Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/02/2019.

ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông

Ngày 16/2, Bộ Ngoại giao Thái Lan ra thông cáo báo chí cho biết, nhận lời mời của Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Thái Lan từ ngày 15 – 16/2. Hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông. Liên quan đến việc ASEAN và Trung Quốc thảo luận về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hai Ngoại trưởng hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được, nhất là việc đàm phán về dự thảo đơn nhất của COC. Bên cạnh đó, hai Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác cùng thắng ở Biển Đông, như hoạt động bảo vệ môi trường biển. Tại cuộc gặp, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trấn an người đồng cấp Thái Lan rằng, giống như các nước thành viên Công ước Luật Biển 1982, chính sách của Trung Quốc là bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trung Quốc đã kiên trì chính sách trên trong nhiều năm và sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai. Đồng thời, ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các bên tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Theo China Daily ngày 16/2, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hoan nghênh tầm nhìn của Trung Quốc về việc kết thúc đàm phán COC trong vòng 3 năm. Thái Lan với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2019 sẵn sàng chung tay cùng các nước ASEAN, thúc đẩy tiến độ và chất lượng các cuộc đàm phán với mục tiêu mà Trung Quốc đã đề ra. Ngoại trưởng Don Pramudwinai cho rằng, việc sớm đạt được COC phù hợp với thực tiễn khu vực và ràng buộc các nước sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực và cộng đồng quốc tế. Hai Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh các nước liên quan cần tiếp tục giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đàm phán và đối thoại hữu nghị.

Đàm phán về COC sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2019

Ngày 16/2, The Straits Times đưa tin, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Nhắc lại các kết quả đã đạt được giữa các nước ASEAN và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông như việc đạt Bộ khung COC vào cuối năm 2017, bắt đầu tiến trình đàm phán nội dung COC từ tháng 3/2018, Trung Quốc đề xuất hoàn thành COC trong 3 năm, xây dựng Hướng dẫn tránh va chạm trên không,… Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng các hoạt động xây dựng lòng tin như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm, đồng thời xây dựng lòng tin giữa quân đội các nước. Với lưu ý rằng không quốc gia nào sẽ cố gắng đẩy Quân đội Trung Quốc (PLA) ra khỏi các cấu trúc mà nước này đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, Bộ trưởng Ng nghi ngờ về khả năng các căn cứ và cơ sở hạ tầng của PLA ở Biển Đông sẽ phát triển tương đương với Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (Indopacom) ở Hawaii. Kết luận, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng, để bảo đảm sự ổn định ở Biển Đông, ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận thực tế để xây dựng COC “nếu không ràng buộc thì cũng kiềm chế các hành vi”.

Mỹ đẩy mạnh tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để chống lại tham vọng của Trung Quốc

Ngày 16/2, tờ South China Morning Post đăng bài viết cho rằng Mỹ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc củng cố các yêu sách biển tại khu vực này. Các quan chức Mỹ đã tỏ dấu hiệu cho thấy Washington sẽ thúc đẩy các biện pháp chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có vẻ như Bắc Kinh sẽ không bị kiềm chế.

Theo thống kê, Mỹ đã tiến hành 2 hoạt động tự do hàng hải từ đầu năm 2019 đến nay, 5 lần trong năm 2018, 4 lần trong năm 2017, so với 4 lần trong năm 2015-2016. Các hoạt động này đều khiến Bắc Kinh tức giận, phải ra lời cảnh báo và cử tàu ra đuổi tàu chiến Mỹ, đôi lúc suýt xảy ra va chạm. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 16/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cũng tại diễn đàn này, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất cứ hành động nào xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới danh nghĩa tự do hàng hải.

Yue Gang, đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động tự do hàng hải và sẽ cử thêm nhiều tàu hải cảnh đến Biển Đông. Tuy nhiên, ông Gang cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ đã được kiềm chế bởi không bên nào muốn chiến tranh. Theo Collin Koh, nghiên cứu viên tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải có thể một trong những cách Mỹ thể hiện cam kết an ninh đối với chính phủ các nước trong khu vực, tuy nhiên các hoạt động này chỉ có tác động không đáng kể đối với các làn sóng chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh trải khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng sự hiện diện của quân đội nước ngoài, kể cả các hoạt động tự do hàng hải chung, làm cái cớ biện minh cho các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới