Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngCanada điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông thách thức yêu...

Canada điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông thách thức yêu sách “chủ quyền” phi pháp của TQ

Tờ The Times Colonist cho biết, ba tàu hải quân hoàng gia Canada gồm tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix ngày 6/2 đã rời cảng Esquimalt ở tỉnh bang British Columbia để tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Tàu hộ tống HMCS Regina

Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương cho biết, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina sẽ đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. Việc Canada điều tàu Regina tuần tra ở Biển Đông chứng tỏ sự quan tâm của Canada tại châu Á-Thái Bình Dương và nước này sẵn sàng ủng hộ các đồng minh, đối tác tại đây. “Canada hoạt động theo luật quốc tế tại những vùng biển tranh chấp như cách mà chúng tôi vẫn thường làm. Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những hoạt động quân sự thường lệ tại các vùng biển quốc tế”, chuẩn đô đốc Auchterlonie khẳng định.

Được biết, trong những năm gần đây, Canada đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông. Trước đây, để không làm ảnh hưởng quan hệ song phương với Trung Quốc, Canada thường hạn chế can thiệp và đưa ra những tuyên bố cụ thể về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo (phi pháp) và tiến hành quân sự hóa trên các thực thể này, Canada đã tích cực can dự và thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Tư lệnh Blair Saltel, chỉ huy tàu hộ vệ HMCS Calgary của Canada (8/11/2018) cho biết Canada đã triển khai chiến hạm HMCS Calgary đến Tây Thái Bình Dương để tập trận chống tàu ngầm chung với Nhật Bản và Mỹ. Hiện tàu Calgary neo đậu tại một căn cứ hải quân gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng với tàu cung ứng Asterix. Cả 2 tàu này đều rời khỏi Canada từ tháng Bảy để tham gia sứ mệnh đi qua biển Hoa Đông tới Australia và tiến vào Biển Đông. Trước khi trở về Canada, tàu hộ vệ HMCS Calgary sẽ tới Sasebo, phía Tây Nhật Bản để tham gia thêm một đợt tập trận chiến tranh chống ngầm mới. Theo Đại tá Blair Saltel, Canada hy vọng mỗi năm có thể triển khai 1 hoặc 2 tàu chiến tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với nhiều đồng minh khác nhau trong khu vực Biển Đông.

Không những vậy, Thượng viện Canada (24/4/2018) đã thông qua bản kiến nghị của nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Ngoài ra, kiến nghị này còn kêu gọi chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực, yêu cầu các nước tìm giải pháp hòa bình và tôn trọng những phán quyết của cơ quan phân xử quốc tế. Thượng nghị sĩ Bảo thủ Thanh Hai Ngo tuyên bố bằng cách thông qua bản kiến nghị, thượng viện Canada đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng hành vi của quốc gia này trên Biển Đông là không thể chấp nhận và Thượng viện Canada cũng thúc giục Chính phủ đóng vai trò nguyên tắc đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong giai đoạn hiện nay.

Đáng chú ý, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết liên quan vị kiện của Philippines ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphan Dion (22/7/2016) tuyên bố Canada tin rằng các bên cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, dù có đồng tình với quyết định đó hay không; nhắc lại cam kết của Canada luôn hướng tới “duy trì luật pháp quốc tế và nỗ lực cho một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế đối với các vấn đề tranh chấp trên biển”; đồng thời thể hiện quan ngại sâu sắc về những căng thẳng trong khu vực đã bị đẩy lên trong những năm qua và có nguy cơ hủy hoại hòa bình và ổn định trong khu vưc. Ông Dion khẳng định và cho biết thêm rằng “điều quan trọng nhất là tất cả các nước cần kiềm chế, tránh ép buộc và có những hành động gây gia tăng căng thẳng”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan có thái độ hòa dịu hơn khi không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, cho rằng Canada không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhận địn có những cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và đưa ra những quyết định trong khuôn khổ luật pháp và các bên cần phải tôn trọng những quyết định đó.

Canada có thái độ cứng rắn trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là do: Khu vực Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan vấn đề tự do hàng hải trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không được giải quyết và khi xảy ra xung đột quân sự trong khu vực nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước. Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và cũng là một thành viên của TPP (Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy, vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của Canada. Không những vậy, Trung Quốc tiến hành các hoạt động đơn phương ở Biển Đông là vi phạm các quy định luật pháp quốc tế, Canada có trách nhiệm thông qua các hành động của mình để cảnh báo các nước trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể là ngơ trước thực các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc và bị Trung Quốc lấn lướt. Vì vậy, Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, chuyên gia Dave Beitelman (Đại học Dalhousie) cho biết, Chính phủ Canada coi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên hợp tác trọng điểm do có nhiều nền kinh tế đang nổi, trong đó Trung Quốc rõ ràng giữ vị trí quan trọng nhất. Không chỉ về kinh tế, Canada cũng đang tìm kiếm tư cách thành viên trong các thể chế có chức năng kiến tạo cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Do vậy, Canada cần phải thay đổi chính sách “giữ im lặng” của mình trong vấn đề Biển Đông. Ottawa cần lên tiếng trước những thách thức nổi lên đang đe dọa ổn định ở khu vực, nơi Canada sắp có những lợi ích kinh tế và chiến lược to lớn. Những quan ngại trước đây cho rằng Canada không có lợi ích chiến lược thực sự ở Biển Đông, Canada không nên làm mếch lòng Trung Quốc (đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ), hay Ottawa không có đủ năng lực thay đổi hành vi của Bắc Kinh… nên được xem xét lại. Trên thực tế, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương mang lại cho Canada những lợi ích cũng nhiều như như ổn định ở Đông Âu, nếu không muốn nói còn nhiều hơn. Vì thế, sự trỗi dậy của Bắc Kinh, ở chừng mực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Canada. Trong bối cảnh đó, Canada cần mạnh mẽ thể hiện rõ quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng đang đe dọa ổn định ở một trong những vùng biển trọng yếu nhất của thế giới. Canada không nên quá né tranh nếu thực sự muốn trở thành một quốc gia bảo vệ chuẩn mực đạo đức chung và có niềm tin trách nhiệm như chính học thuyết giao giao mới của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới