Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngBộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông “nóng” ngay từ đầu...

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông “nóng” ngay từ đầu năm 2019

Từ đầu năm đến nay, các bên liên quan liên tục có các động thái nhằm thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019

Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (17-18/1) tại Chiang Mai, Thái Lan. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục trao đổi về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh dù đã có một số tiến triển, song tình hình thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Tại buổi họp báo về kết quả Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết: “Các Bộ trưởng mong rằng sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức để đạt được lần rà soát đầu tiên của dự thảo văn bản đàm phán COC. Sau khi có lần rà soát này thì hy vọng sẽ đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan và rốt cuộc dẫn đến việc hoàn tất đàm phán COC”.

Việt Nam thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (15/1) cho rằng việc tiến hành soạn thảo COC là chậm trễ và nhiều điểm từ trong DOC không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng; thừa nhận Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trong khu vực. Tờ Bưu điện Hoa Nam tại Hồng Công (17/1) cho rằng Việt Nam đang mệt mỏi và mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán trên Biển Đông, nhận định võ đoán khi cho rằng Việt Nam đang “lợi dụng” việc Mỹ và đồng minh phương Tây tiến hành chiến dịch tự do hàng hải để tái khẳng định chủ quyền của mình và Việt Nam muốn “thể hiện sự ủng hộ của mình với các đồng minh phương Tây”, điều này có thể làm Trung Quốc giận dữ. Đáng chú ý, tờ báo này còn cho rằng Việt Nam đang thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đánh giá về tuyên bố trên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định chính Trung Quốc là bên không muốn có một sự ràng buộc về pháp lý trong COC, để có thể dễ dàng thao túng khi tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ và yếu hơn; đồng thời cho rằng Trung Quốc đang tìm cách câu giờ để họ có thể từ từ chiếm đóng các đảo, xây đảo nhân tạo, lập nên một hiện trạng và bắt các quốc gia khác phải công nhận. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng nếu nhận định rằng Việt Nam nhân cơ hội tàu Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để tái khẳng định chủ quyền là không xác đáng, vì từ trước đến nay Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; cho rằng quan điểm của Việt Nam trước sau như một, một mặt Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ với Mỹ, song mặt khác Việt Nam cũng cần phải bảo vệ những lợi ích ở Biển Đông – những lợi ích này hoàn toàn được quốc tế công nhận, vì vậy Việt Nam phải cương quyết với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là điều hiển nhiên.

Philippines sẽ phối hợp với Việt Nam về COC?

Sau khi hãng tin Reuters cho biết Việt Nam có không nhất trí với Trung Quốc về COC khi yêu cầu phải làm rõ vấn đề chủ quyền trên biển theo đúng luật quốc tế, không chấp nhận đòi hỏi cấm tập trận với các nước ngoài khu vực trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra, không chấp nhận thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển, và bác bỏ đề nghị loại bỏ các công ty dầu khí nước ngoài trong các hợp tác phát triển trong khu vực với các nước ASEAN. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (2/1) ra thông cáo kêu gọi chính phủ Philippines hỗ trợ lập trường của Việt Nam liên quan COC. Ông Del Rosario cho rằng việc tham vấn với Việt Nam là một bước mang tính xây dựng nhằm tạo cơ hội cho Philippines, đồng thời đề cao lập trường của hai bên, dẫn tới một kế hoạch hành động có lợi cho cả hai nước và các nước khác; đồng thời cảnh báo, Trung Quốc sẽ lợi dụng thỏa thuận này nhằm hợp pháp hóa các đảo nhân tạo mà họ đã trang bị vũ khí ở vùng biển tranh chấp, kêu gọi Chính quyền cần hết sức cảnh giác nhằm đảm bảo rằng COC không bị Bắc Kinh lợi dụng cho mục đích bảo vệ những gì đã được tuyên bố là bất hợp pháp bởi phán quyết của Tòa trọng tài (7/2016). Theo ông Del Del Rosario, Philippines nên ủng hộ một số lập trường của Việt Nam trong dự thảo đàm phán COC, cụ thể: Cấm thiết lập bất kỳ khu vực nhận dạng phòng không mới nào mà các máy bay phải khai báo nhận dạng với chính quyền Trung Quốc; Làm rõ các quyền lợi hàng hải theo luật pháp quốc tế; Ngăn chặn một đề xuất của Trung Quốc về việc cấm các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông với các nước bên ngoài khu vực trừ khi tất cả các bên ký kết đồng ý; Ngăn chặn đề xuất của Bắc Kinh nhằm loại trừ các công ty dầu khí nước ngoài bằng cách hạn chế các thỏa thuận phát triển chung đối với Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông Del Rosario cũng nhấn mạnh sự đồng thuận của ASEAN về các điểm đã nói ở trên, nếu đạt được, sẽ cho thế giới thấy rằng ASEAN là một hiệp hội vững chắc sẵn sàng duy trì mạnh mẽ vai trò trung tâm của mình và không cho phép bản thân bị bắt nạt và hối lộ.

Liệu Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có giúp bảo đảm ổn định khu vực?

Chuyên gia Aaron Rabena, nghiên cứu viên tại Viện Đối ngoại Philippines nhận định một số cách thức để COC có thể có giá trị hơn. Theo đó, những diễn biến trên Biển Đông từ năm 2012 đến nay đã cho thấy tính không hiệu quả của DOC và sự phức tạp của các vấn đề kinh tế, môi trường, luật pháp, chính trị và chiến lược. Việc ASEAN và Trung Quốc công bố Văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC tháng 8/2018 đã đem đến hy vọng rằng Bộ Quy tắc sẽ bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong dự thảo COC, có 5 vấn đề quan trọng cần phải đàm phán, đó là: phạm vi địa lý, giải quyết tranh chấp, nghĩa vụ hợp tác, vai trò của bên thứ ba, và tính pháp lý. Chuyên gia Aaron Rabena đưa ra 4 cách thức để góp phần làm cho COC có giá trị hơn. Cụ thể: (1) Phạm vi áp dụng của COC nên bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough bởi đây là các khu vực thường xảy ra các vụ việc ở mức khủng hoảng. (2) Nghĩa vụ hợp tác có thể bao gồm việc thiết lập các khu vực bảo tồn biển chung, một tổ chức nghề cá khu vực và một chương trình du lịch biển tích hợp ở Trường Sa, trong đó định hướng lại mục đích sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc, tận dụng cơ sở hạ tầng tiên tiến để phục vụ nghiên cứu khoa học, phòng tránh thiên tai, cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo. (3) i) Các cường quốc như Australia, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Mỹ tham gia vào lợi ích địa chính trị ở Biển Đông. Nếu Mỹ là thành viên của COC thì các nước khác sẽ tham gia, khi đó Trung Quốc sẽ điều chỉnh hành vi của mình trên Biển Đông. (4) Để COC ràng buộc về pháp lý, cần có điều khoản trừng phạt hoặc hình thức phạt đối với các vụ việc các nước thành viên từ bỏ hoặc không tuân thủ COC.

Tiến trình đàm phán COC sẽ gặp bế tắc

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc và ASEAN tiếp tục bất đồng sâu sắc về các nội dung của COC. Trung Quốc đưa ra yêu cầu các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài ở Biển Đông sẽ không được phép diễn ra trừ khi tất cả các bên ký kết COC đồng ý và các thỏa thuận phát triển tài nguyên chung trên biển chỉ được dành cho Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam đưa ra quan điểm yêu cầu phải làm rõ vấn đề chủ quyền trên biển theo đúng luật quốc tế, không chấp nhận đòi hỏi cấm tập trận với các nước ngoài khu vực trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra, không chấp nhận thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển, và bác bỏ đề nghị loại bỏ các công ty dầu khí nước ngoài trong các hợp tác phát triển trong khu vực với các nước ASEAN. Từ tình hình trên cho thấy, cuộc đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ nhiều khả năng cam go và có thể kéo dài quá thời hạn ba năm mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới