Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 30/01/2019

Bản tin Biển Đông ngày 30/01/2019

Bản tin Biển Đông ngày 30/01/2019.

Hải quân Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thảo luận nhằm làm giảm căng thẳng ở Biển Đông

Ngày 29/1, tờ South China Morning Post đưa tin, Đô đốc John Richardson của Hải quân Mỹ cho biết hải quân Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục đối thoại nhằm làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm về quân sự ở Biển Đông. Theo ông Richardson, các cuộc thảo luận là dấu hiệu tích cực cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang hướng tới kế hoạch làm giảm căng thẳng ở vùng biển tranh chấp này. Nhắc lại vụ việc giữa tàu Decatur của Mỹ và tàu hải quân Trung Quốc hồi tháng 9/2018, Đô đốc Richardson cho rằng hai bên không nên làm khó nhau bằng cách phô diễn trước mặt nhau như vậy. Theo ông Richardson, các vụ đụng độ tương tự trên biển đang trở nên thường xuyên hơn khi quân đội Trung Quốc lớn mạnh và hoạt động nhiều hơn. Với cơ chế trao đổi thông tin giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc, nếu có vụ việc gì xảy ra, hai bên có thể gọi cho nhau và giảm leo thang trước khi sự việc trở nên quá nóng.

Việc Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông giống như đang chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ ba

Ngày 29/1, trang Navy Times đưa tin, Nghị sỹ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cho rằng việc Trung Quốc đang xây dựng các công trình quân sự trên các đảo ở Biển Đông giống như là “đang chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ ba”. Bình luận về các thách thức gây ra bởi các cường quốc quân sự mới nổi là Trung Quốc và Nga, Nghị sỹ Inhofe cho biết quân đội Mỹ đã duy trì sự hiện diện ở Biển Đông và rộng hơn là Thái Bình Dương, chủ yếu là theo dõi Trung Quốc yêu sách các đảo đá trước khi biến các rặng san hô thành các pháo đài với đầy đủ vũ khí và vật liệu dự trữ. Việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tới quần đảo Trường Sa là kích động các nước láng giềng và tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, là sự quyết đoán khiến cho hải quân Mỹ phải kiểm tra thông qua các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên. Ông Inhofe cùng các nghị sỹ và chuyên gia khác tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ đều ghi nhận tính cấp bách của mối đe dọa Trung Quốc chống lại Mỹ và trật tự thế giới ngày nay có thể chưa được người dân Mỹ nhận thức một cách đầy đủ. Ely Ratner, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng người dân Mỹ nên “chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Elbridge Colby, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định, các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ với các nước vành đai Thái Bình Dương khẳng định niềm tin rằng một trật tự thế giới của Trung Quốc là không thể tránh khỏi; do vậy, Mỹ nên trân trọng và tăng cường các mối quan hệ này.

The Straits Times ngày 30/1 đưa tin, cũng tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 29/1, một báo cáo tình báo dài 42 trang về các mối đe dọa toàn cầu mới đã được đệ trình lên Thượng viện. Theo đó, Trung Quốc có vẻ sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng tại quần đảo Trường Sa nhằm nâng cao khả năng kiểm soát và thể hiện sức mạnh. Giám đốc tình báo Mỹ Dan Coats cho rằng “khả năng và tầm với quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng khi nước này đầu tư mạnh vào phát triển và chế tạo các loại vũ khí tối tân, và Bắc Kinh sẽ sử dụng lực lượng quân sự của mình để mở rộng phạm vi và gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình”. Ông Coats dự đoán, theo xu hướng này, Trung Quốc sẽ cố gắng củng cố và tăng cường kiểm soát trong phạm vi tầm ảnh hưởng trực tiếp ở Biển Đông và sự hiện diện trên toàn cầu sẽ được mở rộng hơn nữa. Báo cáo tình báo cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ đẩy mạnh việc truyền bá tư tưởng tới các nước ASEAN rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại các vùng biển Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực.

Trung Quốc thiết lập trung tâm cứu hộ ở Biển Đông

Theo Tân Hoa xã ngày 29/1, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã mở trung tâm cứu hộ tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa nhằm “bảo vệ tốt hơn an toàn hàng hải và vận tải ở Biển Đông”, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở khu vực phía Nam Biển Đông. Trung Quốc cho biết, từ tháng 7/2018, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã cử 2 tàu cứu hộ lần lượt đến đá Xu Bi để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, trong 8 chuyến đã cứu được 16 người và 2 tàu gặp nạn, trục vớt số tài sản trị giá 12 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu đô la Mỹ).

379

Liên quan đến việc này, tờ Japan Times ngày 29/1 cho rằng, đây thực chất là cố gắng của Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách của mình tại vùng biển chiến lược này. Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc đang nỗ lực tạo kiểm soát Biển Đông trên thực tế với 3 đảo nhân tạo – Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn – đều có các sân bay cấp quân sự, các ụ chứa tên lửa, kho chứa rộng rãi, các thiết bị theo dõi vệ tinh, hoạt động và thông tin quân sự của nước ngoài. Trung Quốc luôn miệng nói rằng các cơ sở tại các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng là phục vụ mục đích phòng vệ, bản thân các cấu trúc mang tính dân sự. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động của Trung Quốc có thể giúp tăng cường các yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo đá này.

RELATED ARTICLES

Tin mới