Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTháng 1/1979: 600.000 quân xâm lược tập trung lên biên giới Trung-Việt

Tháng 1/1979: 600.000 quân xâm lược tập trung lên biên giới Trung-Việt

Trong tháng 1/1979, Trung Quốc cơ bản đã chuẩn bị xong lực lượng và phương án tiến đánh Việt Nam, chỉ chờ sự gật đầu của Mỹ là khai chiến.

Trong kỳ trước với tiêu đề: “Tháng 12/1978: Đặng Tiểu Bình hạ quyết tâm xâm lược Việt Nam”,chúng ta đã được biết rằng, bắt đầu từ đầu năm1978, quan hệ Việt-Trung xấu đi nghiêm trọng, đến tháng 11/1978, Trung Quốc về cơ bản đã xác định quyết tâm xâm lược Việt Nam, đến tháng 12 thì Đặng Tiểu Bình đã ra quyết định tấn công nước ta và ráo riết chuẩn bị lực lượng cho đòn đánh bất ngờ, đồng thời triển khai các biện pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc hoạch định kế hoạch tác chiến đánh Việt Nam

Tại cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng ngày 31/12/1978, Đặng Tiểu Bình đã chỉ định Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) chỉ huy cánh quân Quảng Tây và Dương Đắc Chí chỉ huy cánh quân Vân Nam. Đồng thời, Đặng Tiểu Bình cũng quyết định không thành lập Bộ chỉ huy chung mà hai cánh quân sẽ tiến hành chiến đấu độc lập, không có phối hợp hoặc hiệp đồng.

Theo tinh thần chỉ đạo và đường lối chiến tranh đó, chỉ huy 2 cánh quân chủ lực của Trung Quốc đã xây dựng những kế hoạch tác chiến riêng, trong đó tập trung nhấn mạnh đến việc phải tiêu diệt các sư đoàn quân chính quy của Việt Nam dọc biên giới Trung-Việt.

Về phương châm tác chiến chủ đạo của cuộc chiến tranh, Hứa Thế Hữu đã vận dụng kinh nghiệm chiến đấu của mình và các bài bản chiến thuật của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để đưa ra phương châm tác chiến chủ đạolà “ngưu đao sát kê” (dùng dao mổ trâu để giết gà).

Hứa Thế Hữu xác định sẽ “triển khai 2 mũi tấn công lớn từ 2 hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.

Xuất phát từ đó, Hứa Thế Hữu đã đưa ra nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm:

Một là:Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của quân Việt Nam.

Hai là:Sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của Việt Nam tại những những cứ điểm then chốt.

Ba là: Các đơn vị xung kích phải dốc sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công theo tất cả các con đường dẫn đến trung tâm chỉ huy.

Họ Hứa tin rằng, dưới sự chỉ huy của của ông ta, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam thành từng mảnh, đập tan mọi sự kháng cự, thọc sâu, bao vây, chia cắt và sau đó tiêu diệt lực lượng của Việt Nam.

Về các giai đoạn của cuộc chiến tranh được Bắc Kinh gọi bằng cái tên đầy thương cảm là “Chiến tranh phản kích tự vệ”, giới tướng lĩnh Trung Quốc xác định có thể chia thành ba giai đoạn sặc mùi hiếu chiến là: “Khai chiến, Tiêu diệt và Quét sạch”.

Trong giai đoạn đầu từ từ 17/02 đến 25/02, hai mũi nhọn tấn công của quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam, tấn công vào Cao Bằng và Lào Cai, nhằm bao vây và tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam tại đó; đồng thời đánh chiếm các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.

Trong giai đoạn thứ hai từ 26/02 đến 05/3, lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây; trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ huy động lực lượng áp đảo để tấn công trực diện vào các sư đoàn Quân đội Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ – Lai Châu.

Trong giai đoạn cuối từ ngày 06/3 đến 16/3, quân Trung Quốc sẽ nỗ lực truy quét để tiêu diệt nốt các lực lượng còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự của Việt Nam tại khu vực biên giới hai nước, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng 3.

Qua sự tiết lộ sau này của giới truyền thông Trung Quốc và các học giả quốc tế về kế hoạch tàn sát các tỉnh phía Bắc Việt Nam, chúng ta càng nhận rõ hơn dã tâm và âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 02/1979.

Huy động lực lượng khổng lồ, bố trí binh lực tiến công Việt Nam

Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người”, Trung Quốc đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Quân đoàn và Tập đoàn quân chủ lực thuộc 5 Đại quân khu (1 TĐQ làm nhiệm vụ dự bị chiến lược, sẵn sàng chi viện cho các hướng) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh, trong đó có 20 sư đoàn tham chiến ngay từ đầu).

Cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm lực lượng của các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong đó, hướng Lạng Sơn do 03 Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn 03 Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công hướng Cao Bằng.

Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí – Tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50, đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước là Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).

Trong đó, hướng Hoàng Liên Sơn do Tập đoàn quân 13, 14 triển khai tấn công; Tập đoàn quân 11 đánh theo hướng Lai Châu.

Ngoài ra, ở các nhánh tấn công phụ trên biên giới khu vực phía bắc và đông bắc, thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có ít nhất từ 2-3 sư đoàn, sau đó được tăng viện thêm.

Các chiến dịch quân sự dự kiến được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo tuyến biên giới từ đông sang tây, kéo dài đến 900 km, với lực lượng tham dự lên đến hơn nửa triệu quân.

Tập trung binh lực khổng lồ để “tự vệ trước Việt Nam”

Tổng số quân được Trung Quốc huy động vào khoảng 620.000 quân, trong đó có hơn 320.000 quân chủ lực, được coi là thiện chiến nhất khi đó, núp dưới danh nghĩa bộ đội địa phương.

Trung Quốc đã huy động khoảng 30 vạn dân công và dân binh

Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hơn 300.000 dân công [gồm cả dân binh, thuộc lực lượng quân dự bị] ở các tỉnh biên giới để vận tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Theo số liệu công khai, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.

Đến giữa tháng 1/1979, lực lượng khổng lồ bằng một phần tư quân đội thường trực của QGPND Trung Quốc (tương đương gần 20 sư đoàn chính quy) đã được đưa đến biên giới Trung-Việt, với khối lượng trang bị khổng lồ và lực lượng hỗ trợ hậu cần hùng hậu.

Về vũ khí-trang bị, Lục quân Trung Quốc đã tập kết hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn khẩu pháo, cối và các loại vũ khí khác, tập trung ở các bàn đạp gần biên giới Việt Nam.

Theo một số nguồn tin của Trung Quốc, lực lượng tác chiến hỏa lực gồm có 6 trung đoàn xe tăng; 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không độc lập, với tổng số gần 800 xe tăng-thiết giáp (550 xe tăng), 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn.

Về hỗ trợ trên không, hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom (tức 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc), đã được đưa đến các sân bay tuyến 1 giáp biên giới (ở các sân bay tuyến sau có khoảng 1000 máy bay nữa), sẵn sàng phối hợp với các lực lượng lục quân, chuẩn bị một chiến dịch tấn công tổng lực, đại quy mô, xâm lược toàn diện tuyên biên giới Việt Nam.

Ngoài ra, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải đã được huy động tràn xuống Biển Đông để hợp sức với các biên đội tàu sân bay hùng hậu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ phong tỏa dải bờ biển Việt Nam, ngăn chặn lực lượng của hải quân Liên Xô hiện diện ở Biển Đông tham chiến và mở đường tiếp viện.

Tuy nhiên, do những định hướng chiến lược của cuộc chiến tranh, quân đội Trung Quốc không huy động lực lượng không quân và hải quân tham chiến.

Tổ chức bồi dưỡng chính trị, huấn luyện tác chiến

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn lo lắng vì không biết lực lượng tham chiến có đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh hay không.

Đặng Tiểu Bình đã cử Phó tổng tham mưu trưởng Dương Dũng, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Vi Quốc Thanh và Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần Trương Chấn lần lượt đến Vân Nam và Quảng Tây để thị sát khả năng chiến đấu của các binh sĩ tại Vân Nam và Quảng Tây.

Qua kiểm tra, lo ngại vấn đề tâm lý do Quân đội Trung Quốc đã vài chục năm chưa tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh lâu dài nào và thực trạng chuẩn bị chiến đấu bết bát của các đơn vị tác chiến tuyến đầu, Trương Chấn đã lập tức đề nghị hoãn cuộc chiến lại một tháng.

Quân đội Trung Quốc được lệnh lùi thời điểm tiến hành cuộc chiến tranh từ giữa tháng 1/1979 đến khoảng giữa tháng 2/1979 mới nổ súng tấn công, để đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến đấu trên tất cả các lĩnh vực chính trị-tư tưởng, chiến thuật tác chiến, vũ khí, trang bị, tiếp tế hậu cần…

Trong suốt tháng Giêng năm 1979, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện chiến đấu và diễn tập nhằm củng cố tinh thần chiến đấu và nâng cao khả năng tác chiến cho binh lính.

Công tác huấn luyện quân sự được tập trung nhiều vào những kỹ năng cá nhân cơ bản của người lính như bắn, ném lựu đạn; không có điều kiện nâng cao sự phối hợp giữa lực lượng bộ binh với các đơn vị hỏa lực và giữa bộ binh với tăng-thiết giáp đi kèm.

Mặc dầu nhu cầu huấn luyện là cấp bách, nhưng giới chức lãnh đạo quân sự của nước này vẫn không quên truyền thống quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là sử dụng học thuyết chính trị để nâng cao tinh thần và bù đắp cho những hạn chế về hiệu năng chiến đấu.

Cỗ máy tuyên truyền khổng lồ đã được thiết lập để thuyết phục binh lính rằng, quyết định của ban lãnh đạo Trung ương là cần thiết và đúng đắn vì Việt Nam từ khi theo Liên Xô đã thay đổi một cách xấu xa và đang thực thi tham vọng bành trướng khắp Đông Dương.

Các bài giảng chính trị mang tính nhồi sọ và các cuộc họp được mở liên miên với việc trưng bày các bằng chứng, hiện vật, cũng như tranh ảnh, hoặc là ngụy tạo hoặc là bị xuyên tạc về ý nghĩa, nhằm gia tăng chủ nghĩa yêu nước và lòng căm thù “tiểu bá Việt Nam”.

Để chuẩn bị dư luận, Trung Quốc công khai tuyên bố trước dư luận trong nước và quốc tế rằng “Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô”; “Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục”; cuộc tiến công của Trung Quốc vào Việt Nam sắp tới là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Đặng Tiểu Bình tìm kiếm cam kết chắc chắn của Mỹ

Guồng máy khổng lồ đảm bảo hoạt động cho một cuộc xâm lược quy mô, núp dưới cái tên khêu gợi sự thương cảm của cộng đồng quốc tế là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đã được chuẩn bị xong và chỉ đợi thời cơ để sẵn sàng gieo tội ác xuống đất nước láng giềng nhỏ bé và thân thiện.

Trung Quốc đã được Mỹ ủng hộ đánh Việt Nam và ngăn chặn Liên Xô

Trong tháng 1/1979, song song với việc chuẩn bị chiến tranh của quân đội, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng xúc tiến các hành động ngoại giao, nhằm đảm bảo nhận được sự ủng hộ của Mỹ [ở Liên Hiệp Quốc và trên trường quốc tế]; giúp ngăn chặn sự can thiệp của Liên Xô.

Để thực hiện mục đích này, Đặng Tiểu Bình đã lên đường thăm Mỹ vào ngày 28 tháng 1 năm 1979.

Đặng Tiểu Bình đã thông báo về ý định chuẩn bị tấn công Việt Nam cho đồng minh mới Hoa Kỳ, mong nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh của Washington trong khối NATO và ngăn chặn các nghị quyết chống Trung Quốc do Liên Xô khởi thảo trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình đã hứa lãnh trách nhiệm thay Mỹ “dạy cho Việt Nam một bài học”, dùng hành động thực tế để chứng minh những cam kết giữa hai bên, đồng thời cũng bảo đảm rằng, cuộc tấn công Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng, có giới hạn và đạt hiệu quả cao.

Dĩ nhiên là Nhà Trắng sẽ đồng ý và Trung Quốc đã nhận được những cam kết giúp đỡ của Washington trong việc theo dõi động tĩnh quân sự của Liên Xô và Việt Nam, đồng thời sẽ không lên án và sẽ ngăn chặn các nghị quyết phản đối Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc.

Giới chức Mỹ sau đó đã khuyến cáo Liên Xô chớ có can thiệp sâu vào mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối đầu với cả Mỹ và Trung Quốc, mà ảnh hưởng trực tiếp là các Hiệp định mà 2 nước có thể sẽ ký kết ngay sau đó, ví dụ như Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (SALT).

Sau khi thăm thêm một số bang của Mỹ, trên đường từ Mỹ về nước, Đặng Tiểu Bình còn ghé Tokyo lần nữa để vận động sự ủng hộ của Nhật.

Những hành động ngoại giao với mật độ dày đặc của Bắc Kinh đã đạt được hiệu quả mong muốn là tìm được sự ủng hộ của Mỹ và sự im lặng của một số nước, trước cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Như vậy là trong tháng 01/1979, Bắc Kinh cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ nước ta, với sự tham gia của hơn 600.000 quân và hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, hàng vạn khẩu pháo lớn nhỏ, nhưng lại luôn mồm la làng rất tội nghiệp là “Trung Quốc bị Việt Nam xâm lược nên mới phải giáng trả!”.

Đến tháng 02/1979, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn thời cơ và quyết định mở cuộc tiến công xâm lược vào toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam vào ngày 17/02. Những diễn biến tiếp theo trong tháng 2 sẽ được chúng ta tìm hiểu trong kỳ sau.

RELATED ARTICLES

Tin mới