Monday, September 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLuật pháp quốc tế về hoạt động quân sự trên biển và...

Luật pháp quốc tế về hoạt động quân sự trên biển và thực tiễn tại Biển Đông

Hoạt động quân sự trên biển có tác động rất lớn đến an ninh biển. Đặc biệt, thực trạng hoạt động quân sự trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trung Quốc tập trận đổ bộ trên biển

Hoạt động quân sự trên biển

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động quân sự là một trong những thách thức lớn đối với an ninh nói chung và an ninh biển nói riêng, đặc biệt đối với những vùng biển có tranh chấp như Biển Đông. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế về hoạt động quân sự trên biển vẫn chưa được quy định chặt chẽ và sâu sát. Có thể nhận thấy, bên cạnh sự thịnh vượng mà các quốc gia có thể thụ đắc thì những mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng biển và đại dương xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng trở nên gay gắt. Thêm vào đó, một số quốc gia đã và đang hiện thực hóa tham vọng độc chiếm các vùng biển bằng sự gia tăng cả về cường độ lẫn quy mô của hoạt động quân sự trên biển. Theo hướng đó, hoạt động quân sự trên biển đã trở thành một thách thức lớn đối với hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia ven biển, khu vực và thế giới; trước hết là an ninh hàng hải và an ninh hàng không.

Riêng trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã và đang tiến hành hàng loạt những hoạt động quân sự, từng bước quân sự hóa khu vực này nhằm mục đích củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ. Cụ thể, Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi lấp, xây dựng bảy thực thể địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, từng bước thiết lập khu căn cứ quân sự nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Về tốc độ, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tăng diện tích cải tạo đất từ 20-810ha trên Biển Đông. Trung bình mỗi ngày các thực thể địa lý đó được xây dựng thêm 96,5m2. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ (08/5/2015), Trung Quốc đã mở rộng diện tích các thực thể địa lý đó lên khoảng 400 lần. Ảnh vệ tinh tháng 6/2015 cho thấy, phần diện tích được Trung Quốc cải tạo trên đá Chữ Thập đã lên tới 2,79km2, trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Hoạt động quân sự của Trung Quốc đã gây sức ép lên các nước trong khu vực phải hiện đại hóa quân đội kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác vì quan ngại trước hoạt động quân sự của Trung Quốc mà vận dụng mối quan hệ liên minh quân sự, theo đó, tình trạng đối đầu quân sự gây bùng nổ chiến tranh có khả năng xảy ra cao hơn. Không chỉ trạng thái hòa bình và an ninh ở Biển Đông bị đe dọa mà còn ảnh hưởng trong phạm vi thế giới.

Trong khi đó, luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không trực tiếp điều chỉnh về hoạt động quân sự trên biển mà chỉ ghi nhận một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là “sử dụng biển cả nhằm mục đích hòa bình”. Theo đó, các khái niệm về hoạt động quân sự, hoạt động quân sự trên biển cùng mối quan hệ với an ninh biển vẫn chưa nhận được nhiều sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và bài bản dưới góc độ khoa học pháp lý. Vì lẽ đó cho đến nay, cơ sở lý luận để đánh giá tính hợp pháp hay bất hợp pháp của hoạt động quân sự là chưa được hoàn bị. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động quân sự của các quốc gia rất ít được kiểm soát nên đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với an ninh biển.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tồn tại một số nguyên tắc và quy định trong luật quốc tế cũng có một phần gián tiếp hình thành nên một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quân sự của các quốc gia. Từ đó, việc nghiên cứu các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan đến hoạt động quân sự và mối quan hệ biện chứng với an ninh biển là vô cùng cần thiết để nhận diện được khuôn khổ pháp lý này cũng như là đưa ra các kiến nghị khả dụng nhằm hạn chế hay đi đến loại trừ nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh từ các hoạt động quân sự trên biển.

Hoạt động quân sự dựa vào hai tiêu chí chính là chủ thể thực hiện và mục đích thực hiện. Cụ thể: (1) Về chủ thể, đối với tiêu chí chủ thể thực hiện hoạt động quân sự thì có ba trường hợp xảy ra là: đơn phương; song phương và đa phương. Đối với hình thức song phương và đa phương chúng có điểm chung là có nhiều bên cùng tham gia vào một hoạt động quân sự tại một khu vực xác định. Hình thức hoạt động quân sự song phương hoặc đa phương này có thể xuất phát từ mối quan hệ liên minh quân sự hoặc hợp tác quân sự. Theo đó, sẽ tạo ra mối liên hệ biện chứng trên hai phương diện tích cực và tiêu cực. Nhìn chung, tính chất tích cực và tiêu cực của hành động liên minh quân sự đan xen, chuyển hóa tác động lẫn nhau; gây nguy hại đến các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh của đất nước, khu vực và thế giới. (2) Về mục đích hoạt động quân sự: Đe dọa và chiến tranh; bảo vệ và hòa bình. Phải thấy rằng, các hoạt động quân sự với mục đích đe dọa và chiến tranh là hết sức nguy hiểm và gây đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình của thế giới. Trong khi đó, hoạt động quân sự với mục đích bảo vệ và hòa bình sẽ loại trừ những dấu hiệu của hoạt động quân sự nhằm mục đích, đe dọa và chiến tranh.

Trong khi đó, an ninh là trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, của tổ chức, của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội. “An ninh”, hiểu theo một nghĩa đơn giản nhất, là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa.

Mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động quân sự và an ninh biển được phân tích trên bốn khía cạnh sau: An ninh hàng hải, an ninh hàng không; thương mại quốc tế và môi trường biển: (1) Mối quan hệ giữa hoạt động quân sự và an ninh hàng hải. Có thể nhận thấy, nếu trong vùng biển diễn ra hoạt động quân sự thì việc đi lại bình thường của các tàu thuyền ít nhiều đều sẽ bị tác động trên hai phương diện tích cực và tiêu cực. Hoạt động quân sự hợp pháp góp phần duy trì hòa bình, an ninh tại vùng biển, qua đó đảm bảo việc di chuyển bình thường của các loại tàu thuyền đi qua vùng biển này. Còn hoạt động quân sự bất hợp pháp sẽ cản trở, đe dọa đến an ninh hàng hải. (2) Mối quan hệ giữa hoạt động quân sự và an ninh hàng không. Xét thấy, an ninh hàng không trên không gian biển cũng là một bộ phận nằm trong an ninh biển. Vì quyền đi qua không gây hại chỉ đặt ra đối với tàu thuyền chứ không phải phương tiện bay nên phương tiện bay được qua vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia khi có thỏa thuận riêng với quốc gia ven biển. Cũng giống mối quan hệ với an ninh hàng hải, các loại hình hoạt động quân sự hợp pháp duy trì, củng cố nền an ninh hàng không. Còn hoạt động quân sự bất hợp pháp thì ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của những phương tiện bay. (3) Mối quan hệ giữa hoạt động quân sự và thương mại quốc tế. Có thể nhận thấy, so với các phương thức vận chuyển bằng đường bộ và hàng không, vận chuyển bằng đường biển được xem là hiệu quả nhất về số lượng và chi phí nên các hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế phần lớn được tiến hành bằng đường biển, do đó, những hoạt động quân sự trên biển khó tránh khỏi tác động đến lĩnh vực này. (4) Mối quan hệ giữa hoạt động quân sự và môi trường biển. Môi trường biển được hiểu là không gian khai thác của con người cùng với những hệ sinh thái biển và địa chất, địa mạo của biển. Đa số hoạt động quân sự cả hợp pháp và bất hợp pháp đều có tác động xấu đến hệ sinh thái biển và địa chất địa mạo của môi trường biển. Chỉ một số ít hoạt động quân sự hợp pháp có tác động tích cực đến hệ sinh thái biển và địa chất, địa mạo của biển như: nghiên cứu khoa học về môi trường biển, cải tạo khắc phục ô nhiễm môi trường biển… Còn những hoạt động quân sự hợp pháp khác như chiến tranh chính nghĩa, tập trận, công tác hậu cần quân đội, … đều ít nhiều tác động không tốt đến hệ sinh thái biển và địa chất địa mạo của biển.

Ngoài ra, hoạt động quân sự trên biển còn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của con người trong không gian biển. Cụ thể, hoạt động quân sự hợp pháp giúp duy trì nền hòa bình ổn định, qua đó, hoạt động khai thác của con người được diễn ra một cách bình thường, bảo vệ con người ra khỏi các nguy cơ về cướp biển và được cứu trợ khi gặp thiên tai, hiểm họa, … Còn hoạt động quân sự bất hợp pháp diễn ra tại vùng biển là ngư trường, hệ quả kéo theo là một cộng đồng ngư dân bị mất ngư trường. Sinh hoạt không được ổn định do cản trở hoạt động sinh kế. Nguy hiểm hơn, hoạt động quân sự bất hợp pháp rất có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của những người đang thực hiện hoạt động dân sự trên biển.

Như vậy, xét về mặt thực tiễn, có thể khẳng định rằng, các hoạt động quân sự đều ít nhiều có tác động xấu đến an ninh biển. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự hợp pháp thì có mức độ ảnh hưởng thấp hơn và sự ảnh hưởng này tồn tại như là một rủi ro mà các quốc gia tiến hành hoạt động quân sự hợp pháp không mong muốn.

Theo chiều hướng ngược lại, an ninh biển cũng có chiều tác động đến hoạt động quân sự. Đảm bảo an ninh hàng hải, an ninh hàng không, thương mại quốc tế và môi trường biển là động lực tiến hành hoạt động quân sự vì mục đích hòa bình và phản đối hoạt động quân sự vì mục đích chiến tranh. Theo đó, để đảm bảo được an ninh biển, các quốc gia phải tiến hành hoạt động quân sự rất thận trọng và tuyệt đối không vì mục đích chiến tranh.

Luật pháp quốc tế về hoạt động quân sự

Một là, nguyên tắc tự do biển cả với nội dung biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia có biển hay không có biển khai thác, sử dụng và quản lý, trong đó có hoạt động quân sự. Nguyên tắc này làm rõ một điều, hoạt động quân sự trên biển là quyền của mỗi quốc gia trong vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, quyền này bị hạn chế dần theo hướng từ biển cả vào lãnh thổ của quốc gia ven biển.

Hai là, nguyên tắc đất thống trị biển. Nguyên tắc này mang hàm nghĩa lãnh thổ trên bộ quyết định lãnh thổ trên biển của một quốc gia. Xuất phát từ chủ quyền lãnh thổ trên bộ, các quốc gia có quyền đơn phương hoặc thỏa thuận với các quốc gia hữu quan để hoạch định các vùng lãnh thổ khác của quốc gia bao gồm: lãnh thổ trên biển, lãnh thổ trên không và lãnh thổ trong lòng đấ. Phạm vi hoạt động quân sự trên biển của quốc gia phụ thuộc vào việc xác định các vùng biển dựa vào chủ quyền đối với lãnh thổ kế cận.

Ba là, nguyên tắc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Việc quy định nguyên tắc này góp phần bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trước những tác động xấu của con người và thiên nhiên.

Bên cạnh những nguyên tắc đặc thù của luật biển quốc tế thì những quy định của UNCLOS cũng có vị trí rất quan trọng trong khuôn khổ pháp lý về hoạt động quân sự, những quy định có liên quan đến hoạt động quân sự trong UNCLOS là một cơ sở pháp lý vững chắc ràng buộc các quốc gia thành viên thực hiện. UNCLOS không trực tiếp điều chỉnh các hoạt động quân sự trong từng vùng biển. Tuy nhiên, UNCLOS đã loại ra các trường hợp sử dụng biển có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh của các quốc gia bằng cách quy định nguyên tắc sử dụng biển cả cho mục đích hòa bình. Trong công trình này, nhóm tác giả đã thống kê và phân tích những điều luật có trong UNCLOS có liên quan đến vấn đề hoạt động quân sự theo từng vùng biển, để có được một nền tảng pháp lý riêng về hoạt động quân sự trong Công ước này.

Bên cạnh những nguyên tắc đặc thù luật biển quốc tế cũng như các quy định cụ thể có trong UNCLOS, hoạt động quân sự còn chịu sự chi phối bởi hệ thống quy định chung của luật pháp quốc tế như các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc 1945, một số điều ước quốc tế có liên quan và những quy định mang tính chất khu vực trong một số cam kết quốc tế song phương và đa phương khác.

Một là, Các nguyên tắc cơ bản và quy định chung của luật quốc tế liên quan đến hoạt động quân sự. Nhóm tác giả nhận thấy trong số bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế thì những nguyên tắc sau đây có liên quan đến vấn đề hoạt động quân sự là: Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình; nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế; nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda).

Hai là,quy định điều chỉnh về hoạt động quân sự trong Hiến chương liên hợp quốc về quyền tự vệ của quốc gia khi bị tấn công vũ trang. Cụ thể: quyền này được quy định tại Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc như sau: Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên Liên hợp quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng bảo an, chiếu theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà Hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Hoạt động quân sự nếu là nhằm tự vệ thì không vi phạm luật pháp quốc tế. Điều luật cũng quy định rõ, quyền tự vệ này được đặt ra khi quốc gia bị tấn công vũ trang. Điều này có nghĩa là, hoạt động quân sự mang tính tự vệ không thể được tiến hành trước mà chỉ được tiến hành sau khi phía đối phương đã phát động tấn công.

Ba là, Điều ước, cam kết quốc tế đa phương trong khu vực Biển Đông có liên quan đến hoạt động quân sự. Trong phần này, nhóm tác giả tập chỉ tập trung vào một số điều ước quốc tế có liên quan và những quy định mang tính chất khu vực trong một số cam kết quốc tế song phương và đa phương khác. Các cam kết quốc tế cần ưu tiên nhắc tới có điều chỉnh về hoạt động quân sự ở Biển Đông chính là Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập năm 1971 (Zone of Peace, Freedom and Neutrality – ZOPFAN) với nội dung loại trừ hoạt động quân sự của các quốc gia ngoài khu vực trong không gian Biển Đông can thiệp vào sự Hòa bình, Tự do và Trung lập của các quốc gia Đông Nam Á; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia – TAC) năm 1976 cũng có liên quan đến hoạt động quân sự của các nước trong khu vực này; Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992 tổ chức tại Manila (Philippines); Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (Southeast Asian Nuclear-Weapon-Free Zone Treaty – SEANWFZ) năm 1995 và Nghị định thư kèm theo Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và đặc biệt là văn kiện quan trọng trong vấn đề hoạt động quân sự ở Biển Đông chính là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Thêm vào đó, Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC ra đời năm 2011 và Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông năm 2012 cũng điều chỉnh đến hoạt động quân sự trong khu vực Biển Đông. Những cam kết song phương liên quan đến hoạt động quân sự trên Biển Đông có sự tham gia của các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Mỹ và Nhật Bản cũng được nhóm tác giả đề cập trong công trình.

Từ cơ sở luật pháp quốc tế đã phân tích, nhóm tác giả đã rút ra kết luận rằng: Luật pháp quốc tế vẫn chưa điều chỉnh hoạt động quân sự nói chung và hoạt động quân sự trên Biển Đông một cách cụ thể, chặt chẽ và mang tính ràng buộc pháp lý cao. Đa phần cơ sở pháp lý này xuất phát từ những nguyên tắc và quy định chung của luật quốc tế, còn các cam kết song phương và đa phương trong khu vực thì chủ yếu khẳng định lại những nguyên tắc và quy định chung này. Mặc dù có một vài cam kết của các nước trong khu vực có hạn chế hay quy định thêm một số hình thức hoạt động quân sự nhưng những cam kết này chỉ mang giá trị là nhận thức chính trị, hiệu lực pháp lý ràng buộc các quốc gia là không cao.

Thực trạng hoạt động quân sự của một số quốc gia trong không gian Biển Đông

Chủ trương, đường lối quân sự của Việt Nam về cơ bản đã được điều chỉnh để phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại vài điểm trong pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị, điều này làm cho việc thực thi chính sách hoạt động quân sự của Việt Nam có thể sẽ gặp không ít trở ngại. Cụ thể những điểm chưa phù hợp là: Tuyên bố 1982 về lãnh hải thì bị nhận định là chưa phù hợp với UNCLOS 1982; Sự không phù hợp trong quy định về quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài.

Đối với thực trạng tiến hành các hoạt dộng quân sự của Việt Nam tác động đến an ninh Biển Đông: Một là, Việt Nam có xây dựng các thực thể địa lý ở Biển Đông, tuy nhiên quan điểm của nước này là không cố ý biến các bãi cạn này thành đảo nổi và cố tình gán ghép chúng trở thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Việt Nam cho rằng mọi hành vi cố ý và gán ghép đó là hoàn toàn sai trái trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS cần phải lên án, bác bỏ. Từ đó, xét về danh nghĩa pháp lý của việc xây dựng các nhà giàn thì Việt Nam đang thực hiện quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, còn xét về mục đích thì các nhà giàn đó được sử dụng hòa bình, không mang tính tấn công, tác chiến. Hai là, Việt Nam có tăng cường hiện đại hóa quân sự. Tuy nhiên, trước sức ép bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các đảo đá ở Biển Đông, việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam cũng là một xu hướng tất yếu. Luật pháp quốc tế không ràng buộc quốc gia trong việc nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội. Ba là, một số hoạt động quân sự của Việt Nam có quy mô sâu rộng từ năm 2008 đến nay.

