn là vấn đề Biển Đông không ngày nào yên. Nó không chỉ là cục xương khiến Trung Quốc nuốt không trôi, Việt Nam khạc không được mà cả các nước có liên quan trong khu vực cũng đang nghẹn họng. Thương thay cho Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngây thơ tin vào lá thư Tổng thống Nixon viết gửi cho ông ngày 31/12/1971, trước khi sang thăm Trung Quốc, có nội dung rằng: “Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng, tôi sẽ không đi tới một thỏa thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tới các quốc gia khác, hoặc là những vấn đề có liên hệ tới các nước khác… Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Mỹ trong những nỗ lực của ngài hầu đem lại hòa bình cho Việt Nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt Nam”, nên mới gửi thư cấp báo về Hoàng Sa với Nixon. Thế mới biết, người Mỹ thâm hiểm và tráo trở đến mức nào.

Ngày nay, bóng dáng người Mỹ, tàu Mỹ lại xuất hiện ở Biển Đông. Nhiều người tại các nước trong khu vực lại nhen lên hy vọng người Mỹ sẽ lại đến “giúp” mình. Người ta mong lắm Mỹ sẽ có những hành động “hào hiệp” yểm trợ cho những kẻ yếu đang bị bắt nạt ở đây. Thậm chí còn mong có những quan hệ đồng minh mới xuất hiện để “thêm bạn bớt thù”. Xem ra được thế thì cũng tốt, nhưng câu chuyện sách sử chép lại về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và vai trò của Mỹ trong sự kiện này, liệu có phải là bài học kinh nghiệm xương máu cho tất cả các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc không nhỉ?

RELATED ARTICLES

Tin mới