Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển...

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông: Tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam

Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) và thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hoạt động của Mỹ đã góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, song nó cũng có tác động, ảnh hưởng nhất định đối với Việt Nam.

Quan điểm của Mỹ về FONOP

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ luôn phản đối các tuyên bố chủ quyền, hành động gây hấn và phát triển quân sự của Trung Quốc. Thái độ của Mỹ về tranh chấp tại Biển Đông tương đối nhất quán: Trung lập trong tranh chấp về chủ quyền và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải; phản đối các hành động bá chiếm, tự phân định ranh giới các vùng biển; kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối việc đe doạn sử dụng hoặc sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào, phản đối bất kỳ sự can thiệp trái phép nào vào các hoạt động kinh tế; kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN tuân theo tinh thần của tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC) và tự kiềm chế.

Tuy nhiên, trước những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như quân sự hóa, cải tạo phi pháp các đảo nhân tạo, khiến Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn hơn và có những biện pháp kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực Biển Đông, tiến hành tập trậ với các nước trong khu vực. Giai đoạn hiện nay Mỹ thường: (1) Ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) Tiếp tục đảm bảo sự hiện diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng; (3) Giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên ngoài bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (4) Đẩy mạnh các hoạt động FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mỹ liên tục tiến hành FONOP ở Biển Đông thời gian qua

Mỹ liên tục cử tàu chiến tuần tra FONOP ở Biển Đông: (1) Tháng 12/2017, Mỹ đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra FONOP tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (2) Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”. (3) Ngày 24/3/2018, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành FONOP trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (4) Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (5) Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. (6) Ngày 30/9/2018, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra FONOP và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. (7) Ngày 29/11/2018, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành FONOP tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. (8) Ngày 7/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc.

Mỹ cũng liên tục cử máy báy ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông:(1) Ngày 27/4/2018, Không quân Mỹ điều máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, sau đó bay tới gần Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. (2) Ngày 19/5/2018, Mỹ cử máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì bị Trung Quốc cử máy báy chiến đấu áp sát, gây nguy hiểm cho máy báy và phi công của Mỹ. (3) Tháng 6/2018/2018, Mỹ tiếp tục điều 02 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những máy bay đồn trú ở Guam và tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương. Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. (4) Ngày 01/8/2018, Mỹ điều 02 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. (5) Ngày 03/8/2018, Mỹ triển khai các máy bay B-52H thực hiện những chuyến bay diễn tập và huấn luyện ở Biển Đông trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế. (6) Ngày 27/8/2018, Mỹ điều hai máy bay B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ngày 30/8/2018, Mỹ tiếp tục điều hai máy bay B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông. (7) Mỹ (23/9/2018 và 27/9/2018) liên tiếp điều 04 máy bay B-52H qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. (8) Ngày 16/10/2018, Không quân Mỹ điều hai chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. (9) Ngày 19/11/2018, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52H tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông.

Trung Quốc liên tục có các phản ứng ngang ngược về FONOP của Mỹ ở Biển Đông

Trước các động thái trên của Mỹ và đồng minh, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “không một tàu hay máy bay quân sự nào có thể khiến Trung Quốc lung lạc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ”. Trong khi báo chí, truyền thông Trung Quốc ra sức chỉ trích việc Mỹ và đồng minh điều máy bay đến Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng “Mỹ đang nỗ lực gia tăng sức ép trong vấn đề thương mại với Trung Quốc bằng việc triển khai các máy báy ném bom B-52 tới Biển Đông”. Tuy nhiên, điều đó không thể làm thay đổi thực tế rằng máy bay Mỹ vẫn đang hoạt động bình thường ở Biển Đông: (1) Bộ Quốc phòng Trung Quốc (27/5) cũng ra một thông cáo ngắn, ngang nhiên cho rằng việc Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động “khiêu khích”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố “phản đối quyết liệt” việc Mỹ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng lớn tiếng yêu cầu Mỹ “dừng ngay những hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh Trung Quốc”. (2) Hải quân Trung Quốc (30/9) điều tàu khu trục Type 052C lớp Lữ Dương theo dõi, áp sát và liên tục phát ra yêu cầu tàu USS Decatur của Mỹ phải rời khu vực 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Côlin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Sau đó, tàu chiến Trung Quốc đã chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41 m, buộc khu trục hạm Decatur đổi hướng để tránh va chạm. Vẫn như thường lệ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ra tuyên bố ngang ngược khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này và tình hình Biển Đông đang tiến triển tốt nhờ nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo Bộ này “phía Mỹ liên tục đưa tàu quân sự trái phép vào vùng nước gần các đảo Nam Hải, đe dọa nghiêm trọng an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Trung – Mỹ và gây hại nghiêm trọng cho an ninh và sự ổn định của khu vực”; đồng thơig tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”. (3) Tại cuộc họp báo sau Đối thoại Ngoại giao An ninh Mỹ Trung thường niên diễn ra vào tháng 11/2018, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì còn kêu gọi Mỹ ngưng đưa tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có “quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết trên những nơi được cho là lãnh thổ của Trung Quốc”. (4) Chuyên gia quân sự Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi tấn công tàu Mỹ. Hồi đầu tháng 12/2018, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc trích lời ông Đái Húc, Đại tá không quân, Viện trưởng Viện an toàn hàng hải và hợp tác của Trung Quốc, nói rằng nếu tàu chiến Mỹ cứ tiếp tục đi vào lãnh hải Trung Quốc, thì Trung Quốc nên gửi hai tàu chiến đến vùng lãnh hải đó, một chiếc để chặn tàu Mỹ, còn chiếc kia sẽ đâm vào tàu của Mỹ.

Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông có tác động nhất định đối với Việt Nam

Những hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế là đã giúp ích cho Việt Nam trong đối đầu Việt – Trung liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, trong bài viết được đăng trên blog cá nhân hôm 5/12/2018 nhận định có ba lợi thế mà Việt Nam có được từ các hoạt động FONOP của Mỹ: (1) Chương trình FONOP của Mỹ duy trì thách thức về mặt pháp lý đối với các đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không hợp lý của Trung Quốc…. (2) Chương trình FONOP giúp duy trì cân bằng lỏng của cường quốc biển tại Biển Đông vì các tuần tra của Hải quân Mỹ cho thấy sự hiện diện và là biểu tượng hiện hữu là Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông. (3) FONOP chuyển sự chú ý từ đối đầu Việt Trung trong trung tâm xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào đối đầu Trung – Mỹ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Philippines thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông, chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc để đối lấy viện trợ kinh tế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động và có phần cô lập khi đấu tranh chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch FONOP sẽ là “mồi lửa” hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông không có mấy tác dụng trong việc ngăn chặn Trung Quốc trong việc quân sự hóa khu vực Biển Đông, mà chỉ có tính thách thức về mặt pháp lý. Nói cho cùng ngay cả các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng xác nhận là không có cách nào ngăn cản và dẹp bỏ các cơ sở quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông trừ khi xảy ra chiến tranh mà cuộc chiến tranh đấy chắc cả Mỹ và Trung Quốc mong muốn điều đó.

Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nữa nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới