Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ và bài toán kiểm soát nguồn nước sông Mê Công

TQ và bài toán kiểm soát nguồn nước sông Mê Công

Mê Công là dòng sông quốc tế quan trọng nhất vùng Đông Nam Á, chảy qua 6 quốc gia từ thượng nguồn xuống, bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với lưu vực rộng trên 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3, sông Mê Công có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực vùng lưu vực sông. Hiện Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và 120 bậc thang trên dòng nhánh với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông.

Sông Mê Công trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc

Là cường quốc lớn nhất khu vực và cũng là nước mà dòng Mê Công khởi nguồn từ bình nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đang không ngừng sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đạt được các mục tiêu lớn hơn. Quyền kiểm soát lớn hơn đối với sông Mê Công, còn được biết đến với cái tên Lan Thương trong tiếng Trung Quốc, tới tận miền Nam Việt Nam giúp Bắc Kinh có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng nguồn lực chủ chốt của sông và có ưu thế để ép các nước phải đi theo những tính toán chính trị của mình. Elliot Brennan, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện An ninh và Phát triển Chính sách có trụ sở tại Bangkok, bình luận: “Trung Quốc vẫn chưa sử dụng toàn bộ ảnh hưởng tuyệt đối, nhưng nếu thực thi, Bắc Kinh có đủ sức mạnh tạo ra nạn đói và bất ổn dân sự. Ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc trên hệ thống sông này, thông qua các đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án liên doanh xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mê Công là một nửa trong cái gọi là chiến lược lát cắt salami ở Đông Nam Á”, với hàm ý nửa còn lại là chiến lược xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng và tiềm lực quân sự tại đó.

Với việc đã xây dựng 6 đập lớn ở thượng nguồn và dự kiến xây mới 21 đập khác, năng lực của Trung Quốc trong việc trữ và xả nước trong suốt mùa khô và trong thời gian hạn hán chắc chắn sẽ tăng lên. Giới quan sát đôi khi mô tả Mê Công sẽ là điểm nóng địa chính trị kế tiếp tại khu vực. Chưa đến mức căng thẳng như tranh chấp ở Biển Đông – vùng biển mà Trung Quốc đã cải tạo hàng nghìn mẫu vuông, thiết lập các đồn bốt quân sự ở những đảo, đá – nhưng sông Mê Công rồi cũng sẽ đến lúc nóng hơn cả Biển Đông. Đó là bởi giá trị của sông Mê Công như một tuyến đường sông thông ra biển, chạy qua vựa lúa của Đông Nam Á, nơi mà gạo và các cây trồng chủ chốt khác được trồng cấy, là nguồn lợi về cá tôm và cũng là điểm đến của du lịch.

Tại sông Mê Công cũng như Biển Đông, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “củ cà rốt” (đầu tư) lẫn cây gậy (sức ép quân sự và ngoại giao). Trong lúc các công ty trong nước đứng ra thu xếp vốn để mở rộng mạng lưới đập thủy điện xây dựng dọc sông, Trung Quốc tìm cách tối đa hóa tiếng nói quyết định của mình về việc trị thủy dòng chảy của Mê Công trên toàn bộ chiều dài 4.350km.

Được thành lập năm 1995, Ủy hội sông Mê Công từng đóng vai trò là cơ chế quản lý sông Mê Công giữa Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Năm 2014, Trung Quốc khởi xướng Khuôn khổ Hợp tác Mê Công – Lan Thương (LMC) nhằm cung cấp chương trình viện trợ cho các nước dọc bờ sông. Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay trị giá 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,08 tỷ USD), bổ sung vào khoảng 10 tỷ nhân dân tệ đã hứa trước đó. Nước này cũng cung cấp khoản tín dụng hạng mức 5 tỷ USD thêm vào 10 tỷ USD đã cam kết trước đó cho việc đầu tư hạ tầng tại khu vực. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc muốn thông qua LMC để chứng minh vai trò lãnh đạo trước các quốc gia hạ nguồn, nâng cao hình ảnh. Năm 2016, với việc Trung Quốc chính thức cho ra đời Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mê Công (LMCM), Bắc Kinh tập trung xây dựng LMCM thành thiết chế giúp thúc đẩy phát triển miền Tây Trung Quốc và bổ sung, hỗ trợ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với mục tiêu mở rộng các tuyến đường bộ, đường biển vươn tới châu Âu. Với quy chế thành viên bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á lục địa, LMCM có quy mô lớn hơn so với Ủy hội sông Mê Công. LMCM xử lý các vấn đề chính trị và an ninh, như sức khỏe, giáo dục, hạ tầng cũng như phát triển bền vững sông Mê Công và hợp tác kinh tế xuyên biên giới. LMCM cũng giúp điều phối hoạt đồng tuần tra hỗn hợp với các tàu quân sự của Trung Quốc.

Trước sự hào hứng của một số quốc gia, một nghiên cứu công bố năm 2017 của Đại học Mae Fah Luang tại Thái Lan cho biết nếu hơn 40 dự án đập thủy điện trên dòng chính của Mê Công cùng các nhánh con được xây dựng trước năm 2030, phúc lợi kinh tế đối với 4 quốc gia hạ nguồn sẽ là âm 7,3 tỷ USD. Thiệt hại từ lượng cá mất đi còn lớn hơn lợi ích từ 110.000 gigawatt giờ điện sản xuất được. Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại International Rivers, nói rằng việc xây dựng các con đập thường được tiến hành mà không có đánh giá toàn diện về tác động lên dòng sông và cộng đồng địa phương.

Ý đồ của Trung Quốc khi tìm cách chi phối sông MêCông

Kiểm soát tài nguyên của dòng sông này giúp Trung Quốc gia tăng sức ép kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đập thủy điện vừa xảy ra sự cố sụp đổ khiến nhiều người chết vừa qua ở Lào chỉ là một trong hàng trăm con đập như thế phân bố dọc theo dòng MêCông và các phụ lưu của nó. Sự cố cho thấy sự phát triển quá nhanh chóng của hệ thống đường thủy này, một hệ thống ngày càng mang tầm quan trọng một cách chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nước này. Đối với hàng trăm ngàn người sống dọc bên bờ sông kéo dài từ Trung Quốc qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông này là nguồn sống của họ. Mê Công còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả giao thương và thương mại. Hàng đống tiền đã được đổ vào đây khi các quốc gia, thông qua các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước chống lưng, tranh nhau xây dựng các nhà máy thủy điện.

Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện đang là thế lực mạnh nhất trong khu vực và nước này hiện đang tăng cường sử dụng quyền lực kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đạt được sự kiểm soát lớn hơn đối với dòng MêCông thẳng tới khu vực phía Nam sẽ cho Bắc Kinh tiếng nói lớn hơn trong việc sử dụng các tài nguyên của dòng sông và lợi thế để ép các quốc gia phải đồng ý với các đòi hỏi chính trị của Trung Quốc.

Elliot Brennan, một nhân viên nghiên cứu của Học viện Phát triển An ninh và Chính sách đặt tại Thái Lan cho biết, sức mạnh của sự ảnh hưởng này chưa được biểu lộ, nhưng nếu được thực hiện, nó có sức mạnh để gây ra đói kém, bất tuân dân sự và có khả năng lật đổ cả các chính phủ. Ông Brennan cũng cho biết: “Sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc lên hệ thống sông, bằng việc xây dựng các đập ở thượng nguồn và liên doanh xây đập ở hạ nguồn, là phân nửa của chiến lược ‘lát cắt xúc xích’ của nước này ở Đông Nam Á”. Phân nửa còn lại chiến lược này là gia tăng xây dựng chuỗi các đảo nhân tạo, cơ sở vật chất và khả năng quân sự. Việc kiểm soát được cả Biển Đông và Mê Công sẽ giúp Trung Quốc có thể kẹp chặt toàn bộ lục địa Đông Nam Á.

Dòng MêCông đôi khi được các quan sát viên mô tả là điểm nóng địa chính trị kế tiếp của khu vực. Tuy không đạt đến mức tranh chấp như ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã chiếm đoạt hàng chục ngàn m2 đảo và thiết lập các tiền đồn quân sự trên các bãi đá lộ thiên nhỏ và các đảo cát; nhưng sớm muộn dòng MêCông cũng sẽ mang ý nghĩa quan trọng hơn. Đó là vì Mê Công mang rất nhiều vai trò: là tuyến đường thủy huyết mạch đổ ra biển, đi qua vựa lúa quan trọng của Đông Nam Á, nơi trồng lúa và các cây lương thực quan trọng khác, là nơi đánh bắt cá với sản lượng dồi dào, và là điểm thu hút khách du lịch.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang triển khai kế hoạch tạo mưa nhận tạo trên thượng nguồn sông Mê Công. Dự án được mang tên Thiên Hà nhằm mục tiêu tăng lượng mưa ở Cao nguyên Tây Tạng lên 10 tỷ mét khối nước, tương đương 7% tổng lượng tiêu thụ nước hiện thời của Trung Quốc. Tây Tạng là đầu nguồn của nhiều con sông xuyên biên giới quan trọng như Mê Công, Brahmaputra, Indus và Salween. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của Dự án thời tiết nhân tạo tầm cỡ, dự kiến sẽ rải mưa khắp Cao nguyên và vùng lưu vực các dòng sông kể trên. Lượng nước này sau đó được các đập thủy điện của Trung Quốc điều tiết hoặc chuyển dòng vào đại lục. Tuy nhiên, Chuyên gia Janos Pasztor thuộc Tổ chức Hội đồng Carnegie (Mỹ) nhấn mạnh công nghệ mưa nhân tạo không tạo ra mưa thật sự mà chỉ “chuyển nước từ nơi này sang nơi khác”. Trung Quốc muốn kiểm soát thời tiết và đảm bảo mưa rơi trong lãnh thổ nhằm tiến tới kiểm soát nguồn nước chảy sang các nước láng giềng. Tham vọng này vô cùng đáng lo ngại bởi khoảng 70% sông hồ nước này hiện đang bị ô nhiễm. Thêm nữa, việc kiểm soát lượng mưa ẩn chứa những vấn đề sâu xa hơn. Khi thuận lợi, nó khuyến khích các nước xây đập thủy điện nhưng trường hợp xấu, hạ nguồn sẽ gánh chịu đại hạn và nước lúc này trở thành thứ “vũ khí” tối thượng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang bắt tay vào thực hiện Dự án cải thiện luồng giao thông thủy trên sông Mê Công, bao gồm việc phá hủy đá ngầm, xoáy nước và cả các cồn cát để tạo thành đường vận tải thủy tới Lào, tức xuyên thẳng vào trung tâm lục địa Đông Nam Á. Các thiệt hại về môi trường và xã hội cùng việc hình thành một tuyến đường cao tốc mới tạo điều kiện cho việc xuất – nhập các sản phẩm Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế của khu vực. Với chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh hiện thời, nếu xảy ra chiến tranh, con đường thủy cao tốc sẽ là cơn ác mộng chiến lược thực sự. Cùng với viễn cảnh kinh tế tiêu cực, chủ quyền trong tương lai của khu vực Đông Nam Á xem chừng rất đáng lo ngại.

Chính sách ngoại giao LMC của Trung Quốc

Đây chính là lý do mà Trung Quốc mong muốn đưa các nhà lãnh đạo Mê Công đến bàn họp sáng kiến LMC. Chương trình hội nghị thượng đỉnh của Bắc Kinh bao gồm năm điểm: từ kết nối hạ tầng, công nghiệp hóa, đến thương mại biên giới, quản lý nguồn nước, hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo. Nhưng đằng sau các bức ảnh tuyên truyền và kế hoạch làm việc, ý tưởng của LMC biểu tượng hóa cho những nỗ lực khôn khéo của Trung Quốc nhằm thiết lập thể chế và luật chơi của mình.

Hơn nữa, sáng kiến LMC cũng cạnh tranh với Ủy hội sông Mê Công (MRC), vốn được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam từ năm 1995 với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ quốc tế nhằm quản lý các nguồn lợi của con sông thông qua các nghị định thư và công ước quốc tế điều chỉnh các tuyến đường sông chính trên toàn cầu. Myanmar và Trung Quốc là các đối tác đối thoại của MRC nhưng Trung Quốc đã chủ tâm gạt MRC ra bên lề. Đối với Trung Quốc, sáng kiến LMC do Trung Quốc dẫn dắt mới là khuôn khổ quản lý sông Mê Công hợp lý và được ưu tiên.

Các thủ đoạn của Trung Quốc trên sông Mê Công là không đáng ngạc nhiên và thống nhất với các động thái tương tự như ở các nơi khác. Trong thực tế, những gì Trung Quốc đã làm bằng việc xây đập trên sông Mê Công và giành ảnh hưởng không chính đáng lên các nước hạ nguồn là tương tự với và có liên quan đến các dự án xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh vừa đơn giản vừa gây tranh cãi như tất cả đều có thể chứng kiến: xây trước, nói chuyện sau (nếu như có nói).

Ở Biển Đông, các nước ven biển của ASEAN đang xây dựng một mặt trận thống nhất và tìm kiếm sự cam kết can dự quốc phòng mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực. Đáp lại, Mỹ vừa tích cực vừa chừng mực. Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong phạm vi Mê Công lại không thể bị kiềm chế bởi sự vượt trội của hải quân Mỹ. Châu thổ Mê Công là để dành cho ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt nếu xét đến các chính thể chuyên chế tương tự nhau như ở Bangkok, Viên Chăn và Phnom Penh, những người đang được khuyến khích đi theo dòng chảy chuyên chế. Hà Nội phản đối Trung Quốc trên Biển Đông nhưng lại mềm giọng trong các vấn đề Mê Công. Do vậy, Trung Quốc sẽ tự tung tự tác ở Đông Nam Á lục địa một thời gian nữa.

Trung Quốc chắc chắn sở hữu những con đập mà nó xây dựng nhưng dòng nước chảy qua các con đập đó không phải của riêng Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ các rặng núi Himalaya và thuộc về tất cả những người đã phụ thuộc vào nó hàng thế kỷ qua. Việc đắp đập ngăn sông của Trung Quốc đã có những hậu quả tiêu cực trong thực tế. Ví dụ như cộng đồng ngư dân ở bắc Thái Lan đã phản đối vì nước xả từ đập Cảnh Hồng đã bị cướp mất trầm tích và phù sa vốn đi cùng dòng chảy.

Trung Quốc kiểm soát sông Mê Công có tác động lớn đối với khu vực

Hiện nay, phần lớn công suất lắp đặt của các đập thủy điện trên sông Mê Công đều thuộc Trung Quốc với hơn 15.000 MW, trong đó, riêng đập Nọa Trát Độ đạt mức 5.850 MW, chưa kể nửa tá các con đập khổng lồ khác đều ở mức trên 1.000 MW. Cộng gộp lại, các con đập này có thể lưu giữ 23 tỷ m3, tương đương 27% dòng chảy thường niên của sông Mê Công giữa Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, các đập khác ở hạ nguồn, công suất phát điện chỉ vài chục hoặc vài trăm MW, không đáng để đem ra so sánh. Tóm lại, các con đập của Trung Quốc hiện đang điều tiết dòng chảy Mê Công, nhất là vào mùa khô khi Cao nguyên Tây Tạng đóng góp khoảng 40 đến 70% lượng nước cho con sông. Tác động đến lương thực và sinh kế trong trường hợp này là rất lớn nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu 11 con đập ở phía hạ nguồn được thông qua, trong đó có đến một nửa số dự án được Trung Quốc chống lưng. Báo cáo gần đây của UNESCO và Viện Môi trường Stockholm cảnh báo lượng phù sa của sông Mê Công có thể giảm tới 94% một khi các con đập đang đề xuất được chấp thuận xây dựng. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến sản lượng đánh bắt cá và sức khỏe con sông, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các cộng đồng hạ nguồn.

Đáng lo ngại hơn cả là những lý do viện dẫn xây dựng đập và những lời hứa hẹn về phát triển điện năng sẽ thúc đẩy kinh tế các nước hạ nguồn trên thực tế chỉ là bánh vẽ. Nhiều dự án sẽ xuất khẩu thẳng năng lượng về Trung Quốc trong khi số khác tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Dự kiến 50 năm tới, nền kinh tế các nước hạ lưu vực Mê Công sẽ chịu tổn thất ròng 7,3 tỷ đô la, trong đó Việt Nam và Campuchia thiệt hại nặng nhất và cái giá về mặt xã hội cũng khó mà đo đếm. Trung Quốc dường như đang ngày càng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được quyền kiểm soát toàn bộ khu vực sông Mê Công. Kiểm soát sông Mê Công sẽ mang đến cho Bắc Kinh một tiếng nói lớn hơn trong việc sử dụng các nguồn lực quan trọng của dòng sông, và tạo đòn bẩy áp lực chính trị lên các quốc gia khác.

Sông Mê Công nuôi dưỡng một vài trong số những ngư trường nước ngọt có năng suất lớn nhất hành tinh. Tầm quan trọng chiến lược của một con sông cung cấp an ninh lương thực cho 60 triệu người là rất lớn. Cuộc xung đột âm ỉ về việc chia sẻ các nguồn tài nguyên nước quý giá có khả năng leo thang trong dài hạn, dẫn tới sự phản kháng của các quốc gia hạ lưu sông Mê Công trước sự bá quyền ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Ở Thái Lan, Nhóm bảo tồn Chiang Khong đã tổ chức một loạt cuộc biểu tình vào năm 2017 thách thức “Dự án cải thiện kênh lưu thông sông Mê Công” của Trung Quốc, một uyển ngữ chỉ việc dùng thuốc nổ phá hủy các ghềnh thác, đá và đảo nhỏ tuyệt đẹp rải rác trên dòng sông, và ngăn chặn các tàu lớn hơn thâm nhập sâu hơn nữa vào tuyến đường thủy dài nhất Đông Nam Á. Tới năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch loại bỏ toàn bộ chướng ngại vật tự nhiên nhằm xây dựng một tuyến đường vận chuyển bằng tàu thủy an toàn kéo dài 890 km từ cảng Tư Mao thuộc tỉnh Vân Nam ở phía Nam, đi qua khúc sông phía Bắc thuộc Thái Lan, tới Luang Prabang, cố đô và giờ đây là trung tâm du lịch của Lào. Các tàu thăm dò của Trung Quốc nghiên cứu về các đảo nhỏ và ghềnh thác ở Khon Pi Luang, cách cảng biên giới Chiang Khong của Thái Lan khoảng 20 km về phía thượng nguồn, đã và đang là mục tiêu của một đội tàu nhỏ biểu tình một cách sôi nổi trên sông, những con tàu của họ treo đầy biểu ngữ và họa tiết viết bằng tiếng Thái và tiếng Trung: “Sông Mê Công không phải để bán” và “Ngừng toàn bộ hoạt động phá hủy bằng thuốc nổ trên sông Mê Công”. Đến nay, Chính phủ Thái Lan mới chỉ đồng ý phê duyệt cho các tàu thăm dò của Trung Quốc vào khu vực sông phân cách giữa Thái Lan và Lào để thu thập thông tin cho hoạt động đánh giá. Chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc phá hủy bằng thuốc nổ. Sự cho phép của chính quyền quân sự Thái Lan chưa được đảm bảo, nhưng không phải vì các vấn đề môi trường. Ở miền Bắc Thái Lan, chính quyền và các doanh nghiệp địa phương tỏ ra cảnh giác trước sáng kiến của Trung Quốc. Wiroon Khampilo, cựu chủ tịch Phòng thương mại Chiang Rai và là một doanh nhân ở tỉnh này, cho biết dự án lưu thông này không giúp ích gì cho các doanh nghiệp ở Thái Lan. Trung Quốc sẽ gặt hái những lợi ích, đồng thời làm tổn hại môi trường của Thái Lan. Cái được gọi là dự án cải thiện sẽ đem lại những lợi thế lớn cho các thương nhân Trung Quốc và có thể sớm dẫn tới một tương lai mà trong đó các sản phẩm Trung Quốc đổ vào thị trường Thái Lan với số lượng lớn hơn và mức giá thậm chí còn rẻ hơn bao giờ hết. Wiroon đã chỉ ra trên tờ Mê Công Eye rằng trong khi đó, các thương nhân Thái Lan hầu như sẽ không hưởng lợi gì: “Chúng tôi có rất ít hàng hóa để vận chuyển qua sông để bán ở Trung Quốc”. Wiroon cũng cảnh báo rằng việc cho phép Trung Quốc thay đổi luồng sông sẽ gây nguy hiểm cho sinh kế của người dân địa phương và nền kinh tế địa phương, vốn phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái sông nước lành mạnh.

Ngoài ra còn có vấn đề về văn hóa. Các tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng một cảng mới trên sông Mê Công và các dự án khác gây ra một mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong về văn hóa của một trong những di sản thế giới nổi tiếng nhất châu Á, đó là cố đô Luang Prabang ở Lào. Paul Chambers thuộc Đại học Naresuan của Thái Lan vẽ nên một bức tranh ảm đạm về những gì có thể xảy ra đối với biểu tượng văn hóa này của khu vực trong 10 đến 15 năm tới nếu dự án lưu thông được thực hiện. Ông nói: “Sự biến đổi nhanh chóng của di sản thế giới ở Lào sẽ dẫn tới việc thánh địa văn hóa này bị thay thế bởi một trung tâm thương mại Trung Quốc và sự áp đặt mạnh mẽ nghệ thuật và kiến trúc văn hóa Trung Quốc lên khắp miền Bắc Lào. Luang Prabang cuối cùng sẽ trở thành một thị trấn mới của Trung Quốc”. Ở một phần khác của sông Mê Công, chỉ cách Thái Lan 100 km, đập Pak Beng do Trung Quốc tài trợ đã bị ngừng trệ bởi nhiều hình thức “nhiễu động” khác nhau, trong đó có các cuộc biểu tình phản đối xây đập (ở Chiang Khong), hoạt động kiện tụng tìm cách ngăn chặn sự ủng hộ của Thái Lan đối với con đập, và việc đánh giá năng lượng hiện tại của các nhà chức trách ở Bangkok. Đập Pak Beng trị giá 2,4 tỷ USD là một dự án thủy điện với công suất 912 megawatt đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy điện Datang Pak Beng của Trung Quốc tại Lào phát triển, với thỏa thuận sơ bộ rằng 90% điện năng được tạo ra sẽ được bán cho Thái Lan. Tuy nhiên, thỏa thuận mua năng lượng đang bị trì hoãn trong khi chờ đợi việc đánh giá năng lượng mà Thái Lan đang tiến hành. Nó đã được dự kiến sẽ được ra mắt vào tháng 12/2017 với tư cách con đập thứ ba ở Lào thuộc hạ lưu sông Mê Công.

Tại Việt Nam, cách đầu nguồn sông Mê Công ở Trung Quốc khoảng 4.000 km, người nông dân theo dõi trong bất an cảnh tượng vùng châu thổ của họ đang ngày càng thu hẹp và chìm dần, bị nhiễm mặn do biển xâm lấn vào vùng nước ngọt thiết yếu để tưới tiêu cho vựa lúa có vai trò không thể thiếu của quốc gia này. Các nhà phát triển thường cho rằng các con đập giúp giảm đói nghèo. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng, suy thoái môi trường dẫn đến đói nghèo, căng thẳng xã hội, thậm chí cả căng thẳng giữa các quốc gia. Tác động của các con đập cần được coi là một vấn đề an ninh phi truyền thống gây ra các bất ổn xã hội và chính trị. Khu vực châu thổ sông Mê Công sản xuất ra 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp khoảng 23% cho GDP quốc gia, song hàng triệu người ở khu vực sông Mê Công trở nên bần cùng do tác động từ các con đập (cũng như từ biến đổi khí hậu), người dân sẽ phải di cư sang nơi khác để tìm kiếm việc làm.

Các nước bên ngoài tăng cường ảnh hưởng tại Mê Công

Mỹ cũng tập trung vào Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công (LMI), một quan hệ đối tác được thành lập vào năm 2009 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm của 5 quốc gia ở Hạ lưu sông Mê Công. Tại một cuộc họp vừa qua ở Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định rằng các quốc gia Đông Nam Á là những đối tác chiến lược quan trọng mà Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác chiến lược để gia tăng sự hiện diện của mình tại khu vực này nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, lãnh đạo của Nhật Bản và 5 nước vùng sông MêCông (9/10/2018) đã thông qua một chính sách mới thúc đẩy việc thực hiện trên 150 dự án sử dụng viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản. Các dự án nằm trong khuôn khổ “Tokyo Strategy 2018” sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính : kết nối khu vực, xây dựng các xã hội đặt trọng tâm vào người dân, và bảo vệ môi trường, xử lý thiên tai. Các khu vực ưu tiên, được Nhật Bản và các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Công gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar nhất trí, bao gồm từ việc xây dựng cảng biển nước sâu, đường sắt và đường bộ đến phát triển lưới điện liên kết tất cả năm nước trong khu vực và xuất khẩu các công nghệ năng lượng sạch của Nhật Bản đến khu vực, bao gồm cả điện hạt nhân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công – Nhật Bản, các lãnh đạo của 5 nước vùng sông Mê Công cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Theo Nikkei Asian Review, các nước Đông Nam Á hiện đang nhận rất nhiều đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Nhật Bản cố gắng làm khác Trung Quốc bằng cách tập trung viện trợ vào việc hỗ trợ bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, cũng như trợ giúp tài chính. Sự can dự của Nhật Bản vào việc phát triển khu vực Mê Công cần được hiểu từ hai khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, nó thể hiện một yếu tố của sự hợp tác kinh tế của Nhật Bản với các nước đang phát triển. Khía cạnh thứ hai liên quan đến chiến lược ngoại giao của Nhật Bản nhằm đóng góp chung vào hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực chứ không phải nhắm tới vai trò của Trung Quốc. Những nỗ lực của Nhật Bản đi ngược lại ý định của Trung Quốc khi nước này khăng khăng rằng ASEAN+3 cần phải là nền tảng cho một trật tự khu vực ở Đông Á. Trung Quốc cũng đã dần giành được nhiều ảnh hưởng hơn đối với các quốc gia ASEAN sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này. Đáng chú ý là ASEAN và Trung Quốc đã ký hiệp định khung về việc thành lập Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).

Xu hướng

Tại hội nghị thượng đỉnh LMC vào tháng 1/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phê bình khẳng định rằng chiến lược phát triển BRI không hề thúc đẩy sự ổn định, ngược lại sẽ gây ra sự bất ổn và làm suy thoái hơn nữa con sông Mê Công vốn đang trong tình trạng khủng hoảng. Nhà nghiên cứu Đông Nam Á Bruce Shoemaker bình luận Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một môi trường ổn định cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực sông Mê Công, nhưng tác động của việc xây đập ở hạ lưu sông Mê Công sẽ làm mất ổn định các hệ thống sinh kế dựa vào đánh bắt cá mà hàng triệu người phải phụ thuộc vào để đảm bảo lương thực”.

Dòng chảy lành mạnh của hệ sinh thái sông Mê Công thúc đẩy sự ổn định bằng cách đảm bảo an ninh lương thực ở tất cả các nước vùng hạ lưu sông Mê Công và an ninh nông nghiệp ở Campuchia và Việt Nam. Mối đe doạ do việc xây đập quá nhiều trên sông Mê Công gây ra, cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, cần phải được các tổ chức khu vực và quốc tế lưu ý. Những hậu quả đối với Campuchia và Việt Nam sẽ gây thiệt hại và đảo ngược phần lớn tiến bộ đạt được tiến tới đáp ứng các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhưng các cơ quan Liên hợp quốc sẽ chịu tác động mạnh nhất từ sự sụp đổ của hệ sinh thái sông Mê Công – như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) – cho đến nay gần như không phát biểu gì về chủ đề này.

Nếu Trung Quốc muốn tránh xung đột về tài nguyên nước và một tác động gây mất ổn định đối với tương lai của khu vực sông Mê Công, thì Bắc Kinh cần lựa chọn một khuôn khổ hoàn toàn khác để can dự và đầu tư vào khu vực hạ lưu và xây dựng một tiến trình mới dựa trên phát triển bền vững. Trừ phi chính sách của Trung Quốc nhận thấy rằng một môi trường ổn định đòi hỏi phải bảo vệ ngành đánh bắt cá, an ninh lương thực, các di sản và sự đa dạng văn hoá của khu vực, nếu không thì tình trạng bất ổn và một sự hỗn loạn mới có thể nhấn chìm khu vực sông Mê Công.

RELATED ARTICLES

Tin mới