Theo đó, thực trạng hoạt động quân sự của Việt Nam là: Hoạt động quân sự của Việt Nam ở Biển Đông có xu hướng phòng thủ; Việt Nam không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào và Việt Nam đã chủ động hợp tác quân sự. Như vậy, có thể nhận thấy hoạt động quân sự của Việt Nam về cơ bản vẫn nằm trong khuôn khổ các nguyên tắc, quy định chung của luật pháp quốc tế và các cam kết song phương, đa phương. Do đó, hoạt động quân sự của quốc gia này, không gây tác động tiêu cực đến an ninh Biển Đông.

Trung Quốc, đối lập với chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, quốc gia này đã và đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự nhằm hiện thực hóa yêu sách “Đường chữ U”, bao trọn 80% diện tích Biển Đông.

Về chủ trương của Trung Quốc: Những quy định trong pháp luật của Trung Quốc về biển là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính lãnh hải 1996 đã giải thích và áp dụng sai quy định của UNCLOS; Yêu sách “Đường chữ U” của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS. Đối với thực trạng hoạt động quân sự của Trung Quốc, quốc gia này đã và đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự trên biển vi phạm luật pháp quốc tế. Những hoạt động này được xúc tiến trên cơ sở chính sách pháp luật về hoạt động quân sự trên biển rất chú trọng nâng cao năng lực chiến đấu trong chiến tranh, thể hiện rất rõ thái độ sẵn sàng đe dọa, sử dụng vũ lực và quân sự hóa. Điều này xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của quốc gia khác, đe dọa đến an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Về chính sách hoạt động quân sự của Philippines có hai đặc điểm đáng chú ý như sau: Thứ nhất, Philippines là nước có liên minh quân sự với nước ngoài. Nước này có nền quân sự bị đánh giá là yếu nhất nhưng lại có liên minh quân sự với cả Mỹ và Nhật Bản. Việc liên minh quân sự này tạo điều kiện cho Mỹ và Nhật Bản hoạt động quân sự nhiều hơn trong khu vực Biển Đông. Thứ hai, Philippines chọn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp tư pháp. Cụ thể là sử dụng thiết chế Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS.

Có thể nhận thấy, thiện chí của Philippines trong việc đưa ra chính sách pháp luật của mình. Tuy nhiên, so với những điều ước và cam kết quốc tế mà nước này là thành viên còn hai điểm chưa phù hợp: Philippines đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi ban hành luật điều chỉnh về Trường Sa tại điểm a mục 2 Đạo luật Cộng hòa số 9522 và Sắc lệnh Tổng thống 1599; cũng giống với Trung Quốc và Việt Nam, Philippines cũng quy định tàu quân sự khi vào lãnh hải của Philippines phải thông báo trước. Đây là điều chưa phù hợp với UNCLOS.

Về hoạt động quân sự của Philippines trên Biển Đông, có thể rút ra được hai nhận xét: Thứ nhất, việc tập trận của quân đội Philipines và Mỹ là nguy cơ gây căng thẳng tinh hình ở Biển Đông khi vị trí của những cuộc tập trận này rất gần với vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Thứ hai, tuy nước này đang thực hiện việc chiếm đóng trái phép ở phần lãnh thổ Việt Nam nhưng theo các điều ước quốc tế và cam kết chính trị đã được ký kết thì nước này được phép giữ nguyên trạng đợi đến khi có phương án giải quyết thích hợp.

Kết luận:

Từ khía cạnh luật quốc tế, cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều có những cách viện dẫn và triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông riêng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, yêu sách của Trung Quốc và Philipines vẫn chỉ là ngụy biện. Chính vì vậy, các hoạt động quân sự của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mang tính chính danh, được cộng đồng quốc tế và hệ thống luật pháp quốc tế đương đại ủng hộ và chấp nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới