Thursday, April 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiAnh tái khẳng định cam kết điều tàu sân bay tuần tra...

Anh tái khẳng định cam kết điều tàu sân bay tuần tra Biển Đông trong năm 2019

Trong bài phát biểu ngày 11/2 về chiến lược quân sự mới tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết London sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth

Theo đó, ông Williamson nói rằng Anh là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong khu vực trên và họ phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, tàu sân bay 4 tỷ USD của Anh cũng sẽ được điều tới Trung Đông và Địa Trung Hải và sẽ triển khai phối hợp với đồng minh Mỹ. “Các máy bay F-35 của Anh và Mỹ sẽ cùng thực hiện nhiệm vụ chung trên tàu sân bay. Điều này giúp tăng cường sự giao lưu cũng như gia tăng sức mạnh sát thương của lực lượng 2 nước, đồng thời củng cố thực tế rằng Mỹ vẫn là đối tác gần gũi nhất với Anh”, ông Williamson phát biểu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh không đưa ra thời điểm chính xác mà họ sẽ thực hiện nhiệm vụ trên.

Cũng trong bài phát biểu, ông Williamson đã công bố hàng loạt các chi tiết mới trong chiến lược quân sự mới của Anh, nhằm vào việc nâng cao vai trò London trên trường quốc tế trong bối cảnh họ sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới. Quan chức này đã tiết lộ về các phi đội máy bay không người lái  (UAV) tác chiến theo chiến thuật bầy đàn nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không đối thủ. Ông tiết lộ, những UAV này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019. Ông Williamson khẳng định Anh cần một lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn để thực thi quyền lực của họ và chống lại những thế lực “phớt lờ luật pháp quốc tế”.

Ngay từ năm 2017, Ngoại trưởng Anh Vladimir Johnson đã nói rằng, tàu sân bay HMS Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi nó được triển khai. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh lần đầu tiên ra khơi thử nghiệm ngày 27/6/2017. Tải trọng tàu khoảng 65.000 tấn, dài 280m và có khả năng mang 36 máy bay F-35B Lightning và 14 trực thăng.

Báo Anh Daily Express dẫn lời nguồn tin quân sự nước này nói rằng tàu sân bay mới của Anh HMS Queen Elizabeth sẵn sàng trở thành trung tâm của một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia nhằm thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông. Thông tin được đưa ra sau khi có báo cáo mới của tổ chức tư vấn chính sách Henry Jackson Society về kế hoạch 7 điểm nhằm bảo đảm Trung Quốc không thể kiểm soát tuyến thương mại hàng hải quan trọng ở Biển Đông. Kế hoạch 7 điểm còn đề xuất thành lập lực lượng NATO trên Thái Bình Dương nhằm “ngăn cản các cuộc tấn công vào những nước nhỏ muốn duy trì pháp quyền trên biển”; đề xuất Hải quân Hoàng gia Anh thành lập căn cứ lâu dài ở Singapore và/hoặc Brunei, cũng như đầu tư cơ sở mới “để đối phó các hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận ngày càng phức tạp của các đối thủ tiềm năng”.

Anh có lợi ích sống còn ở Biển Đông

Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Anh liên tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán trong việc ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và kiên quyết bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật quốc tế và quân sự hóa trong khu vực.

Ngoài ra, Anh cũng là nước có lợi ích thiết thực, mang tính sống còn ở khu vực Biển Đông. Về kinh tế, hơn 12% thương mại của Anh, tương đương 92 tỷ bảng, đi qua biển Đông mỗi năm. Về chính trị, các nước đồng minh của Anh (Mỹ, Australia, Nhật Bản…) đều có lợi ích ở Biển Đông.

Một số hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Anh ở Biển Đông

Anh đã nhiều lần tuyên bố ý định tăng cường hoạt động tại Biển Đông và thực tế cũng đã triển khai một số hoạt động chung với hải quân Mỹ. Trong tháng 1/2019, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tập trận chung với tàu khu trục USS McCampbell trong 6 ngày ở Biển Đông, sau khi chiến hạm này tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ven Biển Đông, có thể ở Brunei hoặc Singapore, để hiện diện lâu dài hơn ở Tây Thái Bình Dương. Tháng 8/2018, hải quân Anh cũng điều tàu vận tải đổ bộ HMS Albion tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa. Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion (31/8) do Đại tá Hải quân Tim Neild chỉ huy đã đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc. Tàu hải quân Hoàng gia HSM Albion là loại tàu tấn công đổ bộ, dài 176 m, rộng 28,9 m, có tải trọng gần 18,8 tấn, đoàn thuỷ thủ trên tàu gồm 353 người, ngoài ra còn một đơn vị thuỷ quân lục chiến với tổng số 202 người.

Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử một số tàu chiến như tàu hộ vệ HMS Sutherland F81, tàu hộ vệ FS Surcouf (F-711), tàu chiến HMS Sutherland… tuần tra ở Biển Đông. Trong năm 2016, Anh cũng điều 4 phi cơ Typhoon bay qua Biển Đông nhằm tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Phản ứng, dư luận liên quan

Phản ứng trước hoạt động tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”. Trong khi phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định tàu chiến của Anh thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các luật và thông lệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” và bày tỏ “thái độ không hài lòng”, thậm chí còn gọi đây là “hành động khiêu khích”.

Giới truyền thông nhận định, việc tàu Anh tăng cường tuần tra ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng kiểm soát và tiến hành những hoạt động phi pháp tại vùng biển chiến lược này, trong khi Mỹ kêu gọi quốc tế can thiệp nhiều hơn vào những hành động đó. Anh và Mỹ đều thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, nhưng tới nay vẫn chưa khiến Trung Quốc từ bỏ các hoạt động trái phép trên Biển Đông, bao gồm cải tạo các đảo và rạn san hô, xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và hệ thống tên lửa.

Trong khi đó, Ian Storey, nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore cho biết: “Các hành động của Anh sẽ làm hài lòng Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã than phiền rằng các đồng minh xao nhãng việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc sẽ không hài lòng vì động thái này có thể thúc đẩy các đồng minh khác của Mỹ thực hiện những hành động tương tự”.

Vương Nghĩa Ngôi, giáo sư quan hệ quốc tế của đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói các hoạt động của Anh sẽ khác Mỹ, cho dù Anh là đồng minh chủ chốt của Mỹ; phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Williamson có thể hơn một hành động giữ thể diện khi nước Anh đang vật lộn với các vấn đề tương lai, đặc biệt là chuyện ra khỏi EU. Theo ông Vương Nghĩa Ngôi, động cơ chính của các chính trị gia Anh là cứu rỗi sự tự tin vốn đã bị hủy hoại về tiền đồ của quốc gia hậu Brexit… vốn gây ra tình trạng bất trắc lớn.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương, chính sách tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, đồng thời ủng hộ hoạt động hợp pháp của các nước khi tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới