Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế biển Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ...

Kinh tế biển Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển với lợi thế về địa – chính trị, địa – kinh tế khi nằm trên bờ Biển Đông, nơi tuyến hàng hải sôi động của thế giới chạy qua, có biển, vùng bờ biển và hải đảo phong phú tài nguyên. Để kinh tế biển phát triển, Việt Nam cần phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế so sánh cũng như bảo đảm an toàn cho môi trường sinh thái.

Tiềm năng và lợi thế

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.

Xét về vị thế, vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hiện nay là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới. Trong lịch sử và cho đến tận bây giờ, đây vẫn là con đường huyết mạch nối liền đông bán cầu và tây bán cầu. Việt Nam cũng nằm tại khu vực có nhiều nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay, như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á khác. Vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển… Tài nguyên vị thế trên vùng biển Việt Nam còn thể hiện ở giá trị sử dụng của không gian biển. Với vị trí thuận lợi cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi để phát triển các khu kinh tế. Không gian mặt nước và các bãi bồi ven biển cũng rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản, đặc biệt là các hải sản có giá trị kinh tế cao.”

Ngoài giá trị về vị thế, vùng biển Việt Nam còn có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, trong đó giá trị lớn là dầu khí, nguồn lợi thủy sản… Theo các số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có tên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu. Ngoài ra còn có hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Bờ biển Việt Nam cũng có nhiều vũng, vịnh sâu kín gió, rất thuận lợi để làm cảng biển. 

Với đường bờ biển dài và hơn 3.000 hòn đảo, Việt Nam được thiên nhiên ban phú cho nhiều bãi tắm đẹp, có giá trị nghỉ dưỡng cao. Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp nhất của thế giới như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, đặc biệt, vịnh Hạ Long với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Điều này tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam phát triển du lịch biển.

Động lực tăng trưởng từ các địa phương ven biển

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm qua (2008-2017), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 6%/năm). Năm 2017, GRDP của các địa phương ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân cả nước đạt 53,5 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GRDP bình quân đầu người đạt cao như Bà Rịa-Vũng Tàu (đạt hơn 225 triệu đồng), Quảng Ninh (đạt hơn 90 triệu đồng), Đà Nẵng (đạt hơn 70 triệu đồng).

Một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; các hệ thống giao thông của các địa phương ven biển (đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, cảng cá…) đều được phát triển.

Các địa phương ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Ven biển cả nước phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (4-5 sao) ở hầu hết các địa phương ven biển. Phát triển một số trung tâm du lịch biển có tầm trong khu vực, như: Vân Đồn, Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc… thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm. Du lịch biển, đảo hiện đóng góp khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm của ngành du lịch cả nước.

Các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ có tác dụng tích cực. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm tăng nhanh và liên tục, từ năm 2006 đến 2017, sản lượng tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,2 triệu tấn. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đến nay, có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU…).  

Hiện cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển gần 845.000ha. Đến cuối năm 2017, các khu kinh tế ven biển đã thu hút hơn 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 45,5 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 26,5 tỷ USD và 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 323,6 nghìn tỷ đồng. Một số khu kinh tế như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất… thu hút được những dự án đầu tư lớn, có vai trò quan trọng tăng cường năng lực sản xuất ngành công nghiệp cả nước, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy nhiều ngành khác phát triển. Trong năm 2017, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 14,3 tỷ USD, xuất khẩu hơn 7,2 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng.

Hệ thống cảng biển được xây dựng phát triển cả về quy mô, số lượng và mật độ tại các vùng ven biển. Đến nay, cả nước có 45 cảng biển gồm 3 cảng cửa ngõ quốc tế, trung chuyển quốc tế (Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Vân Phong), 11 cảng đầu mối khu vực, 17 cảng tổng hợp địa phương, ngoài ra có hệ thống cảng chuyên dùng cho các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế; tổng số có 241 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế đạt 534,7 triệu tấn/năm; có hơn 10 cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn 20.000DWT đến hơn 40.000DWT. Đang xây dựng cảng biển, cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) có khả năng tiếp nhận tàu container, tàu hàng tổng hợp đến 50.000DWT đầy tải và tàu 100.000DWT giảm tải.

Đời sống, mức sống của nhân dân vùng ven biển và trên các đảo được cải thiện, nâng lên rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Từ năm 2006 đến 2016, thu nhập bình quân đầu người/tháng ở các địa phương ven biển tăng lên gấp 4,8 lần; năm 2016 đạt 3,035 triệu đồng/người/tháng (mức trung bình cả nước là 3,049 triệu đồng/người/tháng). Giai đoạn 2011-2016, các tỉnh, thành phố ven biển đã giải quyết việc làm cho khoảng 4,67 triệu lao động, chiếm 49,73% tổng số việc làm tạo ra của cả nước.  

Kinh tế biển Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỉ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 – 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20 – 22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp.

Điều đáng lo ngại là việc phát triển kinh tế biển đã gây ra những suy thoái rất mạnh mẽ tới môi trường và các nguồn tài nguyên biển. Phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức, chủ yếu là do chủ quan. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa có quy hoạch sử dụng biển cũng như quy hoạch tổng thể sử dụng vùng bờ biển theo quan điểm quản lý tổng hợp. Điều đó dẫn tới nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn, hệ rạn san hô, thảm thực vật biển bị phá hoại và suy thoái nghiêm trọng. Nhận thức của ngư dân còn thấp nên còn đánh bắt cá trái phép, thậm chí đánh bắt hủy diệt tại các vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng điển hình là vụ xả nước thải trái phép ra biển của Công ty Hưng Nghiệp (Fomosa) tại Hà Tĩnh, đã gây ra những hậu quả rất lớn tới môi trường biển và kinh tế – xã hội tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, việc quản lý nhiều khu bảo tồn biển chưa hiệu quả nên chưa tạo nhiều thay đổi trong phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng ven biển còn dàn trải. Hệ thống chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, nhận thức về phát triển một cách hiệu quả, bền vững kinh tế biển của cán bộ và nhân dân chưa cao, khái niệm về nền kinh tế biển xanh hầu như chưa được hiểu và áp dụng thống nhất ở Việt Nam.

Hạn chế khi thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:

Nguyên nhân chính của những hạn chế là do 10 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng ven biển và đảo tăng nhưng lại chủ yếu cho các công trình hạ tầng, cho phúc lợi xã hội hạn chế; khả năng đầu tư của ngoài nhà nước rất hạn chế. Bên cạnh đó, xuất phát điểm sinh kế và thu nhập của người dân ven biển, đảo rất thấp so với mức trung bình cả nước, cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; vẫn còn có những quan niệm khác nhau về kinh tế biển; chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển-ven biển-đảo.

Thứ hai, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế (đại dương), trong khi Đảng ta đã thừa nhận luận điểm của thời đại – “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” trong Chiến lược biển 2020. Theo các tính toán, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển (huyện, thị ven biển) Việt Nam năm 2005 bình quân đạt khoảng 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 22% tổng GDP cả nước. Trong các năm 2010-2017, GDP của kinh tế biển và ven biển có chiều hướng giảm (năm 2010 khoảng 40,73%, năm 2015 – 32,55% và 2017 – khoảng 30,19%); GDP của kinh tế thuần biển cũng giảm dần xuống 17% (2013), 13% (2017) và khả năng năm 2018 còn tiếp tục xuống thấp. Công tác quy hoạch không gian biển, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp, chưa góp phần tạo ra liên kết vùng trong phát triển: giữa các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp và sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hội chứng phát triển “tràn lan” các khu kinh tế ven biển đang hiện hữu ở nước ta, khiến cho đầu tư dàn trải, khó có thể tạo ra ‘đột phá’ trong phát triển. Trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu”, chưa thực sự áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển; thể chế chưa rõ ràng, chưa tôn trọng ‘tính phổ quát’ của luật các khu kinh tế “mở”. Chỉ tiêu về GDP của kinh tế biển – ven biển và GDP kinh tế ‘thuần biển’ không đạt mục tiêu của chiến lược đặt ra, chủ yếu liên quan tới diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã cản trở đáng kể các hoạt động sản xuất trên biển. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển chưa đúng tầm đối với yêu cầu của nhiệm vụ; thiếu các thực hành tốt để nhân rộng trong các lĩnh vực kinh tế biển then chốt. Kinh tế biển 10 năm qua vẫn dựa chủ yếu vào “kinh tế khai thác”, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển đang giảm sút nhanh chóng; chưa làm rõ quan niệm về kinh tế biển và kinh tế dựa vào biển nên còn lúng túng trong việc xác định các không gian kinh tế biển, tính liên kết của các ‘mảng’ không gian kinh tế biển – ven biển – đảo, cũng như việc theo dõi, thống kê và kiểm soát phát triển kinh tế biển.

Thứ ba, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, năng lực yếu kém; phân tán, nhiệm vụ chồng chéo và chỉ tập trung ở các thành phố lớn, chưa thực hiện đúng yêu cầu của chiến lược là cần thành lập ở các tỉnh/thành phố ven biển. Các hoạt động nghiên cứu biển chất lượng còn yếu, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển và biển ven bờ, đặc biệt chưa chú ý nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển, đặc biệt chưa chuẩn bị nguồn lực và trình độ công nghệ để sớm vươn ra đại đương – nơi quốc gia có biển và không có biển đều có quyền ra khai thác.

Thứ tư, tình hình khai thác, sử dụng biển và đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển, đảo, gây lãng phí lớn tài nguyên biển. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận ‘nóng’ trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến tổng sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.

Thứ năm, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị ‘đầu độc’ liên quan tới các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt và du lịch dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng; ô nhiễm xyanua liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản; hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn liên quan tới “nhân độc tố kẽm” trong thành phần của sơn chống hà bám tàu thuyền. Đây là sức ép lớn lên môi trường và tài nguyên biển nước ta.

Thứ sáu, đa dạng sinh học biển – đầu vào của các hoạt động kinh tế dựa vào bảo tồn, như kinh tế thủy sản, du lịch biển và nguồn lợi thuỷ hải sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển – ven biển khác. Trong vùng biển nước ta đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%, trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ). Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,32 tấn/CV/năm (2015). Khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và nếu không được khắc phục sẽ gây ra hiệu ứng domino, không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân, kinh tế ngành thủy sản mà còn ảnh ảnh hưởng đến khả năng ‘hiện diện dân sự’ trên biển.

Thứ bảy, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển; chính sách và pháp luật về quản lý biển thiếu đồng bộ; trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Sự tham gia của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu/sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển…chậm được triển khai để thực hiện chủ trương ‘kinh tế hóa’ trong lĩnh vực quản lý biển và tài nguyên biển.

Thứ tám, công tác quốc phòng, an ninh trên biển còn có mặt hạn chế. Khả năng phối hợp giữa các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp, tạo thế trận liên hoàn trên biển để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông; để quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần tiếp tục tăng cường một cách hiệu quả.

Thứ chín, đời sống của người dân ven biển và trên đảo, người lao động trên biển còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tăng (năm 2014 có 320 xã bãi ngang nghèo trong khi năm 2004 chỉ có 157 xã bãi ngang nghèo), không đáp ứng chỉ tiêu của Chiến lược biển 2020. Thu nhập bình quân đầu người của 28 tỉnh, thành phố trung ương ven biển tăng gấp 4,84 lần trong các năm 2007-2016, cao hơn mức tăng trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, số thu nhập tuyệt đối bình quân của người dân vẫn thấp hơn trung bình cả nước.

Việt Nam phải làm gì để làm chủ biển, đảo, phát triển kinh tế biển

Hiện nay, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới. Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày một nặng nề hơn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển, định hướng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và an ninh biển đảo, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Trong đó, chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. 

Trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chúng ta cần phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển vùng nội địa. Việc làm rõ nội hàm kinh tế biển theo nghĩa rộng, bao gồm kinh tế biển (ocean economy), kinh tế dựa vào biển (ocean-based economy), như kinh tế đảo và kinh tế ven biển là cần thiết để từ đó cụ thể hóa định hướng chiến lược và sự liên kết trong phát triển các mảng không gian kinh tế biển: kinh tế ven biển (huyện, thị ven biển), kinh tế đảo, kinh tế biển và kinh tế đại dương.

Trong những năm tới, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển. Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiện toàn hệ thống khoa học công nghệ biển toàn quốc, hình thành đơn vị chuyên trách về điều tra cơ bản với các trang thiết bị hiện đại, nằm ven biển, bao gồm nhiệm vụ xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống dữ liệu biển quốc gia. Khoa học – công nghệ sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để từng bước chuyển sang nền kinh tế biển “xanh lam”. 

Quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, để bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường, ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra cho người, tài nguyên và môi trường biển, lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng. Đồng thời chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển, đảo, đề xuất giải pháp thích ứng, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển, hải đảo. Đưa các khuyến nghị về môi trường, tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiểm soát, quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đã bị suy thoái gắn với bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,… đang giảm sút. 

Tất cả phải được thực hiện song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đúng vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường và xây dựng “thương hiệu biển Việt Nam”. 

Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia đại dương với tầm nhìn xa hơn phù hợp với tiềm lực kinh tế của đất nước, là đối tác bình đẳng với mọi quốc gia khác trên khắp các đại dương vì lợi ích của dân tộc, quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới