Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngChủ trương, chính sách và cách thức Mỹ can dự vào vấn...

Chủ trương, chính sách và cách thức Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế và răn đe Trung Quốc trong vấn đề sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, duy trì niềm tin đối với các nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ trên phương diện quân sự và kinh tế, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông đều dựa vào tuyến đường hàng hải để di chuyển  các lực lượng hải quân và hàng hoá thương mại. Điều này thể hiện rõ nét ở ưu tiên của nước Mỹ trong duy trì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, Mỹ có ba lợi ích quốc gia quan trọng ở Biển Đông:

Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Biển Đông không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng, mà còn chốt giữ các eo biển quan trọng như Malacca. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, thì đã có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Từ năm 1992 lực lượng hải quân của Mỹ đã bắt đầu thực thi chiến lược biển toàn cầu, phân chia các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu thành 08 nhóm eo biển mang tính liên khu vực nối liền nhau đồng thời chi viện lẫn nhau. Trong đó có nhóm eo biển khu vực Đông Nam Á bao gồm eo biển Bashi, eo biển Makassar, eo biển Sunda, eo biển Malacca, những eo biển này đều nằm ở Biển Đông và vùng biển cạnh Biển Đông.

Ở góc độ chiến lược quân sự, nước nào kiểm soát được Biển Đông thì nước đó về cơ bản sẽ kiểm soát được quần đảo và bán đảo Đông Nam Á, đồng thời sẽ đóng vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Hơn nữa, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng gia tăng, cùng khoảng 50% lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông, là con đường yết hầu của tuyến đường vận chuyển trên biển của thế giới. Mỹ là nước thương mại lớn nhất trên thế giới, có trên 90% hoạt động thương mại cần phải vận chuyển trên biển, trong đó có 45% hoạt động thương mại trên biển phải đi qua Biển Đông. Do vị trí chiến lược của vùng biển này, Mỹ tất yếu muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Đây là vấn đề xuyên suốt từ thời Tổng thống Obama đến Tổng thống Trump.

Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mỹ cho rằng, trong tương lai nước có nhiều khả năng thách thức bá quyền của Mỹ nhất trên phương diện sức mạnh biển chính là Trung Quốc. Cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa hai nước khó có thể tránh khỏi do ảnh hưởng về quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc đang trở thành một yếu tố quyết định đối với môi trường chiến lược ở châu Á và an ninh toàn cầu. Dù bằng phương thức hợp tác, Mỹ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được khả năng cạnh tranh và xung đột mang tính tiêu cực với Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thông qua nhiều biện pháp, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được ví như một sàn đấu quan trọng mà Mỹ đã nhằm tới. Những năm gần đây quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Philipines, Việt Nam căng thẳng do Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền và hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được Mỹ xem là cơ hội để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sự cạnh tranh và quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực từ trước đến nay đều được xem là chất kết dính để Mỹ xây dựng mối liên hệ phòng vệ ở khu vực, tạo cho Mỹ có được lý do chính đáng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước khu vực đồng thời ngăn chặn được sự hợp tác giữa các quốc gia này với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong tình hình an ninh khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vì vậy, việc đứng về phía các nước đồng minh trong tranh chấp Biển Đông sẽ giúp duy trì uy tín của Mỹ đối với một số nước đồng minh của mình, củng cố hệ thống liên minh mà Mỹ đã xây dựng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thông qua việc ủng hộ một số nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ xây dựng vành đai bao vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc ở ven Biển Đông giúp làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, từ đó giành thế chủ động trong cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một con bài chiến lược nữa sau vấn đề Đài Loan của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy, thông qua can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Mỹ có thể giành được nhiều lá bài chiến lược hơn trong cuộc đấu trí với Trung Quốc.

Can dự vấn đề Biển Đông là con đường ngắn nhất để Mỹ khẳng định vai trò nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện vai trò của Mỹ trong việc trở lại châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác Mỹ còn tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho đến trước năm 2020 Mỹ sẽ chuyển trọng tâm bố trí lực lượng hải quân sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch trọng tâm chiến lược quốc gia sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo kế hoạch 60% số lượng tàu của hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng hải quân Mỹ vào năm 2020 có mặt ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang triển khai những hành động cụ thể về tuần tra chung trên biển với một số nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông

Trong chính sách đối với Biển Đông, Mỹ về căn bản chú trọng tới các khía cạnh ngoại giao và tiếp cận về mặt quân sự. Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Mỹ còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines. Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Mỹ đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore. Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines. Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Không quân Philippines (AFP), với mục tiêu triển khai một lực lượng phòng thủ có đủ năng lực.

Về vai trò của Mỹ ở khu vực này, tình hình ở Biển Đông không đơn giản chỉ là vấn đề đối trọng về hải quân giữa Mỹ với nước khác, mà là sự cần thiết của Mỹ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo ở Biển Đông, Mỹ tuy tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào và nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được thông suốt. Với quan điểm như trên, Mỹ đã đưa ra sách lược về Biển Đông như sau: Thứ nhất là thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai là phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. Thứ ba là chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.

Cách thức Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông

Can dự vào vấn đề Biển Đông là chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi và được tiếp tục dưới chính quyền Tổng thống Trump. Chính sách này gồm những thành tố sau: (i) Tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Biểu hiện sinh động nhất của vấn đề này là tăng cường bố trí quân sự ở xung quanh Biển Đông, tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp với các đồng minh trong khu vực, đẩy mạnh liên minh quân sự và hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nâng cao mức độ răn đe quân sự như tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai với Philippines, tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà lan, Peru…. Trong bối cảnh hiện nay, các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Mỹ với các quốc gia ven Biển Đông nhiều về số lượng, lớn về quy mô, nâng cấp hơn về nội dung diễn tập từ bắn đạn thật, chiến thuật tổng hợp truyền thống đến chiếm đảo, bảo vệ đảo, chống tàu ngầm, tàu chiến mặt nước… (ii) Tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. (iii) Tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp hữu quan. Một mặt, khu vực Biển Đông là địa điểm đầu tư và trao đổi thương mại quan trọng của Mỹ, ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Biển Đông là một điểm nóng ngay cả với Mỹ. Các công ty nước ngoài trong đó có Mỹ được cho phép khai thác dầu khí đã bị vướng vào tranh chấp giữa những nước tuyên bố chủ quyền. Trong nhiều thập kỷ gần đây, va chạm quân sự ở biển Đông ngày càng gia tăng và liên quan tới cả lực lượng của Mỹ. Ngày 10/5/1995, Chính quyền Clinton đã tuyên bố chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại không nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố. Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên. Hiện nay hầu như các công ty dầu mỏ của Mỹ đều đã ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, từ đó thu được lợi nhuận rất lớn, cụ thể là vào ngày 16/01/2017 – Tập đoàn dầu khí ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Mỹ muốn thông qua tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này. Dưới thời Tổng thống Obama, việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác xuyên thái Bình Dương, ra sức phát triển hợp tác kinh tế đa phương với các nước ASEAN, thực chất là muốn làm yếu đi quan hệ đối tác thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Các công ty của Mỹ đã cùng với tập đoàn dầu khí của các nước Đông Nam Á tham gia khai thác dầu mỏ ở vùng biển trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc không đủ chứng cứ để đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông, bên cạnh đó chính phủ Mỹ thực chất là công nhận và ủng hộ các nước Đông Nam Á về lập trường tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. (iv) Mỹ tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp… để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Nhật Bản với Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và tranh chấp ranh giới biển về việc phân chia ranh giới thềm lục địa ở đảo Senkaku/Điều Ngư và Biển Hoa Đông. Ấn Độ với Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nam Tây Tạng. Australia, Anh, Pháp… có lợi ích thiết thực ở Biển Đông. Những nước này lấy lý do là bảo vệ tự do và an ninh hàng hải trong khu vực ngày càng can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông, xem đó là vấn đề quan trọng để đấu với Trung Quốc, mặt khác đối với những nước này, Biển Đông không chỉ là con bài, mà là lợi ích thực sự. Hầu hết nguồn cung dầu lửa đến Nhật Bản, Australia đều đi qua khu vực Biển Đông. Điểm trùng lặp lợi ích giữa Mỹ với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp… ở khu vực Biển Đông chủ yếu thể hiện ở hai giác độ cơ bản: Thứ nhất là cùng có đòi hỏi kiềm chế Trung Quốc, đều xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Thứ hai là bảo vệ sự thông suốt của tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của họ.

Chính sách của Mỹ có tác động lớn đối với tranh chấp ở Biển Đông cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực

Sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông có những tác động nhất định đối với khu vực và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính vì vậy, trong thời gian tới Mỹ vẫn thực hiện chính sách can dự vào Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trên phương diện cạnh tranh chiến lược.

Làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hóa, quốc tế hóa: Trước đây Trung Quốc nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua phương thức đàm phán song phương với các bên tranh chấp, nhằm kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Chủ trương này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trên thực địa, do vậy Trung Quốc dựa vào chủ trương này để từng bước thay đổi nguyên trạng trên quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Tuy thế, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ trên thực tế đã khiến cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, tạo ra khó khăn đối với ý đồ với Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Một phương diện quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay là chủ trương sử dụng cách tiếp cận đa phương để quản lý và giải quyết tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chính sách này nhìn bên ngoài nhằm bảo vệ hòa bình ở khu vực Biển Đông, nhưng cơ bản là ủng hộ nguyên trạng ở Biển Đông.

Sự can dự của Mỹ phần nào giúp kiềm chế các tham vọng biển của Trung Quốc, đồng thời tạo ra thế cân bằng lực lượng, hỗ trợ các bên yêu sách yếu hơn Trung Quốc. Sự cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh và việc hợp tác quân sự của Mỹ với các đối tác ở Đông Nam Á giúp các nước này gia tăng sức mạnh quân sự để phòng thủ, tự vệ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông phần nào đó đã góp phần hạn chế những âm mưu và hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo đá ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh hiện nay.

Gia tăng cọ xát giữa Trung Quốc và Mỹ: Do sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông trở thành một điểm xung đột mới trong quan hệ Trung – Mỹ. Trên cơ sở xem xét những tính toán về địa chiến lược của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương, hiện nay và trong thời gian tới Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông, an ninh ở khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng với sự can dự tích cực của Mỹ, Biển Đông và các khu vực cạnh Biển Đông đã trở thành khu vực có các hoạt động diễn tập quân sự dày đặc nhất và liên tục nhất trên thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Cùng với những xu hướng diễn biến của tình thế, Biển Đông hoàn toàn có thể trở thành một trở ngại cho sự phát triển quan hệ Trung – Mỹ giống như vấn đề Đài Loan.

Khiến cho kết cấu và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc: Trên bàn cờ địa chiến lược này ở Biển Đông, các nước khác nhau cạnh tranh, kiềm chế nhau, hoặc hợp tác hoặc xung đột với nhau để mưu cầu lợi ích địa lý của họ, từ đó hình thành kết cấu địa chính trị và trật tự địa chính trị như hiện nay ở Biển Đông. Một mục tiêu quan trọng mà Mỹ can dự vấn đề Biển Đông chính là muốn ngăn chặn Trung Quốc giành quyền chủ đạo Biển Đông, duy trì thế cân bằng sức mạnh ở khu vực này, định hình kết cấu và trật tự địa chính trị ở Biển Đông theo hướng có lợi cho chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Sự can dự của Mỹ và các thế lực ngoài khu vực khác nhau phần nào giúp các nước trong khu vực tự tin hơn để đối phó với Trung Quốc. Theo đó, tranh chấp Biển Đông có khả năng diễn biến thành tranh cãi ngoại giao, xung đột chính trị, thậm chí đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với một số nước của ASEAN. Như vậy, kết cục và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn.

Về khía cạnh ngoại giao:Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tiếp cận ngoại giao trong xử lý tranh chấp Biển Đông. (1) Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. (2) Tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (3) Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. (4) Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. (5) Mỹ sẽ thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Về khía cạnh quân sự: (1) Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn. (2) Mỹ sẽ gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực. (3) Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại: (1) Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. (2) Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.

Tuy nhiên, Mỹ cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, diễn biến tình hình Biển Đông có nhiều thay đổi, nhất là việc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ ngả theo Trung Quốc; Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc khiến sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm; Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình; Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ; thứ năm, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc đan xen, chồng chéo, khiến hai nước lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nên khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới