Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKỳ vọng và triển vọng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim...

Kỳ vọng và triển vọng kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2

Việc chấp nhận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội đã là một thành công mang tính đột phá mà ở đó, cả Mỹ và Triều Tiên sẽ ra về với những lợi ích riêng.

Trong Thông điệp liên bang tại Quốc hội Mỹ ngày 05/2/2019 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận sẽ gặp thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vào ngày 27-28/2/2019. 

Cộng đồng quốc tế đang dõi theo chi tiết từng chuyển động của các bên liên quan đối với cuộc gặp rất được mong đợi này.

Bài viết này sẽ cung cấp thêm một số nhận định về lợi ích của cả Mỹ và Triều Tiên khi hai nước đồng ý ngồi vào bàn thương lượng tới đây.

Với Mỹ

Chính trường Mỹ trong thời gian qua thực sự gặp rất nhiều vấn đề khi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chưa thể tìm được tiếng nói chung với các bên trong nhiều vấn đề như kinh phí xây dựng bức tường biên giới hay sự ra đi của các nhân vật cốt cán trong nội các (Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chánh văn phòng Nhà Trắng, Kerry). 

Bên cạnh đó, những lùm xùm xung quanh thông tin Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 vẫn chưa có hồi kết. 

Có thể nói, sau hai năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump chưa một ngày yên ổn với các vấn đề của nước Mỹ.

Vì vậy, Triều Tiên quả thực là một cơ hội để giúp ông Trump giải quyết các vấn đề hỗn loạn hiện nay.

Mặc dù các chuyên gia đều nhận định Triều Tiên không thể từ bỏ hạt nhân nhưng với kỹ năng của một nhà kinh doanh, Tổng thống Donald Trump có thể hiểu rõ Triều Tiên đang có ý định gì trong vấn đề này.

Một mặt, ông Trump coi Triều Tiên là quân bài của mình. Mặt khác, ông cho rằng chỉ cần Kim Jong-un có dấu hiệu dao động thì ông sẽ tìm mọi cách để gây sức ép, tìm kiếm lợi ích cho nước Mỹ.

Thực tế, Donald Trump đã làm được một việc mà chưa Tổng thống nào trước đó làm, đó là đàm phán để Triều Tiên đưa ra trình bày một cách rõ ràng về phương án “4 không” đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. 

Cụ thể là, không tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân; không tiến hành thử hạt nhân; không sử dụng và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, Triều Tiên thậm chí sẵn sàng cho phép Mỹ thanh sát một số cơ sở hạt nhân.

Đó có thể là lý do vì sao trong bài phát biểu Thông điệp liên bang vừa qua, Tổng thống Donald Trump tự hào nhấn mạnh rằng:

“Nếu như tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ, tôi cho rằng bây giờ chúng ta đang trong cuộc chiến tranh lớn với Triều Tiên khiến hàng triệu người có thể thiệt mạng”.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng nằm trong chiến lược để xử lý quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.

Đối với các vấn đề khác, có thể Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt lớn nhưng một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thì hai cường quốc lớn nhất thế giới này có sự hợp tác nhiều hơn là sự khác biệt.

Đối với Tổng thống Donald Trump, đàm phán Mỹ-Triều cũng là một hợp đồng giao dịch để đánh giá thái độ của Trung Quốc trong xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Đây là một yếu tố quan trọng mà Tổng thống Donald Trump phải kiên quyết thực hiện.

Với Triều Tiên

Năm 2018 được cho là một năm thành công về ngoại giao của Triều Tiên khi đã chủ động thể hiện sự hòa giải và tạo nên “mùa xuân trên bán đảo” giúp người dân Triều Tiên rất vui mừng. 

Tuy nhiên, thực tế là cộng đồng quốc tế vẫn không nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với nước này. 

Sự phát triển kinh tế mà Triều Tiên hy vọng nhận được từ Mỹ cũng chưa diễn ra. Kinh tế và cuộc sống của người dân Triều Tiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, thúc đẩy kinh tế phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Kim Jong-un. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đang trăn trở về việc làm thế nào để cải thiện cuộc sống của người dân, làm cho người dân tin tưởng tiến trình phi hạt nhân hóa ông đang theo đuổi là đúng đắn.

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh:AP).

Triều Tiên đang áp dụng các biện pháp mới đối với nông nghiệp và công nghiệp, đã ban hành “Luật quản lý kinh tế”. 

Mặc dù mới thực hiện nhưng về cơ bản hướng đi đó là đúng, giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và giúp người dân cảm nhận được sự cần thiết của việc thực hiện chính sách cởi mở hơn.

Tuy nhiên, ở một đất nước mà các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hóa chất đều bị trừng phạt nghiêm ngặt, việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước khó có thể đạt được bước nhảy vọt về chất.

Nếu không có nguồn lực bên ngoài đổ vào, phát triển kinh tế và dân sinh chỉ là câu nói đùa.

Theo đó, Kim Jong-un mong muốn đàm phán với Donald Trump để có được quân bài đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế. 

Kim Jong-un có lẽ đang nghĩ đến chiến lược sử dụng phát triển kinh tế xã hội và hợp tác trao đổi với các nước khác để cung cấp khái niệm an ninh rộng hơn cho mình.

An ninh không chỉ là sự đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều, mà chính sự phát triển tự thân của Triều Tiên và hợp tác với các nước bên ngoài mới có thể giúp đảm bảo an ninh bền vững.

Chắc chắn kỳ vọng về những kết quả tốt đẹp tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 là rất lớn. 

Dẫu sao, việc hai bên chấp nhận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội cuối tháng này đã là một thành công mang tính đột phá mà ở đó, cả Mỹ và Triều Tiên sẽ ra về với những lợi ích của riêng mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới